(Baothanhhoa.vn) - Khen cho bàn tay tạo hóa đã khéo léo tạc nên một miền Tây xứ Thanh vừa có nét hùng vĩ của đại ngàn, đèo cao, vực thẳm nhưng cũng không kém phần thơ mộng, hữu tình. Điểm xuyết trên nền bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp ấy, sao có thể thiếu được nét hấp dẫn của những dòng thác đã ăn đời ở kiếp với đá – núi cheo leo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về những danh thác nổi tiếng xứ Thanh

Khen cho bàn tay tạo hóa đã khéo léo tạc nên một miền Tây xứ Thanh vừa có nét hùng vĩ của đại ngàn, đèo cao, vực thẳm nhưng cũng không kém phần thơ mộng, hữu tình. Điểm xuyết trên nền bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp ấy, sao có thể thiếu được nét hấp dẫn của những dòng thác đã ăn đời ở kiếp với đá – núi cheo leo.

Về những danh thác nổi tiếng xứ ThanhThác Mây - món quà vô giá của thiên nhiên ưu ái ban tặng cho xứ Thanh. Ảnh: tư liệu

Nhắc đến vẻ đẹp của những danh thác nổi tiếng xứ Thanh, huyện Thạch Thành là vùng đất thu hút đông đảo du khách tìm về. Huyện Thạch Thành có đầy đủ đặc điểm điển hình của địa hình miền núi đá vôi, đồi đất miền trung du và đồng ruộng vùng đồng bằng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Đây cũng là quê hương của những danh thác nức lòng du khách gần xa như: Thác Mây (xã Thạch Lâm), thác Voi (thị trấn Vân Du), suối nước nóng Vó Ấm và thác Đẹn (xã Thành Minh)...

Thác Mây là niềm tự hào của văn hóa – du lịch huyện Thạch Thành. Vẻ đẹp của dòng thác đã vượt ra khỏi khuôn khổ làng, xã hay quốc gia để vươn ra tầm quốc tế. Trang Culture Trip đã giới thiệu thác Mây trong danh sách 10 thác đẹp nhất Việt Nam – một vinh dự không phải con thác nào cũng có được.

Như một kiệt tác được thiên nhiên ưu ái ban tặng, thác Mây chinh phục du khách tới tham quan bởi nét hấp dẫn, độc đáo rất riêng. Dòng nước mát lạnh, trắng bạc gối đầu trên những bậc đá như bậc thang cùng cảnh quan thiên nhiên vô cùng hấp dẫn đã họa nên bức tranh thác Mây tuyệt đẹp. Giữa không gian đại ngàn bao la, dưới những tán cây xanh mướt mát hòa trong “bản giao hưởng” tuyệt vời của loài chim, từng dòng thác đổ xuống tựa hồ như mái tóc bồng bềnh của nàng thiếu nữ miền sơn cước đương tuổi xuân thì. Tương truyền, chín bậc thác Mây được tạo nên bởi chín nàng tiên nhà trời. Vì say lòng trước cảnh đẹp nơi đây, chín nàng tiên sau khi tắm đã để lại ở đây những dấu chân tiên, tạo thành chín bậc thác. Nhiều du khách đến đây tin rằng, con số 9 bậc thác không phải sự ngẫu nhiên, vô tình mà hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, hàm ý sâu xa của tạo hóa. Theo quan niệm của người phương Đông, con số 9 tượng trưng cho sự vĩnh cửu, trường tồn. Hữu xạ tự nhiên hương, nhiều cặp tình nhân đã tìm về bên thác Mây để thề nguyện, ước hẹn và gửi gắm những mong cầu về sự gắn kết, hòa hợp bền lâu.

