(Baothanhhoa.vn) - Nằm soi bóng bên dòng nước yên ả, Điện Thừa Hoa - công trình kiến trúc lịch sử bề thế, độc đáo và giàu giá trị - ví như một nét sơn trầm lặng, điểm tô trên bức tranh làng quê trù mật và thanh bình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vẻ đẹp Điện Thừa Hoa

Vẻ đẹp Điện Thừa Hoa

Nghinh môn trước Điện Thừa Hoa. Ảnh: Hoàng Xuân

Nằm soi bóng bên dòng nước yên ả, Điện Thừa Hoa - công trình kiến trúc lịch sử bề thế, độc đáo và giàu giá trị - ví như một nét sơn trầm lặng, điểm tô trên bức tranh làng quê trù mật và thanh bình.

Điện Thừa Hoa là trung tâm của quần thể di tích lịch sử Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang (thuộc xã Định Hòa, huyện Yên Định). Xưa kia, điện còn có tên là đền Thánh Mẫu hay phủ Nhì; tọa lạc trên diện tích chừng 5ha, giữa địa thế “tam sơn tụ thủy” vô cùng đặc biệt: Phía Tây Nam là sông Cầu Chày, phía Nam là núi Nội, phía Bắc là núi Si và phía Đông là núi Nhì (núi Quan Yên). Sự ra đời của di tích không gắn với một câu chuyện ly kỳ nào. Thế nhưng, vẻ đẹp cùng sức sống mãnh liệt của nó, lại đến từ vai trò, vị thế và cuộc đời ít nhiều ly kỳ của nhân vật được phụng thờ: Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao – người được sử gia đương thời ngợi ca là “đức sánh với trời đất, công rạng rỡ Tam thánh, xứng đáng hàng đầu của các vị Hoàng hậu nước Đại Việt”.

Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao có ảnh hưởng quan trọng và tích cực đến 3 đời vua Lê là Thái tông, Thánh tông và Hiến tông. Bà sinh năm Canh Tý 1420, thuộc dòng dõi lương gia trên mảnh đất Đồng Phang. Niên hiệu Thiệu Bình thứ 3 (1436) khi tròn 16 tuổi, bà được tuyển vào cung và được Vua Thái tông rất yêu mến. Đến niên hiệu Đại Bảo thứ nhất (1440), bà được sắc phong Tiệp Dư, ở cung Khánh Phương. Bà sinh ra Thao Quốc trưởng công chúa và Hoàng đế Lê Thánh tông (Lê Tư Thành). Khi Tư Thành vừa sinh được vài tháng thì Thái tông băng hà. Nhân tông Hoàng đế lên nối ngôi, phong Lê Tư Thành là Phiên Vương ra ở ngoài dân gian, còn Ngô Thị Ngọc Dao được sung viện coi việc phụng thờ Thái Miếu. Năm Kỷ Mão 1459, niên hiệu Diên Ninh thứ 6, Lạng Sơn vương Nghi Dân gây biến, Tuyên Từ Hoàng Thái hậu (vợ Vua Lê Thái tông) và Nhân tông đều bị hại. Năm sau (tháng 6 năm Canh Thìn), các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Niệm, Lê Thọ Vực đứng lên dẹp loạn và rước Lê Tư Thành lên nối ngôi, tức Thánh tông Thuần Hoàng đế. Bà Ngô Thị Ngọc Dao được suy tôn Hoàng Thái hậu và rước vào Điện Thừa Hoa.

