(Baothanhhoa.vn) - Tôi gọi điện cho Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Thành Quách Thị Tươi hỏi về tình hình những địa phương nơi cơn lũ dữ cuối tháng 8, đầu tháng 9-2018 đi qua, đồng chí trưởng ban vui mừng thông báo: Mời các anh, chị lên với bà con trên này để chứng kiến cây có múi phủ xanh trên vùng lũ... Hôm nay huyện chúng em “như chưa hề có lũ tràn qua” chị ạ!”. Tin vui này khiến chúng tôi quyết định lên đường ngay để tìm hiểu về vùng đất này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về nơi như chưa hề có lũ tràn qua

Tôi gọi điện cho Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Thành Quách Thị Tươi hỏi về tình hình những địa phương nơi cơn lũ dữ cuối tháng 8, đầu tháng 9-2018 đi qua, đồng chí trưởng ban vui mừng thông báo: Mời các anh, chị lên với bà con trên này để chứng kiến cây có múi phủ xanh trên vùng lũ... Hôm nay huyện chúng em “như chưa hề có lũ tràn qua” chị ạ!”. Tin vui này khiến chúng tôi quyết định lên đường ngay để tìm hiểu về vùng đất này.

Về nơi như chưa hề có lũ tràn quaĐoàn các nhà văn Thanh Hóa thăm trang trại cam của gia đình anh Nguyễn Văn Chung trên thung lũng Bãi Dài thuộc 2 xã Thành Tân và Thành Vân (Thạch Thành).

Đoàn chúng tôi được anh Hoàng Văn Thanh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy đưa đến dâng hương tại tượng đài Chiến khu Ngọc Trạo và đền thờ nhà cách mạng Tống Duy Tân. Xe chúng tôi tiếp tục chạy qua những đồi mía bạt ngàn, trải dài tít tắp rồi lăn bánh trên con đường trải nhựa dài 15 km vào thung lũng Bãi Dài thuộc 2 xã Thành Tân và Thành Vân. Nơi đây, được sự hỗ trợ đầu tư của tỉnh và huyện, đã biến thung lũng vốn là cái túi đựng lũ của huyện Thạch Thành thành địa danh thương hiệu cam Vân Du...

