(Baothanhhoa.vn) - Đền thờ thần Độc Cước tọa lạc bên bờ sông Trà Giang, thuộc làng Hổ Cứ, xã Lộc Sơn (Hậu Lộc). Đền còn có tên gọi khác là đền Cầu Lải, bởi đền nằm cạnh cây cầu Lải bắc qua con sông Trà Giang, nối hai xã Lộc Sơn và Mỹ Lộc. Nơi đây thờ thần Độc Cước, vị thần “hộ quốc an dân” mà thần tích đã được chép trong “Thanh Hóa chư thần lục” do Bộ Lễ, triều Nguyễn biên soạn năm 1903.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tục thờ thần Độc Cước - vị thần “hộ quốc an dân” ở xã Lộc Sơn

Đền thờ thần Độc Cước tọa lạc bên bờ sông Trà Giang, thuộc làng Hổ Cứ, xã Lộc Sơn (Hậu Lộc). Đền còn có tên gọi khác là đền Cầu Lải, bởi đền nằm cạnh cây cầu Lải bắc qua con sông Trà Giang, nối hai xã Lộc Sơn và Mỹ Lộc. Nơi đây thờ thần Độc Cước, vị thần “hộ quốc an dân” mà thần tích đã được chép trong “Thanh Hóa chư thần lục” do Bộ Lễ, triều Nguyễn biên soạn năm 1903.

Tục thờ thần Độc Cước - vị thần “hộ quốc an dân” ở xã Lộc SơnĐền thờ thần Độc Cước (xã Lộc Sơn, huyện Hậu Lộc).

Đối với cư dân nông nghiệp cấy lúa trồng màu, khai thác sản vật, đánh bắt thủy, hải sản, thì trời đất, trăng sao, núi non, mây mưa, sự giao hòa âm dương đều trở thành vị thần hộ mệnh cho cuộc sống dân làng. Bởi họ cho đây là khởi nguồn của mọi hạnh phúc và vì vậy họ đặt niềm tin vào các vị thiên thần, nhiên thần vô hình phù trợ. Đây là tín ngưỡng dân gian cơ bản của người Việt, qua thời gian các vị thần được dần dần nhân cách hóa để có kiếp sống nhân thế của một vị thần linh có công “hộ quốc an dân”. “Độc Cước Đại Vương” được Nhân dân tôn vinh làm Thành hoàng, thờ tại đền làng Hổ Cứ, xã Lộc Sơn (Hậu Lộc).

Trong lịch sử lập làng, không chỉ làng Hổ Cứ, từ thuở ban đầu, trước khi vươn ra miền duyên hải, phương thức sản xuất nông nghiệp vốn là phương thức sản xuất quen thuộc đối với cư dân ở đây. Ban đầu họ chưa phụ thuộc nhiều vào sông, biển mà chỉ chú tâm vào trồng lúa nước ở những vùng đất phèn, trồng khoai lang trên những vùng đất pha cát để lấy lương thực nuôi sống bản thân. Song, do sản phẩm nông nghiệp không đủ nuôi sống nên họ phải làm nghề đánh cá. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt đã chi phối cách thức sản xuất, đời sống cũng như văn hóa tâm linh của cư dân. Trong đó đền thờ thần Độc Cước luôn được coi là trung tâm tín ngưỡng của làng.

Thần Độc Cước là nhiên thần, một nhân vật truyền thuyết vốn thể hiện cho sức mạnh của cả cộng đồng, biểu tượng bản lĩnh anh hùng lao động, giữ làng, giữ nước. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã đặt niềm tin vào vị thần vô hình để có sức mạnh tinh thần vượt qua những khốc liệt của thiên tai lũ lụt, mưa bão, đối chọi với thú dữ và cả sự xâm lăng từ bên ngoài để giữ làng, giữ nước. Thần Độc Cước trong tâm thức của người dân nơi đây là một chàng trai khổng lồ, xả thân mình làm đôi vì cuộc sống bình yên của dân lành. Khi cuộc sống dần ổn định, người dân đã nghĩ đến việc cho vị thần của mình một tiểu sử, thần tích, một cuộc sống gần gũi với cuộc sống của con người trên nền tảng lịch sử.

