(Baothanhhoa.vn) - Đại dịch COVID-19 giống như một “bóng ma” đeo bám, tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội. Trong đó, hoạt động văn hóa - nghệ thuật - giải trí - du lịch dường như chịu ảnh hưởng sâu sắc. Các nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, nhà xuất bản... thấp thỏm lo âu, trăn trở trước kỳ “ngủ đông” bất đắc dĩ khi mà các hoạt động tạo ra doanh thu bị ngưng trệ nhưng vẫn phải đối mặt với các vấn đề về lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn hóa – nghệ thuật trước tác động của đại dịch COVID–19

Đại dịch COVID-19 giống như một “bóng ma” đeo bám, tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội. Trong đó, hoạt động văn hóa - nghệ thuật - giải trí - du lịch dường như chịu ảnh hưởng sâu sắc. Các nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, nhà xuất bản... thấp thỏm lo âu, trăn trở trước kỳ “ngủ đông” bất đắc dĩ khi mà các hoạt động tạo ra doanh thu bị ngưng trệ nhưng vẫn phải đối mặt với các vấn đề về lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động.

Văn hóa – nghệ thuật trước tác động của đại dịch COVID–19

Một cảnh trong tiểu phẩm sân khấu “Tình yêu thời COVID-19”.

Bộn bề khó khăn

Theo thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, thời gian qua, do tác động của dịch COVID-19, thị trường phát hành sách truyền thống dựa chủ yếu vào hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Tính đến hết quý I-2020, doanh thu các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh (giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm trước).

Nằm trong bối cảnh chung ấy, Nhà xuất bản Thanh Hóa cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn kể từ khi dịch COVID–19 xuất hiện. “Sức mua giảm; các đơn vị liên doanh, liên kết giảm, lượng xuất bản phẩm giảm...” – Đó là chia sẻ chân thành, thẳng thắn của ông Hoàng Văn Tú, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thanh Hóa. Mặc dù, đơn vị đã chủ động, tích cực, nỗ lực khắc phục khó khăn nhằm phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, do hạn chế về việc đi lại, trao đổi, kết nối với tác giả, các đơn vị liên doanh, liên kết đã làm ảnh hưởng đến công tác xuất bản... Theo ông Tú, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất bản phẩm của đơn vị chỉ đạt khoảng 40%.

Cũng như hoạt động xuất bản - phát hành, các hoạt động nghệ thuật – giải trí đang phải “gồng mình” chống đỡ trước những tác động không nhỏ của dịch COVID-19. Có lẽ, chưa bao giờ, thị trường biểu diễn lại đìu hiu, ảm đạm đến thế. Sân khấu “buông rèm”, các sự kiện âm nhạc “vắng bóng”... Nhiều chương trình nghệ thuật quy mô, công phu dàn dựng, tâm huyết luyện tập đã bị hủy hoặc lùi lịch tổ chức. Ông Vũ Trọng Huỳnh, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn chia sẻ: “Thực tế, dịp đầu xuân năm mới và các tháng liền kề sau đó là khoảng “thời gian vàng” cho các hoạt động biểu diễn, tổ chức sự kiện nở rộ. Như mọi năm, đến thời điểm này, nhà hát đã có thể hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu của cả năm. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, các chỉ tiêu về số buổi hoạt động, doanh thu trong quý I–2020 đều bị tụt giảm so với cùng kỳ năm 2019”. Đến thời điểm hiện tại, khi dịch COVID-19 ở nước ta đã và đang được kiểm soát tốt, nhịp sống xã hội cùng nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác đã hoạt động trở lại, từng bước ổn định thì các hoạt động văn hóa – nghệ thuật vẫn chìm trong không khí nguội lạnh. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của cán bộ, nhân viên, diễn viên, nghệ sĩ, kỹ thuật viên của nhà hát; nhất là đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ trẻ, trong diện hợp đồng lao động. Được biết, nhà hát hoạt động với tổng số 90 cán bộ, nhân viên, diễn viên, nghệ sĩ, kỹ thuật viên... Trong đó, cơ cấu lao động của nhà hát bao gồm: 63 lao động thuộc diện biên chế và 27 lao động thuộc diện hợp đồng. Không thể cắt giảm lao động do đặc thù nghề nghiệp, giữa bối cảnh đào tạo được lực lượng diễn viên, nghệ sĩ đủ năng lực phục vụ cho các hoạt động nghệ thuật của nhà hát là rất khó nên gần như đơn vị đang phải “gồng mình” chống đỡ với khó khăn, thử thách trong suốt thời gian qua.

Biến “nguy” thành “cơ”, nỗ lực thích ứng để tiếp tục phát triển

Dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch”, các đơn vị văn hóa – nghệ thuật vẫn không ngừng nỗ lực phấn đấu, năng động, nhạy bén nắm bắt tình hình, xu hướng vận động nhằm đổi mới phương thức hoạt động, sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình hiện tại.