Trước mắt chúng tôi là trang trại cam của gia đình anh Mai Trọng Phúc (sinh năm 1976) với diện tích 16 ha, tầm mắt chúng tôi có phóng thật xa cũng không với tới hết. Cam trải xanh trên một dải đất màu mỡ do phù sa cơn lũ năm trước vừa “trả nợ” cho bà con nơi đây. Chờ mọi người ùa vào rừng cam mà gia chủ vừa mời họ tận hưởng hương vị quả ngọt lịm trong từng múi cam mọng nước, tôi hỏi thăm anh Mai Trọng Phúc về cơ duyên gắn bó với cam? Anh Phúc chia sẻ: Vốn là người TP Thanh Hóa đã từng sang Nga lao động, anh tích cóp được ít vốn và nuôi mộng trở về Việt Nam làm ông chủ trên cánh đồng mẫu lớn, như những người Nga từng làm chủ nông trang của mình. Qua thông tin, anh Phúc biết huyện Thạch Thành đã tập trung triển khai chính sách dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để có khoảng 30 cánh đồng mẫu lớn. Anh Phúc vội thu xếp về quê. Cùng với việc vay vốn của anh em, bạn bè, anh mạnh dạn đầu tư 15 tỷ đồng cho cánh đồng cam và bưởi da xanh trên diện tích 16 ha ở Bãi Dài theo hình thức thuê đất 50 năm. Anh bắt đầu đầu tư trồng cam từ năm 2015, cơn lũ năm 2017 đã khiến anh lao đao vì trang trại cam của anh đang kỳ bói quả bị thiệt hại nặng nề... Anh Phúc nói chuyện đến đây, bỗng ngưng bặt. Ánh mắt anh thoáng buồn nhìn đi đâu đó xa xăm trên gương mặt đen sạm vì nắng gió... Lúc này, nhà văn Lê Ngọc Minh như muốn an ủi ông chủ trang trại trẻ, nhà văn khẽ đằng hắng rồi lên tiếng: “...Tớ cũng du học từ Nga về Việt Nam lâu rồi. Lớp tuổi của tớ coi như đã toan về già, nhưng thấy tuổi trẻ các cậu ý chí lớn, dám nghĩ, dám làm tớ ngưỡng mộ quá... Biết là không tiện, nhưng để trong lòng không biết hỏi ai. Cậu lên đây lập nghiệp, rừng rú, thung sâu, ngoài bà con và đám thanh niên xã đang làm cho cậu, có khi nào cậu thấy cô đơn không?”. “Là con người mà anh... Tránh sao những phút xao lòng... Khi em đưa ra quyết định lên đây, vợ em từ chỗ sốc, đến giận chồng, nhưng em chỉ nói một câu: “Làm trai phải có chí vững vàng, em yêu anh phải biết yêu cả giấc mơ của anh, còn nếu giấc mơ kia tan vỡ, anh sẽ để lại tất cả tài sản cho mẹ con em, anh sẽ ra đi tay trắng”. Vợ em biết tính em đã nói là làm, có khi làm xong mới nói nên cuối cùng động viên em: “Anh thích thì cứ làm, miễn là đừng phản bội em và các con là được”... Đầu năm 2015, cam lấy giống từ Hưng Yên, chăm sóc đến năm 2017 thì bắt đầu có quả bói, cơn lũ lịch sử tháng 10 năm 2017 khiến cho cả huyện Thạch Thành chìm trong biển nước. Em và anh em công nhân chạy thoát thân lên núi. Đêm lạnh cóng nhìn xuống thung cam, biển nước mênh mang trắng xóa, cứ nghĩ mình gặp cơn ác mộng, không nhìn thấy bóng dáng một ngọn cam nào nhô lên. Càng suy nghĩ, càng khủng hoảng khi nghĩ tới số tiền và công lao mình bỏ ra mà đau xót. May được các anh chị lãnh đạo huyện, phòng nông nghiệp huyện gọi điện an ủi và do các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện chỉ đạo khơi thông các đường nước rút nên sau lũ, chỉ trong mấy ngày, nước rút đi, cây trùm trong bùn đất phù sa, phải tính đến chuyện chống úng, rửa lá, chăm gốc cho cây... Chúng tôi dành tất cả sức lực, không kể ngày đêm, chăm sóc cho 16 ha cam vừa qua cơn lũ. Nếu mùa cam năm 2017, chúng tôi bán được gần 5 tỷ tiền cam ngọt cho các thương lái trong nước thì mùa cam năm 2018 này dự kiến năng suất đạt trên 5 tấn/ha và hy vọng sẽ cho thu nhập cao hơn năm 2017”... Nói đến đây, quay lại phía nhà văn Lê Ngọc Minh, ánh mắt anh Phúc vụt sáng lên: “Bây giờ thì vợ em tâm phục, khẩu phục chồng lắm rồi, còn mở đại lý bán cam, bưởi sạch tại TP Thanh Hóa”... Anh chị em trong đoàn được hồ hởi tham quan vườn cam và thưởng thức cam Vân Du “ngọt đến từng tép”, rồi vội vã chia tay ông chủ trẻ để tiếp tục cuộc chu du trên những cánh đồng Thạch Thành sau lũ. Tôi còn hỏi với theo Phúc: Các anh có đông “nhân viên” làm cho trang trại không?. “Chúng em thường xuyên có 20 người làm, không kể cơm hai bữa, mỗi tháng bà con được nhận từ 6.500.000 đồng đến 7.000.000 đồng”.

