(Baothanhhoa.vn) - Suốt chiều dài hơn 990 năm lịch sử của mảnh đất xứ Thanh, văn học nghệ thuật là người bạn đồng hành đáng tin cậy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xứ Thanh - mảnh đất màu mỡ của các cây viết ký tài năng

Xứ Thanh - mảnh đất màu mỡ của các cây viết ký tài năng

Cố nhà văn Kiều Vượng - tác giả của nhiều bài bút ký gây ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Ảnh: CTV

Suốt chiều dài hơn 990 năm lịch sử của mảnh đất xứ Thanh, văn học nghệ thuật là người bạn đồng hành đáng tin cậy.

Trong mỗi giai đoạn, trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, văn học nghệ thuật luôn nỗ lực phát huy tốt vai trò trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Trong các thể loại văn học, thể loại ký tỏ ra xông xáo hơn cả. Với những đặc trưng về mặt thể loại, ký gắn bó mật thiết, bám sâu và phản ánh chân thực từng sự kiện “nóng bỏng”; từ đó cất lên tiếng nói chân thực, đanh thép, trí tuệ, góp phần tác động sâu sắc vào sự phát triển của đời sống xã hội.

Xứ Thanh - vùng đất lịch sử giàu truyền thống văn hóa. Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến nguồn cội của những di sản văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều di tích có giá trị. Xứ Thanh cũng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam (Tiền Lê, Hậu Lê, Nhà Hồ, Nhà Nguyễn). Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa là vùng đất “phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều”, luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc; dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh gian khổ, chiến đấu kiên cường, bất khuất, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Và sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Thanh Hóa đã và đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đúng như lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa: “Một Thanh Hóa tự tin, năng động, hòa nhịp cùng sự đổi mới của đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH với những nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch đang từng ngày “thay da đổi thịt”.

Chiều sâu văn hóa - lịch sử cùng thực tiễn phát triển năng động của xứ Thanh tựa hồ như “mảnh đất màu mỡ” cho các thế hệ văn nghệ sĩ thỏa sức “thâm canh” sáng tạo, nhất là với thể loại ký. Điều này lý giải vì sao, các thế hệ văn nghệ sĩ xứ Thanh luôn hào hứng thử sức mình với thể loại văn học này. Trong dòng chảy văn hóa - văn nghệ xứ Thanh, thể ký phát triển theo từng giai đoạn lịch sử của quê hương đất nước với đề tài đa dạng, phong phú. Ví như ký “xuống đồng”, về nông thôn để ghi nhận các vấn đề xung quanh phong trào thi đua xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng lá cờ hồng đang phát triển rất mạnh ở miền Bắc vào thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước. Ký “ra trận” khi bến phà Ghép, Hàm Rồng dẫn đầu trong những chiến công đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... Những trang viết ấy đã trở thành nguồn động viên, khích lệ to lớn cho đồng bào và chiến sĩ. Bước vào thời kỳ đổi mới, ký hào hứng ghi nhận những đổi thay trên quê hương và xung kích trên mặt trận chống tiêu cực. Ngày hôm nay, khi đất nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đang từng bước đi lên trên con đường phát triển với vai trò, nhiệm vụ mới, ký vẫn luôn là thể loại năng động, thích ứng và đáp ứng kịp thời nhu cầu, đòi hỏi của công tác tuyên truyền trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Ký đã và đang đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa - xã hội tại địa phương, cũng là thể loại năng động nhất trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Vì sao ký có thể đáp ứng được những điều kiện, đòi hỏi của thời cuộc? Trước nhất, nó là sự linh hoạt, độc đáo về mặt thể loại. Theo Từ điển Thuật ngữ Văn học định nghĩa về ký: “Một loại hình trung gian, nằm giữa báo chí và văn học; bao gồm nhiều thể, chủ yếu là văn xuôi tự sự như: Bút ký, hồi ký, du ký, ký sự, nhật ký, tùy bút...”. Ký có đặc trưng riêng, do nội dung và quan điểm thể loại của nó quy định. Ký không nhằm vào việc miêu tả quá trình hình thành tính cách các cá nhân trong tương quan với hoàn cảnh. Những câu chuyện đời tư khi chưa nổi lên thành các vấn đề xã hội cũng không phải là đối tượng quan tâm của ký. Do đó, khác với các thể loại văn học khác, ký có quan điểm thể loại là tôn trọng sự thật khách quan của đời sống, không hư cấu. Khi viết ký, tác giả phải chú ý đảm bảo tính xác thực của hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm. Sự việc và con người trong ký phải xác thực hoàn toàn, có địa chỉ hẳn hoi. Đó là vì ký dựng lại những sự thật đời sống cá biệt một cách sinh động, chứ không xây dựng các hình tượng mang tính khái quát. Điều đó cũng lý giải lý do ký ra đời từ rất sớm trong lịch sử văn học của nhân loại nhưng phải đến thế kỉ XVII, đặc biệt từ thế kỉ XIX, khi đời sống lịch sử của các dân tộc, kỹ nghệ in ấn và báo chí phát triển, văn học “xé rào” để thâm nhập vào các lĩnh vực hoạt động tinh thần khác, nhà văn ngày càng có ý thức tham gia trực tiếp vào những cuộc đấu tranh xã hội, ký mới thực sự tỏ rõ vai trò, tầm ảnh hưởng và sức chiến đấu của mình trên mặt trận văn hóa - tư tưởng.

