(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa những năm gần đây đều có những vở diễn giành huy chương, giải cao tại các cuộc thi, liên hoan sân khấu cấp toàn quốc, tuy vậy những vở diễn này lại rất khó khăn để đến được với công chúng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì sao sân khấu truyền thống xứ Thanh ngày càng “thưa vắng” với công chúng

Thanh Hóa những năm gần đây đều có những vở diễn giành huy chương, giải cao tại các cuộc thi, liên hoan sân khấu cấp toàn quốc, tuy vậy những vở diễn này lại rất khó khăn để đến được với công chúng.

Vở diễn “Tấm lòng vàng” của Đoàn nghệ thuật chèo Thanh Hóa giành HCV tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016.

Thu hút khán giả đến với sân khấu truyền thống và làm thế nào để vượt qua giai đoạn khủng hoảng vắng khán giả là câu hỏi lớn?

Truyền thống vàng son

Nói đến sân khấu truyền thống Thanh Hóa trong quá khứ những vở diễn như “Đồng tiền Vạn Lịch”, “Hai nghìn ngày oan trái”, “Gươm báu truyền ngôi”, “Rực lửa Diên Hồng”... đã để lại nhiều dấu ấn không thể phai nhạt trong lòng nhiều thế hệ người dân xứ Thanh và trên sân khấu truyền thống của nước ta. Những vở diễn kinh điển trên đã đến với đông đảo công chúng, người dân Thanh Hóa từ sân khấu Nhà hát Lam Sơn, Nhà văn hóa lao động tỉnh... cho tới những sân khấu ở các bản, làng trên khắp các miền quê Thanh. Nhiều thế hệ nghệ sĩ các đoàn chèo, tuồng, cải lương của Thanh Hóa đã gắn bó mật thiết với khán giả, với đồng bào thông qua những vai diễn xuất sắc, những vở diễn đặc sắc. Việc các đoàn nghệ thuật truyền thống của Thanh Hóa giành các giải cao tại các cuộc thi, liên hoan, hội diễn sân khấu toàn quốc là điều không có gì phải ngạc nhiên. Điều này khẳng định, sân khấu truyền thống Thanh Hóa đã có chỗ đứng trong lịch sử sân khấu nước nhà. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, các vở diễn sân khấu đặc sắc của các đoàn nghệ thuật Thanh Hóa luôn đến được với khán giả, công chúng. Người dân cũng quen với việc tới nhà hát để được thưởng thức những vở kịch hay, những vở chèo đặc sắc, hay những vở cải lương xúc động.

Trong những năm gần đây, các đoàn nghệ thuật của tỉnh Thanh Hóa bao gồm Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn; đoàn tuồng, đoàn chèo, đoàn cải lương (nay là Nhà hát nghệ thuật truyền thống) vẫn xây dựng những kịch bản, vở diễn không chỉ để tham gia các cuộc thi, liên hoan, hội diễn cấp toàn quốc mà còn đi công diễn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhân dân. Công tác xây dựng nhân lực cũng được quan tâm dù gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vở diễn đã giành được thành tích, giải thưởng, huy chương tại các cuộc thi cấp toàn quốc. Từ năm 2000 đến nay, hầu như năm nào Thanh Hóa cũng giành được các giải thưởng cao cho các vở diễn, các nghệ sỹ giành nhiều huy chương cho các vai diễn. Nổi bật nhất là các vở diễn “Gươm báu truyền ngôi” (năm 2013), “Tấm lòng vàng” (năm 2016) và “Trống trận Ba Đình” (năm 2018). Tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2016, vở diễn “Tấm lòng vàng” của tác giả Trần Hồng Vân và đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trương Hải Thọ đã vượt lên trở thành một trong năm vở diễn giành Huy chương Vàng. Đạo diễn NSƯT Trương Hải Thọ cũng giành giải đạo diễn xuất sắc nhất cuộc thi. Xếp hạng chung cuộc, Thanh Hóa lần đầu lọt vào tốp 5 đoàn dẫn đầu trong số 16 đoàn tham gia cuộc thi.