Cách trang trại của anh Phúc chừng 3km là tới trang trại của anh Nguyễn Văn Chung, sinh năm 1975, quê gốc huyện Hà Trung. Cũng vì giấc mơ trên cánh đồng mẫu lớn nên năm 2016, anh Chung kêu gọi bạn bè cùng góp vốn, đứng ra thuê trên thung lũng Bãi Dài 45 ha để trồng cam lòng vàng, cam canh, bưởi da xanh, chăn nuôi gà, ba ba. Trong trí tưởng tượng của tôi trước khi gặp anh Chung thì tôi hình dung có lẽ anh cũng có nước da “sạm màu sương gió” như anh Phúc, nhưng thật bất ngờ, anh Chung trắng trẻo như một thư sinh, mặc áo vàng cam đứng cùng ba bốn thanh niên cao lớn để đón chúng tôi nơi đầu đường giáp ranh giữa hai trang trại. Ráng chiều buông những sợi tơ vàng xuống cánh đồng cam hắt lên một màu rực rỡ trong cái thung lũng xanh ngút ngàn mà cứ mở mắt ra là cam lủng lẳng trước mặt, chẳng khác nào câu chuyện thần tiên. Anh Chung niềm nở đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng cam canh trĩu quả, thăm trang trại giun quế nằm ngay trong giữa cánh đồng cam và kho ngô nghiền để ủ với phân giun quế bón cho cam. Toàn bộ cánh đồng cam 45 ha đều được chăm sóc theo hệ thống phân ủ hữu cơ truyền thống và tưới theo công nghệ VietGap đồng bộ, tiên tiến. 2 trang trại giun quế, mỗi nơi rộng chừng 1.000m2 đang hồi ủ giun giai đoạn phát triển. Dưới ánh sáng điện pha với ráng chiều đỏ sẫm phía đỉnh núi đàng Tây chiếu lại, lũ giun cất đầu lên khỏi mặt trấu mùn, từng đám đỏ, lêu nghêu. Thấy chúng tôi tò mò với đám giun, anh Chung dùng đôi bàn tay trắng trẻo vục sâu xuống và xúc lên một vốc giun đỏ đặc thành cục. Nhà văn Cẩm Hương phấn khích reo lên: Loại giun này rất tốt chăm cho gốc hoa hồng nhà mình. Bây giờ đang mốt trồng hoa hồng tại gia nên đúng là nếu bón gốc hoa hồng bằng giun quế thì cây phát triển rất tốt. Tôi vừa ngạc nhiên với đôi tay trắng đẹp của anh Chung đầm trong đám giun quế, tới chuồng gà trống thiến, mào đỏ như những bông hoa dong đông đúc tới hàng ngàn con. Anh Chung lại khiến tôi ngạc nhiên bởi khi anh bước vào giữa đàn gà, nghe anh gọi: “Túc... túc... túc”, lũ gà vây quanh anh đông đặc một màu đỏ, anh nổi hẳn lên giữa đàn gà như một “tráng sĩ” vậy. Nhìn thấy mấy chị nông dân xách những giỏ trứng đầy từ trong các mái trang trại nuôi gà bước ra, tôi hỏi anh: “Anh sử dụng được bao nhiêu lao động địa phương?” Lương của họ bình quân bao nhiêu một người?. Anh Chung cho biết hiện đang sử dụng 50 lao động địa phương, ngoài cơm nuôi, bình quân mỗi tháng anh cấp lương cho họ từ 6.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng/người/tháng.

Anh Chung còn muốn đưa chúng tôi đi thăm trang trại ba ba, nhưng chiều muộn đã trở những cơn gió lạnh. Có mấy nhà văn già đã bắt đầu ho lụ khụ. Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh cứ nắm chặt tay anh Chung để nhớ về một thời tuổi trẻ của mình: “Cậu đẹp giai quá, lại có chí, có tài, bằng tuổi cậu, tớ và nhà văn Lê Xuân Giang đang chiến đấu trên Đồi C4, giữ cầu Hàm Rồng...”. “Vâng, nhiệm vụ của chúng con bây giờ là chiến đấu trên mặt trận kinh tế, phủ xanh đồi núi trọc, ngọt hóa vùng lũ,... mong khi nào có điều kiện, các bác cứ quay trở lại đây với chúng con...”.

