(Baothanhhoa.vn) - Khi nghiên cứu về nền văn hóa Đông Sơn, nhiều sử gia đã thống nhất rằng, sự hình thành văn hóa Đông Sơn gắn với sự hình thành một cốt lõi dân tộc Việt cổ và một quốc gia có thể đã có nhiều thành phần tộc người. Đồng thời, văn hóa Đông Sơn được ví như một biển lớn đón nhận những dòng sông văn hóa tiền Đông Sơn, trong đó Thanh Hóa đã có “một dòng sông văn hóa” đổ vào “biển lớn” ấy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn hóa Đông Sơn: Đỉnh cao rực rỡ của văn hóa – văn minh dân tộc Việt cổ

Khi nghiên cứu về nền văn hóa Đông Sơn, nhiều sử gia đã thống nhất rằng, sự hình thành văn hóa Đông Sơn gắn với sự hình thành một cốt lõi dân tộc Việt cổ và một quốc gia có thể đã có nhiều thành phần tộc người. Đồng thời, văn hóa Đông Sơn được ví như một biển lớn đón nhận những dòng sông văn hóa tiền Đông Sơn, trong đó Thanh Hóa đã có “một dòng sông văn hóa” đổ vào “biển lớn” ấy.

Văn hóa Đông Sơn: Đỉnh cao rực rỡ của văn hóa – văn minh dân tộc Việt cổ

Cái nôi văn hóa xứ Thanh được hình thành cùng với lịch sử chinh phục và khai phá vùng đồng bằng châu thổ sông Mã. Để rồi, trong số các nền văn hóa cổ được phát hiện trên khắp đất nước, văn hóa Đông Sơn được phát hiện sớm nhất và là một trong những nền văn hóa nổi tiếng, tiêu biểu bậc nhất. Làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) vốn như ngàn vạn ngôi làng Việt thuần nông truyền thống. Bỗng một ngày, cái làng quê nằm lặng lẽ bên bờ sông Mã ấy, trở nên nổi tiếng khắp cả nước và trở thành cái tên đại diện cho nền văn hóa - văn minh từng tồn tại và phát triển rực rỡ nhất thuộc thời đại kim khí, cách ngày nay vài nghìn năm. Việc phát hiện ra “kho” di chỉ văn hóa đồ sộ này cũng hết sức đặc biệt. Vào khoảng năm 1924, sau cơn mưa lớn, một người dân trong làng ra sông Mã câu cá đã ngẫu nhiên tìm thấy một số đồ đồng nằm dưới lòng đất, nơi bờ sông bị lở. Những đồ đồng này được đem bán cho L.Pajot, một viên chức thuế quan Pháp. Sự việc sau đó được báo lên Trường Viễn đông Bác Cổ và Pajot được ủy nhiệm tiến hành “khai quật” khu di tích Đông Sơn. Qua các cuộc khai quật được Pajot tiến hành, đã có 489 hiện vật bằng đồng được tìm thấy. Các hiện vật này sau khi được công bố đã gây tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới, thu hút sự chú ý của nhiều học giả nghiên cứu về Đông Nam Á. Để rồi, qua nhiều năm, đó vẫn được xem là nguồn tư liệu quan trọng và cơ bản duy nhất, làm cơ sở cho các học giả trong và ngoài nước nghiên cứu về nền văn hóa độc đáo bên bờ sông Mã. Đặc biệt, năm 1934, trong một bài nghiên cứu về đồ đồng ở Đông Nam Á, nhà khảo cổ học người Áo Heine - Geldern đã đề nghị gọi tên nền văn hóa đồ đồng này là “Văn hóa Đông Sơn”.

Khi nghiên cứu về sự ra đời, các đặc trưng và giá trị của văn hóa Đông Sơn, nhiều nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng, văn hóa Đông Sơn có độ bao phủ rộng, suốt từ biên giới Việt Trung đến tỉnh Quảng Bình ngày nay. Tính thống nhất cao của văn hóa Đông Sơn là một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đánh dấu sự ra đời của một quốc gia cổ rộng lớn, trải rộng trên một nửa nước Việt Nam ngày nay. Riêng sự hình thành và phát triển của văn hóa Đông Sơn ở vùng châu thổ sông Mã, cũng là quá trình hình thành vùng trung tâm của đất Cửu Chân, 1 trong 15 bộ thuộc nước Văn Lang của các vua Hùng. Chủ nhân văn hóa Đông Sơn nơi đây đã kế thừa các thành tựu văn hóa vật chất từ các nền văn hóa tiền Đông Sơn, để tiếp tục công cuộc chinh phục, khai phá và biến vùng đất màu mỡ hạ lưu sông Mã thành một vùng có sự phát triển vượt trội và trở thành trung tâm phát triển của cả khu vực.

