(Baothanhhoa.vn) - Tống Duy Tân, vị tiến sĩ tài ba là người con ưu tú của làng Bồng Trung, tổng Biện Thượng, nay thuộc xã Minh Tân (Vĩnh Lộc), là chí sĩ yêu nước trong Phong trào Cần vương chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Tuy ông mất đã gần 130 năm nhưng những dấu tích cũng như những câu chuyện gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn còn như nguyên vẹn nơi mảnh đất lịch sử này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về Biện Thượng, nghe kể chuyện Tống Duy Tân

Tống Duy Tân, vị tiến sĩ tài ba là người con ưu tú của làng Bồng Trung, tổng Biện Thượng, nay thuộc xã Minh Tân (Vĩnh Lộc), là chí sĩ yêu nước trong Phong trào Cần vương chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Tuy ông mất đã gần 130 năm nhưng những dấu tích cũng như những câu chuyện gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn còn như nguyên vẹn nơi mảnh đất lịch sử này.

Về Biện Thượng, nghe kể chuyện Tống Duy TânNgôi nhà cổ bình dị là nơi Tống Duy Tân sinh ra và lớn lên.

Về Biện Thượng, vùng đất lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nghè Tống Duy Tân, chúng tôi cảm nhận được sự đổi mới của một vùng nông thôn trù phú. Dọc hai bên Quốc lộ đoạn qua địa bàn xã, các cơ sở kinh doanh nằm san sát nhau. Ở đó, mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, giao thương đang diễn ra tấp nập, nhà cửa khang trang, những con đường bê tông trải dài đến tận ngõ nhỏ.

Không giấu được niềm tự hào khi nói về mảnh đất này, anh Tống Văn Trường, công chức văn hóa xã nói: “Xã Minh Tân là đơn vị đầu tiên được huyện chọn để thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đến nay xã đã đạt 12/15 tiêu chí. Chính quyền và người dân luôn quyết tâm xây dựng xã ngày càng phát triển, xứng đáng với truyền thống văn hóa lâu đời của địa phương. Từ lâu, nơi đây được nhiều người nhắc đến bởi bề dày lịch sử, là nơi lưu giữ nhiều di tích quý giá. Ngoài hệ thống các điểm đình, đền khá nguyên vẹn thì nổi bật hơn cả là khu quần thể di tích Đa Bút và hệ thống đền, nhà ở, khu lăng mộ của nhân vật lịch sử Tống Duy Tân”.

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ bình yên, ngôi nhà gỗ có lối kiến trúc theo kiểu nhà ở dân gian giản dị đến không ngờ, cách bài trí trong căn nhà cũng khá đơn sơ. Ngay chính gian giữa, bàn thờ Tống Duy Tân được đặt trang trọng với tấm ảnh còn khá rõ nét. Bên trên bàn thờ nổi bật bức đại tự được sơn son thếp vàng đề 4 chữ “Đại khoa đắc nhân”. Đây chính là nơi Tống Duy Tân sinh ra, lớn lên và chứng kiến những miệt mài kinh sử, đi thi và đỗ đạt của vị tiến sĩ khoa Ất Hợi (năm 1875).

Trong không gian nhỏ hẹp mà ấm cúng, ông Tống Văn Vinh, trưởng tộc của dòng họ Tống kể với chúng tôi về bậc tiền bối bằng cách gọi vừa trân trọng vừa rất đỗi gần gũi: “Cụ Tống”. Ông nói: “Theo gia phả của dòng tộc lưu lại, cụ Tống sinh năm 1837, tự là Cơ Mệnh, hiệu là Báo Tiền. Sinh trưởng trong một vùng quê khoa bảng, được kế thừa truyền thống hiếu học nên cụ rất quyết tâm ăn học thành tài. Sau nhiều năm tháng rùi mài kinh sử, theo học qua rất nhiều thầy ở quê, ở Nam Định, Hà Nội, đến năm 1870 cụ thi đỗ cử nhân, và tại kỳ thi năm 1875, cụ đỗ tiến sĩ. Ngay sau đó, cụ được phong Hàn lâm viện Biên tu và giữ chức Thừa biện tại Bộ hình dưới triều Vua Tự Đức. Năm 1876, cụ được cử làm phúc khảo trường thi Nam Định rồi được bổ nhiệm làm tri phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc”.

