(Baothanhhoa.vn) - Thờ cúng ông bà tổ tiên là đạo hiếu tốt đẹp lâu đời của mỗi dân tộc, thể hiện lòng thành kính biết ơn sâu sắc của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ đã khuất. Với người Việt Nam nói chung, đồng bào dân tộc Thái nói riêng, thờ cúng ông bà tổ tiên là một phong tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tâm linh, tinh thần.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tục thờ cúng ông bà tổ tiên của người Thái

Thờ cúng ông bà tổ tiên là đạo hiếu tốt đẹp lâu đời của mỗi dân tộc, thể hiện lòng thành kính biết ơn sâu sắc của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ đã khuất. Với người Việt Nam nói chung, đồng bào dân tộc Thái nói riêng, thờ cúng ông bà tổ tiên là một phong tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tâm linh, tinh thần.

Tục thờ cúng ông bà tổ tiên của người Thái

Bàn thờ của người Thái khá đơn giản và thường đặt ở góc nhà.

Uống nước nhớ nguồn

Dù trải qua những biến động, thăng trầm, nhưng tục lệ thờ cúng ông bà tổ tiên vẫn luôn được bao đời đồng bào Thái gìn giữ và lưu truyền nguyên vẹn để nhắc nhớ về gốc nguồn mỗi con người. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên rất giản dị: Người Thái đen quan niệm khi một người chết đi thì chỉ có thể xác là tan dần theo năm tháng, còn linh hồn vẫn hiện hữu. Họ phù hộ và cưu mang cho con cháu khi gặp tai ương, hoạn nạn; vui mừng khi con cháu gặp may mắn, khích lệ con cháu làm điều thiện và cũng quở trách khi làm những điều tội lỗi... Vì thế, mỗi khi đến dịp lễ, tết, nhà có hiếu, hỷ hay gặp chuyện khó khăn, đau ốm, người trong nhà lại làm cơm đặt lên bàn thờ mời ông bà tổ tiên và giãi bày hay cầu xin những điều tốt đẹp đến trong cuộc sống...

Nhà nghiên cứu văn hóa Thái - Hà Nam Ninh, cho biết: “Người Thái gọi tổ tiên là đắm pang. Theo quan niệm của người Thái, đắm pang là các linh hồn của một đại gia đình gồm nhiều thế hệ cha ông đã từ giã cõi trần về với cõi bun (cõi hạnh phúc) ở trên tầng trời. Bộ phận ngự ở trên bàn thờ gia đình con cháu gọi là phi hươn (ma nhà). Đắm pang luôn luôn để mắt, để tai, dõi theo từng bước đi của con cháu, chăm lo, phù hộ cho con cháu gặp được điều tốt lành. Con cháu luôn cảm thấy yên tâm, vì quan niệm rằng lúc nào cũng có ông bà, tổ tiên bên cạnh, nhìn thấy trước những điều sắp xảy ra với mình mà ra hiệu, mách bảo con cháu ứng phó, tránh được rủi ro. Vì thế, người Thái luôn luôn biết ơn, tôn kính tổ tiên. Trong sinh hoạt hàng ngày, nếu bữa ăn có cơm ngon, canh ngọt, người chủ gia đình phải có vài lời khấn mời tổ tiên trước khi cả nhà ăn cơm; lúc mở chĩnh rượu cần phải khấn tổ tiên trước khi uống; khi có công to việc lớn, như: Ăn cơm mới, lên nhà mới, ma chay, cưới hỏi hay trong nhà có người sắp đi xa nhà thì đều làm lễ cúng ma nhà để thông báo và mời tổ tiên về hưởng thụ lễ vật, cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ cả nhà đều khỏe mạnh, ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn. Tục thờ tổ tiên, thờ đa thần (nhiên thần và nhân thần) và thờ vật tổ (tô tem) là tín ngưỡng truyền thống của người Thái Việt Nam, đó cũng là tín ngưỡng của người Việt cổ. Quan niệm tín ngưỡng này có hệ thống thuyết lý, có sách vở ghi chép, có các quy ước về hình thức thể hiện, nên có sức thuyết phục, tồn tại bền vững. Chính vì thế, người Thái không theo một tôn giáo nào ngoài tín ngưỡng thờ tổ tiên”.

Việc cúng giỗ vô cùng quan trọng, không được khinh suất, nếu không sẽ khiến linh hồn của người đã khuất mủi lòng, hờn giận, cho là con cháu bất kính, quên ơn và sẽ có lời phàn nàn. Theo quan niệm cũ, nếu ma nhà có lời phàn nàn, con cháu có thể bị buồn phiền hoặc đau ốm. Thờ cúng tổ tiên căn bản là tấm lòng thành, tùy quy mô và tính chất của từng dịp mà có thể người nhà tự cúng khấn hoặc nhờ thầy cúng hành lễ. Thầy mo Hà Văn Nước, bản Tân Phúc, xã Phú Lệ (Quan Hóa), chia sẻ: “Thầy mo, thầy cúng rất quan trọng trong đời sống tâm linh người Thái. Chúng tôi được xem là cầu nối giữa người trần thế với thế giới thần linh. Công việc của chúng tôi là làm lễ, mời những người đã khuất về hưởng lễ vật của con cháu và giãi bày những tâm tư, tình cảm của gia chủ với tổ tiên để những người đã khuất phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, ăn nên làm ra. Đặc biệt, khi trong nhà có người chết, thầy cúng càng quan trọng hơn, chúng tôi làm nhiệm vụ dẫn dắt linh hồn người đã khuất về với tổ tiên và trở thành ông bà tổ tiên của gia đình, của dòng họ”.

