(Baothanhhoa.vn) - Tập thơ “Hương đất quê Thanh” là tập thơ đầu tiên của nhiều tác giả xứ Thanh, thuộc hội những người yêu thơ tỉnh Thanh Hóa, được Nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành năm 2018.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vẻ đẹp xứ Thanh trong tập thơ “Hương đất quê Thanh”

Tập thơ “Hương đất quê Thanh” là tập thơ đầu tiên của nhiều tác giả xứ Thanh, thuộc hội những người yêu thơ tỉnh Thanh Hóa, được Nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành năm 2018.

Vẻ đẹp xứ Thanh trong tập thơ “Hương đất quê Thanh”

Là “đứa con tinh thần đầu lòng” của hội những người yêu thơ tỉnh Thanh Hóa, đọng lại trong tập thơ này là những tấm lòng yêu quê hương tha thiết thể hiện niềm tự hào về một miền quê thanh bình với bao vẻ đẹp mang đặc thù của đất và người xứ Thanh trong quá khứ, hiện tại và mong ước một xứ Thanh tươi đẹp, vững mạnh trong tương lai.

Trong bài thơ “Xuyên qua mắt bão”, nhà thơ Lê Đình Bằng viết về cuộc chiến ở bến Phà Ghép thông qua một nhân chứng chiến tranh là nhà văn Kiều Vượng. Bài thơ ngắn, ngôn ngữ chọn lọc, ý thơ dồn nén nhưng sức biểu đạt cao, đặc tả được tính khốc liệt, bi tráng trong cuộc chiến Phà Ghép năm xưa. Đồng thời nói lên được tính quyết liệt trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm và cuộc chiến chống những hành vi đi ngược lợi ích nhân dân trong hòa bình, xây dựng đời sống mới của nhà văn Kiều Vượng. Thông qua đó, nhà thơ Lê Đình Bằng muốn ca ngợi đất và người xứ Thanh: “Quăng quật đời thuở chiến tranh/ Kênh Lê, Phà Ghép, bến sông Gianh/ Một “vùng trời thủng” trên non thẳm/ Mấy chặng thuyền tan dưới biển xanh/ Đã chết một lần, đâu bán mạng!/ Từng đau bao bận, chẳng mua danh!/ “Bão không có gió”, qua tâm bão/ Vung bút làm lay chuyển lũy thành”.

Tả vẻ đẹp về vùng đất rừng xứ Thanh và đặc thù văn hóa Mường trong quá khứ, hiện tại, nhà thơ Vương Anh với bài thơ “Bùa lá”, ông lấy cảnh nói lên tình người và thông qua tình yêu đôi lứa, ông gửi gắm tình yêu đất, yêu người và phong tục tập quán sâu lắng hồn quê luôn bám lấy máu thịt trong đời sống người dân miền núi xứ Thanh: “Ta thổi lá gừng lưng áo/ Tríu trao ý hẹn nỗi chờ/ Nhờ hương gừng thay tiếng sáo/ Lươn lướt thử ướm điều mơ.../ Cuốn trôi vòng xòe đến bến/ Níu lại người bén gừng cay/ Yêu thầm... mũi tên bắn lén/ Lao từ búa lá... Nhỡ say...”.

Tác giả Nguyễn Văn Bảng tả vẻ đẹp quê hương trong bài thơ “Tình quê” qua thể thơ lục bát đã cho bạn đọc thấy một miền quê thanh bình, đổi mới với những vẻ đẹp giản dị, nhưng mang hồn cốt văn hóa nông thôn miền Bắc đi mãi cùng thời gian: “Người về thăm bến sông xưa/ Nhớ con đò cũ đón đưa ta về/ Nắng chiều ngã xuống chân đê/ Tóc mây vương níu câu thề đánh rơi/ Sông thương soi bóng mây trời/ Bồng bềnh tái hiện một thời tuổi thơ/ Quê hương nào mấy ai ngờ/ Đổi thay da thịt bây giờ khác xưa...”. Nếu nhà thơ Tống Minh Lung nhớ “Sông quê” bằng bao hoài vọng được nhân cách hóa mang yếu tố triết lý về cuộc sống với những dòng thơ tha thiết yêu quê: “... Đi dọc một triền sông/ Còn bao điều bỡ ngỡ/ Sông bên bồi bên lở/ Cuộn mình sông biết không?/ Mùa nào để đò trông?/ Biết bao người đứng đợi?/ Nỗi nhớ xa vời vợi/ Giấu kín mãi trong lòng...”. Thì tác giả Quản Trọng Bường lại “Yêu quê” và luôn đem theo quê hương trong mỗi vần thơ: “Ta xa quê ở thị thành/ Mà hồn quê vẫn ngọt lành trong ta”.

