(Baothanhhoa.vn) - Về huyện Hà Trung trong tiết tháng tư, khi bầu trời còn  khói sương bảng lãng. Dãy Tam Điệp như bức tường thành dựng đứng phía trước, tạo nên cảnh hùng vĩ nên thơ. Đây núi thấp, kia núi cao trập trùng như có bàn tay tạo hóa vẽ nên khung cảnh sơn thủy hữu tình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thăm đất quý hương nơi có người mang gươm đi mở cõi

Về huyện Hà Trung trong tiết tháng tư, khi bầu trời còn khói sương bảng lãng. Dãy Tam Điệp như bức tường thành dựng đứng phía trước, tạo nên cảnh hùng vĩ nên thơ. Đây núi thấp, kia núi cao trập trùng như có bàn tay tạo hóa vẽ nên khung cảnh sơn thủy hữu tình.

Thăm đất quý hương nơi có người mang gươm đi mở cõi

Đình Gia Miêu, xã Hà Long.

Con sông Tống Giang mùa này nở đầy hoa súng tím ngắt dưới trời, ôm lấy những cánh đồng lúa đương thì con gái mướt xanh chạy dài tít tắp. Thấp thoáng đây đó những ngôi đình, ngôi chùa, mái trường, công sở cao tầng, nhà văn hóa khang trang soi bóng xuống thung xanh với đàn trẻ nô đùa trên đường đến lớp. Cảnh đẹp Hà Trung nơi đâu cũng hút tầm mắt bởi vẻ trầm mặc kiêu sang. Thật xứng danh vùng đất quý hương, nơi năm xưa Nguyễn Hoàng mang gươm đi mở cõi.

Anh Trịnh Đình Phương, chánh văn phòng huyện Hà Trung hồ hởi đón đoàn nhà văn chúng tôi và giới thiệu anh Nguyễn Văn Tùng, trưởng phòng văn hóa huyện sẽ là “hướng dẫn viên” đưa chúng tôi đi thực địa. Chúng tôi đi qua những làng mạc xôn xao nhà ngói đỏ, nhà tầng mọc khang trang. Những con đường liên thôn, liên xã trải bê tông tới tận cửa nhà. Chúng tôi tới dâng hương tại miếu Triệu Tường ở làng Gia Miêu (xã Hà Long). Theo sử cũ chép thì năm 1804, sau khi vua Gia Long lên ngôi đã cho xây dựng trên đất quý hương làng Gia Miêu một khu miếu thờ gồm 3 gian, 2 chái. Gian chính giữa thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế (Nguyễn Kim), gian bên tả thờ Thái Tổ - Gia Dụ Hoàng Đế (Nguyễn Hoàng), Bài vị đều hướng về phía Nam. Cạnh đó còn có miếu thờ Trừng Quốc Công thân phụ Nguyễn Kim.

Chúng tôi tiếp tục đi khoảng một km, về phái tây để tới dâng hương, tưởng bái Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế (Nguyễn Kim), được bác Nguyễn Văn Lợi, người trông coi khu mộ cho biết: Năm 1808, vua Gia Long cho xây dựng và đặt tên cho khu mộ táng Nguyễn Kim với tên gọi là lăng Trường Nguyên. Dân gian còn lưu truyền một câu chuyện hết sức ly kỳ. Vùng núi Triệu Tường có một ngọn núi cao vút lên, tên là núi Thiên Tôn (được khắc trong cửu đỉnh Huế), từng tồn tại long khẩu (miệng rồng). Khi quan tài của Triệu Tổ Nguyễn Kim được đưa vào thì trời bỗng đổ mưa lớn, sấm sét dữ dội. Chờ khi mưa ngớt, mọi người trở lại thì đã không tìm được long khẩu – nơi chứa quan tài Triệu Tổ, mà xung quanh núi đất, đá, cây cối um tùm đã che kín lối. Về sau khi tổ chức lễ tế, họ tộc và các chức sắc nhà Nguyễn thường hướng đến núi Triệu Tường để vọng bái. Ngày nay, công trình này đã được tu bổ, tôn tạo lại và cùng với tấm bia có bài minh của vua Minh Mạng, bài thơ của vua Thiệu Trị được đặt ở vị trí trang trọng, lăng Trường Nguyên trở thành điểm thường xuyên lui tới dâng hương, vãn cảnh của con cháu dòng họ Nguyễn và khách thập phương. Đứng trước lăng mộ Triệu Tổ, câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ bỗng vang lên trong trí nhớ của tôi, khiến lòng rưng rưng cảm tình cha con cách xa muôn trùng của người quân tử xưa, quyết dứt tình riêng, mang gươm đi mở cõi vì non nước:

