(Baothanhhoa.vn) - Đưa cán bộ huyện, xã về thôn, bản, cùng làm với bà con, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, tập tục lạc hậu, hướng dẫn trực tiếp cách thức sản xuất tiến bộ, tháo gỡ kịp thời các “nút thắt” tại cơ sở …, thông qua các mô hình “3+1”, ngày thứ năm hàng tuần về thôn, bản tại các huyện miền núi Quan Sơn, Như Xuân thời gian qua đã góp phần sửa đổi lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, khắc phục khâu yếu trong tổ chức thực hiện đưa nghị quyết vào cuộc sống, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo, xây dựng ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cán bộ về bản

Đưa cán bộ huyện, xã về thôn, bản, cùng làm với bà con, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, tập tục lạc hậu, hướng dẫn trực tiếp cách thức sản xuất tiến bộ, tháo gỡ kịp thời các “nút thắt” tại cơ sở …, thông qua các mô hình “3+1”, ngày thứ năm hàng tuần về thôn, bản tại các huyện miền núi Quan Sơn, Như Xuân thời gian qua đã góp phần sửa đổi lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, khắc phục khâu yếu trong tổ chức thực hiện đưa nghị quyết vào cuộc sống, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản vùng cao, miền Tây Thanh Hóa.

Đường về bản Hậu, xã Tam Lư.

“3+1” và sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Bước vào nhiệm kỳ 2015 – 2020, Huyện ủy Quan Sơn đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, về giảm nghèo nhanh và bền vững, về tăng cường công tác tư tưởng, nhanh chóng thay đổi tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu trong nhân dân… nhằm tạo sự đột phá.

Để khắc phục khâu yếu trong tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống, Ban Chấp hành (BCH), Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy đã đổi mới phương thức lãnh đạo, với phương châm bám cơ sở, phân công các ủy viên BCH, BTV và cán bộ chủ chốt các ban, phòng, ngành cấp huyện phụ trách từng xã, từng thôn, bản, thực hiện nghiêm chế độ đi cơ sở, cấp ủy viên dự sinh hoạt định kỳ với chi bộ thôn, bản.

Một trong những “nút thắt” được tháo gỡ, đó là từ năm 2017 Huyện ủy đã thí điểm triển khai mô hình “3+1”. “3+ 1” có nghĩa là cán bộ huyện, xã trong tháng có 3 tuần công tác ở công sở huyện, xã, và dành 1 tuần xuống thôn bản để cùng làm với nhân dân.

Là một trong những cán bộ huyện tăng cường về xã Trung Hạ theo mô hình “3+1”, anh Hà Văn Toản, Phó phòng nông nghiệp UBND huyện bộc bạch: Ban đầu cũng có chút lúng túng, nhưng rồi bản thân mình cũng phải sắp xếp công việc khoa học, gọn gàng để thực hiện.

Anh đã cùng các cán bộ xã, thôn, bản vận động bà con người Thái ở xã Trung Hạ thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ, biết trồng rau an toàn, nuôi bò bán chăn thả. Đến nay hầu như các hộ gia đình trong xã đều có vườn rau an toàn. Anh đã hướng dẫn, giúp đỡ 6 hộ gia đình hình thành nên mô hình nuôi bò theo nhóm hộ đầu tiên ở Trung Hạ, với hình thức bán chăn thả, quy mô 50 con.

Anh Hà Văn Toản (người thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn cho gia đình chị Vi Thị Hiên, ở bản Lang, xã Trung Hạ.

Để Đề án xây dựng mô hình trồng thâm canh và phục tráng rừng vầu của UBND huyện triển khai hiệu quả, anh Hà Văn Toản và các cán bộ huyện được tăng cường đã tham dự các buổi họp bản, sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền bà con không khai thác rừng vầu bừa bãi, áp dụng cách thức sản xuất mới.

Được sự vận động, giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật của anh Toản và các cán bộ huyện, xã, gia đình chị Lò Thị Lan ở bản Hậu là một trong những hộ đầu tiên của xã thực hiện thâm canh cây vầu, phục tráng rừng vầu.

Mô hình chăn nuôi theo nhóm hộ đầu tiên của xã Trung Hạ tại bản Lang.

Năm vừa qua nguồn thu từ vườn ươm 4.000 bầu vầu và 5 ha rừng vầu đã mang lại cho gia đình chị Lan khoảng 360 triệu đồng. Chị Lan cho biết: Hiện nay gia đình tôi đang được các cán bộ giúp đỡ trồng thử nghiệm cây sa nhân. Nếu thành công, sẽ có thêm nhiều bà con làm theo.

