(Baothanhhoa.vn) -   Với nguồn tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo dồi dào, Thanh Hóa đã xác định, đây chính là “mũi nhọn” của ngành kinh tế mũi nhọn. Sự phát triển nhanh chóng của sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển nói riêng và các khu đô thị du lịch ven biển nói chung, đã và đang tạo ra xung lực mạnh mẽ, thúc đẩy du lịch Thanh Hóa vươn ra biển lớn, hay tiệm cận những giá trị cao hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vươn ra biển lớn...

Vươn ra biển lớn...

Một góc Quần thể nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn.

Với nguồn tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo dồi dào, Thanh Hóa đã xác định, đây chính là “mũi nhọn” của ngành kinh tế mũi nhọn. Sự phát triển nhanh chóng của sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển nói riêng và các khu đô thị du lịch ven biển nói chung, đã và đang tạo ra xung lực mạnh mẽ, thúc đẩy du lịch Thanh Hóa vươn ra biển lớn, hay tiệm cận những giá trị cao hơn.

“Thắp sáng” một dải bờ biển

Với 102 km bờ biển trải dài từ Nga Sơn vào tận Tĩnh Gia, có lẽ, không quá khi nói Thanh Hóa là một điển hình của xứ biển cả về tự nhiên và văn hóa. Ở đó, biển xứ Thanh mang nhiều nét đẹp riêng có, với nhiều bãi biển tương đối bằng phẳng, môi trường trong lành, hệ động - thực vật biển phong phú. Đặc biệt, dọc bờ biển có nhiều dãy núi đâm ngang, tạo ra các vụng biển xen kẽ cửa lạch đẹp, như vũng Gầm, vũng Thủy, vũng Biện, Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng và Lạch Ghép. Ngoài khơi, vùng biển xứ Thanh còn được nhấn nhá thêm bởi hệ thống đảo lớn, nhỏ xinh đẹp như đảo Mê, hòn Nẹ, đảo Nghi Sơn... Có thể khẳng định, vẻ đẹp tự nhiên và sắc màu văn hóa đa dạng của biển xứ Thanh, đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch bất tận, nếu được khai thác hiệu quả và hợp lý. Và thực thế đã cho thấy, du lịch có khả năng tạo ra một cuộc chuyển mình cho những làng chài bao đời cắm chân trên triền cát nóng giãy, hay những vùng đất bị “lãng quên” giữa vô vàn con sóng bạc đầu. Trong đó, Sầm Sơn là minh chứng sống động và thuyết phục hơn cả.

Trên bản đồ du lịch nghỉ dưỡng biển Việt Nam, Sầm Sơn đang được xướng tên ở nhiều thứ hạng quan trọng. Điển hình là cuối năm 2017, lần đầu tiên Sầm Sơn lọt top “Khu du lịch hàng đầu Việt Nam”, bên cạnh những cái tên sáng giá nhất hiện nay là Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Khu du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng), Khu du lịch Vinpearl Nha Trang (Khánh Hòa) và Khu du lịch Vinpearl Phú Quốc (Kiên Giang). Sự trở lại đầy mạnh mẽ của Sầm Sơn sau thời gian dài trì trệ, hay “chất men” làm nên sự thăng hoa cho du lịch Sầm Sơn vài năm trở lại đây, nằm ở quyết tâm mới, tư duy mới và cách làm mới trong du lịch. Một minh chứng thuyết phục nhất cho điều này là diện mạo ngày càng hiện đại và cách làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp của Sầm Sơn, với sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư chiến lược, giàu tiềm lực và kinh nghiệm như Tập đoàn FLC. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã dồn lực cho Sầm Sơn, bằng nguồn kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng, nhằm đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị và hạ tầng du lịch. Qua đó, từng bước đưa Sầm Sơn tiệm cận dần mục tiêu trở thành đô thị du lịch biển có bản sắc, thương hiệu, hiện đại, đẳng cấp quốc gia và quốc tế. Đồng thời, trở thành 1 trong 12 đô thị du lịch trọng điểm quốc gia và tạo ra “vùng động lực” cho du lịch Thanh Hóa.

Khoảng mươi năm trở về trước, cả dải bờ biển dài hơn chục km của huyện Hoằng Hóa, vẫn chỉ là những vạt phi lao xa ngút tầm mắt, nằm im lìm chắn sóng, chắn cát cho xóm làng, ruộng đồng. Phải chờ khi các nhà đầu tư tìm thấy cơ hội “đổi màu” cuộc sống; đồng thời với tầm nhìn phát triển mới của tỉnh Thanh Hóa, dành cho vùng biển nhiều gian khó này; thì Hải Tiến mới chính thức chuyển mình. Sự ra đời của Khu đô thị sinh thái biển Hải Tiến ví như một nét chấm phá đặc sắc và nổi bật trên nền cảnh quan tự nhiên còn tương đối nguyên sơ của vùng đất ven biển. Một điểm nhấn đặc biệt của khu du lịch này là không gian kiến trúc xanh, được quy hoạch khá bài bản và có sự cân bằng, hài hòa giữa các yếu tố tự nhiên và nhân tạo. Cùng với đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào khu du lịch, cũng được tỉnh Thanh Hóa tập trung đầu tư hoàn thiện. Điển hình phải kể đến là các dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông trọng điểm Gòng - Hải Tiến, đường vành đai khu du lịch (nối xã Hoằng Trường và Hoằng Thanh), đường nội bộ khu du lịch; hệ thống điện chiếu sáng, kè biển, các công trình vệ sinh công cộng, cấp thoát nước, viễn thông..

