(Baothanhhoa.vn) - Nếu ví văn học nghệ thuật (VHNT) Bắc miền Trung là mạch nguồn sáng tạo đa sắc, đa thanh thì VHNT xứ Thanh tựa như một nhánh phù sa vừa rất đỗi thân quen vừa biết tự làm mới mình trong những nỗ lực phát triển không ngừng nghỉ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn học nghệ thuật xứ Thanh trong dòng chảy văn học nghệ thuật Bắc miền Trung

Nếu ví văn học nghệ thuật (VHNT) Bắc miền Trung là mạch nguồn sáng tạo đa sắc, đa thanh thì VHNT xứ Thanh tựa như một nhánh phù sa vừa rất đỗi thân quen vừa biết tự làm mới mình trong những nỗ lực phát triển không ngừng nghỉ.

Văn học nghệ thuật xứ Thanh trong dòng chảy văn học nghệ thuật Bắc miền Trung

Lớp tập huấn lý luận, phê bình văn học – nghệ thuật cho hội viên do Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa tổ chức.

Xuyên suốt tiến trình vận động và phát triển VHNT của cả nước, có những đóng góp quan trọng của VHNT địa phương nói riêng, khu vực nói chung. Nhìn lại chặng đường 20 năm (từ năm 2000 đến nay), sự phát triển của VHNT 6 tỉnh Bắc miền Trung (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã khẳng định rõ điều đó. Dẫu rằng, VHNT mỗi địa phương đều mang nét đặc trưng riêng biệt, phản ánh đậm đặc hơi thở cuộc sống tại nơi mà nó được sinh ra và nuôi dưỡng. Tuy nhiên, thực tế vận động và phát triển cho thấy, VHNT Bắc miền Trung đã tạo nên sự giao thoa, kết nối hài hòa, bền chặt trên tinh thần tôn trọng và sát cánh bên nhau cùng hướng đến sự phát triển.

VHNT Bắc miền Trung vừa làm nổi bật văn hóa vùng miền, vừa làm đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đời sống VHNT Bắc miền Trung có sự tổng hòa nhiều gương mặt, đại diện cho những sắc thái văn hóa vùng, miền khác nhau. Đó là: VHNT Thừa Thiên Huế với không gian sáng tác đậm chất xưa, thấm đượm trên từng trang viết; VHNT Hà Tĩnh độc đáo, thú vị trong khả năng biểu đạt, nét riêng biệt của ngôn ngữ địa phương, vừa nuôi dưỡng, gắn bó với cội nguồn truyền thống - một kho tàng văn hóa dân gian quý giá như: Truyện cổ, hò, vè, ví giặm; vừa tiếp thu, cách tân những thành tựu mới để có được sự mở rộng về đề tài sáng tác; VHNT Quảng Trị là sự tổng hòa của nét dung dị, mênh mang, gần gũi, đậm đà chất quê của miền đất gió Lào cát trắng; VHNT Quảng Bình chuyển mình mạnh mẽ từ chủ nghĩa tuyên truyền sang chủ nghĩa nhân văn trong sáng tạo... Tất cả những nét đặc trưng tiêu biểu, mang đậm dấu ấn vùng miền ấy đã góp phần làm nên diện mạo, đời sống VHNT Bắc miền Trung đa dạng, độc đáo và phát triển.

Trong mạch nguồn sáng tạo đa sắc, đa thanh của VHNT Bắc miền Trung, VHNT xứ Thanh được xem là “gương mặt” nổi bật, “sáng giá”. Khác biệt nhưng không hề dị biệt, một mặt, VHNT xứ Thanh luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của VHNT cả nước và khu vực; mặt khác, nỗ lực phát huy tiềm năng, thế mạnh, cá tính sáng tạo, gặt hái được những kết quả nổi bật trên tất cả lĩnh vực.

