(Baothanhhoa.vn) - Việc gửi “vía” vào “Hòn đá vía” mang đậm nét nhân văn trong phong tục cúng tế của người Thái đen, thể hiện tại 5 điểm trên địa bàn Mường Xia - Mường Chu Sàn bao gồm hai xã Sơn Thủy, Na Mèo (Quan Sơn), theo thuyết ngũ hành sinh khắc (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tục thờ “hòn đá vía” của người Thái đen ở huyện Quan Sơn

Việc gửi “vía” vào “Hòn đá vía” mang đậm nét nhân văn trong phong tục cúng tế của người Thái đen, thể hiện tại 5 điểm trên địa bàn Mường Xia - Mường Chu Sàn bao gồm hai xã Sơn Thủy, Na Mèo (Quan Sơn), theo thuyết ngũ hành sinh khắc (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ).

Tục thờ “hòn đá vía” của người Thái đen ở huyện Quan Sơn

Lễ hội Mường Xia là lễ hội đặc biệt quan trọng của người Thái ở miền Tây xứ Thanh.

Tích xưa nơi đầu nguồn con nước

Từ TP Thanh Hóa ngược Quốc lộ 47, 217 về phía Tây Bắc chừng 157 km, núi Pha Dùa – cửa ngõ vào xã Sơn Thủy hiện lên sừng sững với mây mù bao phủ. Bên dưới, dòng sông Luồng uốn lượn, lững lờ chảy. Hòa trong tiếng gió vi vu, tiếng nước chảy rì rào có một thứ âm thanh bí ẩn, như từ cõi xa vọng về. Tương truyền đó là lời tình tự của đôi trai tài, gái sắc năm xưa.

Chuyện kể rằng, xưa kia ở đất Mường Mìn có ông Tạo mường giàu có nức tiếng cả vùng. Con gái út của ông tên là Lá Nọi, xinh đẹp như đóa hoa rừng giữa ban mai. Nàng đem lòng yêu chàng Lá Li ở Chu Sàn - Mường Xia, là con cháu nhà quan Tạo Mường Xia. Lá Li đẹp trai, khèn hay, khặp giỏi, giọng hát mượt mà tha thiết. Hiềm một nỗi, chàng nhà nghèo không tương xứng với ông Tạo Mường Mìn. Bất chấp sự ngăn cấm hà khắc của cha, nàng Lá Nọi vẫn một lòng, một dạ với chàng trai nghèo đất Mường Xia. Họ từng thề thốt dưới ánh trăng ngà bên bờ suối: “Ta về Mường Trời nên tình đôi bạn, ta về Thiên đình nên vợ, chồng bền lâu. Ta nhờ trời đất bắc thang sắt, thang đồng của thiên đình xuống đón. Cùng chết bên nhau, ta hòa vào núi - ta sống giữa mây mù - ta về đỉnh Pha Dùa cùng nhau làm thần trai gái...”. Quyết tâm chia lìa đôi lứa, ông Tạo hứa gả nàng út cho một nhà giàu sang, cấm nàng Lá Nọi không được xuống thang, đêm trăng không được ra sân dệt vải... Tuy nhiên, vào ngày ông Tạo Mường Mìn gả ép, Lá Nọi và Lá Li đã tự tử với ước nguyện: “Cùng chết bên nhau, cho hồn lìa khỏi xác, để chúng mình được ở bên nhau”. Cũng đúng vào ngày đôi trai tài, gái sắc lìa xa cõi trần gian, dân hai Mường bỗng thấy mây trắng vờn mây hồng bay ngang đỉnh Pha Dùa xen lẫn tiếng gió vi vu của lá rừng nơi khe núi và tiếng nước chảy dưới sông, như tiếng thầm thì của đôi trai gái yêu nhau. Ngày nay, câu chuyện tình yêu trên đỉnh Pha Dùa vẫn được lưu truyền để nhắc nhở mỗi người luôn biết yêu thương, chân thành, sống hết mình với những người thân yêu.