Theo quy hoạch chung đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2750/QĐ-UBND, ngày 14-8-2009, Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến có tổng diện tích 400,64 ha, với 6 nhà đầu tư lớn đã và đang triển khai thực hiện các dự án hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch. Bên cạnh đó, Hải Tiến còn thu hút được gần 60 nhà đầu tư thứ cấp, để triển khai các dự án nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, sân tennis, đường giao thông, cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống xử lý nước thải. Với tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, tính đến thời điểm hiện tại, khu du lịch này đã hoàn thành và đưa vào khai thác 71 cơ sở lưu trú là các khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự, vi la, với tổng số 5.830 phòng, cùng 3 sân tenis và 9 bể bơi... Nhờ hạ tầng và cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến đang từng bước tạo dựng được vị thế mới, trên biểu đồ phát triển du lịch Thanh Hóa.

Tạo ra các vùng động lực

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: Cần có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao. Trên cơ sở đó và dựa vào nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, Thanh Hóa đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, du lịch nghỉ dưỡng biển là sản phẩm mũi nhọn. Đặc biệt, du lịch được xếp vào 1 trong 5 trụ cột chính, cần ưu tiên tập trung đầu tư phát triển (theo Dự thảo báo cáo “Quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040”, do Tập đoàn Boston tư vấn xây dựng).

Sự định hướng mang tính chiến lược trên đã cho thấy tầm nhìn, sự quan tâm và quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa đối với sự phát triển du lịch. Cũng từ sự định hướng đó mà vài năm trở lại đây, du lịch đã trở thành “thanh nam châm”, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn lực từ các nhà đầu tư chiến lược, giàu tiềm lực, năng lực và kinh nghiệm. Du lịch Thanh Hóa đã đón “làn sóng nghìn tỷ” từ những tên tuổi lớn như FLC, Sungroup, Vingroup, Viettravel, ORG, Flamingo... Sự hiện diện của những thương hiệu đã khẳng định được vị thế và đẳng cấp này, không chỉ góp phần nâng tầm diện mạo cho du lịch Thanh Hóa; mà còn nâng tầm chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh và khả năng định hướng phát triển sản phẩm cho cả khu vực ven biển.

Tính đến nay, Thanh Hóa đã thu hút được 57 dự án kinh doanh du lịch, với tổng giá trị khoảng 67.200 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần đa là các dự án đầu tư vào khu vực ven biển, với 680 cơ sở lưu trú/khoảng 26.100 phòng (127 khách sạn đã xếp hạng từ 1 đến 5 sao). Điển hình phải kể đến các dự án lớn, như dự án sân golf và khu biệt thự cao cấp FLC; dự án khu quảng trường biển và phố đi bộ TP Sầm Sơn; dự án khu du lịch sinh thái ven sông Đơ; dự án khu vườn đảo hoang và hoài niệm thuộc khu du lịch sinh thái núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn); dự án Khu đô thị sinh thái biển Tiên Trang (huyện Quảng Xương); dự án Khu đô thị sinh thái biển Tân Dân (huyện Tĩnh Gia); các dự án khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp của Sungroup...

Bàn thêm về những cơ sở tạo nên thành quả phát triển du lịch khu vực ven biển những năm qua, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh: Yếu tố đầu tiên có tính quyết định là sự định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thông qua các nghị quyết, chương trình, kế hoạch và các chính sách, giải pháp phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch nổi bật và hầu hết các bãi biển đang khai thác, đã từng bước xây dựng được thương hiệu và ngày càng hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ngoài ra, việc quy hoạch các không gian phát triển du lịch và các khu, điểm du lịch; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất du lịch; chú trọng xúc tiến, quảng bá du lịch biển; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch; tạo ra nhiều đột phá về chất lượng sản phẩm du lịch... Tất cả đều là những giải pháp trọng tâm, tạo ra đòn bẩy tăng trưởng cho du lịch nói chung, trong đó có du lịch biển.

Thành tựu đạt được là không thể phủ nhận. Song, khách quan đánh giá, sự đầu tư và hiệu quả đầu tư, nhằm đánh thức tiềm năng du lịch khu vực ven biển, vẫn đang gặp không ít trở ngại. Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Vương Thị Hải Yến cho rằng: Mặc dù số lượng và vốn đăng ký đầu tư của các dự án kinh doanh du lịch biển không ngừng gia tăng theo các năm. Song, tiến độ giải ngân vốn đầu tư và thời gian hoàn thành nhiều dự án theo cam kết, vẫn chưa đúng tiến độ, gây lãng phí tài nguyên và khó khăn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư còn bất hợp lý, khi phần lớn các dự án thường chỉ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú. Còn các dịch vụ khác như khu vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm... chưa được nhiều doanh nghiệp đầu tư, do vẫn thiếu cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn. Ngoài ra, trình độ quản lý chuyên ngành các cấp còn hạn chế, cũng là một nguyên nhân tác động đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp.

...

Mặc dù còn nhiều trở ngại cần khắc phục. Song, sự hiện diện của hàng chục dự án đầu tư quy mô lớn, với các khu nghỉ dưỡng cao cấp và hệ thống khách sạn, biệt thự, resort đa dạng, đã và đang biến một “vệt” bờ biển xứ Thanh, thành những “viên ngọc xanh” soi mình cạnh biển Đông.

Lê Dung


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]