(Baothanhhoa.vn) - Mùa xuân! Mùa vạn vật sinh sôi, nảy nở sau những cơn mơ chập chờn trong giá lạnh mùa đông. Mùa hân hoan với sắc hoa rực rỡ, khí xuân căng tràn, nắng xuân phơi phới và tình xuân dâng đầy... Niềm hân hoan, rạo rực ấy như hòa quyện vào nhau, chưng cất thành chất men say thúc giục bước chân người vui xuân trẩy hội... Đất – trời giao hòa, người người nô nức, khắp các bản làng, thôn xóm, nhiều hoạt động văn hóa tưng bừng diễn ra, trải qua lịch sử hình thành và phát triển, lâu dần trở thành tập tục, nét đẹp truyền thống của người dân đất Việt. Vốn là vùng đất có lịch sử lâu đời, địa bàn cư trú rộng lớn, sắc thái văn hóa tộc người đa dạng nên tục chơi xuân truyền thống của người dân xứ Thanh cũng theo đó mà phong phú, muôn hình, muôn vẻ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tục chơi xuân truyền thống của người xứ Thanh

Mùa xuân! Mùa vạn vật sinh sôi, nảy nở sau những cơn mơ chập chờn trong giá lạnh mùa đông. Mùa hân hoan với sắc hoa rực rỡ, khí xuân căng tràn, nắng xuân phơi phới và tình xuân dâng đầy... Niềm hân hoan, rạo rực ấy như hòa quyện vào nhau, chưng cất thành chất men say thúc giục bước chân người vui xuân trẩy hội... Đất – trời giao hòa, người người nô nức, khắp các bản làng, thôn xóm, nhiều hoạt động văn hóa tưng bừng diễn ra, trải qua lịch sử hình thành và phát triển, lâu dần trở thành tập tục, nét đẹp truyền thống của người dân đất Việt. Vốn là vùng đất có lịch sử lâu đời, địa bàn cư trú rộng lớn, sắc thái văn hóa tộc người đa dạng nên tục chơi xuân truyền thống của người dân xứ Thanh cũng theo đó mà phong phú, muôn hình, muôn vẻ.

Tục chơi xuân truyền thống của người xứ Thanh

Ném còn – nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Ảnh: T.L

Hằng năm, cứ mỗi độ tết đến xuân về, người dân xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) lại hân hoan tổ chức thi đấu vật. Sân đấu vật là một bãi cỏ rộng, thường gọi là xới vật. Gần xới vật có một mô đất cao đắp bằng phẳng, dùng làm đài quan sát cho những người làm nhiệm vụ trọng tài, quanh xới cắm cờ bát quái. Trọng tài mặc áo thụng dài đến đầu gối, đầu quấn khăn, lưng thắt lụa đỏ. Bên cạnh trọng tài có 1 cái giá, dùng để treo trống sơn son, mặt trống có vẽ rồng. Dùi trống cũng được sơn đỏ cho thêm phần rực rỡ. Đô vật cởi trần, đóng khố, lưng thắt dây đỏ, đầu buộc khăn xanh, đứng sẵn hai bên xới. Trọng tài nổi 1 hồi trống lệnh, các đô vật bước vào làm động tác “xe đài” – nghĩa là vờn múa trước khi có hiệu lệnh trống của trọng tài bắt đầu giao đấu. Hiệu lệnh giao đấu vang lên, các đô vật xông vào nhau, thi triển đủ miếng võ nhà nghề nhằm quật ngã được đối phương để giành chiến thắng. Những miếng võ nghe tên rất lạ lẫm mà chỉ những người nhà nghề mới nhìn thấu được: Ngón móc chảo, vỉa lộn cối, sườn cặp cổ... Quy tắc của thi đấu vật rất chặt chẽ, nhất là trong những cuộc vui xuân: Cấm ngặt không được bóp cổ, bẻ tay; nếu vi phạm sẽ bị trọng tài đuổi ra khỏi xới vật. Cuộc đấu chia ra từng hiệp, mỗi hiệp từ 5 đến 10 phút. Kẻ bị thua là người ngã trên xới vật. Tuy nhiên, người phải ngã ngửa, lấm lưng trắng bụng mới là thua. Nếu ngã xuống đất mà người ngã giữ cho tấm lưng chưa bị lấm thì vẫn có quyền được vùng lên đấu lại. Kết thúc thi vật, người giành chiến thắng sẽ được thưởng tiền hoặc quà của lò vật và nhân dân trong vùng. Những người tham gia đấu vật, nhiều khi họ chẳng màng đến những phần thưởng ấy mà đơn thuần chỉ vì sở thích, đam mê mà gắng sức giành được chén rượu mừng ngày tết đến xuân về. Vì không trọng thắng – thua hay tiền thưởng nên người thua cũng rất vui vẻ chấp nhận uống chén nước lã.