Thời gian làm quan, Tống Duy Tân thể hiện được bản tính thanh liêm, chính trực nên rất được Nhân dân ngợi ca, kính trọng. Tuy nhiên, trước sự nhu nhược, bất lực của triều đình trước họa xâm lăng, ông cáo quan về quê mở trường dạy học vào năm 1878. Năm 1885, khi phong trào chống Pháp được khởi xướng, ông đã nhiệt tình hưởng ứng, nhanh chóng xây dựng lực lượng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh và giành được nhiều thắng lợi. Tuy nhiên, năm 1892, trong một lần bị tấn công, ông đã bị thực dân Pháp bắt giữ. Kẻ thù ra sức mua chuộc nhưng ông cương quyết không khuất phục, cắt tay lấy máu viết nên những vần thơ khí phách: “Nguyện tế tiên vương khu cảnh ngoại/ Thủy tri kim ngã tại lung trung” (dịch là: Nguyện tế tiên vương trừ giặc nước/ Ai hay nay lại ở trong lồng).

Thất bại trước ý chí kiên cường của Tống Duy Tân, giặc Pháp đã đem ông ra xử chém. Hiện phần mộ của ông được đặt dưới những tán cây xanh mát ngay tại khuôn viên ngôi trường cấp 3 mang tên ông. Hàng năm cứ đến ngày giỗ của ông, con cháu khắp nơi lại trở về dâng hương tưởng nhớ cũng là dịp để ôn lại lịch sử dân tộc và nhắc về những công lao to lớn của tiền nhân để lại.

Cũng theo ông Vinh, truyền thống hiếu học của Tiến sĩ Tống Duy Tân và vùng đất khoa bảng Biện Thượng đang được lớp con cháu trong dòng tộc cũng như các thế hệ học sinh tại đây kế thừa. Nhiều người con của địa phương nhờ có ý chí phấn đấu đã đỗ đạt và thành công trên nhiều lĩnh vực. Cháu Trần Hà My, học sinh lớp 12, Trường THPT Tống Duy Tân chia sẻ: “Cháu rất tự hào khi là người con của đất Biện Thượng và được học dưới mái trường này. Phẩm chất, trí tuệ và bản lĩnh của Tống Duy Tân chính là tấm gương, là động lực giúp chúng cháu luôn cố gắng trong học tập và cuộc sống”.

Niềm hãnh diện, tự hào là tâm trạng chung của người dân địa phương khi nhắc tới nhà chí sĩ yêu nước Tống Duy Tân. Tuy nhiên, bên cạnh đó con cháu cụ Tống vẫn còn sự trăn trở về việc bảo tồn khu nhà ở, một chứng tích gắn liền với cuộc đời cụ đã được công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia vào năm 2001 đang ngày một xuống cấp. Ngôi nhà cổ 4 gian tuổi đời hàng trăm năm có kiến trúc theo kiểu nhà ở dân gian đang được gia đình anh Tống Duy Thái, người cháu đời thứ 5 của ông trông coi. Tuy nhiên, đến nay nhiều hạng mục trong ngôi nhà đã bị hư hỏng: Lớp ngói mục vỡ, nhiều thân cột, đầu nối và các mảng chạm khắc hoa văn đã bị mối mọt. Anh Thái cho biết: “Chúng tôi ở đây thường xuyên dọn dẹp, bài trí khuôn viên, sân vườn để ngôi nhà luôn thoáng mát, sạch sẽ. Tuy nhiên, càng ngày ngôi nhà lại càng có dấu hiệu hư hỏng nặng. Rất mong cơ quan chức năng, các cấp có thẩm quyền quan tâm nâng cấp, tu bổ”.

Sau hành trình tham quan các di tích, gặp gỡ những cụ cao niên, được trò chuyện với nhiều người con cháu của dòng họ Tống và chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất quê hương Tống Duy Tân, chúng tôi hiểu rằng những gì ông để lại cho đời sẽ như mạch nguồn chảy mãi. Mỗi thế hệ sau lại nối tiếp thế hệ trước giữ gìn truyền thống văn hóa và anh hùng của người con đất Biện Thượng.

Bài và ảnh: Thu Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Tống Duy Bằng - 15:31 11/03/21

 Trả lời

Tự hào về cụ tổ

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]