Tháng 3 năm Bính Thìn 1496, sau khi bái yết Sơn Lăng (Lam Kinh) trở về, Hoàng Thái hậu lâm trọng bệnh rồi mất tại Điện Thừa Hoa, hưởng thọ 76 tuổi, ở ngôi Hoàng Thái hậu 37 năm. Đến năm Mậu Ngọ niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498), Vua Lê Hiến tông cho di dời thi hài về xứ Đầm Rắn núi Lam Sơn, cùng táng ở Hựu Lăng (lăng Lê Thái tông). Bài minh khắc trên bia Khôn Nguyên Chí Đức tại Lam Kinh, đã ca ngợi trí tuệ và công đức của Hoàng Thái hậu: “Khí là mẹ thì âm dương thiêng, mặt trăng là mẹ thì huyền lượng sáng, quẻ Khôn là mẹ thì muôn vật nhờ đó sinh ra; Hoàng Thái hậu là mẹ thì việc cai trị thành công”. Là người sinh ra sẵn có chất ngọc thuần hòa, tính trời cẩn thận, đôn hậu, cần kiệm, không chuộng xa hoa. Nhờ bởi “cơ trời tác hợp, đức hóa bốn phương mới sánh duyên với Lê Thái tông. Thánh tông Hoàng đế sở dĩ có được tư chất bậc thượng thánh, làm nên sự nghiệp trung hưng là nhờ giáo huấn từ thiện của Hoàng Thái hậu. Như vậy, đối với Thái tông thì có công chăm lo, giúp đỡ; đối với Thánh tông thì có công sinh dưỡng cù lao; đối với Hiến tông thì tận tình thương mến”.

Năm Quang Thuận thứ 9 (1468), Vua Lê Thánh tông cho dựng Thuần Mậu Đường (tức Điện Thừa Hoa) tại động Bàng Hương (tức Đồng Phang, xã Định Hòa ngày nay), để phụng dưỡng mẫu hậu mỗi khi về thăm quê ngoại. Điện gồm 3 cung, được xây dựng theo lối kiến trúc phương Đông truyền thống và mang đậm dấu ấn văn hóa thời Lê sơ. Sau khi Hoàng Thái hậu qua đời, Điện Thừa Hoa đổi thành đền Thánh Mẫu. Vì ý nghĩa đặc biệt của nó mà xưa kia, bất kể là quan hay dân, từ “thượng Đắc Trí, hạ Bái Càn”, hễ ai đi ngang qua đền đều phải xuống ngựa đi bộ để tỏ lòng thành kính. Trải gần 6 thế kỷ tồn tại, với vô vàn cuộc đổi thay, khu đền thờ gần như đã bị phá hủy. Sau nhiều lần được nhân dân và con cháu khắp nơi công đức để tu sửa, xây dựng lại, xong các hạng mục đều bị xuống cấp nghiêm trọng. Xét về giá trị lịch sử, cùng sự độc đáo của một công trình kiến trúc có tuổi thọ ngót 600 năm, ngày 28-10-2016 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3745/QĐ-BVHTTDL, công nhận quần thể di tích Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Sau khi được công nhận xứng tầm vóc và giá trị, giữa năm 2018, bằng nhiều nguồn tài trợ và công đức của các tổ chức, các nhà hảo tâm trong cả nước, Điện Thừa Hoa đã được phục dựng lại, gần như nguyên vẹn vóc dáng ban đầu. Điện gồm 3 cung là Đệ Nhất, Đệ Nhị và Đệ Tam; cổng Tam Quan và sân hành lễ. Trong đó, cung Đệ Nhất hay còn gọi là Điện Chính, Chính Tẩm là nơi thờ Quang thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao; gian bên tả thờ Ngô Từ (cha của Hoàng Thái hậu) và gian bên hữu thờ Thánh tông Hoàng đế. Nối cung Đệ Nhất với cung Đệ Nhị là nhà Nhà Cầu, nơi các cung văn, cô đồng hầu bóng. Cung Đệ Nhị là nơi thờ phụng các bậc công thần nhà Lê; còn cung Đệ Tam là nơi các quan viên và nhân dân tổ chức hành lễ. Công trình được hoàn thành vào những ngày đầu xuân Đinh Hợi 2019, trong niềm hân hoan và thành kính của người dân xứ Đồng Phang. Với diện mạo bề thế, khang trang, linh thiêng mà hết sức gần gụi, Điện Thừa Hoa không chỉ là nơi thờ phụng vị Hoàng Thái hậu nhà Lê; mà còn là nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tri ân các bậc tiền nhân có công với nước của các thế hệ con cháu người Việt. Đặc biêt, khu điện thờ ở vào vị thế đẹp, phong cảnh hữu tình, nếu được giới thiệu, quảng bá sâu rộng, đây sẽ là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo khách thập phương.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]