(Baothanhhoa.vn) - Bước lên đỉnh non thiêng, tựa vào tam quan Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng nhìn ra xa xăm dòng Mã giang, lòng như ngộ ra nhiều điều. Sự tĩnh tâm cho ta cái nhìn trách nhiệm hơn với vùng đất và con người nơi ta đến. Phải chăng là thế?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trong phù sa dòng sông văn hóa

Bước lên đỉnh non thiêng, tựa vào tam quan Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng nhìn ra xa xăm dòng Mã giang, lòng như ngộ ra nhiều điều. Sự tĩnh tâm cho ta cái nhìn trách nhiệm hơn với vùng đất và con người nơi ta đến. Phải chăng là thế?

Trong phù sa dòng sông văn hóaCầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã. Ảnh: CTV

Tôi cố bước từng bước thật chậm, ngước nhìn lên đỉnh đồi bằng niềm tin vào Phật pháp, rồi nghĩ về cái kết chính quả mà tổ sư Thiền phái Trúc Lâm đã ngộ ra và đắc đạo. Chinh phục xong mấy trăm bậc đá, tôi phóng mắt về bao la bờ Bắc, tĩnh tâm lắng thanh âm của gió trên đỉnh cao nhất thành phố quê mình.

Nơi tôi đến là Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, được xem như là trung tâm tín ngưỡng Phật giáo mới ở xứ Thanh. Dưới kia là dòng Mã giang - dòng sông thi ca, dòng sông của phù sa văn hóa, an nhiên chảy về đông. Theo chiều dài dòng sông ấy có biết bao câu chuyện bi tráng và hào hùng, nhuốm màu truyền thuyết, sử thi.

Tôi không phải là nhà sử học để có cái nhìn chân thực về vùng đất, nhưng tình yêu cho tôi đủ cảm hứng để lang thang trong những thời điểm đặc biệt nhất của vùng đất Hàm Rồng. Ấy là lần nì néo để được theo đoàn khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật thám sát làng cổ Đông Sơn chuẩn bị cho kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn cách đây cũng đã lâu.

Trong những ngày sống cùng đoàn khai quật tôi ngộ ra rằng, có rất nhiều điều gắn với văn hóa Đông Sơn, hơn mình từng nghĩ. Đó là phạm vi rộng hơn nhiều ngôi làng cổ ở đây. Làng chỉ là nơi phát hiện ra nền văn hóa đồ sộ này.

Giá trị của văn hóa Đông Sơn đến nay cho thấy đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, sang nhiều nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Đó chính là điểm tự hào, mà ngay cả nhiều người dân ở ngôi làng cổ này chưa chắc đã biết hết. Một vùng đất chất chứa phù sa văn hóa, nó sẽ còn là nguồn cảm hứng khám phá và sáng tạo. Chắc chắn là thế rồi, trên vùng đất ấy, bên cạnh những nếp nhà cấp 4 đang mọc lên những công trình khác phục vụ ngành công nghiệp không ống khói.

Dù còn khiêm tốn, nhưng Dự án Khu du lịch Kim Quy bước đầu cho thấy sự ra đời của nó là không hề “dị” chút nào như hồi khởi phát nhiều người nghĩ thế. Du lịch văn hóa, tâm linh đang và sẽ còn thu hút du khách nhiều hơn.

Ở vùng đất thiêng này còn có nhiều điều muốn nghe và hồi ức. Đó là những trầm tích văn hóa gắn liền với mỗi tên đất, tên làng. Những làng nghề một thời vàng son vang bóng, đáp ứng yêu cầu sản xuất tiêu dùng đương đại. Trong số đó khiến tôi nhớ nhất nghề đất nung làng Vồm, cót hoa làng Giàng, đều ở mạn bờ Nam. Châu thổ sông Mã là một vùng rộng lớn và phì nhiêu, mà nhắc đến nơi nào cũng chạm vào tinh hoa của đất, chân chất của bàn tay người. Ấy không chỉ là những hạt phù sa theo nghĩa đen của nó.

Có lần từ Hạc Thành, làm khách trên tàu du lịch Hoàng Long, tôi đã đến ngã Ba Bông trong câu chuyện đẫm màu lịch sử, huyền thoại của sông nước, làng mạc, những di tích, danh thắng hai bên bờ. Đó là một hành trình văn hóa, hành trình sông nước, tuy ngắn ngủi nhưng được nghe kể về tâm thức Việt, tài hoa Việt trong những chiếc trống đồng ngàn năm tuổi, như được sống trong tâm sự của những chiếc rìu đá của người tối cổ từ núi Đọ xa xăm. Những chiếc rìu gắn liền với hành trình chuyển hóa loài người, tiếp cận văn minh khi bắt đầu tìm ra lửa. Những lời ấy từ miệng hướng dẫn viên trên tàu. Tôi chỉ làm việc cần làm là nhìn sang hai bên bờ sông để liên hệ, tưởng tượng.