"Ai về Bắc, ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên

Chinh Nam say bước quá xa miền

Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm

Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên…".

Đất Hà Trung trong lịch sử trước và sau 1945 cũng là một trong những cái nôi cách mạng. Góp phần vào thành công cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8 năm 1945. Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, huyện Hà Trung đã góp nhiều sức người, sức của cho công cuộc chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước…

Thăm đất quý hương nơi có người mang gươm đi mở cõi

Phong cảnh làng Bái Sơn, xã Hà Tiến.

Trước khi về Hà Trung lần này, chúng tôi đã tìm hiểu và được biết: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 21, đến đầu tháng 4-2019, trong số 28 chỉ tiêu phát triển về các mặt kinh tế, văn hóa, … đến nay đã có nhiều chỉ tiêu hàng năm đều vượt kế hoạch. Huyện tập trung triển khai 4 chương trình trọng tâm: Một là Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; hai là phát triển đô thị; ba là phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; bốn là phát triển nguồn nhân lực. Nhiều mô hình kinh tế trang trại được đầu tư đem lại nguồn thu gấp 3-4 lần trồng lúa.

Đoàn chúng tôi được đến thăm trang trại trồng cây ăn quả của gia đình cựu chiến binh Hoàng Văn Dậu ở xã Hà Long. Anh nhận khoán 5 ha đất đồi trong 50 năm để trồng cây ăn quả như dứa, ổi, cam, bưởi…và cây keo tai tượng. Anh chăn nuôi xen trong tán rừng. Vào vụ thu hoạch quả, anh tạo việc làm cho 40-50 nhân công thu hoạch quả, với mức lương 400.000 – 500.000 đồng/1 ngày công. Bình thường có 5 lao động thường xuyên với mức lương 5.000.000 đồng, đến 6.000.000 đồng/người/tháng. Trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lời ròng khoảng 200.000.000 đồng/ 1 năm.

Để có thêm góc nhìn trên thực tế, chúng tôi đề nghị được đến thăm xã Hà Tân, nơi đây ba năm trước, bà con trong xã từng có nhiều bất đồng về công tác lãnh, chỉ đạo của xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là việc bà con phản đối các công ty khai thác đá đã sử dụng tùy tiện đường liên xã, khai thác đá không có kế hoạch, gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường nặng nề. Trên đường đến xã Hà Tân, nhà văn Hà Cẩm Anh phải thốt lên: “Toàn cảnh Hà Trung như một Hạ Long trên cạn”. Tất cả thành viên trong đoàn chúng tôi đều tán đồng nhận xét của chị bởi mỗi một ngọn núi, một dòng sông, thửa lúa đan xen nhau như một bức tranh thủy mặc xinh đẹp. Tòa công sở xã Hà Tân trụ trên thửa đất rộng, thế đất khoáng đạt. Anh Trịnh Hồng Sơn sinh năm 1975, Bí thư Đảng ủy xã Hà Tân ra tận cầu thang niềm nở đón chúng tôi. So với tuổi thì anh không còn trẻ, nhưng so với đoàn nhà văn già của chúng tôi thì anh như “chàng hoàng tử” còn chúng tôi là “bảy chú lùn” cùng ngồi trong căn phòng giản dị, chúng tôi cùng uống trà thanh nhiệt và sốt sắng vào đề. Tôi hỏi anh rằng trước khi về nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã Hà Tân, trong bối cảnh bà con đang có nhiều ý kiến phản đối cách lãnh, chỉ đạo ở đây, các chương trình mục tiêu về nông thôn mới còn dở dang trăm mối. Các doanh nghiệp khai thác đá ngênh ngang cho xe choán đường dân sinh, nổ mìn gây tiếng ồn, môi trường bị ảnh hưởng nặng nề... Tóm lại là cách làm cũ của đội ngũ lãnh đạo xã trước đây không làm cho dân tin, vì không tin nên sinh ra nhiều mâu thuẫn. Vậy, anh và đội ngũ lãnh đạo mới đã làm gì, để bà con nhân dân xã Hà Tân trở lại ổn định, đem lại niềm tin cho nhân dân, tháo gỡ được những bức xúc âm ỉ bấy lâu trong dân, đặc biệt là vấn đề khai thác đá bừa bãi của các doanh nghiệp, khiến dân bất bình…?.