Không chỉ giúp đỡ bà con xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đồng chí Lữ Văn On - bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Hậu, xã Tam Lư cho biết: Các cán bộ huyện, xã được tăng cường về bản trong các lần cùng dự sinh hoạt, đã gợi ý giúp cho chi bộ có định hướng hàng tháng làm những gì. Cách thức tổ chức, nội dung các cuộc họp được xác định rõ ràng hơn, không còn chung chung như trước nữa. Qua đó đã giúp các chi bộ thôn, bản nâng cao năng lực lãnh đạo.

Một buổi sinh hoạt chi bộ bản Hậu, xã Tam Lư.

Đánh giá cao mô hình “3+1”, Chủ tịch UBND xã Tam Lư Vi Văn Piên cho rằng việc tăng cường cán bộ huyện về xã, thôn, bản thời gian qua đã giúp cho xã Tam Lư đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, trở thành xã dẫn đầu huyện về diện tích trồng vầu, thu hút các cơ sở chế biến lâm sản vào địa bàn. Đến nay toàn xã đã có 6/6 bản đạt chuẩn nông thôn mới, xã đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới. Với kết quả này, Tam Lư sẽ là xã đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới.

Đồng chí Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chu Đình Trọng cho biết: Cái được khi triển khai mô hình “3+1” là cán bộ gần dân hơn, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Việc thực hiện mô hình “3+1” được lượng hóa bằng các công việc cụ thể, có báo cáo, đánh giá về kết quả thực hiện, nên rất giúp ích cho công tác đánh giá cán bộ, từ đó lựa chọn được những cán bộ có năng lực thực sự để đưa vào quy hoạch, tạo nguồn cán bộ chủ chốt để bố trí cho địa phương, cơ sở.

Ngày thứ năm hàng tuần về thôn, bản giúp dân

Nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện Như Xuân đặt ra mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo. Cùng với tiếp tục triển khai các nghị quyết, đề án lớn về trồng rừng gỗ lớn, phát triển vùng cây có múi, ngay trong đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 03 NQ/HU về tiếp tục cải tạo vườn tạp gắn với phát triển cây ăn quả giai đoạn 2016 – 2020.

Anh Đoàn Đức Lưu, Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: Tinh thần thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy là triển khai cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang nhà cửa, rào dậu vườn tược, cải thiện cảnh quan xóm làng. Để tạo khí thế, từ năm 2016 UBND huyện đã phát động phong trào cán bộ huyện về thôn, bản giúp dân cải tạo vườn tạp. Đến đầu năm 2017, các Ban xây dựng đảng cùng với UBND huyện đồng loạt phát động phong trào thứ năm hàng tuần cán bộ huyện, cán bộ các xã, thị trấn xuống tận hộ dân hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân cải tạo vườn tạp. Từ đó việc cải tạo vườn tạp đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn toàn huyện.

Cán bộ, công chức huyện Như Xuân và xã Cát Vân giúp người dân thôn Vân Thành cải tạo vườn tạp.

Trong chuyến công tác về xã Cát Vân, chúng tôi được chứng kiến các cán bộ về thôn Vân Thành, giúp gia đình thương binh Lê Quảng Bình cải tạo vườn tạp. Trong một buổi sáng, gần 15 cán bộ, công chức huyện và xã chia thành 2 tốp, một tốp tập trung xây hố xử lý rác thải, tốp kia phát bụi rậm, cải tạo khu vườn tạp chừng 100 m2 để trồng các loại rau ăn hàng ngày cho gia chủ, đồng thời tư vấn cho vợ chồng bác Bình trồng một số loại cây ăn quả phù hợp.

Anh Trần Ngọc Chương, Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện cùng các cán bộ trung tâm tham gia cải tạo vườn tạp, cho biết: Cứ thứ 5 hàng tuần, trừ mưa gió, công việc đột xuất, các cán bộ của trung tâm chia thành 2, một nửa ở lại cơ quan làm các công việc thường nhật, một nửa về các xã giúp bà con hộ nghèo cải tạo vườn tạp. Những chuyến đi về cơ sở đã giúp chúng tôi thấy rõ hơn nghị quyết đang được đi vào cuộc sống như thế nào, có những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc gì, từ đó bổ sung cho các bài giảng, chương trình của trung tâm sát với thực tiễn hơn.

