Vùng đất ghi dấu cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô, vùng đất của sự giao thoa giữa đất trời và con người, vùng đất của những câu chuyện kỳ bí được lưu truyền đã hàng ngàn năm... đó là vùng đất thiêng Ngàn Nưa (Triệu Sơn) xứ Thanh.

Khám phá vùng đất thiêng

Vùng đất ghi dấu cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô, vùng đất của sự giao thoa giữa đất trời và con người, vùng đất của những câu chuyện kỳ bí được lưu truyền đã hàng ngàn năm... đó là vùng đất thiêng Ngàn Nưa (Triệu Sơn) xứ Thanh.

Khám phá vùng đất thiêngĐền Nưa - Am Tiên là điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Vân Anh

Nói đến Ngàn Nưa người ta nhớ ngay đến Quần thể di tích lịch sử quốc gia Núi Nưa - Am Tiên. Mà nhắc đến núi Nưa, người xứ Thanh nói riêng và những người yêu mến lịch sử dân tộc nhớ ngay đến câu nói kiên trung, bất khuất: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” của bà Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu).

Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh cùng người anh trai là Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực trong vùng, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa. Sở dĩ, Bà Triệu chọn núi Nưa là nơi hiệu triệu nghĩa quân, bởi theo lời sấm truyền: dãy Ngàn Nưa được tạo thành từ bảy ngọn núi xếp liền kề tạo thế rồng cuốn, đầu nhô cao như đầu hổ vươn mình về biển Đông - nơi đặt Am Tiên - đứng ở đây hét lớn tứ phía đều nghe rõ. Trên đỉnh núi Nưa, Bà cho xây dựng Bích Vân cung tự nhằm bố cáo với muôn dân: cuộc khởi nghĩa này có sự trợ giúp của trời đất. Cho đến ngày nay, hình ảnh Bà Triệu cưỡi voi, đánh cồng đã đi vào tiềm thức của bao lớp người, trở thành biểu tượng của quê hương với những câu ca dao, lời ru ngọt ngào. Từ ngàn xưa, Ngàn Nưa đã trở thành chứng tích lịch sử thể hiện sự dũng cảm, lòng yêu nước bất diệt của dân tộc ta.

Tại Ngàn Nưa có 1 trong 3 huyệt đạo thiêng của cả nước mà theo sử sách ghi, gồm núi Đá Chông (huyện Ba Vì, TP Hà Nội), núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) và núi Nưa (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Theo ông Lê Bật Sơn, thủ từ đền Am Tiên (người đã sống từ nhỏ trên núi cùng cha) thì huyệt đạo nằm ở đỉnh cao nhất của dãy Ngàn Nưa, là nơi giao hòa giữa đất và trời, đứng ở đây có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ. Hình dáng khu huyệt đạo này khá bằng phẳng, rộng chừng vài trăm mét vuông.

Câu chuyện về huyệt đạo thiêng, tương truyền, thời nhà Đường có tướng Cao Biền được cử sang cai trị nước ta, thấy nơi đây có hình sông, thế núi linh thiêng, long mạch rất vượng, nên muốn phá đi. Tương truyền, Cao Biền thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả lập đàn cúng tế lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Khi bay đến Ngàn Nưa, Cao Biền đã tìm cách trấn yểm huyệt đạo này nhưng thất bại. Huyệt đạo trên đỉnh Ngàn Nưa được đánh giá là một trong những huyệt đạo linh thiêng nhất nước Nam.

Hay câu chuyện được viết trong “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, thế kỷ thứ XVII về người tiều phu ở chân núi Nưa. Cảm thấy người tiều phu là một nhân tài nên nhà Hồ đã nhiều lần mời ông về phò tá nhưng ông đều không nhận lời. Theo truyền thuyết, khoảng năm 1400, nhà Hồ đã sai quân lên đốt núi Nưa. Núi Nưa bị cháy, mây đen vần vũ, chỉ có tiếng hạc kêu thất thanh trên không trung. Sau đám cháy, thấy trên vách núi một đôi câu đối: “Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn. Cao Vọng sơn đầu khách tứ sầu” (dịch nghĩa: Kỳ La cửa bể hồn thơ đứt/ Cao Vọng đầu non dạ khách buồn). Ứng với vận mệnh của nhà Hồ về sau, năm 1407 khi giặc Minh xâm lược nước ta, chúng đã đốt thành Tây Giai, bắt Hồ Quý Ly. Tướng quân Hồ Nguyên Trừng bị bắt tại cửa biển Kỳ La, Hồ Hán Thương bị bắt ở núi Cao Vọng.

Trên đỉnh Ngàn Nưa có đền Am Tiên, ngôi đền cao 585m so với mực nước biển, là nơi thờ Đức Thánh Mẫu, thờ Phật... Cùng nhiều địa điểm mang màu sắc huyền bí như bàn cờ Tiên, tương truyền là nơi các tiên ông thấy cảnh đẹp thường lui tới thượng cờ, ngồi ngắm núi sông làng mạc, dấu tích bàn cờ tiên cho đến bây giờ vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Là giếng Tiên không bao giờ cạn dù nhiều năm quanh vùng khô cạn nhưng giếng vẫn đầy nước và trong xanh, ai tới giếng cầu xin nước về uống hay rửa mặt, sẽ gặp được nhiều may mắn. Rồi chuyện về vườn đào Tiên, vườn thuốc Tiên... Tất cả những câu chuyện ấy khiến cho Ngàn Nưa nhuốm màu huyền thoại và đậm tính thiêng của một vùng đất cổ ngàn năm.

Ngày 27/3/2009, Quần thể di tích lịch sử Núi Nưa - Am Tiên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích, danh thắng cấp quốc gia. Đặc biệt, năm 2023, hàng cây xà cừ dọc hai bên đường vào Đền Nưa - Am Tiên được công nhận là hàng cây di sản Việt Nam, khiến cho khung cảnh của quần thể càng trở nên đẹp đẽ và độc đáo. Theo các cụ cao niên sinh sống tại đây, hàng cây được trồng từ thời Pháp thuộc, có tuổi đời khoảng 100 năm. Hàng cây gồm 22 cây xà cừ cao 30 - 40m, đường kính gốc 2m, hầu hết các cây đều mọc một thân, một số ít cây chia thành hai, ba nhánh và vươn lên trời thẳng tắp. Hàng cây được người dân địa phương bảo vệ, chăm sóc cẩn thận, coi như niềm tự hào của địa phương. Rất nhiều du khách đến tham quan quần thể di tích đều dừng chân tại hàng cây để ngắm nhìn, cảm nhận vẻ đẹp hiếm có của thiên nhiên và chụp hình lưu niệm.

Ngày nay, Ngàn Nưa đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Thanh Hóa, mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Bên cạnh đó, những năm qua cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa chuyên nghiệp, đặc sắc, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch khiến quần thể di tích nói riêng và Triệu Sơn nói chung ngày càng hấp dẫn khách du lịch.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]