“Những năm gần đây, xu hướng vận động và phát triển của văn học xứ Thanh cho thấy nỗ lực bứt phá mạnh mẽ của các cây viết trẻ. Với tuổi đời từ 16 – 40 tuổi, họ thực sự là nguồn kế cận đáng quý giữa bối cảnh khan hiếm lực lượng sáng tác trẻ tại các hội VHNT địa phương”- nhà lý luận phê bình văn học Thy Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh nhận định. Nhằm khắc phục tình trạng “tre già nhưng măng chưa mọc”, Hội VHNT Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển hội viên, phát hiện và bồi dưỡng các cây viết trẻ. Hội thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng sáng tác văn học trẻ và văn học miền núi nhằm phát hiện và bồi dưỡng những người viết văn trẻ, đặc biệt là khu vực các huyện miền núi. Với những việc làm thiết thực, hiệu quả ấy, đội ngũ sáng tác trẻ xứ Thanh không ngừng được củng cố, nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tác giả trẻ đang dần khẳng định mình trong đời sống VHNT xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung như: Thy Lan (lý luận phê bình); Phạm Tiến Triều, Việt Hưng, Lê Hương, Lê Đáng, Hạnh Lê (thơ)...; Lưu Nga, Quỳnh Thơm, Minh Thúy (truyện ngắn, bút ký)...

Không chỉ bó hẹp trong phạm vi các lớp bồi dưỡng sáng tác văn học trẻ và văn học miền núi, đời sống văn học xứ Thanh thực sự sôi động với nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn như: tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, mở các trại sáng tác văn học cho hội viên. Vừa qua, Hội VHNT tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức lý luận phê bình cho các cây bút sáng tác, nghiên cứu, khảo cứu đã và đang tham gia viết phê bình, được giới thiệu và lựa chọn từ các ban chuyên ngành của hội. Giảng viên trực tiếp giảng dạy là những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học nổi tiếng.

Song hành với hoạt động VHNT xứ Thanh cũng đạt được kết quả đáng tự hào. Bên cạnh lĩnh vực: sân khấu, múa, điện ảnh, kiến trúc, những năm gần đây, nghệ thuật xứ Thanh ghi nhận những kết quả nổi bật ở các lĩnh vực: âm nhạc, mỹ thuật, ảnh nghệ thuật.

Thành công của họa sĩ trẻ Lê Thị Thanh với tác phẩm “Huyền thoại Sầm Sơn” đoạt giải Nhất tại cuộc Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc Trung bộ lần thứ 20 và xuất sắc đoạt giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã đánh dấu cột mốc quan trọng, giải “cơn khát Huy chương Vàng” cho nền mỹ thuật xứ Thanh sau chặng đường dài 20 năm tham gia các cuộc triển lãm khu vực chưa một lần có giải nhất.

Ban Ảnh nghệ thuật hăng say sáng tác với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, có sức lan tỏa rộng rãi như: tham gia Cuộc thi ảnh “Nét đẹp lao động trong thời kỳ đổi mới” trên tạp chí Văn nghệ xứ Thanh; tham gia Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ lần thứ 26 tại Nghệ An; tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật và tọa đàm 5 vùng kinh đô với chủ đề “Kết nối các miền di sản”; triển khai đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”... Hoạt động hăng say, tích cực nhằm sáng tác, quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người xứ Thanh đến bạn bè trong nước và quốc tế, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đạt được thành tích cao tại các cuộc triển lãm ảnh trong nước và quốc tế như: Trần Đàm, Lê Công Bình, Vũ Lâm Thảo, Nguyễn Thế Dung, Nguyễn Thống, Trương Bá Vinh...

VHNT địa phương là “phù sa, là mạch nguồn tạo nên dòng chảy xuyên suốt của VHNT Việt Nam”. Trong đó, tạp chí trực thuộc hội VHNT các tỉnh là “cánh tay nối dài”, đóng góp quan trọng cho sự vận động và phát triển ấy. Vì lẽ đó, khi nhắc đến đời sống VHNT tỉnh nhà không thể không kể đến vai trò, đóng góp quan trọng của Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh. Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội VHNT Thanh Hóa, tạp chí vẫn cùng lúc làm tốt hai nhiệm vụ song song. Đó là thực hiện nhiệm vụ chính trị như bất kỳ cơ quan báo chí trong tỉnh vừa làm tốt vai trò “bà đỡ” cho tác giả, tác phẩm VHNT. Ấn phẩm ra mắt bạn đọc đúng kỳ hạn, không chỉ được đánh giá cao về chất lượng nội dung mà ở cả phương diện hình thức, tạo được sự hài hòa giữa các lĩnh vực VHNT, giữa các cây viết trong và ngoài tỉnh.