Trời thu xanh cao, nắng mật ong rót ra cả không gian rộng lớn. Con đê làng Giàng như một nét mày bên dòng Mã giang đưa tôi đến với những nơi tôi từng đến. Ở đó có những làng nghề, những nghệ nhân tên tuổi, nhưng giờ đã khác thật nhiều với miền nhớ của tôi. Tên người thành thiên cổ, tên làng còn, nhưng nghề của làng, hồn của làng đã khuất bóng xa mờ. Âu cũng là điều tất yếu khi hiện đại hóa nhiều vật dụng không còn phù hợp nữa.

Điều đó cũng giống như mấy hôm trước lang thang quanh Bến Ngự, đứng trên cầu Sâng, cách Mã giang non cây số, nhìn dòng nước thao thiết chảy, lại hồi ức cảnh trên bến dưới thuyền thương lái tứ xứ đổ về mua chum, cất vại, mà xót tiếc cho sự vàng son một thuở của làng nghề sành sứ Lò Chum.

Có lần trên đê làng Giàng tôi tự đặt câu hỏi: Bao giờ nghề đan cót, làm nón làng Giàng, đúc lu, nung vại làng Vồm sống dậy? Chủ trương chấn hưng làng nghề truyền thống, nhưng sẽ rất khó khi mà máy móc đã thay cho tất cả. Đó là mâu thuẫn, chưa thể có lời giải ngay được, và cũng không chỉ riêng nơi này.

Cuộc đời là những chuyến đi, chỉ có cơ duyên xếp đặt mới khiến ta cập được bến mơ. Trong lồng lộng đất trời quê Thanh, thời tiết chiều lòng du khách càng tạo thêm xúc cảm và thi hứng. Thật chẳng dễ gì để có một lần đứng giữa bao la sông nước nơi ngã ba hợp giao của hai dòng sông lịch sử là Mã giang và Chu giang để sống trong cảm giác của người dân 5 huyện cùng nghe tiếng gà gáy.

Tiếng gà trưa thổn thức nhiều người đã nghe, nhưng để sống cùng tiếng gà gáy ở nơi sông nước, đất trời hòa giao này thì không phải ai và lúc nào cũng may mắn. Đơn giản chỉ là một chuyến đi nhưng khiến ta thêm yêu quý đất quê mình.

Nó cũng như vùng đất thiêng Hàm Rồng này vậy. Dù từng bị bom cày, đạn xới, nhưng trên đất ấy vẫn xanh thẳm cỏ cây, và nụ cười của người dân “đất thép”.

Thêm lần nữa tôi lưng tựa hàng hiên Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng nhìn ra xa xăm để cảm thấu sự bình yên, không gợi tả lại điều gì của đau thương mấy mươi năm trước. Sự hồi sinh của vùng đất không chỉ bằng sức đầu tư của Nhà nước và tham gia của doanh nghiệp, mà còn là khi có một thiền viện quy mô đặt đá đứng chân nơi này.

Các cơ sở Phật giáo rất chú trọng chọn đất sao hội tụ được những yếu tố căn bản của thiên - địa - nhân hòa hợp với nhau. Đồi C4 trên đỉnh non thiêng này tôi đã đến nhiều lần, từ khi thiền viện đặt đá khởi công. Lần nào cũng thế, đều để lại cảm giác an yên. Tượng Phật ở đây khá cao, ngước nhìn có cảm giác đang hướng lên tầng cao độ pháp. Phía sau là nơi để giảng kinh, dạy đạo làm người, cuối tuần nhiều đứa trẻ lại về. Khác với Tịnh Độ Tông và Mật Tông, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng đại diện cho phái Thiền Tông, lấy tọa thiền để tịnh tâm sám hối. Nhiều người đến đây để được thả hồn vào câu kinh, tiếng kệ, cũng nhằm sửa mình, mong ánh sáng từ Đức Phật phổ độ khai tâm, cho minh triết hơn, làm việc có ích hơn.

Đại đức Thích Trúc Thông Tánh - trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng từng nói rằng, thiền viện không rườm rà, không nhuốm màu mê tín. Mục tiêu xây dựng thiền viện không chỉ trở thành nơi tu hành đạo hạnh, hơn cả như một trường học để giáo hóa chúng sinh. Đó là điều mà xã hội đang cần khi sự bấn loạn trong cuộc sống này đang ngày thêm gia tăng.

Tựa vào Tòa đại hùng bảo điện Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng nhìn ra xa xăm không gian văn hóa núi Rồng, sông Mã, có vẻ như thêm ngộ ra mình nên làm gì.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]