(Baothanhhoa.vn) - Đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hàn Hải - Phó giám đốc kiêm Trưởng Đoàn Chèo Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, thổ lộ: Đã nhiều năm nay, sân khấu chèo xứ Thanh biểu diễn nhiều vở dân gian, chèo cổ góp phần gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nhiều vở diễn và vai diễn đã giành được huy chương các loại trong các hội thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Lần này, nhà hát muốn thử sức ở một đề tài mới về môi trường, cụ thể là an toàn thực phẩm. Vì vậy, nhà hát đã xây dựng vở chèo “Vòng vây nghiệt ngã” để phản ánh những vấn đề bức xúc được xã hội quan tâm, qua đó cảnh tỉnh lương tâm, nhất là những người đang hàng ngày trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vở chèo “Vòng vây nghiệt ngã”: Từ bài học thức tỉnh lương tâm

Đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hàn Hải - Phó giám đốc kiêm Trưởng Đoàn Chèo Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, thổ lộ: Đã nhiều năm nay, sân khấu chèo xứ Thanh biểu diễn nhiều vở dân gian, chèo cổ góp phần gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nhiều vở diễn và vai diễn đã giành được huy chương các loại trong các hội thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Lần này, nhà hát muốn thử sức ở một đề tài mới về môi trường, cụ thể là an toàn thực phẩm. Vì vậy, nhà hát đã xây dựng vở chèo “Vòng vây nghiệt ngã” để phản ánh những vấn đề bức xúc được xã hội quan tâm, qua đó cảnh tỉnh lương tâm, nhất là những người đang hàng ngày trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người.

Vở chèo “Vòng vây nghiệt ngã”: Từ bài học thức tỉnh lương tâm

Một cảnh trong vở chèo “Vòng vây nghiệt ngã”.

Vở chèo “Vòng vây nghiệt ngã” của tác giả Lê Mạnh Huấn; đạo diễn NSND Hàn Hải; chỉ đạo nghệ thuật đạo diễn – NSND Trương Hải Thọ. Vở chèo là một tấn bi hài nói về thực trạng hiện nay đang diễn ra ở nhiều vùng nông thôn, đó là một số người sản xuất đã vì lợi nhuận, chạy theo đồng tiền mà đánh mất lương tâm, vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, hủy hoại môi trường sống là hủy hoại chính mình. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Phất, vì không có việc làm nên đã tìm cho mình con đường riêng là đi buôn hóa chất, chất kích thích cây trồng, vật nuôi. Phất nghĩ có người làm được thì mình cũng làm được, nhưng không nghĩ rằng đang làm hại chính bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Cuối cùng, con gái Phất chết vì ngộ độc thực phẩm, vợ Phất sảy thai rồi đi tu, bản thân Phất rơi vào vòng lao lý. Phất phải trả giá quá đắt cho chính tham vọng của mình, nhiều người thôn Nhân từ do thiếu hiểu biết, tin theo lời Phất nên đã bị ung thư, mắc các bệnh hiểm nghèo.

Vở chèo mở ra trong khung cảnh một buổi chiều trời ảm đạm ở nghĩa trang thôn Nhân Từ, linh hồn của người thân và của những người dân trong thôn chợt hiện về ám ảnh Phất – người đã nhẫn tâm mua hóa chất, chất kích thích cây trồng, vật nuôi để bán cho người nông dân sản xuất với giá hời. Vở diễn bắt đầu đưa người xem vào cảnh thứ nhất, tái hiện thời điểm mười năm về trước, bà con nông dân tập trung đông đủ tại nhà văn hóa thôn Nhân Từ để họp bàn công việc của thôn. Buổi họp hôm đó được ông Nhỡ - trưởng thôn đồng ý, Phất đã mang đến một loại hóa chất giới thiệu cho bà con. Người dân thôn Nhân Từ có truyền thống trồng rau, nhưng với cách làm truyền thống xưa nay thì năng suất không cao, đầu ra lại không ổn định. Phất thấy mình cần phải có trách nhiệm hướng dẫn bà con làm theo kiểu mới hiện hành, vừa kiếm được nhiều tiền mà lại không tốn thời gian. Cứ thế theo lời Phất nói thì bà con tin rằng:

“Đây là vị cứu tinh của cả làng ta

Thuốc kích thích cây trồng hảo hạng

Được chiết ra từ các loài thực vật

Sẽ biến những cây rau, những cây ăn quả trong vườn

Chỉ mươi ngày là xuất bán được ngay

Còn đây là những loại thần dược

Chỉ vài tuần là lũ lợn sẽ lớn phổng lên.

Khi mổ ra thì đều là thịt nạc.

Những chú trâu, chú bò từ nay cũng ăn cỏ rất ít,

Mà vẫn béo tròn chờ thương lái đến mua

Quê ta một năm hai vụ từ nay sẽ thành một

năm bốn vụ.

Xưa thu mười triệu, nay sẽ thành trăm...