Trong mỗi bài thơ, các tác giả đều muốn gửi gắm một ý tưởng là viết sao cho bật lên được tấm lòng của mình đối với quê hương như một sự tri ân. Tác giả Phạm Minh Cận “Yêu quê” bởi những trang sử hào hùng của dân tộc luôn sáng mãi trong từng câu chữ: “Tôi rất yêu quê mình xứ Thanh/ Địa linh sức sống thật yên lành/ Lam Kinh nhân kiệt bao triều đại/ Tiền, Hậu Lê, Hồ, quê đất Thanh”. Vũ Ngọc Dung lại “Nhớ quê” thông qua hình tượng một cô thôn nữ trong buổi trưa hè và buổi chiều gió bấc, thật tha thiết, đắm say: “Trưa hè tắm bến sông quê/ Ai ngồi gội mái tóc thề như mun/ Chiều đông, gió bấc mưa phùn/ Thương ai lội bùn, cấy ré mạ xuân/ Rét nhiều má chín bồ quân/ Hạt huyền lúng liếng như phần cho nhau/ Quê hương bến nước cây cầu/ Bắc vào nỗi nhớ từng câu, từng lời...”. Và Hoàng Xuân Đồng lại yêu “Quê mình” thông qua nhưng hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình: “... Quê mình bánh đúc, bánh đa/ Liêu xiêu lều chợ mặn mà lời trao/ Gặp nhau xa đã hỏi chào/ Mô tê răng rứa thắm bao nghĩa tình/ Cây đa giếng nước sân đình/ Còn đây in dấu bóng hình ngày xưa”.

Bất kể người xứ Thanh đi đâu, về đâu, hoặc ở hoàn cảnh nào, quê hương vẫn gắn bó với cuộc sống của họ như hình với bóng. Tác giả Lê Trung Khiên mỗi lần “Về quê” lại say đắm, ngắm nhìn con sông mang bao hành trình lịch sử của quê hương xen lẫn niềm tự hào muôn thuở: “... Quê tôi vùng đất hai sông/ Đôi dòng chung ngã Ba Bông hữu tình/ Quê tôi vùng đất địa linh/ Cưỡi voi xung trận Triệu Thị Trinh anh hùng”. Tình yêu quê hương xứ Thanh đôi khi trở thành “Niềm kiêu hãnh” để tác giả Nguyễn Hữu Vinh khẳng định: “Quê ta nhân kiệt, địa linh/ Văn hay, thơ giỏi sân đình xướng danh/ Trường tồn cùng với cao xanh/ Bia đá Văn miếu xứ Thanh rạng ngời...”. Riêng tác giả Lê Văn Huấn lại “Nhớ quê” vào những thời khắc cam go nhất khi cuộc chiến khi xưa đang diễn ra khốc liệt, người chiến sĩ đối mặt giữa sự sống và cái chết thì hình bóng quê hương hiện về như một niềm an ủi lớn lao, khiến lòng chúng ta rưng lệ: “...Có lần trên chiến trường Tây Nam bộ/ Đánh giặc càn, tôi bị chục vết thương/ Thoáng phút giây đời cận kề cái chết/ Nhớ về mẹ hiền, chốn ấy quê hương...”. Với tình yêu quê vô bờ, bằng thi cảm mộng mơ mang yếu tố tu từ nhân hóa vào lời thơ, tác giả Lê Đắc Long tâm sự: “Mong một lần em về với quê anh/ Sánh cùng em hồ Thắng Long dạo mát/ Khẽ khàng thôi nghe triền đê gió hát/ Thả tâm hồn dào dạt những thương yêu...”.

