(Baothanhhoa.vn) - Từ thuở sơ khai, bình minh của loài người, số mệnh làng Đan Nê nói riêng và Yên Định nói chung đã được lựa chọn là mảnh đất mang trong mình nhiều điều đặc biệt. Trên nền những lớp lang trầm tích văn hóa với phức hệ Đọ - Nuông – Quân Yên, chứng tích về địa bàn quần tụ của người nguyên thủy trên đất Việt chúng ta cách đây mấy chục vạn năm lịch sử, tạo hóa thật tài tình khi đã khéo léo đặt vào đó một ngôi đền Đồng Cổ linh thiêng, phong cảnh hữu tình bậc nhất, để mảnh đất vốn đã nổi danh lại càng thêm phần danh giá.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đền Đồng Cổ - dấu ấn những vương triều

Từ thuở sơ khai, bình minh của loài người, số mệnh làng Đan Nê nói riêng và Yên Định nói chung đã được lựa chọn là mảnh đất mang trong mình nhiều điều đặc biệt. Trên nền những lớp lang trầm tích văn hóa với phức hệ Đọ - Nuông – Quân Yên, chứng tích về địa bàn quần tụ của người nguyên thủy trên đất Việt chúng ta cách đây mấy chục vạn năm lịch sử, tạo hóa thật tài tình khi đã khéo léo đặt vào đó một ngôi đền Đồng Cổ linh thiêng, phong cảnh hữu tình bậc nhất, để mảnh đất vốn đã nổi danh lại càng thêm phần danh giá.

Đền Đồng Cổ - dấu ấn những vương triều

Không gian bên trong đền Đồng Cổ.

Phải nói ngay rằng, trên phạm vi cả nước, hiện nay chỉ có hai nơi có đền Đồng Cổ là Thanh Hóa và Hà Nội, trong đó, ngôi đền Đồng Cổ (làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định) là khởi nguyên. Theo Bản đồ khoanh vùng bảo vệ Di tích núi và đền Đồng Cổ đã được Nhà nước tôn vinh là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia (năm 2001), quần thể di tích có tổng diện tích khoảng 100.000m2, bao gồm: Núi Tam Thai – tên gọi theo dáng núi có 3 ngọn (núi Xuân, núi Nghễ, núi Đổng) giống như 3 làn thấp cao nối tiếp (còn có tên gọi khác là Đồng Cổ sơn hay Khả Lao sơn). Bên dưới về phía tả dãy núi thon dài là đền Đồng Cổ trầm mặc dựa chân núi làm nền, bên đá làm vách với hồ Bán Nguyệt như vành trăng khuyết dịu dàng, mềm mại ôm lấy ngôi đền, ngày đêm soi bóng mây trời và xa xa phía ngoài là cổng Nghi môn cổ kính. Đứng từ trên đỉnh núi Tam Thai trông xuống thấy dòng sông Mã uốn khúc lượn quanh co với bến Trường Châu “từ xưa tập hợp thuyền buôn, cột buồm dựng đứng như cây rừng, thật là một nơi đô hội của đất Ái Châu”. Vẻ đẹp thiên nhiên cùng với những giá trị văn hóa – lịch sử to lớn của núi và đền Đồng Cổ không chỉ được ghi dấu trong những vần thơ được các tao nhân mặc khách ưu ái, mến mộ lưu lại mà còn được khẳng định trong tấm bia thời Tây Sơn do Tuyên công Nguyễn Quang Bàn (con vua Quang Trung) soạn năm 1802: “núi và đền Đồng Cổ là một di tích thiêng liêng hiển hách vào bậc nhất của tỉnh Thanh Hóa”.

Đền Đồng Cổ linh thiêng, trầm mặc bên bờ sông Mã được tưới tắm tự ngàn đời bằng những câu chuyện huyền thoại, thần tích, truyền thuyết, dã sử gắn liền với những câu chuyện về thần Đồng Cổ, vị thần có công lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ thời Hùng Vương, trải qua lịch sử các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần – Hồ, Hậu Lê vẫn ghi lại những công trạng phò vua giúp nước, dẹp giặc ngoại xâm của thần Đồng Cổ thông qua các lần linh ứng hiển linh báo mộng. Đặc biệt, vào thời nhà Lý, thần Đồng Cổ đã hai lần giúp vua, cứu nước thoát cảnh lâm nguy. Năm 1020, thần hiển linh giúp thái tử Lý Phật Mã thắng lớn, đánh tan giặc Chiêm Thành. Lúc khải hoàn về qua bến Trường Châu, thái tử dừng chân vào đền lễ tạ thần và xin rước thần về Kinh giữ nước hộ dân. Còn đang băn khoăn chưa biết chọn nơi nào để xây dựng đền thì được thần về báo mộng “xin lập đền ở bên hữu trong đại thành, sau chùa Thánh Thọ”. Thái tử y lời cho xây dựng đền, nay là đền Đồng Cổ thuộc phố Thụy Khê, phường Bưởi, TP Hà Nội). Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Thanh Hóa kỷ thắng”, Vua Lý Thái tông được Đồng Cổ sơn thần báo mộng về việc tam vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Khánh sắp làm loạn để vua kịp đề phòng, từ đó mau chóng dẹp yên được loạn Tam vương. Sau vua phong cho thần là Thiên hạ Minh Chủ, lại gia phong là Đại Vương, phẩm trật thượng đẳng thần, cho dùng nhạc Thái Đường.