Thăm đất quý hương nơi có người mang gươm đi mở cõi

Cổng làng Đô Mỹ, xã Hà Tân.

Anh Sơn từ tốn tâm sự:

Nếu nói rằng về Hà Tân trong bối cảnh đó mà tôi không lo âu thì không đúng. Nhưng tôi có một ý chí rằng “cần va đập thực tiễn, từ thực tiễn sẽ cho mình một con đường …”. Điều đầu tiên tôi xác định, tôi thường xuyên đề đạt ý kiến, xin chỉ đạo từ các đồng chí lãnh đạo huyện để điều trước nhất cần làm là tôi cải cách, tổ chức lại bộ máy lãnh đạo cấp xã, phân công, phân nhiệm từng người, từng việc. Công khai minh bạch, niêm yết tại thôn các vấn đề tài chính liên quan đến việc xây dựng các chương trình nông thôn mới và các khoản thu, chi khác, kể cả trong các cuộc họp như cựu chiến binh, hội phụ nữ xã,…Tôi kịp thời nắm bắt tất cả các ý kiến phản hồi trực tiếp từ dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để trả lời ngay và giải quyết việc gì trước, việc gì sau, thấu tình, đạt lý. Tổ chức họp đối thoại giữa dân với các doanh nghiệp khai thác đá để đôi bên cùng đi đến những thỏa thuận trong vấn đề mâu thuẫn bấy lâu nay để tìm ra hướng giải quyết. Ban đầu một số người ngầm để ý xem tôi về đây để đứng về phía nhân dân hay quay lưng với nhân dân trước những bức xúc bấy lâu họ không được giải quyết. Dần dần thực tế chứng minh rằng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo mới nói đi đôi với làm, nên dần lấy lại niềm tin trong nhân dân. Đúng là một khi dân đã tin vào đội ngũ lãnh đạo rồi thì: “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Các chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới nhanh chóng hoàn thành, bà con ổn định tư tưởng, đoàn kết, tăng cường sản xuất. Đối với các doanh nhiệp khai thác đá, đây là quyết định khai thác đá do tỉnh ký cho các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn xã Hà Tân nhưng vì đứng trên địa bàn, cho dù huyện, xã không liên quan đến việc thu vào ngân sách từ thuế khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, để việc các doanh nghiệp khai thác đá thuận lợi, bí thư Trịnh Hồng Sơn đã đề nghị các doanh nghiệp hợp lực lại, rồi bầu ra một doanh nhân đứng đầu trong số đó để thu tiền các doanh nghiệp đang hưởng lợi trong việc khai thác đá tại xã Hà Tân để thiết kế, làm một con đường vận chuyển đá mà không sử dụng đến đường dân sinh do nhân dân bỏ công sức, tiền của ra đóng góp xây dựng nên. Ý tưởng đó được nhân dân, doanh nghiệp đồng tỉnh ủng hộ. Cho đến nay, xã Hà Tân đang ổn định và phát triển trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục...