Không chỉ riêng xã Hoằng Phong mà nhiều địa phương khác của xứ Thanh cũng có truyền thống đấu vật. Có thời điểm, đấu vật trở thành phong trào lan rộng khắp các vùng quê Thanh. Nơi thành lò luyện tập, nơi không lập lò cũng xuất hiện những tay đô xuất sắc, bày nghề cho con cháu rồi đi đua tài khắp chợ cùng quê, lưu lại dấu ấn trong ca dao, tục ngữ dân gian: “Trò Chiềng, vật Bộc, rối Si/ Cơm đắp kẻ Lở, cơm thi kẻ Lào”. Đánh vật là một trong những trò chơi thượng võ độc đáo vào mỗi dịp mùa xuân. Nhiều anh hùng dũng tướng thuở xưa xuất thân là đô vật. Tổ chức đấu vật vào mùa xuân vừa mang tính vui chơi lại vừa muốn đề cao ý chí rèn luyện thân thể, học tập chuyên môn để sẵn sàng giúp nước, giúp dân, cốt sao cho mùa xuân quê hương mãi căng tràn sức sống, hừng hực khí thế xông pha.

Nếu những miếng võ nhà nghề của các đô vật thổi bừng sức trẻ, khiến mùa xuân như thêm phần nhựa sống căng tràn thì ánh lửa được đốt lên trong những hội nấu cơm thi ở các huyện Hà Trung, Yên Định, Tĩnh Gia... góp phần làm nên sắc xuân rực rỡ. Đây là tục chơi xuân độc đáo, tùy thuộc vào phong tục, tập quán của từng địa phương lại có cách thức tổ chức khác nhau. Có nơi tổ chức nấu cơm thi bằng cách vừa đi vừa nấu. Trong khi đó, ở một số địa phương của huyện Tĩnh Gia, nấu cơm thi được chia thành từng nhóm do hai người con trai đóng giả thành vợ chồng.

Khi pháo lệnh nổ vang, từng cặp mang dụng cụ đã được phát sẵn như: Bùi nhùi, hòn gạch, bát lúa, cối đá nhỏ, chày, nồi, bó đóm... bắt đầu cuộc thi. Nào nhóm lửa, giã gạo, sàng xảy trấu... Cả hai “vợ chồng” phải phối hợp sao cho nhịp nhàng, khẩn trương, khéo léo. Lửa không được bén quá nhanh kẻo cháy hết bùi nhùi mà cơm chưa kịp chín; lượng nước cho vào nồi phải biết cân đong cho vừa phải để đảm bảo cơm chín dẻo chứ đừng quá nát hay bị (lỗi) sống. Cơm được nấu trên dắng, người vợ cầm cần câu buộc sẵn đầu dắng, vừa đi vừa hát. Người chồng bước theo sau trông coi ngọn lửa và nồi cơm, đồng thời cũng hát theo vợ. Họ cùng nhau hát những bài hát ca ngợi quê hương, cầu mong cho năm mới may mắn, an lành, vụ mùa bội thu... Cứ như thế cho đến khi mùi cơm chín tỏa ra thì cặp vợ chồng dừng lại, lấy hai bát xới cơm vào rồi úp ngược lại với nhau, mang đặt trước hương án tại phần đất của giáp mình. Cặp nào xong trước thì được ông tiên chỉ làng tới cắm lá cờ đỏ, cặp nào xong sau thì được cắm lá cờ xanh và cứ thế cho đến hết lượt thi. Trong lúc các cặp thi nấu cơm, các giáp bốn bên reo hò, khua trống. Họ rôm rả bình phẩm, xuýt xoa ca ngợi hoặc cao giọng nhắc nhở thí sinh của giáp mình. Từng bước đi, từng động tác được theo dõi chăm chú và trở thành nguyên cớ cho những trận cười giòn giã, rôm rả khắp không gian làng, xã, mang lại niềm vui cho mọi người trong dịp đầu xuân năm mới.