Ngoài việc đăng tải, công bố các tác phẩm chất lượng của hội viên Hội VHNT tỉnh, Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh đã chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, “chắp cánh” cho các tài năng văn học trẻ đến gần hơn với bạn đọc và xây dựng, bổ sung “nguồn” kế cận có tâm huyết, triển vọng. Đây là một trong số ít các tạp chí VHNT địa phương tổ chức tốt các diễn đàn, hội nghị cộng tác viên và các cuộc thi: sáng tác văn học, nhất là sáng tác văn học trẻ; ảnh nghệ thuật; viết ký về đề tài “Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới”... nhằm nâng cao chất lượng ấn phẩm, tạo sân chơi hấp dẫn cho các cây bút, tay máy tài năng thỏa sức vươn mình trên hành trình sáng tạo. Đây là bước đi đúng và kịp thời, thể hiện vai trò, năng lực và tầm nhìn của tạp chí hướng tới mục tiêu củng cố, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ vững mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển của VHNT trong thời kỳ mới.

Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: VHNT xứ Thanh vẫn chưa thực sự tạo nên được sức bật mạnh mẽ, chưa có được tác phẩm lớn, xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà. VHNT xứ Thanh vẫn luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Đó là sự thiếu hụt lực lượng hoạt động chuyên môn ở các lĩnh vực VHNT. Đội ngũ sáng tác phần lớn là nguồn nhân lực đang công tác tại nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác trong xã hội. Họ có niềm đam mê, có tài năng, tâm huyết nhưng nhiều khi bị chi phối bởi các yếu tố tâm lý, thời gian, công việc... nên thiếu sự đầu tư dài hơi, bài bản. Công tác kết nạp hội viên mới còn khiêm tốn, nhất là đối với các ban đặc thù như: Ban Văn xuôi, Ban Lý luận phê bình. Cơ chế hỗ trợ sáng tạo và xuất bản tác phẩm cho hội viên hội VHNT còn hạn chế. Điều kiện cơ sở, vật chất nghèo nàn, lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu của hội viên và sự vận động, phát triển không ngừng của đời sống VHNT. Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh – cơ quan ngôn luận của Hội VHNT hiện đang hoạt động với đội ngũ nhân lực quá mỏng; công tác liên kết phát hành ấn phẩm chưa thực sự hiệu quả...

Để khắc phục được những khó khăn, hạn chế ấy, bên cạnh sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, thường trực hội cần tăng cường công tác điều hành theo hướng năng động, tích cực, đổi mới, sáng tạo. Hội VHNT tổ chức thêm những sự kiện VHNT mang tính quần chúng và các diễn đàn, lớp bồi dưỡng, tập huấn, trại sáng tác, trao đổi nghiệp vụ; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ và văn học miền núi. Công tác lưu trữ và phát huy giá trị tác phẩm VHNT có chất lượng qua các thời kỳ cần được thực hiện tốt hơn. Đối với Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh, việc tăng cường thêm nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất nhằm góp phần nâng cao chất lượng ấn phẩm là điều thực sự cần thiết. Quan trọng hơn tất thảy, bản thân mỗi văn nghệ sĩ cần nhận thức sâu sắc sứ mệnh cao đẹp, trách nhiệm lớn lao của mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Có như vậy, VHNT xứ Thanh mới thực sự phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh; từ đó tạo động lực phát triển, gặt hái thành công, từng bước khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế và đóng góp của VHNT xứ Thanh trong dòng chảy VHNT Bắc miền Trung và cả nước.

Bài và ảnh: Hương Thảo

* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo VHNT Bắc miền Trung từ năm 2000 đến nay (Một số vấn đề lý luận và thực tiễn).


Bài Và Ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]