Sơn Thủy là nơi giao hòa giữa dòng suối Xia bắt nguồn từ nước bạn Lào, chảy róc rách theo các chân núi thơ mộng, trong đó có núi Lá Hoa, hang Bo Cúng, nhập vào con sông Luồng tạo nên vùng ngã ba sông suối. Cái tên Sơn Thủy cũng hàm ý một vùng đất sơn thủy, hữu tình đẹp như tranh vẽ. Chả thế mà Sơn Thủy trước đây là thủ phủ của Mường Chu Sàn. Ngày đó, cuộc sống của người dân đang êm đềm, bỗng Tạo Mường Chu Sàn qua đời, để lại người vợ trẻ và hai đứa con trai thơ dại. Một thời gian sau, người vợ kết đôi cùng với thầy đồ (Kéo Sày – một thầy đồ về dạy chữ cho con) sinh được một chàng trai. Gia đình đang đầm ấm, họ đột ngột về với Mường trời, để lại 3 người con cùng mẹ khác cha. Một ngày nọ, khi bà con Mường Chu Sàn đang cày cấy, bỗng vang lên tiếng nói như “sấm truyền” của ông Mụ Mường (người có uy tín tương tự già làng): “Dân Chu Sàn hãy nghe đây, 3 con trai Tạo Mường Chu Sàn hãy nghe đây. Nếu ai bắn rơi diều hâu sẽ được làm Tạo Mường Chu Sàn”. Sau khi bắn rơi diều hâu, người em út lên làm Tạo Mường, mâu thuẫn giữa 3 anh em bắt đầu nổ ra. Hai người anh đã rủ bà con bỏ Mường Chu Sàn sang các Mường khác, như: Mường Phú Kèn, Khóc Cang (Nghệ An ngày nay) và Mường Bén, Mường Xôi. Từ đó, tên Mường Chu Sàn không còn nữa, mà được đổi bằng cái tên mới: Mường Xia (theo tiếng Thái là Mường mất), tức dòng họ Tạo Mường cũ mất quyền lực, thay bằng quyền lực của người em út, con ông thầy đồ (chính là dòng họ Phạm Bá ngày nay).

Dừng chân tại đền thờ Tư Mã Hai Đào - địa điểm hàng năm tổ chức lễ hội Mường Xia - lễ hội tiêu biểu của người Thái để tri ân người có công với bản Mường, thắp nén hương thành kính, chúng tôi có dịp hiểu hơn về đời sống văn hóa của đồng bào người Thái đen nơi đây. Theo một số tài liệu nghiên cứu, Tư Mã Hai Đào là người Mường Đào – Mường Khô xưa (thuộc huyện Bá Thước ngày nay). Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Ngay từ bé, Hai Đào đã rất giỏi chơi cù, đánh đu và luyện kiếm. Lớn lên, ông có thân hình cao to khỏe mạnh, tướng pháp phi phàm, trán cao, râu hùm, hàm én, tinh thông võ nghệ... Nghe tin triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ anh tài, phò vua diệt giặc ngoại xâm, Hai Đào lập tức xuôi về kinh kỳ dâng sớ tấu trình, xin được tham gia hội đấu võ. Trong võ đài năm ấy, Hai Đào đã thắng tuyệt đối các đối thủ khác và đã lọt vào mắt xanh của công chúa, được nhà vua tác thành. Vào thế kỷ XVIII, vùng biên giới nước nhà bị giặc ngoại xâm rình rập, đánh chiếm liên miên. Phò mã Hai Đào được vua cha cho cầm quân dẹp giặc. Hai Đào liền trở về triệu tập thêm binh Mường, rèn luyện vũ khí, xuất quân lên biên giới (Tén Tằn ngày nay). Đoàn quân của Phò mã Hai Đào đi đến đâu dẹp tan quân giặc đến đó, giữ vững biên cương. Với chiến công này, Hai Đào đã được Vua phong chức Tư mã Biên cương (tương đương Tư lệnh Biên phòng ngày nay). Cảm thấy gắn bó với mảnh đất vùng cao biên giới có phong cảnh sơn thủy, hữu tình, Tư Mã Hai Đào đã chọn Mường Xia để xây dựng thủ phủ sinh sống. Từ đây, Mường Xia phát triển phồn thịnh, những người trước đây bỏ Mường đi lần lượt kéo nhau về. Bởi thế, sau khi vị tướng tài qua đời, tổ tiên người Mường Xia đã gửi “vía” vào một hòn đá, để cầu mong Tư Mã bảo vệ cho cả dân làng. Hòn đá vía cũng vì thế mà trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần to lớn trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái...

Lễ hội Mường Xia và tục thờ hòn đá vía

Tại trung tâm bản Chung Sơn (Sơn Thủy) hòn đá vía vẫn nằm nguyên vị trí năm xưa, sát cạnh nền nhà của Tư Mã Hai Đào. Người dân Mường Xia quan niệm, sự kết hợp giữa đá và các đối tượng thờ cúng sẽ tạo ra một sức mạnh cộng hưởng, bản chất sự sống trong đá sẽ tiếp thêm sinh khí, cho sự sinh sôi...

Theo tiếng địa phương của đồng bào dân tộc Thái, hòn đá vía này còn gọi là hòn Lặc Mắn. Họ cho rằng, vía con người do trời cai quản, nếu “mất vía”, không giữ được vía thì con người và vạn vật sẽ ốm đau, bệnh tật. Người Mường Xia coi hòn đá vía như một báu vật, biết giữ hồn cho bản làng và nó có thể đánh đuổi được tà ma, bệnh tật.