Nói về sự phát triển của văn học xứ Thanh, nhà văn Nguyễn Khắc Trường từng nhận định: “Thanh Hóa bên cạnh tiềm năng kinh tế, còn có tiềm năng văn học rất dồi dào, luôn luôn dồi dào, không bao giờ đứt đoạn”. Quả thực, trong sự “dồi dào”, “không bao giờ đứt đoạn” ấy luôn có sự vận động, phát triển không ngừng của thể loại ký. Làm chủ thể loại; trên nền hiện thực luôn đầy ắp chất liệu cùng với cá tính, bản lĩnh, tài năng, trí tuệ của người sáng tác; xuyên suốt dòng chảy văn học - lịch sử, những cây bút viết ký tiêu biểu của xứ Thanh cũng đã trở thành những tên tuổi quen thuộc của “làng ký” cả nước, như: Phùng Gia Lộc, Lê Đình Cánh, Kiều Vượng, Nguyễn Văn Đệ... Những bài ký thành công, gây được ấn tượng trong lòng độc giả nhiều thế hệ và góp phần định danh cho tác giả kể trên, phần lớn đều lấy “chất liệu” từ ngồn ngộn hiện thực cuộc sống, mang dấu ấn, hơi thở của cuộc đời thực. Đó có thể là những bài ký đầy “gai góc”, phản ánh những góc khuất, mảng tối nhức nhối của xã hội như cách mà nhà văn Phùng Gia Lộc viết: “Cái đêm hôm ấy... đêm gì?”, “Chìm thuyền trên cạn”, “Vực xoáy Nam Giang”... Nhà văn Kiều Vượng với hàng loạt bài ký đả kích nặng nề vào những vấn đề nổi cộm, nhức nhối trong xã hội: “Ngã tư nhức nhối”, “Đánh bắt xa bờ hay trên bờ”, “Dai dẳng quá rừng ơi”, “Ngổn ngang những vùng rừng”, “Thành phố bên bờ sông Mã”, “Ở nơi bão không có gió”... Hay cái cách nhà văn Nguyễn Văn Đệ thành công với nhiều bài ký: “Vàng dưới biển xanh”, “Một chuyến đi biển”, “Đảng viên làng tôi”...

Viết tiếp thành công ấy, các thế hệ văn nghệ sĩ xứ Thanh vẫn luôn bám sát hiện thực cuộc sống tại địa phương, nỗ lực bền bỉ trên con đường sáng tạo nghệ thuật; nêu cao vai trò, sứ mệnh đồng hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước.

Thảo Linh

*Bài viết có sử dụng tư liệu trong các cuốn sách: “Lý luận phê bình văn học Thanh Hóa từ 2010 đến nay”, Nhà xuất bản văn học (2019); “Từ điển thuật ngữ văn học”, Nhà xuất bản Giáo dục (2006).


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]