Nói về đền Đồng Cổ, ông Minh – Trưởng làng Đan Nê, Phó Ban quản lý Di tích đền Đồng Cổ cho biết: “Thời vua Hùng, đền Đồng Cổ chỉ có một chánh tẩm với 2 dãy nhà 2 gian. Trong chánh tẩm không thờ gì ngoài một hòn đá, cửa chỉ là cửa tò vò, một năm, đền từ và trưởng làng chỉ được phép mở cửa hai lần vào ngày 30 tết và ngày lễ hội”. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, có thời kỳ, đền Ðồng Cổ từng có 38 gian, Nghinh môn gồm 3 tầng, 8 mái, mang phong cách kiến trúc thế kỷ 15 (thời Lê), cao 9m, rộng 3m, được ghép bằng những khối đá vuông vức (không dùng vữa), cuốn thành vòm tò vò. Đền có kết cấu “Tiền nhất – Hậu đinh”, gồm: Tiền đường, chính tẩm, nhà cầu và thượng điện. Trải qua các triều đại lịch sử, những truyền thuyết, thần tích về sự linh ứng và công lao to lớn của thần Đồng Cổ không hề bị mất đi nhưng diện mạo, kiến trúc của ngôi đền thờ thần Đồng Cổ đã trải qua nhiều phen thăng trầm, biến cố, diện mạo ít nhiều đã không còn được như xưa, nhất là sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trước đây, việc tôn tạo, trùng tu đền Đồng Cổ đều phụ thuộc vào hoạt động xã hội hóa từ sự cung tiến của người dân địa phương và công đức của các nhà hảo tâm. Từ năm 2007, khi UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình như bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa núi và đền Đồng Cổ theo hai giai đoạn với tổng kinh phí dự toán ban đầu là 37 tỷ đồng, đền có diện mạo khang trang hơn. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn tất vào đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Giai đoạn tiếp theo của dự án vẫn đang trong quá trình chờ khởi công với những hạng mục công trình rất cần được tôn tạo để đền Đồng Cổ sớm có được diện mạo hoàn chỉnh, chỉn chu nhất.

Về phần chiếc trống đồng – vật gắn liền với những câu chuyện về thần Trống đồng, theo Linh tích Tam Tai sơn có đoạn viết: “Trước kia, ở miếu thờ có 1 trống đồng, tương truyền là vật cổ từ thời vua Hùng, mặt trống có đường tròn 1 thước 5 tấc (0,6m), cao hai thước (0,8m), rỗng lòng không đáy, giữa mặt trống có chỗ lõm như rốn bụng, vành mép ngoài nối liền chữ triện, bốn bên có dây xoắn hình chữ Vạn, chữ lâu đời bị mòn, xoa xát cũng không rõ, xung quanh mặt chỉ còn vân hoa như hoa đẩu; núm có lỗ hổng bằng hạt đậu. Đó là trống đồng Lạc Việt nổi tiếng”. Một tấm bia bằng chữ Hán khắc lại bài văn bia trên núi đá Xuân trước đền Đồng Cổ do Nguyễn Quang Bàn, con vua Quang Trung, viết năm 1802, kể lại chuyện năm Canh Tuất (1790) tìm thấy bên bờ Nam sông Mã xuất lộ một chiếc trống đồng cổ rộng 9 thước, cao 4 thước. Năm Nhâm Tuất (1802) lại có dịp đi qua miếu, Nguyễn Quang Bàn sai đem chiếc trống đồng tìm được dạo trước hiến cho đền, đồng thời viết bia (lúc đó là bia gỗ) ghi lại để đời sau được rõ. Có ý kiến cho rằng, năm 1953, chiếc trống này đã giao lại cho Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lưu giữ. Lại có ý kiến khác, một người trong đoàn ngoại giao nước ta khi vào Bảo tàng Paris (Pháp) thấy nguyên bản chiếc trống đồng có đề trống đồng Đan Nê Thanh Hóa, năm 1932. Ông đã chụp lại ảnh và sau này đúc một trống đồng theo mẫu ấy dâng tặng đền Đồng Cổ.

Những giá trị văn hóa – lịch sử sâu sắc của di tích núi và đền Đồng Cổ, sự linh thiêng suốt hàng nghìn năm tuổi của đền Đồng Cổ cùng những câu chuyện kể gắn với các triều đại trong lịch sử Việt Nam sẽ còn lắng đọng mãi cho đến muôn đời sau.

Bài và ảnh: Hương Thảo


Bài Và Ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]