Cầu Hàm Rồng. Ảnh: Lê Hợi

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vẻ đẹp xứ Thanh và người lính trong thơ Nguyễn Hoa

(THO) - Nếu Hà Nam là nơi cậu bé Nguyễn Hoa Kỳ (tên khai sinh của nhà thơ) cất tiếng khóc chào đời thì Thanh Hóa là nơi chàng trai 17 tuổi Nguyễn Hoa bắt đầu cuộc đời quân ngũ và khởi đầu sự nghiệp thi ca:

Cầu Hàm Rồng. Ảnh: Lê Hợi

Mười bảy tuổi tôi cầm súng đi xa

Khẩu súng thân quen như chiếc thừng vực nghé.

(Gửi về Hoa Lộc)

Ngày ấy, tại điểm nóng Hàm Rồng, anh lính trẻ Nguyễn Hoa đã được tận mắt chứng kiến bản lĩnh kiên cường của quân và dân Thanh Hóa anh hùng. Nên dù hàng nghìn lượt máy bay Mỹ bắn phá dữ dội nhưng cây cầu Hàm Rồng lịch sử vẫn sừng sững hiên ngang đứng, nối liền đôi bờ sông Mã, thông suốt con đường huyết mạch Bắc Nam:

71 vạn quả bom tên lửa

Nhắm vào cây cầu

Nhắm vào áo thắm đưa nhau...

(Cây cầu)

Có thể nói, miền quê xứ Thanh đẹp cảnh, đẹp người, thủy chung, nhân hậu, với những cụ bạch đầu quân dũng cảm bắn rơi máy bay Mỹ, những cô dân quân Hoa Lộc (Hậu Lộc) dịu dàng, những hàng dừa biếc xanh, những cánh đồng vàng rực thơm hương lúa chín... đã cho thi sĩ Nguyễn Hoa nguồn cảm hứng để ông có được những vần thơ đầu tay vừa chân thực, vừa đầy cảm xúc:

Ôi! Làng dừa, làng dừa quê em

Dừa nhiều như tre quê anh đó

Dừa giống nhau nên anh đi lạc ngõ

Để em cười rơi nắng dưới chân.

(Điều ca ngợi)

Theo Nguyễn Hoa, nắng gió và phù sa sông Chu đã góp phần nuôi dưỡng hồn thơ ông: Gió sông Chu nuôi lớn cánh buồm tôi” (Trở lại sông Chu). Chính những kỷ niệm sâu sắc với đất và người xứ Thanh ở một giai đoạn lịch sử hào hùng đã góp phần làm cho tài năng thơ ở anh phát lộ để rồi những phẩm chất người lính vẫn mãi lấp lánh trong từng con chữ của nhà thơ chiến sĩ Nguyễn Hoa. Nếu Văn là người (Paul Valery) thì với Nguyễn Hoa, đường thơ và đường đời lại càng gắn kết: “Cuộc đời và thi ca Nguyễn Hoa như hai tấm gương soi tỏ vào một tấm lòng” (1).

Nổi bật trong thơ Nguyễn Hoa là tình yêu Tổ quốc và tình cảm thiêng liêng ấy đã được ông gửi gắm vào hình tượng người lính. Đó cũng là quy luật bởi do đặc điểm lịch sử dân tộc nên ở Việt Nam hai đề tài này luôn gắn bó, không thể tách rời.

Là người trong cuộc, hơn ai hết Nguyễn Hoa đã thấu cảm những gian lao của đời lính, đã tận mắt chứng kiến những tình cảm cao đẹp, thiêng liêng giữa những người đồng đội, đã thấy rất rõ những đóng góp có tính chất quyết định của những người chiến sĩ cho nền độc lập dân tộc.

Đau đáu trong lòng khát vọng quyết giữ gìn vẹn nguyên đất trời, biển đảo, để đất Tổ quốc: “Không chia cắt/ Không bán mua/” (Đất Tổ quốc), những người lính luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, “Tự nguyện hy sinh những năm tuổi trẻ... Không đếm những gian lao đi qua/ Cái chết và cái sống/ Để đảo đá này/ Có một chỗ đứng/ Dưới mặt trời” (Dưới mặt trời). Họ dám đương đầu với cả nỗi cô đơn dằng dặc - điều còn khủng khiếp, đáng sợ hơn cái chết: “Nguyện làm cột mốc ở biên cương/ Cột mốc nơi bắt đầu Tổ quốc” (Nơi bắt đầu Tổ quốc).

Trong thơ Nguyễn Hoa, Tổ quốc không chỉ là: đất rộng, trời cao, là biên cương hải phận mà còn là quê hương yêu dấu - hình ảnh luôn thường trực trong trái tim mẫn cảm của mỗi người ra trận:

Không ngủ thức nghe mưa rơi mà sướng

Lòng mát theo cây lúa tận quê.