Theo Chủ tịch UBND xã Cát Vân Lê Văn Long: Khi cán bộ chủ động đến với bà con, giúp đỡ bà con, người dân sẽ cởi mở, bộc bạch những suy nghĩ của mình. Có những vụ việc mâu thuẫn về đất đai, khi xuống tận hộ, chúng tôi mới nắm được, thì đã tham gia hòa giải, giải thích cho các hộ hiểu đúng sự việc. Có những trường hợp cán bộ, công chức cư xử chưa đúng, được người dân phản ánh, chúng tôi đã gặp gỡ chấn chỉnh kịp thời. Có những chính sách cán bộ giải thích để bà con hiểu rõ hơn và thực hiện…Từ đó, tình cảm giữa cán bộ và dân gần gũi hơn, dân tin tưởng vào cán bộ, cấp ủy, chính quyền hơn. Kết quả của việc về thôn, bản giúp dân cũng được xem là căn cứ đánh giá thực hiện nhiệm vụ hàng tuần của các cán bộ, công chức.

Thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy, gắn với Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 đến nay toàn huyện đã cải tạo được trên 400 ha vườn tạp, xây dựng được 25 mô hình trồng trọt với tổng diện tích 68,5 ha tại 435 hộ gia đình; 8 mô hình trình diễn với 176 hộ tham gia; chỉnh trang trên 2.000 căn nhà; xây trên 2.000 hố xử lý rác thải sinh hoạt.. . Đến hết năm 2017 huyện có 4 xã, 36 thôn đạt chuẩn nông thôn mới (vượt mục tiêu đề ra). Đặc biệt, huyện Như Xuân đã được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018 – 2020 vào tháng 3-2018.

Khắc phục được khâu yếu trong tổ chức thực hiện

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn cho biết: Quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống có một số nút thắt trong khâu tổ chức thực hiện, nhiều khi vướng ngay ở cấp xã, lúng túng trong xây dựng kế hoạch. Vì vậy Ban Thường vụ Huyện ủy đã nghiên cứu, ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện mô hình “3+1” để đổi mới công tác chỉ đạo cơ sở và tổ chức thực hiện. Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm, từ tháng 4 – 2018 đã triển khai mô hình trên toàn huyện. Bước đầu cho thấy hiệu quả công việc rất rõ, điển hình như xã Tam Lư, lần này cách chỉ đạo của huyện đi thẳng được xuống đến với từng hộ dân, đã tạo nên chuyển biến rõ nét. Xã Tam Lư chắc chắn sẽ về đích nông thôn mới năm nay. Đó là sản phẩm rất cụ thể trong đổi mới công tác chỉ đạo mà mô hình “3+1” mang lại .

Trong hướng dẫn mô hình “3+1” đã phân công rõ ràng nhiệm vụ cho cán bộ xuống cơ sở phải làm gì, không để làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường ở cơ sở, không được phiền hà đến nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn dự sinh hoạt với chi bộ bản Hậu, xã Tam Lư.

Tuy đã đạt những hiệu quả bước đầu, song quá trình thực hiện mô hình thì còn những mặt hạn chế. Ví như một số cán bộ đi cơ sở chất lượng chưa được như mong muốn thì chúng tôi sẽ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện thêm. Hai là việc cụ thể hóa ở cấp xã, chỉ đạo từ xã xuống dân, các hộ dân phải làm sao đổi mới hơn nữa theo hướng sâu sát, có sản phẩm cụ thể. Năm tới chúng tôi sẽ tập trung công tác đổi mới chỉ đạo, gắn với đó là đổi mới hoạt động chi bộ, chất lượng sinh hoạt chi bộ ngay ở cơ sở, để phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên ngay ở cộng đồng dân cư, hướng dẫn nhân dân cùng nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Theo đồng chí Vũ Đức Soãn,Trưởng phòng huyện – cơ sở đảng Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Với mô hình “3+1” của Huyện ủy Quan Sơn, hay mô hình “ngày thứ năm hàng tuần” của Huyện ủy Như xuân, qua theo dõi, chúng tôi thấy đây là việc làm hết sức sáng tạo để hướng về cơ sở, nó cụ thể, gần dân, tạo được sự gắn kết bền vững giữa Đảng với dân, dân với chính quyền. Không những thế, điều quan trọng nhất ở đây, cấp ủy, chính quyền địa phương còn đã biết cách thức triển khai nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống rất sinh động, nó được đến với từng thôn, bản, từng người dân, như cơm ăn, nước uống hàng ngày cho đồng bào… Với mô hình này và cách làm của Huyện ủy Quan Sơn, Huyện ủy Như Xuân, bước đầu đã thực sự tạo được chuyển biến rõ nét trong nhận thức về cách hiểu, cách làm, đem lại hiệu quả cao trong đời sống của đồng bào vùng cao.


Hà Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]