Thần Độc Cước được lưu truyền giáng linh về đất làng Hổ Cứ, ở bờ sông Trà Giang khi trời nổi cơn giông bão suốt đêm mà không ngớt. Sáng hôm sau, mọi người đến bờ sông thấy xuất hiện gò đất in hình bàn chân dài 7 thước, rộng 1 thước. Mọi người cho là chuyện lạ nhưng không rõ tại sao. Sau một thời gian, có nhiều người trong làng mơ gặp được vị đại nhân thân hình vạm vỡ, mũ áo chỉnh tề từ trên trời giáng xuống, đứng ở gò đất bên sông Trà Giang nói lớn: “Ta hiệu Độc Cước, thượng đế lệnh truyền cho cai quản hương ấp”, nói xong vị thần biến mất. Biết thần báo mộng, dân làng hết sức sợ hãi bèn lập hương án trên gò đất cầu an, không lâu sau thì lập đền thờ cũng tại nơi này.

Thần Độc Cước được lập đền thờ ở nhiều nơi trong tỉnh, nhiều làng trong đó có làng Hổ Cứ đã tôn vinh ngài làm Thành hoàng làng. Đền thờ Độc Cước ở làng Hổ Cứ trước đây có nhiều đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn, nay chỉ còn giữ lại một đạo sắc phong năm Khải Định thứ 2 (1917), nội dung nêu công lao của vị thần “hộ quốc an dân”, là vị thần cai quản giúp cho người dân nơi đây có cuộc sống yên ổn, nhân khang, vật thịnh. Đối với người dân nơi đây, Thành hoàng Độc Cước là biểu hiện của lịch sử lập làng, là phong tục, đạo đức và giá trị về thế giới tâm linh. Qua truyền thuyết, thần tích, sắc phong, vị trí đền thờ cho thấy thần Độc Cước là nhiên thần rồi được nhân thế hóa thành người con của làng giúp làng, giúp nước “hộ quốc an dân”.

Đền Độc Cước tọa lạc trên mảnh đất bằng phẳng bên bờ sông Trà Giang, như điểm tô thêm cho bức tranh thủy mặc nơi này. Đền có cấu trúc theo hình chuôi vồ, gồm Tiền đường và Hậu cung. Theo các cụ cao niên ở làng, đền Độc Cước có từ xưa, đến năm 1938 Tiền đường được trùng tu. Đây là công trình kiến trúc với không gian mở, gần gũi với đời thường. Sự phân bố không gian thờ trong ngôi đền là biểu hiện của kiến trúc, tôn giáo Việt. Đồ thờ trong đền đều là những sản phẩm văn hóa vật thể, chứa đựng ước vọng truyền đời của con người, để cầu phúc, cầu an. Điều đáng nói, những dòng chữ trên đại tự của ngôi đền là sự kết hợp hài hòa giữa nét và chữ, giữa chữ với những mô típ trang trí xung quanh, giữa màu của chữ và màu của nền. Chính điều này đã tạo cho các bức phù điêu trong đền có giá trị nghệ thuật, một loại nghệ thuật biểu đạt bằng chữ. Vào mùa xuân hằng năm, từ ngày 12 đến 14-2 âm lịch, lễ hội đền Độc Cước có quy mô lớn nhất vùng. Trong 3 ngày lễ hội sôi nổi diễn ra lễ rước kiệu, yết tế, đua thuyền, đi cà kheo, đấu vật... đã thu hút đông đảo dân làng và du khách thập phương đến tham gia.

Đền thờ Độc Cước, xã Lộc Sơn đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2010. Tục thờ thần Độc Cước ở đây hàm chứa những giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tiêu biểu, có ý nghĩa và sức sống trường tồn trong đời sống và tâm linh của cư dân nông nghiệp gắn liền với sông nước. Thờ thần Độc Cước là sự suy tôn thần thánh, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sức mạnh cố kết cộng đồng của cả một dân tộc. Thông qua hình thức sinh hoạt tín ngưỡng về sự chiêm bái phụng thờ thần Độc Cước, để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, sự xả thân của thần Độc Cước vì cuộc sống bình yên của dân lành. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, ứng xử văn hóa với tự nhiên, tôn trọng và bảo vệ tích cực môi trường sống chung quanh.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]