Quê hương không chỉ mang theo hình dáng cây đa, bến nước, sân đình, ao sen, cổng làng.... Quê hương xứ Thanh còn có nhiều danh lam, thắng tích đặc sắc không nơi nào có, luôn là nơi du lãm của khách bốn phương và là niềm tự hào của xứ Thanh. Tác giả Linh Quân tả suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy) mang đầy sắc thái Liêu Trai về một thắng cảnh nức tiếng nơi đây: “... Suối biếc long lanh cá quẫy chân/ Cứ tưởng thiên thai chờ tục khách/ Nào hay thắng tích đợi thi nhân”. Lê Bá Hưng lại khẳng định trong thơ dù có đi đến phương trời nào thì “Ta đi ta nhớ quê nhà” như một định đề bất biến trong tâm hồn mỗi con người xứ Thanh: “... Đi xa vẫn nhớ quê nhà/ Nhớ người bạn gái tóc hòa hương chanh/.../ Quê mình ai cũng một thời/ Mô tê, răng rứa, nói lời quê choa”.

Nhiều tác giả đã đồng nhất hình ảnh người mẹ kính yêu của mình với quê hương, với Tổ quốc. Bài thơ “Mẹ” của nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ đã lồng hình ảnh người mẹ cụ thể với mẹ Tổ quốc, mẹ quê hương trong hành trình dài dựng nước và giữ nước “... Mẹ!...Mẹ sinh con: Một trái tim nặng hình quả chín/ Thấm ở tim con tình mẹ/ Bao yêu thương, ưu phiền, vất vả/ Bao sinh lực đôi bàn tay ngàn năm mẹ dồn tất cả.../ Đôi bàn tay chiến thắng, đôi bàn tay tiếp nhựa mãi mầm xanh/ Một màu xanh cho đất mẹ Vạn Xuân...”. Cũng viết về mẹ, trong bài thơ “Nhớ về quê mẹ” của tác giả Nguyễn Kế Quang mang nỗi niềm tâm sự về quê hương – bến đỗ bình yên của đời ông và ông cũng gửi vào những câu thơ bao triết lý, bài học về cuộc đời đã trải nghiệm, đúc kết từ thực tiễn để chọn cho mình một cách sống thanh nhã, trong sáng, giữa cuộc đời vốn nhiều cạm bẫy: “Tôi từ quê mẹ ra đi/ Cứ vương vấn mãi đến khi bạc đầu/ Dù có đi đâu, về đâu/ Lại về quê mẹ tìm nhau bạn bè/ Lợi danh để lại bên hè/ Ổ rơm xưa với chõng tre ta nằm/ Sáng trong như ánh trăng rằm/ Tình quê tháng tháng, năm năm vẫn còn...”. Tác giả Đại đức Thích Bản Hoài, bút danh Pháp Hải lấy không gian trời, đất, quê hương để tả nỗi đau khi mất mẹ. Tâm sự của tác giả chạm đến tâm hồn công chúng yêu thơ và vì vậy bài thơ “Mẹ đi rồi” mang nhiều xúc cảm: “Mẹ ra đi giữa một chiều mưa gió/ Thương về người con khóc hết trời thu.../ Bầu trời hôm nay chẳng còn cơn mưa nhẹ/ Cứ bão bùng con mất mẹ từ đây.../ Nỗi buồn đó vương cả bóng cỏ cây/ Con dõi mắt theo gió mây mù mịt/ Có nỗi đau nào hơn mất người ruột thịt...”. Tác giả Đại đức Thích Tâm Minh lại ví “Mẹ” như lời thơ, như câu hát, như quê hương với tất cả tình thương cao cả nhất dành cho mẹ kính yêu: “... Mẹ là tiếng hát, câu thơ/ Ru con vào những giấc mơ tuyệt vời/ Du dương hai tiếng à ơi/ Đong đưa con ngủ, suốt đời không quên”. Và Đại đức Thích Nguyên Từ với bài thơ “Tết đang về nơi chùa quê mẹ” lại đưa vào thơ một phong vị tết rất thanh bạch của quê nhà trong thế giới thiền tâm thanh tịnh: “Câu đối gieo vần mang nghĩa xuân/ Tết từ bi bỏ bớt tham sân/ Bánh chưng nhân đậu cho chay tịnh/ Đón rước người xa với khác gần”.