Nếu không quay ra bờ sông Bưởi để thả mắt, thu về một dải mía xanh rờn, thì chuyến đi hẳn là chưa đủ ý nghĩa. Vì vậy, dù đã mệt, nhưng lòng còn muốn đi, chúng tôi được anh Thanh và chị Nga tiếp tục đưa đến cánh đồng mía xã Thành Vinh, ven sông Bưởi và đi sâu vào cánh đồng mía của gia đình anh Nguyễn Văn Minh, trồng mía trên cánh đồng Gốc Gạo. Anh Minh cho biết gia đình anh bao đời sống ven sông Bưởi, mùa lũ năm trước, 5 sào mía nhà anh coi như mất trắng, sau đó bà con nhân dân được lãnh đạo huyện, các ngành chức năng về tận thôn chỉ đạo cách khôi phục lại diện tích mía, Nhà Máy đường Việt Đài cũng có nhiều chính sách để bà con gắn bó lâu dài với cây mía và không còn tha thiết với các loại rau màu giá trị thấp khác. Các gia đình quen gọi cây mía là cây xóa nghèo cho bà con...

Trời đã tối, ai cũng thấm mệt, nhưng nhìn thấy bóng dáng nhỏ nhắn và nụ cười tươi rói của nữ Bí thư Huyện ủy Thạch Thành Bùi Thị Mười đang đứng đợi chúng tôi ở hành lang với những câu thăm hỏi, những cái bắt tay ấm nồng của người phụ nữ Mường khiến chúng tôi như tan mệt mỏi. Từ một cô giáo trong gia đình nông dân nghèo có tới 10 anh chị em, chị Mười phấn đấu làm tới phó bí thư huyện đoàn, lên bí thư huyện đoàn, lên Phó Bí thư Huyện ủy và bây giờ là Bí thư Huyện ủy. Với giọng trùng xuống đồng chí Bí thư Huyện ủy tâm sự với chúng tôi về trận lũ kinh hoàng vừa qua cũng như những khó khăn, mất mát của bà con nơi đây. Rồi chị hồ hởi cho biết, tính cả giai đoạn 2016- 2018, tổng giá trị sản xuất bình quân của huyện đã đạt 8.096,9 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 35,3 triệu đồng/năm (tăng 7,2 triệu đồng/người so với năm 2015). Cây mía nguyên liệu huyện có tất cả 815 ha, sản lượng vụ ép 2016 – 2017 đạt 372.429 tấn. Cả huyện có 478 ha cam, bưởi. Năm 2018, toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới... Hôm nay chúng tôi tới huyện Thạch Thành, nhận ra sức sống dâng tràn trên mọi nẻo và cảm giác “như chưa hề có lũ đi qua”. Đồng chí Bí thư Huyện ủy khẳng định: Để có được kết quả đó, nhân dân chính là chỗ dựa vững chắc cho chính quyền thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị!.

Đêm hôm đó, tôi và nhà văn Ngân Hằng mãi trò chuyện với nhau về dãy núi Tam Điệp và những di chỉ khảo cổ để lại trong lòng hang Con Moong của cư dân đôi bờ sông Mã, về ý chí vượt khó của người dân huyện Thạch Thành để biến vùng đất vừa qua cơn lũ dữ thành vùng đất bạt ngàn quả ngọt và câu chuyện làm kinh tế của các chàng trai trên vùng lũ. Gần khuya, chúng tôi nghe từ xa xăm vọng lại một lời xường vừa thiết tha say đắm, vừa thổn thức lòng người như muốn găm giữ lời hẹn một ngày nào đó, chúng tôi sẽ còn quay lại nơi đây:

“Anh đi chín bản, mười làng

Thức Xường cho trăng xuống ngó

Lay gió cho sấm động tháng ba

Anh đi hát Xường cài hoa để kịp mùa cấy gặt...

*

Lời Xường nào nghe ra tiếng con chim khách?

Tiếng Xường nào đoán ra lời con chim ve nen?

Xường quen quen cài hoa năm trước?

Hay Xường lên bậc mới trổ dịp năm nay?”....

Lan Anh


Lan Anh

Từ khóa:

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]