Lưu vực sông Mã thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa ngày nay được xem là địa bàn gốc của văn hóa Đông Sơn. Ở đây, văn hóa Đông Sơn được phát hiện với nhiều loại hình di tích, di vật tiêu biểu cho sự phát triển liên tục và đạt đến độ rực rỡ nhất của nền văn hóa này. Theo đó, cư dân Đông Sơn đã có mặt khắp các địa hình của tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Kết quả điều tra của nhà Hán đầu thời kỳ Bắc thuộc, tức là cuối giai đoạn văn hóa Đông Sơn, dân số quận Cửu Chân (mà Thanh Hóa chiếm diện tích khoảng 8/10 quận này) là 35.743 hộ, với 166.613 người. Nếu lấy mật độ dân số là một chỉ tiêu quan trọng phản ánh trình độ phát triển của xã hội, thì chứng tỏ người Thanh Hóa đã ở vào trình độ tổ chức xã hội khá cao. Vào thời kỳ này đã có những xóm làng định cư lâu dài, trên những khu đất rộng hàng vạn m2. Ngày nay, các di tích văn hóa Đông Sơn tìm thấy ở Thanh Hóa, được phân bố trên một diện tích rộng, từ miền núi ra ven biển, song tập trung nhất vẫn là vùng đất từ ngã Ba Đầu đến ngã Ba Bông, nơi sông Mã tiếp nhận thêm dòng chảy của sông Chu và phân nhánh trước khi đổ ra biển.

Cho đến nay, người ta đã phát hiện gần 100 di tích thuộc văn hóa Đông Sơn ở lưu vực sông Mã với niên đại sớm, muộn và tính chất khác nhau. Từ những loại hình di tích được tìm thấy, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy một cuộc sống phong phú cả về vật chất và tinh thần của cư dân Thanh Hóa thời kỳ Đông Sơn. Đặc biệt, sự tập trung các “làng cổ Đông Sơn” quanh vùng đất ngã Ba Đầu, với các làng nghề nổi tiếng, từ làng gốm, làng chế tác đồ trang sức bằng đá quý, đến làng dệt, lò luyện kim, đúc trống đồng, binh khí, công cụ sản xuất và những cảng sông tấp nập trên sông Mã, đã biến vùng đất ngã Ba Đầu đến ngã Ba Bông trở thành một trung tâm giao thương, mang dáng dấp của một đô thị cổ, trên trục giao thông đường thủy, nối liền vùng sông Hồng với sông Mã, sông Lam. Tài liệu từ các cuộc điều tra, thám sát, khai quật hàng loạt các di tích Đông Sơn ở Thanh Hóa suốt nhiều năm qua đã khẳng định tầm vóc và vị thế của văn hóa Đông Sơn trên đất Việt Nam, thậm chí cả khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, những di tích, hiện vật được tìm thấy là những tư liệu văn hóa vật chất cần thiết trong quá trình diễn biến văn hóa, giữa văn hóa Đông Sơn bản địa và văn hóa ngoại lai; cũng như quá trình đấu tranh giữ gìn bản sắc văn hóa Đông Sơn chống lại âm mưu đồng hóa văn hóa của kẻ thù trong đêm dài Bắc thuộc.

Văn hóa - văn minh Đông Sơn là đỉnh cao của văn minh buổi đầu dựng nước. Trong đó, trống đồng Đông Sơn là đại diện tiêu biểu nhất cho nền văn hóa này, còn tồn tại đến ngày nay; cũng đồng thời là sản phẩm thể hiện rõ nhất tài năng và trí sáng tạo của chủ nhân văn hóa Đông Sơn. Trống đồng Đông Sơn được ví như “tập đại thành tất yếu của nghệ thuật tạo hình Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời đại đồ đồng” và là một kiệt tác có tầm nhân loại. Trống đồng lấy mặt trời làm trung tâm, các vòng ngoài từ cảnh sinh hoạt cộng đồng, đến các con vật chim thú... đều chứa đựng tư duy triết học Việt cổ. Về nghệ thuật tạo dáng, trống đồng là mẫu mực của vẻ đẹp bền vững, cân đối, nghiêm cẩn. Hoa văn trống đồng là hoa văn hình học, được tổ hợp ở mức độ hài hòa, tuyệt đối. Điểm nổi bật là hoa văn hình học đậm nét trừu tượng, được sử dụng một cách tài tình để mô tả hiện thực cuộc sống nguyên thủy và đạt được chức năng phản ánh với nhu cầu biểu hiện tuyệt vời của nghệ thuật tạo hình trong văn hóa Đông Sơn.