Nghe danh làng cổ Bái Sơn từ lâu, hôm sau chúng tôi tới thăm làng, được ông Phạm Công Tuyến, trưởng thôn cho biết: Thôn có hơn 700 nhân khẩu và 220 hộ gia đình, có chi bộ Đảng gồm 58 đảng viên. Làng đã được công nhận làng có công với nước và làng văn hóa cấp tỉnh. Ngôi đình cổ từng là nơi hoạt động cách mạng trước 1945 trông ra giếng cổ và cánh đồng lúa xanh bát ngát xen với những mỏm núi nhô lên. Trên một ngọn núi cao vót có hình Phật bà Quan thế âm đang ngồi thiền, mặt quay ra biển. Ở góc sân đình, cây Xa La nhà Phật mùa này trổ hoa thơm ngát, trĩu quả. Bà con trong làng đi làm đồng về tề tựu dưới gốc cây đa. Họ mời chúng tôi cùng uống nước chè và trò chuyện râm ran. Nước chè ngồi gốc cây đa mà uống trong buổi trưa hè thì còn gì nhã hơn? Nhưng chúng tôi lại sà ngay vào chỗ mấy chị vừa ra đồng về đang bày bán những rổ ốc lồi còn óng nước, những rổ khoai lang đỏ tươi, chỉ thiếu mía đường chèo nghe đâu mất giống rồi…

Thăm đất quý hương nơi có người mang gươm đi mở cõi

Công sở xã Hà Tân.

Trên đường trở về, chúng tôi được đi qua Khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy nơi giáp ranh ba xã: Hà Lĩnh, Hà Đông, Hà Tân nằm ở phía bắc huyện. Vào đất rừng chúng tôi có cảm giác như bước vào một cái máy điều hòa mát lạnh khổng lồ. Ở đây rừng xanh đất thấp, cây sến là loại gỗ quý, hạt cây sến có thể chiết xuất ra dầu nấu ăn, lá và vỏ cây sến có tác dụng làm các loại thuốc cổ truyền. Rừng sến Tam Quy được đưa vào danh sách rừng đặc dụng và được bảo vệ nghiêm ngặt từ năm 1986 với tổng diện tích là 350ha.

Tạm biệt Hà Trung với bao niềm vui trước một vùng đất quý hương đổi mới. Tuy nhiên, còn một câu hỏi tiếc nuối rằng: Đất Hà Trung đẹp như một “Hạ long trên cạn”, tầng tầng, lớp lớp văn hóa phủ dày, đình, chùa, miếu, nghè, giếng nước, cây đa gần như còn nguyên vẹn, nhưng đoàn chúng tôi băn khoăn rằng chương trình phát triển kinh tế du lịch tâm linh của huyện vẫn chưa thu hút được đông đảo khách thập phương như ở Am Tiên, Lam Kinh, suối cá thần Cẩm Lương… ? Bỗng một tiếng chuông chùa thả giữa thinh không, rung ngân ánh nước, xóa đi nỗi niềm chợt hiện để chúng tôi hy vọng một Hà Trung sẽ có thêm thế mạnh du lịch tâm linh trong thời gian tới.

Tôi ghi lại bài thơ viết tặng Hà Trung từ 5 năm trước, thay cho lời kết trong bài bút ký này:

“Em về thăm lại quý hương

Đồng xanh, xanh thắm, con đường thẳm xa

Còn đây giếng nước, cây đa

Còn đây lăng, miếu, chiều tà khói hương

Đình làng bảng lảng màu sương

Người đi mở cõi hồn thương Lạc Hồng

Ba thu một cõi mênh mông

Quý Hương đổi mới, anh còn nơi nao?

Sông dài, bóng núi cao cao

Hàn Sơn, động đá ba đào cõi tiên

Yêu nhau đặt một chữ tin

Sông xuôi ra biển để tìm được nhau

Hôm nay cho đến mai sau

Vun cho đất tốt muôn sau sử vàng…”

Bút ký của Viên Lan Anh


Bút Ký Của Viên Lan Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]