(Baothanhhoa.vn) - Ngày cuối tháng 6, bỏ lại những ồn ào, náo nhiệt của phố thị, chúng tôi đến với những bản Mường, huyện Cẩm Thủy. Giữa tiếng gió reo vi vút của núi rừng, những âm thanh trầm hùng của cồng chiêng xứ Mường như đồng vọng, ngân vang.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về nơi lưu giữ tiếng chiêng Mường

Ngày cuối tháng 6, bỏ lại những ồn ào, náo nhiệt của phố thị, chúng tôi đến với những bản Mường, huyện Cẩm Thủy. Giữa tiếng gió reo vi vút của núi rừng, những âm thanh trầm hùng của cồng chiêng xứ Mường như đồng vọng, ngân vang.

Biểu diễn cồng chiêng Mường trong Lễ hội Lam Kinh. Lê Dung

Theo những thanh âm hào hùng ấy, chúng tôi tìm đến câu lạc bộ (CLB) văn hóa cồng chiêng xã Cẩm Tâm - một trong những nơi đang lưu giữ được nhịp cồng chiêng ngàn đời của đồng bào dân tộc Mường, huyện Cẩm Thủy. Ông Hà Tuấn Thưởng, Chủ nhiệm CLB văn hóa cồng chiêng, xã Cẩm Tâm, cho biết: “Ðối với đồng bào Mường trên đất Cẩm Thủy, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong sinh hoạt văn hóa. Tiếng cồng chiêng bùm binh mang hồn thiêng của rừng núi là âm thanh nối kết con người với thế giới siêu nhiên. Ngay từ khi sinh ra đến lúc về với cõi vĩnh hằng, cuộc sống của mỗi con người xứ Mường đều thấm đẫm những thanh âm từ loại nhạc khí truyền thống ấy. Cồng chiêng theo những phường séc - bùa mang may mắn đầu năm đến tận cửa mỗi nhà; chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới; tiễn biệt những linh hồn xứ Mường người đến xứ Mường ma với cầu mong siêu thoát. Cồng chiêng thúc giục những bước chân đi trảy hội xuống đồng, gọi nhà nhà tới chung vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no... Cứ thế, cồng chiêng đã được truyền qua nhiều thế hệ, trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường nơi đây”. CLB văn hóa cồng chiêng xã Cẩm Tâm hiện đang lưu giữ 3 bộ cồng chiêng. Mỗi bộ gồm 12 cái, tương ứng với 12 nốt nhạc tượng trưng cho sự giao hòa của 12 tháng trong năm.

Tại xã Cẩm Ngọc, CLB văn hóa, nhạc cụ dân tộc Đồng Lão là một trong những CLB văn hóa cồng chiêng đầu tiên của người Mường, huyện Cẩm Thủy. Với bề dày lịch sử và văn hóa, CLB đã góp phần gìn giữ, phát huy để tiếng chiêng, tiếng cồng của người Mường ngân xa, vang mãi. Ông Quách Văn Thư - một nghệ nhân trong CLB, cho biết: “Trong đời sống hằng ngày, gần như tất cả các nghi lễ ở đình và cầu mùa, chúc tết, mừng nhà mới, đám cưới, đám tang... đều không thể thiếu những thanh âm vừa trầm bổng, sâu lắng, khi hào hùng, quyến rũ, khi mặn mà, đằm thắm của tiếng chiêng, tiếng cồng. Tiếng cồng trong văn hóa cồng chiêng phát đi những thông điệp quan trọng tới tất cả những người dân sinh sống trong vùng. Chỉ cần nghe tiếng cồng, người ta có thể biết ngay đấy là sự kiện gì, ở đâu và phải hành động như thế nào”. Theo chia sẻ của nghệ nhân Thư, với mỗi dịp, mỗi hoạt động khác nhau thì có những quy ước sử dụng cồng chiêng riêng. Ví dụ, như: Lễ hội làng người dân sẽ sử dụng dàn cồng chiêng gồm 12 chiếc, còn những dịp như đám cưới, mừng nhà mới... sẽ sử dụng từ 1 đến 2 chiếc cồng, tùy từng trường hợp, có thể kết hợp giữa tiếng chiêng với tiếng trống. Được biết, vì nhiều lý do nên ở làng Đồng Lão chỉ còn 3 gia đình lưu giữ được 9 chiếc cồng chiêng cổ. Những chiếc cồng hiếm hoi còn sót lại này hiện đang được cất giữ cẩn thận tại các gia đình, chỉ khi nào tham gia biểu diễn trong các lễ hội hoặc các cuộc thi thì chúng mới được mang ra sử dụng. Đối với những người dân Đồng Lão, 9 chiếc cồng cổ quý hiếm này giống như những vị thần linh thiêng, che chở, bảo vệ cho cuộc sống của họ.

Theo ông Vũ Xuân Phúc, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin, UBND huyện Cẩm Thủy: Để bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của cồng chiêng xứ mường, UBND huyện hướng dẫn các xã thành lập các CLB bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 6 CLB cồng chiêng ở các xã: Cẩm Ngọc, Cẩm Liên, Cẩm Lương, Cẩm Tâm, Cẩm Thành, Cẩm Quý. Và chính những CLB cồng chiêng này góp phần gìn giữ, truyền thụ và nhen nhóm tình yêu của các thế hệ người Mường với văn hóa cồng chiêng.

Một thời, ở nhiều bản Mường, “những chàng trai, cô gái Mường thế hệ mới” không còn được nghe tiếng chiêng gọi mẹ, ngày xuân không còn được nghe các phường bùa tấu đi đến từng nhà, những dịp cư­ới hỏi, làm nhà, khai mùa cày cấy... ít khi có tiếng Chiêng vang lên. “Sợ đến một ngày đồng bào Mường không còn được cảm nhận sức mạnh linh thiêng thấu đến cõi lòng của những bản hòa tấu cồng chiêng truyền thống”- đó là những trăn trở, những suy tư đối với những người yêu văn hóa cồng chiêng xứ Mường. Chính vì vậy, một thời gian dài, những nghệ nhân của các CLB cồng chiêng trên địa bàn huyện Cẩm Thủy, ngoài việc gìn giữ còn dốc sức vào việc vận động những thanh niên nam, nữ trong thôn bản tham gia tập luyện cồng chiêng, có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Truyền dạy cho thế hệ trẻ kỹ thuật đánh cồng chiêng và truyền cả những giá trị tinh thần vô giá của những âm thanh ấy đối với đời sống văn hóa dân tộc Mường. Để giờ đây, ở các bản Mường trên quê hương Cẩm Thủy, mỗi dịp có sự kiện quan trọng, tiếng chiêng, tiếng cồng vẫn vang lên, lay động lòng người...


Thanh Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]