Những khó khăn thực tại

Quá khứ và truyền thống vàng son đã tiếp tục khẳng định sức sống của sân khấu truyền thống xứ Thanh. Ở bất cứ giai đoạn phát triển nào của đất nước, của tỉnh nhà, sân khấu truyền thống Thanh Hóa vẫn luôn cho ra đời những “đứa con tinh thần” xuất sắc. Những tác phẩm dù được xây dựng từ kịch bản cổ xưa kinh điển, hay thời hiện đại ngày nay đều nhận được những đánh giá cao về nghệ thuật, tính chân thực và những ảnh hưởng tích cực tới khán giả, được công chúng yêu thích. Tuy nhiên, những vở diễn đặc sắc, giành giải cao của sân khấu Thanh Hóa những năm gần đây cũng thưa vắng dần trên sân khấu các nhà hát. Có không ít khán giả thắc mắc, Thanh Hóa có rất nhiều vở diễn hay, giành giải cao nhưng không thấy được công diễn ngay trên “sân nhà”.

Qua tìm hiểu, lãnh đạo các nhà hát, các đoàn nghệ thuật của tỉnh đều có quan điểm chung cho rằng: Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều hình thức văn nghệ, sự bùng nổ về công nghệ thông tin, các phương tiện giải trí công nghệ cao của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, sự thay đổi tích cực của điện ảnh và phim truyền hình, mạng xã hội... đã phân tán người xem, khiến khán giả sân khấu giảm một cách đáng kể. Ngoài ra, những khó khăn về đời sống, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ diễn viên cũng khiến sân khấu truyền thống của Thanh Hóa đứng trước nguy cơ mai một. Đoàn chèo Thanh Hóa trước kia được xem là cánh chim đầu đàn của sân khấu truyền thống tỉnh nhà, liên tục giành nhiều huy chương trong các kỳ hội diễn. Nhưng để duy trì được đến ngày hôm nay, các thế hệ quản lý đã phải tìm mọi cách để giữ được lớp diễn viên tâm huyết với nghề. Đặc thù nghệ thuật truyền thống là các lớp đi trước dạy lớp trẻ đi sau, cứ thế kế tiếp nhau. Hiện nay lớp trẻ phải đợi 5-7 năm, sau khi lớp diễn viên già về hưu mới có biên chế. Với cơ chế này thì chỉ giữ được những diễn viên cực kỳ yêu nghệ thuật truyền thống, trong khi với cơ chế thị trường nghệ thuật truyền thống lại vô cùng bị lép vế. Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ lớn lao là bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống, các nghệ sĩ, cán bộ hoạt động ở các nhà hát chỉ còn biết sống nhờ vào... niềm đam mê, tin yêu nghệ thuật. Trong khi đó, các vở diễn được đầu tư công phu, được xét duyệt kỹ lưỡng chủ yếu là đem đi thi mà chưa quan tâm đến việc đưa tới công chúng. Công tác truyền thông, giới thiệu và tổ chức biểu diễn cho khán giả vẫn còn hạn chế và vẫn phải phụ thuộc vào nguồn ngân sách hỗ trợ ít ỏi.

Hiện nay, tỉnh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch và các cấp quản lý đang nỗ lực nhằm cải thiện nhiều quyền lợi cả về vật chất lẫn tinh thần cho các đoàn nghệ thuật, cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên; tạo điều kiện để tham gia các cuộc thi, liên hoan, hội diễn để giành được danh hiệu, huy chương. Tuy vậy, sân khấu truyền thống vẫn “loay hoay”, không đủ sức cạnh tranh trong công cuộc hội nhập với nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí khác, do đó rất cần có những thay đổi mang tính đột phá để sân khấu truyền thống xứ Thanh trở lại với công chúng.


Bài và ảnh: Khánh Hưng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]