Về với thác Mây, du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên “sơn thủy hữu tình” mà còn được thỏa sức trải nghiệm và tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán của hai dân tộc anh em bao đời sinh sống hòa thuận dưới chân dòng thác là: Dân tộc Kinh và dân tộc Mường. Đặc biệt, các loại hình văn hóa dân gian của đồng bào Mường nơi đây vẫn còn được lưu giữ, bảo tồn như: Mo Mường, hát Mường, séc bùa, cồng chiêng, múa sạp... Ngoài ra, du khách còn được tham gia nhiều trò chơi, trò diễn dân gian: Tung còn, đánh mảng, bắn nỏ, kéo co... và thưởng thức các đặc sản địa phương thơm ngon, độc đáo, tiêu biểu của vùng rừng núi nơi đây: Rau rừng đồ, xôi ngũ sắc, gà đồi, ốc núi, cơm lam, rượu cần... Những nếp nhà sàn của đồng bào Mường hiền lương, chất phác luôn nồng nhiệt mở cửa đón chào khách đến tham quan, nghỉ ngơi, tạm gác lại lo toan thường nhật. Mô hình du lịch cộng đồng (homestay) đang từng bước hình thành, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Đến với Thạch Thành, ngoài thác Mây, du khách có thể ghé thăm thác Voi - con thác gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn. Nằm trong lòng diện tích rừng tái sinh, thác Voi (thị trấn Vân Du) là nơi hội tụ của những dòng nước len lỏi trong cánh rừng cách nơi đây hàng chục km. Nước chảy tràn trên lớp đá trầm tích rồi từ độ cao chừng 5m đổ xuống tạo thành những dòng nước bạc trắng xóa.

Theo các cụ cao niên trong làng, xưa kia, anh hùng áo vải Nguyễn Huệ hành quân ra Bắc, khi vượt dãy Tam Điệp đã tình cờ phát hiện ra một mó nước lớn giữa rừng. Ông đã cho đàn voi chiến của mình xuống mó nước tắm, nghỉ ngơi. Sau khi tắm ở mó nước, đàn voi nhanh chóng hồi sức, chúng thích thú rống lên vang dội núi rừng. Mó nước không tên kể từ đó được gọi là Hốc Voi, về sau khi khu du lịch sinh thái được hình thành thì đổi thành thác Voi. Cho đến ngày hôm nay, thác Voi vẫn giữ được vẻ nguyên sơ thuở ban đầu và nét thơ mộng ngọt ngào như những thiếu nữ của vùng núi rừng nơi đây. Từ phía những tán cây xanh mướt mát của đại ngàn, ngọn thác đổ xuống mạnh mẽ tạo thành một dải lụa trắng xóa tuyệt đẹp. Khi tia ánh nắng vàng lóng lánh xuyên qua tán cây rừng, dát vàng lên dòng thác tạo thành những mảng cầu vồng nhỏ khiến khung cảnh càng thêm huyền ảo. Đứng trên cầu treo ngắm ngọn thác hùng vĩ nằm ẩn mình giữa thiên nhiên hoang sơ và huyền bí, du khách sẽ được đắm chìm vào không gian trong lành mát rượi của rừng xanh, thác nước. Đến đây, du khách còn có thể thưởng thức sản vật nổi tiếng của núi rừng nơi đây.

Không có được nét mơ màng của thác Mây, âm vang lịch sử hào hùng của thác Voi nhưng thác Trai Gái (Thường Xuân) thu hút du khách bởi nét mạnh mẽ, phóng khoáng đậm chất núi rừng. Được ví như “dải lụa trắng” buông xuống từ trời cao, dòng thác Trai Gái bắt nguồn từ sông Nặm Muồng, chảy từ huyện Quế Phong (Nghệ An), qua hệ thống núi Sản Phăm tạo thành bốn thác lớn, trong đó có thác Trai Gái lại chia thành nhiều tầng thác nhỏ. Ở nhiều điểm thác có nhiều bãi đá, phiến đá lớn bằng phẳng, nước trên cao đổ xuống bọt tung trắng xóa. Do có độ ẩm cao nên thảm thực vật phát triển tươi tốt, phủ xanh các bờ đá quanh thác. Ở một tầng thác có độ cao chừng 100m, dòng nước đổ xuống “khoét” những tảng đá thành các vũng sâu hoắm, tựa như không có đáy. Trong những vũng nước đó, đôi khi, người đi rừng bắt gặp một đôi cá láu luôn quấn quýt bên nhau. Chuyện kể rằng, một đôi trai gái thôn Bọng Nàng yêu nhau tha thiết, hẹn ước nên duyên vợ chồng. Một lần tạo Lẹ (lang đạo Mường) vào thôn đốc thuế, gặp cô gái, đem lòng say mê, đòi cưới bằng được cô gái về làm vợ. Gia đình cô gái, làng bản không thể làm trái ý tạo được nên đành gả con gái. Cô gái và chàng trai bất lực, đêm tối rủ nhau bỏ trốn. Họ cứ chạy mãi, chạy mãi đến khu thác nước này. Họ biết không thể đi đâu để được sống chung nên cầm tay nhau gieo mình theo dòng thác. Nỗi ai oán thấu tận trời xanh, ông trời cảm động đã biến họ thành đôi cá láu. Từ đó, dòng thác này được người dân địa phương gọi là thác Trai Gái để ghi nhớ về mối tình đầy cảm động của người xưa.

