(Baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh của những vẻ đẹp! Khi tìm hiểu về mảnh đất đầy ẩn ức và quyến rũ này, có người đã dựa trên hình sông thế núi mà hình dung ra quy luật vận động sâu xa của tạo hóa và xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xứ Thanh - một miền di sản

Xứ Thanh của những vẻ đẹp! Khi tìm hiểu về mảnh đất đầy ẩn ức và quyến rũ này, có người đã dựa trên hình sông thế núi mà hình dung ra quy luật vận động sâu xa của tạo hóa và xã hội.

Xứ Thanh - một miền di sản

Thắng tích Cửa Đạt.

Cũng có người đã cất công kiếm tìm, để phác họa lại diện mạo xứ sở này từ dấu vết mờ nhạt của kinh kỳ, phố hội đã lùi sâu vào dĩ vãng; hay qua những phiến đá, thớ gỗ, nước sơn, nét hoa văn chạm khắc nơi đền đài, miếu mạo, lăng tẩm, bia ký... Và, mảnh đất nơi “thời gian ngưng đọng” này, còn ẩn chứa vô vàn truyền thuyết trong mỗi tên đất, tên làng, tên người, mỗi tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng, mỗi câu hò, điệu hát, trò diễn dân gian. Để rồi, khi vô tình bén duyên cùng nó, có người đã phải thốt lên cảm thán: “Với núi sông thắng tích, cả đất nước Việt Nam không đâu phong phú và đẹp đẽ bằng Thanh Hóa”!

Những nẻo đường di sản xứ Thanh được hình thành lặng lẽ và lâu dài, từ sâu bên trong những xóm làng châu thổ bình yên và trù phú; những bản làng trầm mặc, khuất nẻo trong trùng điệp đại ngàn. Những nẻo đường di sản ấy có sự song hành của hai nhánh là di sản vật thể và di sản phi vật thể; cũng có thể rộng hơn là văn hóa bác học và văn hóa dân gian. Đó có thể là những đại lộ thênh thang, hoặc những cung đường mới đang từng ngày định hình. Nhưng dù được nhìn nhận dưới góc độ nào, hay bằng diện mạo nào, thì cái nền cơ bản bồi đắp nên những nẻo đường di sản xứ Thanh, vẫn là những “phiến đá” của hàng nghìn di tích, danh thắng. Trong đó có những phiến rực rỡ nhất, đã được định danh là Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn, hang Con Moong... Đồng thời, cũng có những phiến tưởng chừng “vô hình”, nhưng không kém phần đặc sắc, độc đáo. Đó là những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, ngôn ngữ, kiến trúc, nghệ thuật trình diễn...; mà lung linh hơn cả phải kể đến Trò Xuân Phả, dân ca – dân vũ Đông Anh, lễ hội Cầu Ngư Diêm Phố, lễ hội Pồn Pôông...

Nếu nói xứ Thanh là vùng đất “có nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thuyết và vĩ đại”; thì gương mặt di sản là sự biểu hiện đầy đủ, sâu sắc và tinh tế nhất cho nhận định ấy. Bởi lẽ, không phải ngẫu nhiên mà nội hàm khái niệm “văn hóa” lại mang tính giá trị. Theo truyền thống phương Đông, “văn” còn có nghĩa là “vẻ đẹp”, là “giá trị”. Cho nên văn hóa mang ý nghĩa là “trở thành đẹp, thành có giá trị”. Và nếu mọi sự sáng tạo đích thực đều là món gửi đến tương lai, thì tài sản văn hóa mà hậu thế đang được thừa hưởng, chính là món quà vô giá được ngưng kết qua hàng trăm, hàng ngàn năm lịch sử. Đó là thành quả của quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển không ngơi nghỉ của hàng triệu triệu người. Đó cũng là sự kết tinh của vô vàn kinh nghiệm, tài hoa, sức sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta. Để rồi, không quá khi nói, các di sản văn hóa ví như bức thông điệp nhân văn, được chép trên giang sơn gấm góc và trong cuốn biên niên sử ngàn năm, để hun đúc nên tâm hồn, bản lĩnh và khí phách dân tộc.

Xứ Thanh - một miền di sản

Lễ hội Bà Triệu.

Văn hóa không chỉ được nuôi dưỡng vào trao truyền qua hệ thống di sản vật thể, phi vật thể; cùng một hệ giá trị bền vững của lòng yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình và trong vô vàn cách thức biểu hiện độc đáo khác. Văn hóa còn có một dạng thức tồn tại vô cùng đặc biệt và sâu sắc, đó là được nuôi dưỡng trong trái tim và tâm hồn của nhân dân. Để rồi, ý nghĩa tồn tại cuối cùng của văn hóa, hay giá trị đặc biệt của văn hóa, sẽ là gì khác nếu không phải là nơi hun đúc và lưu giữ cái phần cốt lõi của bản sắc dân tộc?!

Và cũng bởi văn hóa là cành lá của đạo đức, mà đạo đức vốn là gốc rễ làm người. Cây không cành lá là cây cỗi. Người không văn hóa khác nào người không hoàn thiện? Vậy nên, văn hóa không phải “vật ngoài thân” mà nó đã, đang và luôn thấm rất sâu - đôi khi hiện hữu, có khi vô hình - mà đúc kết nên “hình dáng” cho mỗi cá nhân và phác họa nên diện mạo cho xứ sở này. Để rồi, nhiệm vụ của hậu thế là cần hiểu biết để tự hào, tự tôn về quá khứ lịch sử và truyền thống văn hóa. Bởi đơn giản, con người ta nếu không có bất kỳ thứ gì để tự hào, để bấu víu, để nâng đỡ tâm hồn, thậm chí để hoài bão và khát vọng; thì cũng chẳng khác nào cây sậy – cái thứ yếu đuối của tự nhiên, mà không phải cây sậy biết suy nghĩ!

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]