Từ xa xưa, đồng bào dân tộc Thái đã hình thành riêng cho dân tộc mình lịch thiên can theo chu kỳ cứ 10 ngày quay vòng một lần. Dựa theo lịch này, mỗi gia đình, dòng họ sẽ chọn lấy ngày phù hợp với họ nhà mình để cất nhà, cưới xin, đi đường xa, hay làm lễ cúng bái ông bà tổ tiên... Ngoài thờ cúng tổ tiên vào dịp lễ, tết, hay nhà có hiếu, hỷ, theo lịch thiên can này, tùy theo từng gia đình, dòng họ, đồng bào Thái còn duy trì cứ 5 ngày hoặc 10 ngày làm cơm cúng tổ tiên một lần, gọi là “Pạt tống”. Ngày “Pạt tống” gọi là “Mự Vên tông” (ngày giỗ tổ). Nghĩa là khi bố mất, con phải chọn ngày rước hồn bố lên nhập với tổ tiên và thay ông làm chủ tổ tiên, gọi là “po đẳm”. Ngày gọi hồn lên nhập tổ tiên có thể một ngày, ba ngày, năm ngày sau khi bố mất nhưng không được quá một vòng thiên can 10 ngày theo lịch của người Thái. Ví dụ: Gọi hồn bố nhập tổ tiên ngày giáp thì cứ đến ngày giáp là ngày giỗ tổ tiên (Mự Vên tông). Như vậy, mỗi tháng người Thái giỗ tổ tiên ba lần. Trong mâm cúng “Pạt tống” này người ta không quá nặng về hình thức là phải nhất thiết mâm cao cỗ đầy như những dịp lễ tết, mà đồng bào quan niệm con cháu sinh hoạt như thế nào, ăn uống ra sao thì ông bà tổ tiên cũng vậy. Nên trong mâm cúng “Pạt tống”, ngoài xôi, rượu, người ta chỉ cần sắp con cá nướng, thịt nướng hoặc con gà rồi bày thêm đĩa rau, đĩa măng... đặt lên ban thờ cúng ông bà tổ tiên - cọ lọ hóng (góc trong cùng gian cuối của nhà sàn).

Tiếp theo, gia chủ chuẩn bị cho ông mo sổ ghi chép tên của những người đã khuất để ông mo gọi mời họ về. Theo thứ tự ông mo sẽ mời thân sinh gia chủ trước sau đó đến tên các cụ những người đã khuất trong dòng họ... Mỗi tên người khi ông mo gọi đến sẽ bón 3 miếng thịt, 3 thìa măng... vào một lỗ nhỏ đã được đục trước đó tại nơi thờ cúng tổ tiên. Hành động này được gọi là bón ma nhà. Cúng xong một hồi chủ nhà lại dọn sẵn một mâm cúng có thịt gà và đủ các loại như ở mâm trên ra ngoài sàn để ông mo mời thổ công, thổ địa, ma rừng, ma núi, thần sông suối và cầu khấn phù hộ cho gia chủ được khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.

Tục lệ nhân văn

Thờ cúng tổ tiên của đồng bào dân tộc Thái còn thể hiện tính nhân văn ở chỗ, ngoài duy trì và phát huy tục lệ thờ cúng ông bà tổ tiên đằng nội, ở một số địa phương, dòng họ còn giữ được phong tục thờ cúng tổ tiên đằng ngoại. Nếu gia đình nào chỉ sinh được con gái, thì khi bố mẹ mất đi, người con gái cả sẽ giữ trọng trách thờ cúng bố mẹ mình. Nhưng hai tổ tiên đằng nội và đằng ngoại không thể thờ chung một ban thờ. Nên người ta làm một ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên của nhà họ làm nơi thờ cúng bố mẹ vợ, gọi là “Hướn nghé”.

Với kiến trúc nhà sàn thu nhỏ chỉ một gian, “Hướn nghé” được dựng bằng tre, cao hơn một mét, rộng khoảng 1,3m2 đến 1,5m2, xung quanh được đan phên tre, lợp bằng gianh tre hoặc tấm prô. Bên trong “Hướn nghé” người ta cài “Tạy” theo hướng quay ra phía trước. “Tạy” - tượng trưng là bản khai sinh, khai tử của người con trai trong nhà. Còn bản khai sinh, khai tử của nữ giới là “So lo một”. Những túi “Tạy”, “So lo một” này luôn được cài trên gian thờ, chỉ được phép bỏ đi khi người có tên trong mỗi chiếc “Tạy”, “So lo một” đó qua đời. Vì nhà chỉ có con gái, nên trong hoàn cảnh thờ cúng bố mẹ đẻ ở “Hướn nghé”, người con gái phải “giả” làm con trai để được thờ cúng bố mẹ mình vào những dịp lễ tết, ngày giỗ tổ - “Pạt tông” của họ đằng ngoại nhà mình. Đến khi người phụ nữ đó mất, không còn ai duy trì thờ cúng nữa, lúc đó “Hướn nghé” sẽ bị phá dỡ đi.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cho đến nay vẫn tồn tại phổ biến và chi phối mạnh đến mọi mặt đời sống thường nhật của đồng bào dân tộc Thái. Nó thể hiện quan niệm nhân sinh, giúp các thế hệ người Thái hiểu được truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc mình, từ đó thêm trân trọng, gìn giữ.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]