(Mưa về sáng)

Tổ quốc và mẹ hiền, hai bà mẹ cùng hết lòng yêu thương và thầm lặng nuôi dưỡng đàn con khôn lớn nên người:

Mẹ thức áo mỏng hay cựa

Vườn ngoài lộp độp giọt thu.

(Giọt thu)

Vin nước mắt mẹ

Con lên thành người.

(Nhận)

Để bảo vệ Tổ quốc, nhiều người con trung hiếu đã vĩnh viễn ra đi nhưng những người con ưu tú ấy vẫn như mặt trời ấm áp không ngừng tỏa sáng: “Những đồng đội một lần yên nghỉ dưới vòm cây/ Sốt ác tính nhanh như là chớp giật/ Người yên nghỉ nở thành hoa của đất/ Thành mặt trời rực rỡ dưới sớm mai” (Bạn của đất đai). Thật cảm động khi ta bắt gặp một người lính từ mặt trận trở về, việc làm đầu tiên của người còn sống là gọi mẹ mở tung cánh cửa cho: “Hồn đồng đội con/ Ngọn gió ùa vào”.

Câu thơ thật dung dị nhưng không ngừng gây dư ba trong lòng người đọc bởi đã làm ngời sáng vẻ đẹp nhân văn trong tâm hồn người lính. Đó là tinh thần quên mình vì đồng đội, thủy chung rất mực với đồng đội, một thứ tình cảm trong sáng chỉ có được giữa những người cùng chung một chiến hào: “Có thể nào quên cây gậy Trường Sơn/ Có thể nào quên những người đồng đội” (Dưới mặt trời). Theo Nguyễn Thụy Kha - một thi hữu thân thiết của ông:

“Ở Nguyễn Hoa có một khối thủy tinh trong suốt thủy chung kết tinh từ những rung cảm nhỏ bé về đồng đội” (2).

Yêu nước, yêu đồng đội, yêu con người, yêu thơ... Khối tình yêu ấy luôn là nguồn gốc của thơ Nguyễn Hoa. Nó đã khơi nguồn cho những sáng tạo không có giới hạn, giúp thi nhân vượt qua chính mình, vượt qua sóng gió cuộc đời, vượt qua những cơn bạo bệnh và đã giúp cho đồ thị thơ của ông luôn vận động theo hướng đi lên.

Vững bước dưới mặt trời, thơ Nguyễn Hoa không đi quá sâu vào những được thua của từng số phận mà chọn cách để cho những nỗi đau đời lặn mãi vào trong. Thơ ông trước sau vẫn là thơ của người lính đầy tin yêu, với giọng điệu khẳng định, ngợi ca. Hồn thơ trong trẻo ấy có được là nhờ được ướp trong hương quê đồng nội và nhờ người lính làm thơ đó luôn biết sống vì người khác, luôn biết đặt nghĩa nước trên tình nhà.

Mang tinh thần lạc quan, ông ít viết về mặt trái của xã hội mà chủ đạo trong thơ ông màu xanh hy vọng. Vì thế mà sự tươi mới luôn hiện diện mỗi tập thơ ông, tương lai tươi sáng luôn thắp xanh niềm tin trong con tim có lửa của ông:

Hãy đốt lên ngọn lửa quá khứ

Sẽ thấy gương mặt rạng rỡ của tương lai.

(Thơ hai câu)

Mang bản lĩnh của người lính, suốt đời ông không ngừng tiến lên phía trước để hoàn thành sứ mệnh song đôi của người lính làm thơ: Nửa phần áo cỏ tươi/ Nửa phần chăm hạt chữ. Đam mê và thủy chung với thơ, Nguyễn Hoa đã lặng lẽ cho ra đời 17 tập thơ.

Ý thức rõ trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ, ông đã chọn cách đi vào những đề tài lớn, những vấn đề liên quan đến số phận của cộng đồng mà không khóc than cho số phận của riêng mình. Việc xác định hướng đi Dưới ánh mặt trời đã làm cho thơ của Nguyễn Hoa phần nhiều sáng rõ, một giọng thơ công dân khỏe khoắn, trong trẻo nhưng “sáng rõ là cái mạnh của Nguyễn Hoa nhưng cũng là cái yếu của Nguyễn Hoa”(3).

Và với sự nỗ lực bền bỉ, tên tuổi của nhà thơ chiến sĩ Nguyễn Hoa đã định hình ngày càng rõ nét trên thi đàn Việt Nam đương đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Khuất Bình Nguyên, Những câu thơ dưới mặt trời, in trong sách “Thơ Nguyễn Hoa qua những cặp mắt xanh”, NXB Hội Nhà văn, 2017, trang 403.

2. Nguyễn Thụy Kha, Ước mơ của một người lính, in trong sách “Thơ Nguyễn Hoa qua những cặp mắt xanh”, NXB Hội Nhà văn, 2017, trang 25.

3. Nguyễn Thụy Kha, Ước mơ của một người lính, Sđd, trang 29.


Trần Thị Trâm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]