Lưu vực sông Mã chẳng những là địa bàn gốc của văn hóa Đông Sơn, mà còn là nơi phát hiện được nhiều trống đồng Đông Sơn nhất. Trống đồng Đông Sơn ở đây có những chiếc với các mô típ đồ án hoa văn, các khối lượng khá đặc sắc, phản ánh sự sáng tạo của chủ nhân văn hóa Đông Sơn vùng đất này. Đồng thời, không ít trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ở Thanh Hóa đã trở thành những hiện vật tiêu biểu, có giá trị trong hệ thống trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam. Đó là trống đồng Cẩm Giang có các khối tượng vịt được xem là hiện tượng độc đáo của trống đồng Đông Sơn và mới chỉ tìm thấy ở Thanh Hóa; hay trống đồng Quảng Xương với các loại hoa văn hình nhà sàn, hình thuyền, hình người có phong cách đặc biệt, được các nhà nghiên cứu khẳng định là chiếc trống “có ảnh hưởng lớn nhất ở Đông Nam Á”... Có thể nói, trống đồng Đông Sơn là âm vang của một thời văn minh Đông Sơn, còn được lưu truyền trong tâm thức và thể hiện qua các lễ hội, tín ngưỡng và hệ thống đền miếu, thần thánh hóa sứ mạng trống đồng trên mảnh đất xứ Thanh ngày nay.

Ngoài trống đồng, một báu vật nổi tiếng có tính đại diện cho văn hóa Đông Sơn được phát hiện tại Thanh Hóa là kiếm ngắn núi Nưa – hiện vật được cho là “kiếm lệnh của Bà Triệu” từng khiến giặc Ngô khiếp đảm. Điểm nổi bật làm nên giá trị độc đáo của thanh kiếm này là tượng người phụ nữ ở độ tuổi trung niên khỏe khoắn, tóc búi cao chóp tròn làm thành đỉnh kiếm; hai tai có vòng đeo to, ôm lấy khuôn mặt; hai cánh tay khuỳnh cong chống hông; váy hoa văn thổ cẩm xòe xuống phủ kín chân, ôm trọn lấy đốc thân kiếm. Toàn thân tượng được cầm gọn trong tay một cách vững vàng, làm tăng thêm khí thế chiến đấu trước kẻ địch. Tượng còn là hình ảnh người nữ thủ lĩnh đầy uy quyền, người đứng đầu và bảo vệ lợi ích cộng đồng... Xét về mặt văn hóa, có nhận định cho rằng, những nét đặc sắc tạo nên đặc trưng của loại hình văn hóa Đông Sơn vùng sông Mã, là cơ sở cho việc hình thành vùng đất Cửu Chân. Đồng thời, những nét riêng của vùng văn hóa Cửu Chân này là cơ sở cho những sắc thái văn hóa xứ Thanh còn được bảo lưu đến ngày nay?

Dù câu trả lời có là gì thì cũng không thể phủ nhận, những người Việt cổ trên mảnh đất xứ Thanh đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của văn hóa - văn minh Đông Sơn. Để rồi, khi dõi theo sự chuyển hóa của văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa những chặng cuối cùng, người ta phát hiện ra rằng, càng xa vùng trung tâm đồng hóa của kẻ thù phương Bắc, thì bản sắc văn hóa dân tộc càng được bảo lưu dài lâu và mạnh mẽ. Khi dấu tích huy hoàng của văn hóa Đông Sơn đã lặn dần đi ở vùng trung tâm đất nước, thì ở mảnh đất vành đai trước núi của Thanh Hóa, nền văn hóa này vẫn bừng lên với kiếm ngắn núi Nưa, với những trống đồng, thạp đồng... Sức sống dẻo dai và bền bĩ của văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa, kể cả khi đối diện với sự bành trướng của văn hóa phương Bắc, là điều đã được khẳng định; cũng là điều mà hậu thế - những người đang được thừa hưởng nền văn hóa ấy - tự hào và vun đắp.

(Bài viết sử dụng các tư liệu trong cuốn “Địa chí Thanh Hóa tập II”, NXB Khoa học Xã hội, 2004; “Lịch sử Thanh Hóa thời Tiền sử và Sơ sử”, NXB Khoa học Xã hội, 1990).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]