(Baothanhhoa.vn) - Chợ tết xưa ví như “khúc dân ca bình dị” của làng quê. Những phiên chợ đã bị thời gian nhuộm một lớp màu bàng bạc và xưa cũ lên miền ký ức. Nhưng nếu bất chợt ta gặp lại bóng dáng của nó, qua những phiên chợ tết thời bây giờ, có lẽ, vẫn đủ để gợi nhắc dậy cái khung cảnh hân hoan, dào dạt sự sống và đậm sắc màu dân gian...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xốn xang chợ tết

Chợ tết xưa ví như “khúc dân ca bình dị” của làng quê. Những phiên chợ đã bị thời gian nhuộm một lớp màu bàng bạc và xưa cũ lên miền ký ức. Nhưng nếu bất chợt ta gặp lại bóng dáng của nó, qua những phiên chợ tết thời bây giờ, có lẽ, vẫn đủ để gợi nhắc dậy cái khung cảnh hân hoan, dào dạt sự sống và đậm sắc màu dân gian...

Xốn xang chợ tết

Phiên chợ vùng cao Nhi Sơn (Mường Lát).

Chợ, về bản chất, là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa hay là nơi đồng tiền vận hành và thể hiện giá trị của nó. Song, giữa người bán và kẻ mua, không phải lúc nào cũng kết nối bằng đồng tiền; cũng như chợ không phải chỉ là nơi trao đổi tiền - hàng một cách lạnh lùng. Chí ít là với chợ quê ngày tết. Bởi, làng quê, như ai đó đã nói, là nơi nương náu cuối cùng của dĩ vãng. Để rồi, cứ mỗi độ tết về sầm sập trước cửa, bỗng dưng niềm háo hức được đi chợ tết lại xốn xang, chộn rộn đến lạ. Và rồi, mọi hoài niệm về không khí “tưng bừng chợ tết”, cứ vậy mà xô ùa, quấn lấy tâm trí và cảm xúc.

Chợ tết xưa, dù họp cạnh bến sông, dưới gốc đa đình làng, hay cạnh thôi đê nối làng này với làng nọ, thì cũng đều có những nét đặc trưng riêng và dễ nhận biết. Chợ tết với hàng hóa ngồn ngộn và người đông như nêm, thật chẳng khác nào một tổ hợp đa dạng, phức tạp, vừa mâu thuẫn lại vừa hài hòa, của sắc màu, mùi vị, thanh âm và cảm xúc – tình cảm con người. Hàng hóa đủ các loại đồ tươi, đồ khô; rồi thì đồ thờ cúng, đồ hàng mã, vật dụng trang hoàng nhà cửa; dụng cụ lao động cuốc, xẻng, cày, bừa; quần áo, câu đối, tranh ảnh... Các mặt hàng chủ yếu là nông sản, được người dân tự tay chăn nuôi, trồng trỉa nên rất đỗi quen thuộc. Nào rau, củ, quả, thịt, cá, gà vịt, trứng, lá dong, gạo nếp, gạo tẻ... Và tất nhiên tết nhất sẽ chẳng thể thiếu cành đào và vài loại hoa tươi cho không khí xuân thêm phần hân hoan, tươi mới.

Nếu chợ tết là bức tranh đa màu sắc, thì mỗi góc chợ sẽ có một gam màu chủ đạo. Ví như góc chợ bán tranh và câu đối luôn rực sắc đỏ và thơm mùi mực tàu. Sắc đỏ ngày tết, theo quan niệm phương Đông, là màu tượng trưng cho hạnh phúc và sự đủ đầy; màu của năng lượng tích cực, của sự sống và niềm hy vọng. Có lẽ vì vậy mà tết xưa không thể thiếu câu đối đỏ, cùng bức tranh dân gian gợi dậy không khí hứng khởi, tươi vui. Với tranh tết, người xưa thường chuộng họa hình đứa trẻ mập mạp, tay ôm rùa, gà trống, cóc hay vịt. Những hình vẽ tưởng chừng đơn giản, lại ẩn chứa nhiều thông điệp ý nghĩa và quan niệm, ước mơ của người xưa về nhân nghĩa, lễ trí, vinh hoa, phú quý. Hoặc hình đàn lợn có xoáy âm dương tượng trưng cho sự sung túc, sinh sôi nảy nở; hoặc tranh cá chép trông trăng, với ước vọng cá chép hóa rồng; hoặc tranh công múa, múa lân gợi niềm hân hoan, nô nức và cái đẹp mùa xuân...