Thầy giáo Hà Nam Ninh, người có công lưu giữ “hồn của chữ Thái” ở Thanh Hóa, chia sẻ: “Từ bao đời nay, gia đình nào mới sinh con sẽ ra đứng trước hòn đá Lặc Mắn thắp hương và làm lễ xin được khỏe mạnh, bình an, lớn lên sẽ thành người có ích cho bản làng, đất nước. Ngoài ra, con em Mường Xia mỗi khi đi làm ăn xa hoặc đi bộ đội, gia đình đều mang một cái áo của người sắp lên đường đi xa lên Đền thờ Tư mã Hai Đào để thắp hương xin ông phù hộ cho con em được chân cứng đá mềm, giữ cho vía yên, vía lành, đi đến nơi về đến chốn. Sau đó, người đi xa đến trước hòn đá vía của Mường xin được gửi vía. Người dân tin rằng, làm như vậy sẽ bình an nơi trận mạc để quay về cố hương và gặp may mắn trong cuộc sống”.

Hằng năm, cứ vào mùa xuân, người dân xã Sơn Thủy lại tổ chức lễ hội Mường Xia để cầu mong no ấm, cuộc sống an lành, một năm thịnh vượng, mùa màng tốt tươi, con người và vạn vật sinh sôi, nảy nở. Tại đây, hòn đá vía sau khi đào lên sẽ được gội rửa sạch sẽ bằng nước đựng trong các ống tre, nứa từ thượng nguồn dòng suối. Tiếp đến, người dân lau chùi cẩn thận, dùng tấm vải đỏ bọc lại, cẩn thận đặt lên kiệu Long Đình do 9 chàng trai chưa vợ và 9 cô gái chưa chồng, mang trang phục dân tộc rước về đền thờ tướng quân Hai Đào tế lễ. Tại đây, mâm lễ rước được bổ sung thêm hai chum rượu cần đặt cạnh bên hòn đá vía. Tiếp đó, các bà Một – chủ lễ bắt đầu làm lễ chính... Sau khi kết thúc lễ hội, 9 đôi nam thanh, nữ tú này lại khiêng hòn đá vía về chôn ở vị trí cũ và lấy cây xương rồng trồng xung quanh để bảo vệ và chờ mùa lễ hội năm sau...

Điều đặc biệt của Lễ hội Mường Xia là tế lễ theo thuyết ngũ hành “tương sinh, tương khắc”. Tức tế lễ ở 5 điểm khác nhau, mỗi điểm gắn với một lễ vật, một câu chuyện kỳ bí. Điểm thứ nhất, ứng với hành Kim, được tế dưới chân núi Pha Dùa, nơi nàng Lá Nọi và chàng trai Mường Chu Sàn hóa mây làm thần hai mường; Điểm thứ hai, ứng với hành Mộc, tế lễ ngay dưới gốc gạo cổ thụ trước Đền thờ Tư Mã Hai Đào và được tương truyền là nơi binh lính nghỉ ngơi mỗi khi tập luyện; Điểm thứ ba ứng với hành Thủy là ở Sộp Xia, nơi giao nhau giữa sông Luồng và suối Xia - nơi Tư Mã Hai Đào cho chôn cất những binh lính đã hy sinh khi chiến đấu bảo vệ biên giới với mong muốn linh hồn được siêu thoát, mát mẻ; Điểm thứ tư tương ứng với hành Hỏa cúng tại thao trường, nơi binh lính tập luyện võ nghệ, cúng Thần Mường Tư Mã Hai Đào; và điểm thứ năm là hành Thổ, cúng tại nơi chôn hòn đá vía của cả Mường.

Tâm niệm “Có thờ có thiêng” luôn được đồng bào Thái bảo tồn trong cõi tâm linh và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng bào luôn ý thức và quan niệm sâu sắc về đời sống tâm linh và đã truyền lại cho con cháu muôn đời sau những vật sản vô giá trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc mình. Lược bỏ những yếu tố mang sắc thái mê tín dị đoan, trải qua hàng ngàn năm lịch sử sinh tồn và phát triển. Đồng bào Thái đen Thanh Hóa đã nhận thức được mối quan hệ tương quan giữa con người và vạn vật, giữa yếu tố vật chất và tinh thần, giữa thế giới hữu hình với thế giới vô hình và mối quan hệ tổng hòa của mỗi cá thể với xã hội. Bởi vậy, cho đến ngày nay, khi xã hội phát triển, các nghi lễ thờ cúng của người Thái đen vẫn luôn tồn tại như một món ăn tinh thần, mang nét đẹp văn hóa truyền thống của một dân tộc đáng trân trọng, giữ gìn. Những nét văn hóa truyền thống trong tín ngưỡng thờ cúng của đồng bào dân tộc Thái sẽ luôn được duy trì, không bao giờ bị đánh mất. Khi biết đánh giá đúng mức và khai thác hợp lý những giá trị tích cực, hạn chế mặt tiêu cực trong tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Cùng với tiến trình lịch sử của dân tộc, những tín ngưỡng thờ cúng trong cộng đồng dân tộc Thái Thanh Hóa là sự bồi lắng, kết tụ những giá trị đạo đức quý báu được đúc rút, lưu truyền từ bao đời nay. Đó cũng chính là những động lực để khai thác tiềm năng “văn hóa Thái” vào công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]