(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, TCCSĐ trong toàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 1: Củng cố tổ chức cơ sở đảng

Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, TCCSĐ trong toàn tỉnh.

Cán bộ xã Tây Hồ (Thọ Xuân) thường xuyên thăm đồng nắm bắt tình hình sản xuất của nhân dân. Ảnh: Lê Hà

Đổi mới sinh hoạt chi bộ

Nghị quyết số 22-NQ/TW chỉ rõ một trong những hạn chế, khuyết điểm làm giảm sút năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ là nhiều cấp ủy, đảng bộ, chi bộ chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Ðảng; chưa thực hiện có nền nếp chế độ sinh hoạt Đảng, nội dung sinh hoạt chi bộ chậm đổi mới. Do đó đặt ra nhiệm vụ phải chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW, Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, những năm qua Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đảng bộ xã Tượng Văn (Nông Cống) có 360 đảng viên sinh hoạt ở 16 chi bộ, trong đó có 13 chi bộ thôn, xóm và 3 chi bộ cơ quan, trường học. Hằng tháng, các chi bộ tổ chức sinh hoạt, chuyển tải thông tin thời sự trong nước, trong tỉnh và địa phương; đánh giá những việc làm được và chưa làm được trong tháng vừa qua, phương hướng khắc phục và nhiệm vụ tháng tới; thảo luận xây dựng nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương... Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Ngọc Tuân, bí thư chi bộ thôn Phú Đông, xã Tượng Văn, cho biết: Khắc phục tính đơn điệu, lúng túng trong sinh hoạt chi bộ, những năm gần đây, chi bộ đã xây dựng nội dung cụ thể; mỗi quý xây dựng một nghị quyết chuyên đề phù hợp. Tại mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, các đảng viên thảo luận sôi nổi và thường có từ 5 đến 7 đảng viên tham gia ý kiến. Do xây dựng được nội dung cụ thể, đưa ra sinh hoạt bàn sâu, phân tích kỹ nên nghị quyết đã được cụ thể hóa và đi vào cuộc sống rất thiết thực.

Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, Ban Thường vụ Huyện ủy Nga Sơn đã ban hành Nghị quyết số 04 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới”; Chỉ thị số 13 về “Nâng cao chất lượng công tác tạo nguồn cảm tình Đảng và kết nạp đảng viên”. Do làm tốt công tác quán triệt, hướng dẫn, chỉ đạo sâu sát nên đến nay việc sinh hoạt định kỳ của các chi bộ thôn, phố trên địa bàn huyện đã đi vào nền nếp; nội dung sinh hoạt có nhiều đổi mới, gắn với thực tiễn tại cơ sở; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, bí thư chi bộ được nâng cao.

Đồng chí Vũ Minh Tân, Bí thư chi bộ thôn 8, xã Nga Thắng (Nga Sơn), cho biết: Chi bộ thôn 8 hiện có 25 đảng viên, trong đó có đảng viên cả lương và giáo cùng tham gia sinh hoạt. Nếu như các chi bộ khác băn khoăn về công tác phát triển đảng viên thì chi bộ thôn 8 lại hoàn thành khá tốt. Qua các buổi sinh hoạt, chúng tôi tìm hướng giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động trẻ tại địa phương, tạo điều kiện cho thanh niên tham gia các hoạt động, phong trào bề nổi để phát hiện những nhân tố tích cực nhằm bồi dưỡng, tạo nguồn. Trung bình mỗi năm, chi bộ kết nạp được từ 1-2 đảng viên.

Theo đồng chí Phạm Đình Tố, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nga Sơn: Các cấp ủy, chi bộ đã quan tâm đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chi bộ, nhất là tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề. Tùy điều kiện và tình hình thực tế, các chi ủy lựa chọn một vấn đề cần thiết, trọng tâm để sinh hoạt chuyên đề như xây dựng nhà văn hóa thôn, làm đường bê tông nông thôn, giải pháp phát triển đảng viên, tham gia đóng góp các loại quỹ, chỉ đạo phát triển sản xuất...

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, Nghị quyết số 22-NQ/TW, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc hằng năm xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho các đồng chí bí thư chi bộ, chi ủy viên; ban hành Kế hoạch số 66-KH/TU để tổ chức thực hiện. Theo đó, quy định thống nhất từ ngày 3 đến ngày 5 hàng tháng là ngày sinh hoạt chi bộ trong toàn tỉnh; tạo điều kiện để cấp ủy cấp trên tăng cường đi cơ sở, vừa thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, vừa dự họp với các chi bộ khối phố, thôn, bản, chi bộ cơ quan để nắm tình hình sát đúng với thực tế. Cho đến nay việc sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ tiếp tục được đổi mới, đi vào nền nếp, mở rộng và phát huy dân chủ, tạo không khí cởi mở, chân thành để đảng viên phát huy vai trò, trí tuệ, được trao đổi, thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đảng viên. Việc đánh giá chất lượng đảng bộ, chi bộ và đảng viên hằng năm dần đi vào nền nếp, đảm bảo quy trình, dân chủ, khách quan, sát thực tế và chất lượng hơn. Qua đánh giá phân loại chất lượng năm 2017 cho thấy, Đảng bộ tỉnh có 42% TCCSĐ, 48% chi bộ trực thuộc đạt trong sạch, vững mạnh, 11% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Kiện toàn, sắp xếp TCCSĐ đồng bộ, thống nhất với tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở

Tính đến tháng 6 – 2018, Đảng bộ tỉnh có 33 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, có 1.727 TCCSĐ (635 đảng bộ xã, phường, thị trấn; 417 đảng bộ cơ sở và 675 chi bộ cơ sở); có 28 đảng bộ bộ phận; 11.448 chi bộ trực thuộc, với 222.608 đảng viên.

Thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW, Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình TCCSĐ theo hướng gắn TCCSĐ với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, chăm lo kết nạp đảng viên, nhất là những địa bàn, đơn vị chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên, Đảng bộ tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp TCCSĐ.

Đối với tổ chức đảng ở xã, phường, thị trấn: Thống nhất thực hiện mô hình dưới đảng bộ cơ sở có các chi bộ trực thuộc, những nơi chi bộ có đông đảng viên thì thành lập các tổ đảng; không khuyến khích việc thành lập đảng bộ bộ phận ở thôn, tổ dân phố, vì đảng bộ bộ phận không rõ về chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả thấp (toàn tỉnh hiện có 6 đảng bộ bộ phận thôn thuộc Đảng bộ xã Vĩnh Thịnh và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc). Kiện toàn, sắp xếp đảng bộ cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp huyện, thị, thành phố theo Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW, ngày 9-3-2010 của Ban Tổ chức Trung ương theo hướng: Mỗi đơn vị cấp huyện thành lập 2 đảng bộ trực thuộc cấp ủy huyện (gồm: Đảng bộ cơ quan chính quyền và đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể); một số nơi đảng bộ (chi bộ) cơ sở khối MTTQ và các đoàn thể đang hoạt động có hiệu quả thì giữ nguyên. Việc củng cố, xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp được quan tâm, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 1.153 tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, chiếm 11,64% so với tổng số 9.902 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh, tăng 44,49% so với năm 2008.

Song song với kiện toàn, sắp xếp TCCSĐ, hằng năm các cấp ủy đảng đều xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới cho từng chi bộ, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và là tiêu chí đánh giá, xếp loại cuối năm. Trong 10 năm (2008-2018) toàn tỉnh đã lựa chọn, giới thiệu 69.107 quần chúng ưu tú tham gia học lớp nhận thức về Đảng, qua đó kết nạp được 64.752 đảng viên mới; chuyển Đảng chính thức cho 57.130 đảng viên dự bị; nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh hiện nay lên 222.608 đảng viên, tăng 23,44% so với năm 2008.

Về công tác xóa “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ” ở thôn, bản: Năm 2008, toàn tỉnh có 47 chi bộ sinh hoạt ghép và 21 thôn, bản trắng đảng viên; trước thực tế đó, ngày 20-10-2010 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 50-KL/TU về phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Sau gần 4 năm thực hiện, đến tháng 3-2014 toàn tỉnh đã xóa hoàn toàn số thôn, bản “trắng đảng viên” và “ghép chi bộ”. Song, gần đây đã xuất hiện trở lại 2 thôn “trắng đảng viên” và 7 chi bộ thôn, bản sinh hoạt ghép. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 854-CV/TU, ngày 15-5-2018 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo phấn đấu đến hết tháng 8 - 2018 không còn thôn, tổ dân phố không có chi bộ đảng.

Có thể thấy triển khai thực hiện nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát triển đảng viên theo Nghị quyết 22-NQ/TW, Chỉ thị số 10-CT/TW đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần củng cố TCCSĐ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu thực tế, trao đổi với các đồng chí cấp ủy các chi bộ và cấp ủy cấp trên chúng tôi cũng được nghe nhiều ý kiến, đó là bên cạnh những cấp ủy, chi bộ quan tâm đến việc đổi mới sinh hoạt chi bộ thì chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ một số nơi chậm được đổi mới; việc phân công cấp ủy viên về dự sinh hoạt chi bộ có nơi thực hiện chưa hiệu quả. Tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ có lúc, có nơi chưa tốt, còn nể nang, né tránh. Việc nắm bắt tư tưởng, tình hình trong cán bộ, đảng viên chưa sâu sát. Công tác củng cố, xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp và kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp tuy có chuyển biến nhưng còn hạn chế. Hiện nay số doanh nghiệp có tổ chức đảng chỉ chiếm 4,5%; công đoàn chiếm 5,2%; đoàn thanh niên - hội liên hiệp thanh niên chiếm 1,41%; hội cựu chiến binh chiếm 0,54% so với tổng số 9.902 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguồn, có chi bộ thôn, bản nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới. Đây là những thách thức không nhỏ đòi hỏi các cấp ủy, TCCSĐ cần phải tiếp tục kiên trì, bền bỉ, nỗ lực, sáng tạo để khắc phục, đáp ứng được yêu cầu công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở hiện nay.

Bài 2: Gần dân, sát dân.


Nhóm phóng viên Xây dựng Đảng – Nội chính

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]