Tiếp diễn cảnh thứ nhất, cảnh thứ hai diễn ra tại nhà Phất, nhờ buôn bán hóa chất cho bà con nông dân trong làng nên Phất kiếm được nhiều tiền đưa cho vợ. Nhưng vợ Phất là người “đói cho sạch, rách cho thơm”, không vì những đồng tiền dơ bẩn mà làm lu mờ nhân cách. Vì vậy, nhận được phản ứng kịch liệt của vợ, khiến cho Phất càng trở nên cay nghiệt, bất chấp lời khuyên ngăn của vợ ngày càng lấn sâu vào tội lỗi và sự cám dỗ của đồng tiền. Cảnh thứ ba tiếp tục diễn biến câu chuyện tại cánh đồng rau của làng, dân làng ai ai cũng mừng vui phấn khởi với những sản phẩm rau củ quả các loại mà mình làm ra nhờ có “thuốc thần tiên” của Phất mang về. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, Phất bị phát hiện dùng thuốc cấm, chính vợ Phất và nhiều người dân đã tố cáo Phất trong nỗi oan nghiệt cay đắng ở cảnh thứ bốn. Vở diễn được đẩy lên cao trào trong cảnh thứ năm, với sự phẫn nộ cực độ của người dân và bi thảm nhất chính là con gái của Phất đã chết vì ngộ độc thực phẩm; nhiều người dân trong làng cũng bị ung thư và mắc các loại bệnh hiểm nghèo. Kết cục là Phất phải ngồi tù vì tội buôn bán các loại thuốc cấm và hóa chất trái phép. Cảnh thứ sáu diễn ra trong không gian trầm lắng tại nhà văn hóa thôn. Bà con chỉ trích, còn ông trưởng thôn đã nhận ra lỗi lầm của mình vì vô tình giới thiệu Phất mang hóa chất đến bán cho bà con mới nên nông nỗi này. Ông tự nhủ và khuyên bà con: “Từ nay mong bà con hãy hiểu mà trồng rau theo đúng tiêu chuẩn như ngày xưa ta từng sản xuất”. Cảnh thứ bảy của vở diễn khép lại trong nỗi đau dằn vặt lương tâm và hối lỗi muộn mằn của Phất. Sau khi ra tù, Phất nghĩ phải cố gắng sống tốt để làm lại từ đầu, để những việc làm của mình sẽ là bài học đắt giá thức tỉnh lương tâm của những kẻ làm giàu bất chính.

Trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, vở chèo “Vòng vây nghiệt ngã” đã đem lại không ít tiếng cười nhưng cũng lấy đi khá nhiều nước mắt của người xem. Có khi là những tràng cười khoái chí với màn đối đáp hài hước của những người nông dân quê mùa chất phác, có khi bực bội với những kẻ đã vì đồng tiền mà gieo giắc tai họa đến sự bình yên của thôn làng, có khi trách móc những người nông dân đã thiếu nhận thức dẫn đến vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, có khi hờn giận với những người gọi là đại diện cho chính quyền ở thôn đã không ngăn nổi những hành vi trái với pháp luật, trái với cả lương tâm đạo đức con người... Giữa cuộc sống có muôn vàn thực phẩm bẩn bủa vây, chúng ta không biết lựa chọn gì - Đó chính là vòng vây nghiệt ngã mà con người chưa thoát ra được. Vì lợi nhuận, vì đồng tiền mà bất chấp tất cả, khiến cho môi trường bị ô nhiễm, thực phẩm bị nhiễm bẩn. Những hình ảnh: Rau xanh non mơn mởn, củ quả to khổng lồ, thịt lợn siêu nạc... được đưa vào sân khấu bằng cách hình tượng hóa, khái quát hóa, chân thực hóa nhằm lột tả những tội ác của con người, nhưng cũng rất nhân văn cao cả nếu họ biết ăn năn hối lỗi làm lại cuộc đời. Vở diễn khiến người xem phải suy ngẫm, đừng vì lợi nhuận mà đánh mất lương tâm, phải từ bỏ những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, hủy hoại môi trường và dừng lại khi chưa quá muộn. Mang những nghiệt ngã của cuộc đời vào trong sân khấu, vở diễn muốn nhắn nhủ con người hãy sống có tình người, đặt tính cộng đồng lên trên cái tôi của mình. Và cho dù cái xấu có đáng sợ thế nào đi chăng nữa thì cái thiện, cái tốt sẽ luôn chiến thắng.

Được dàn dựng trong khoảng 2 tháng, vở chèo có sự tham gia của hơn 50 nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Trong đó phải kể đến đóng góp của các NSND, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) và các nghệ sĩ trẻ vừa mới ra trường. Điều này đã tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ có cơ hội được tiếp nối, trao truyền từ các thế hệ đi trước, góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Với nội dung mới mẻ và đầy ý nghĩa nhân văn ấy, vở chèo “Vòng vây nghiệt ngã” đã được chọn đi dự thi Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019 tại tỉnh Bắc Giang từ ngày 14 đến 28-9. Kết quả thật đáng khích lệ, trong số 26 vở diễn của các nhà hát chèo ở Trung ương và địa phương tham gia liên hoan lần này, vở chèo “Vòng vây nghiệt ngã” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đã giành được giải xuất sắc về đề tài môi trường, 1 Huy chương Vàng thuộc về NSƯT Thu Hài (vai Mến); 3 Huy chương Bạc thuộc về các cá nhân: NSƯT Quốc Dũng (vai Phất); NSƯT Thương Hiền (vai bà Xát) và nghệ sĩ Vương Cảnh (vai ông Nhỡ - trưởng thôn). Chúc mừng thành công của các nghệ sĩ, hy vọng vở chèo sẽ sớm được công diễn phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Bài và ảnh: Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]