Sẽ thật thiếu sót nếu những câu chuyện về danh thác xứ Thanh thiếu vắng nét đẹp của thác Hiêu. Nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; thác Hiêu (thuộc bản Hiêu, xã Cổ Lũng, Bá Thước) là địa điểm lý tưởng để “giải nhiệt” mùa hè. “Hiêu” trong tiếng Thái có nghĩa là mỏm đất chênh vênh, nhô ra giống như địa thế bản Hiêu và thác Hiêu hiện nay. Không phải là một con thác từ trên cao đổ xuống; thác Hiêu khởi nguồn từ một hang đá thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông – Cúc Phương với chiều dài hơn 800 mét.

Thác gắn với câu chuyện dã sử còn được lưu truyền đến ngày nay: Ngày xửa ngày xưa, có chàng trai bản Leo họ Kha Lắc đến bản Đốc tìm vợ. Nhà chàng đã nghèo, nhà vợ còn nghèo hơn. Vượt đường xa dặm dài chàng mải miết đi, khi mệt mới dừng lại. Nơi chàng dừng chân là nơi con suối có con cá tung tăng bơi lội, có con ốc nhẩn nha kiếm mồi. Đất đai bằng phẳng, cỏ cây xanh tốt. Chàng trồng cây ớt thấy ớt cay, trồng cây cải thấy cải ngọt. Chàng cho rằng đất này thuận nghiệp, phát nghề. Chàng thuyết phục vợ cùng đi vào rừng, cùng phát nương mở rẫy, bắt con ốc về làm thức ăn, hái lá rừng làm rau, đào hái củ quả để sinh hoạt. Chàng thuyết phục cha mẹ vợ cho ở riêng và nhắm nơi có con suối để làm nhà. Ngày cha mẹ cùng dân bản đến mừng nhà mới cũng là ngày có đàn hươu về suối uống nước. Thấy lạ cũng không ai dám bắn, cha vợ cho là nhân duyên nên đặt là suối Hươu để nhớ. Về sau, con người về đây sinh sống ngày một đông hơn, hình thành bản Hươu. Hươu trong tiếng Thái đọc là Hiều, đọc chệch thành Hiêu.

Ai đã một lần đến với thác Hiêu đều không khỏi ấn tượng với cảnh vật xung quanh thác. Bởi lẽ, theo dòng chảy, thác Hiêu mang theo một lượng chất đá vôi lớn khiến cho cảnh vật xung quanh thác đều bị vôi hóa, đông kết lại. Mặc dù đường xá đi lại còn nhiều khó khăn nhưng cảm giác được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp với những cánh rừng già, những nếp nhà sàn yên bình nép mình dưới chân núi và hòa mình vào không gian văn hóa bản địa đặc sắc luôn tạo nên nét hấp dẫn riêng của thác Hiêu.

Chẳng thể nào điểm mặt gọi tên đầy đủ những con thác đẹp của miền Tây xứ Thanh. Vượt ra khỏi khuôn khổ của núi rừng; đi xa hơn những huyền tích, dã sử được lưu truyền, ý tưởng và sự táo bạo trong cách làm du lịch cộng đồng đã góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp, ý nghĩa văn hóa – lịch sử của những thác nước ấy đến gần hơn với du khách thập phương. Để phát huy hơn nữa giá trị của những danh thác này, thiết nghĩ, tỉnh Thanh Hóa nói chung và các địa phương có thế mạnh về du lịch thác nước nói riêng cần xây dựng các cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]