Phiên chợ ngày tết ví như tấm gương phản chiếu vừa chân thực, vừa sống động hiện thực đời sống. Để rồi đến lượt nó, hiện thực cuộc sống cũng được phơi bày triệt để giữa phiên chợ đặc biệt này. Bởi, như một lẽ tất yếu, các loại hàng hoá càng phong phú, đa dạng, tinh tế, cầu kỳ và sức mua càng lớn, thì càng chứng tỏ sự đủ đầy, sung túc và chất lượng cuộc sống được nâng cao. Và ngược lại. Chợ tết xưa là một hỗn hợp của mùi vị. Đó là mùi ngai ngái của bùn đất, rơm rạ; mùi thơm cay của mứt gừng và ngọt ngào, mật mía; mùi tanh rỉ sắt của cuốc xẻng, cày bừa; mùi thơm nồng của mực tàu giấy đỏ... Bấy nhiêu mùi vị đã hòa vào nhau, quyện lấy nhau để tạo ra cái mùi của cuộc sống - dẫu thiếu thốn, vất vả, song cũng không kém phần tươi vui. Chợ tết xưa ví như “khúc dân ca bình dị” của làng quê. Những phiên chợ đã bị thời gian nhuộm một lớp màu bàng bạc và xưa cũ lên miền ký ức. Nhưng nếu bất chợt ta gặp lại bóng dáng của nó, qua những phiên chợ tết thời bây giờ, có lẽ, vẫn đủ để gợi nhắc dậy cái khung cảnh hân hoan, dào dạt sự sống và đậm sắc màu dân gian. Bức tranh đa màu ấy, từng được thi sĩ tài hoa Đoàn Văn Cừ vẽ bằng con chữ, với tất cả tình yêu dành cho đời và dành cho người trong thi phẩm “Chợ tết” nổi tiếng.

Ẩn sau vẻ bề ngoài dân dã, chợ tết nơi làng quê luôn ẩn chứa không ít điều thú vị và nó càng không dựa vào thước đo vật chất - đồng tiền để đong đếm. Nếu theo nhận thức thông thường, chợ là nơi xô bồ, ồn ào, đầy toan tính; thì phiên chợ ngày tết lại có cái khả năng kỳ diệu, khi “hóa giải” và hài hòa cả nhu cầu vật chất lẫn tinh thần của con người. Ai từng có dịp ghé chợ Thiều (xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc), hẳn sẽ hiểu sâu sắc điều đó. Người ta đến chợ không phải vì buôn may bán đắt, cũng chẳng mong mua được giá rẻ. Bởi, với họ cái sự bán - mua ở đây đều tượng trưng hay thể hiện niềm mong mỏi được bán đi những rủi ro, bất trắc và mua về mọi điều tốt lành cho năm mới. Cũng bởi không thuần là buôn bán, trao đổi hay lãi lời, cho nên, phiên chợ này đã trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa – tâm linh độc đáo, được người dân bản địa coi trọng và gìn giữ ngót cả trăm năm qua.

Với những người muốn tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, thì chợ là một điểm đến không thể phù hợp hơn. Đặc biệt là phiên chợ tết vùng biên Na Mèo (Quan Sơn), hay vùng cao Nhi Sơn (Mường Lát). Người ta đi chợ, nhưng phần đa là chơi chợ. Cho nên, chợ là nơi phô diễn đời sống tinh thần phong phú, đặc sắc của cộng đồng người Mông, Thái. Trong khí trời se lạnh, các món ăn dân tộc nóng hổi và độc đáo, luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng. Và rồi, họ luôn dành một góc chợ để xua nhau vào các trò chơi dân gian. Trong tiếng nói cười, tiếng hò reo cổ vũ, dường như cái không khí của lễ hội, đình đám bỗng ùa vào cảnh chợ. Để rồi, khi phiên chợ tết khép lại, người ta sẽ mang tất cả niềm hân hoan tỏa về các nẻo đường thôn, bản.

Chợ tết hay cái văn hoá bán - mua, văn hoá chợ luôn tùy thuộc cách nhìn và cảm nhận của mỗi người. Song niềm vui, cảm giác phấn chấn, thậm chí là những hạnh phúc nho nhỏ, có thể được tìm thấy trong phiên chợ đặc biệt này, khi ta sẵn sàng mở lòng để đón lấy, để gom về. Đó cũng là ý nghĩa nhân sinh thú vị của chợ tết - một không gian văn hóa đặc sắc!

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]