Ví như cái cách mà các đơn vị xuất bản – phát hành ứng dụng công nghệ 4.0, đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến để phát triển văn hóa đọc, tiếp cận gần hơn với độc giả trong bối cảnh dịch COVID–19. Sự thay đổi trong phương thức hoạt động xuất bản – phát hành thể hiện rất rõ tại Hội sách trực tuyến quốc gia đầu tiên do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhân Ngày sách Việt Nam 2020. Mặc dù lần đầu tiên được tổ chức, nhưng Hội sách đã thu hút sự tham gia của hàng chục đơn vị xuất bản trên cả nước với hơn 8.000 đầu sách in các loại được giới thiệu tại các gian hàng và kho sách điện tử có trên 10.000 đầu sách. Các sự kiện giao lưu, tọa đàm trực tuyến giữa các diễn giả là các nhà quản lý, các học giả, nhà văn, nhà thơ, các doanh nhân, những người nổi tiếng với bạn đọc trong cả nước và nhiều hoạt động bên lề khác cũng được sôi nổi tổ chức tại hội sách online. Như vậy, thay bằng việc phải di chuyển đến địa điểm tổ chức Hội sách như thông lệ, giờ đây, độc giả chỉ cần yên tâm ở nhà, thực hiện vài thao tác trên máy tính là đã có thể hòa mình vào không gian sách đa dạng, phong phú, bày biện, sắp xếp khoa học, giá cả hợp lý... Chính bởi những tiện ích đó, chỉ sau vài ngày mở cửa tại địa chỉ Website: Book365.vn, Hội sách trực tuyến toàn quốc đã thu hút sự truy cập, tham gia của hàng nghìn lượt độc giả. Con số này đã chứng minh sự tiện ích, phù hợp của xu hướng mua, đọc sách online hiện nay. Hội sách không chỉ mở ra cơ hội cho các đơn vị xuất bản – phát hành quảng bá, giới thiệu rộng rãi các ấn phẩm của mình tới đông đảo bạn đọc mà không làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Hơn thế, thông qua hội sách này, các đơn vị xuất bản – phát hành có điều kiện nhìn nhận, đánh giá lại xu hướng thị trường; từ đó tự điều chỉnh, đầu tư, mở rộng phương thức, hình thức hoạt động của đơn vị mình cho phù hợp.

“Ứng dụng công nghệ 4.0 và các nền tảng kỹ thuật số để tạo nên các sản phẩm nghệ thuật đặc sắc trên sóng truyền hình để phục vụ quần chúng nhân dân và đóng góp công sức nhỏ bé cùng Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID–19” – Đó cũng là hướng đi đúng đắn, hiệu quả, thể hiện sự nhanh nhạy của đội ngũ lãnh đạo; sự nhiệt huyết với công việc của cán bộ, nhân viên, diễn viên, nghệ sĩ, kỹ thuật viên của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn. Dẫu có phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng thời gian vừa qua, nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 và các nền tảng kỹ thuật số, đơn vị đã phát huy, khai thác triệt để thế mạnh của mình trong công tác tuyên truyền. Không được trực tiếp biểu diễn dưới ánh đèn lung linh, rực rỡ của sân khấu; thiếu vắng tiếng vỗ tay, reo hò động viên, khích lệ của khán giả; nhà hát đã xây dựng nhiều vở diễn, phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa xoay quanh các chủ đề: Tuyên truyền về cách thức phòng chống dịch COVID–19, ca ngợi những tấm gương tiêu biểu, các chiến sĩ đang ngày đêm “chiến đấu” trên mặt trận đầy hiểm nguy, gian khó ấy.

Tiêu biểu như vở kịch “Cùng chung tay đẩy lùi dịch COVID-19”, phát sóng trong chương trình Sân khấu truyền hình chiều thứ 7 đã chuyển tải những thông điệp về trách nhiệm và tình yêu quê hương đất nước, mong muốn mọi người cùng tự giác nêu cao ý thức, cùng chung tay góp sức với cộng đồng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Sau thành công của vở diễn này, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cho hai đơn vị: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa và Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn xây dựng 11 tiểu phẩm ngắn (mỗi tiểu phẩm có dung lượng khoảng 10 phút) về các vấn đề xoay quanh công tác phòng, chống dịch COVID–19. Với tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch”; bằng tài năng, sự sáng tạo, thông qua từng vở diễn, các nghệ sĩ, diễn viên của hai nhà hát đã truyền tải những thông điệp vừa mang tính tuyên truyền vừa hàm chứa giá trị nghệ thuật, tính nhân văn sâu sắc. Đó là thông điệp “Giãn cách xã hội – Kết nối gia đình”, những câu chuyện về “trách nhiệm nơi cách ly”, “làm việc thời cách ly”. Ngay cả đến tình yêu – vấn đề tưởng đã là muôn thuở nay vì trách nhiệm, ý thức phòng chống dịch mà cũng cần phải biết hy sinh. Bởi lẽ “trước đại dịch, tình yêu lớn nhất là tình yêu với Tổ quốc, đồng bào”. Nhờ thông điệp thiết thực, nội dung gần gũi với đời sống thường nhật, các vở diễn của hai nhà hát đã gây được tiếng vang, nhận được nhiều sự quan tâm, theo dõi của công chúng. Những tác phẩm ấy đã trở thành mũi nhọn tuyên truyền hiệu quả, món ăn tinh thần cho người dân trong mùa dịch; cỗ vũ, động viên các “chiến sĩ” tiếp tục hăng hái, xông pha trên trận tuyến chống dịch...

Nhìn vào thực tế hoạt động mới thấy hết sự nỗ lực, phấn đấu của các đơn vị hoạt động văn hóa – nghệ thuật. Thiết nghĩ, để con đường nỗ lực, phấn đấu ấy bớt đi phần nào sự chênh vênh, đơn độc; các cấp, ban, ngành cần có sự quan tâm, động viên thiết thực hơn nữa, nhất là đối với lực lượng lao động đang kiên trì, bền bỉ hoạt động trong các lĩnh vực này.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]