Theo tiếng gọi mùa xuân, ngược ngàn cùng vui chung với sắc thái văn hóa vùng cao, hòa mình vào tục chơi xuân của đồng bào dân tộc miền núi xứ Thanh để sống trọn trong từng thanh âm, sắc màu trong hội tung còn (còn gọi là ném còn), đánh mảng, chọi cù...

Ném còn là hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái, xuất phát từ hoạt động lao động sản xuất thường ngày. Ngày xưa trai, gái dân tộc Thái khi đi lên nương, cấy cày, họ thường tung các bó mạ cho nhau, từ đó xuất hiện tục ném còn. Tiếng Thái, “quả còn” gọi là “cón cuống” với ý nghĩa mang niềm tin, sự phồn thịnh, hạnh phúc. Quả còn thường được làm bằng cách cắt một miếng vải hình vuông mỗi cạnh khoảng 20cm, chụm 4 góc vào nhau, khâu kín 3 cạnh, 1 cạnh còn lại để chỗ nhồi hạt: Thóc, bông, vừng, cải, đỗ... xong mới khâu lại. Khi quả còn được ném lên không trung, mang theo những hạt giống ấy bay lên như thể hiện khát vọng sinh tồn, sinh sôi, nảy nở vượt lên trên bầu trời tự do và mong ước gìn giữ những điều tốt đẹp cho mai sau. Theo quan niệm của người Thái, quả còn bao giờ cũng phải khâu tua rua bốn góc tượng trưng cho bốn phương trời, tua rua ở cuối dây còn và dưới quả còn là chỉ thiên địa. Quả còn càng có nhiều tua rua, nhiều sắc màu càng đẹp, càng đem lại may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng.

Mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc là thế nhưng cách thức tổ chức ném còn lại rất đơn giản, gần gũi, có tính cộng đồng cao. Trên những bãi đất trống bằng phẳng, giữa điệp trùng núi non, trong men say ngây ngất của rượu cần, rộn ràng tiếng cồng vang vang, những chàng trai, cô gái Thái háo hức ném còn lên cao, khéo léo điều chỉnh để quả còn được ném qua vòng tròn đã được uốn vòng trên ngọn cây tre. Trò chơi ném còn không đơn thuần là hoạt động văn hóa, thể dục thể thao rèn luyện sự tinh tế, khéo léo cho người chơi mà còn là dịp để những chàng trai, cô gái Thái được giao lưu, tỏ tình, kết duyên vợ chồng. Niềm vui mà tục ném còn mang lại chính là chất keo bền chặt qua năm tháng góp phần xây dựng nên tình cảm gắn bó, cố kết cộng đồng. Mùa xuân này, nếu có dịp đến với miền Tây xứ Thanh hãy thử cùng chơi ném còn với bà con dân tộc Thái để có thể cảm nhận được một trò chơi dân gian hấp dẫn, mang màu sắc tâm linh và chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, một nét đẹp văn hóa độc đáo ở vùng cao xứ Thanh.

Kéo lửa nấu cơm thi; thi chạy mừng xuân, đu tiên, đấu kiếm, kéo dây, hội trống quân, hội đua thuyền, ném còn, chọi cù... là những tục chơi xuân truyền thống không chỉ của riêng người xứ Thanh mà có ở khắp các vùng đồng bằng, miền núi nước ta; trở thành nét đẹp mỗi dịp đầu xuân năm mới. Cùng với sự biến thiên của thời gian, guồng quay của nhịp sống hiện đại, nhiều phong tục, tập quán truyền thống nay đã bị mai một. Tục chơi xuân cũng không phải là ngoại lệ. Đừng giới hạn mùa xuân và ngày tết cổ truyền với biết bao ý nghĩa nhân văn sâu sắc của dân tộc trong những lời chúc tụng xã giao, lịch hẹn cỗ bàn dư thừa năng lượng gối chồng lên nhau từ ngày này sang ngày khác. Hãy chơi xuân, thưởng xuân bằng tất cả sự giản đơn, nhiệt thành, biết hướng về những giá trị tưởng đã là xưa cũ... để cảm nhận trọn vẹn không khí hân hoan, rạo rực của mùa đẹp nhất trong năm.

Thảo Linh

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Tục chơi xuân Thanh Hóa – Ty Văn hóa Thanh Hóa).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]