Những vẻ đẹp của xứ Thanh luôn được các tác giả trong hội những người yêu thơ tỉnh Thanh Hóa thể hiện trong thơ khi ngọt ngào, say đắm, lúc xa xót tiếc nuối một thời đã xa. Tác giả Hồ Thị Minh luôn khắc sâu những “Câu hò sông Mã” lãng mạn, vốn là đặc trưng văn hóa của một vùng sông nước xứ Thanh để nói hộ lời của những đôi trai gái tuổi đương thì: “... Đêm trăng sáng dắt vàng trên mặt nước/ Vẳng câu hò hẹn ước tuổi thanh xuân/ Đã thương nhau xa mấy cũng gần/ Hẹn xuân đến chúng mình thành đôi lứa...”. Tác giả Trịnh Đăng Nên khi “Thăm Vọng Phu” đã chia sẻ cảm xúc xót xa cho thân phận người phụ nữ đã cho chúng ta thấy tính nhân văn luôn hiện hữu trong mỗi dòng thơ viết về quê hương yêu dấu: “Nàng đứng chi mà đứng mãi đây?/ Thi cùng tuế nguyệt ngắm trời mây!/ Má hồng phai nhạt vì sương gió/ Phận liễu lu mờ bởi cỏ cây!.../ Ba sinh duyên nợ tình chưa dứt/ Nàng đứng chi mà đứng mãi đây!”. Riêng tác giả Chu Mã Ba trong một tiềm thức của người con xứ Thanh khi nhớ về “Vũng Chùa đảo Yến” đã biểu đạt bao tình cảm nhớ thương khắc khoải vị Đại tướng của nhân dân: “Đảo Yến vỗ về chốn cõi linh/ An giấc ngàn thu vùng cát trắng/ Muôn đời tỏa sáng ánh bình minh”.

Quê hương không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi bắt đầu và kết thúc một đời người mà quê hương còn là nguồn suối lành vô tận tưới tắm tâm hồn những đứa con được sinh ra. Chính vì vậy tác giả Lê Văn Bảng đã gửi vào những trang thơ bao ký ức của những người lính năm xưa, cùng những kỷ niệm vui buồn gắn với lễ hội quê nhà yêu dấu mỗi khi tết đến, xuân về: “Mỗi năm tết đến, xuân về/ Tâm tư ai cũng tràn trề quê hương/ Xa quê lòng những vấn vương/ ... / Những đêm hai làng hò kép xứ Thanh.../ Thế mà lỡ hẹn với câu chung tình/ Đất nước chưa được yên bình/ Anh đi bộ đội chúng mình dở dang/ Hết giặc về với xóm làng.../ Về quê gặp lại tình thương năm nào/ Câu hò lại vút lên cao/ Tình hai người lính bước vào trang thơ”.

Tập thơ “Hương đất quê Thanh” với nhiều bài thơ mang chủ đề về tình yêu quê hương xứ Thanh của nhiều tác giả mà trong khuôn khổ bài viết này không thể giới thiệu một cách đầy đủ. Tuy nhiên, tất cả các bài thơ trong tập của các tác giả đều toát lên niềm tự hào và đau đáu một tình yêu quê hương xứ Thanh vô bờ. Vì tình yêu đó mà người xứ Thanh ở phương trời nào cũng luôn khát khao, kỳ vọng mảnh đất thiêng liêng này ngày càng tươi đẹp và phát triển vững mạnh, như tác giả Tạ Hiền đã viết trong bài “Giữ gìn đất Tổ”: “Tiên Tổ giao ta xứ đất này/ Bao đời vun đắp có ngày nay/ ... / Đất Tổ truyền đời ta phải giữ/ Làng quê muôn thuở vững nơi đây/ Cùng nhau xây đắp nền Tiên Tổ/ Mãi mãi nâng niu xứ đất này”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]