(Baothanhhoa.vn) - Thuộc di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn, núi Trường Lệ là điểm nhấn đậm nét khiến cho “bức tranh” di sản văn hóa Sầm Sơn thêm rực rỡ sắc màu, góp phần tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách khi về với thành phố biển Sầm Sơn.

Trên núi Trường Lệ

Thuộc di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn, núi Trường Lệ là điểm nhấn đậm nét khiến cho “bức tranh” di sản văn hóa Sầm Sơn thêm rực rỡ sắc màu, góp phần tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách khi về với thành phố biển Sầm Sơn.

Trên núi Trường LệĐền Cô Tiên tọa lạc trên hòn Đầu Voi núi Trường Lệ. Ảnh: Khánh Lộc

Viết về núi Trường Lệ, nhà nghiên cứu Hoàng Thăng Ngói - một người say mê với các giá trị văn hóa, lịch sử của Sầm Sơn trong sách Linh tích Sầm Sơn tập 1 đã miêu tả khá chân thực: “Từ thành phố Thanh Hóa đi theo Quốc lộ 47 về phía Đông khoảng 16 km, đến phường Quảng Châu, trước mặt chúng ta hiện ra một vệt núi xám sẫm, chênh chếch hướng Đông Nam, mang vẻ biến hóa thành nhiều hình dáng kỳ ảo. Khi uốn lượn như sóng, khi hòn cao, hòn thấp nhấp nhô, hoặc lô xô, tầng tầng, lớp lớp,... Và như một pho tượng vĩ đại hiện ra giống một người đàn bà với những nét cong mềm mại, kiều diễm đang nằm ngửa mặt nhìn vòm trời cao xanh lồng lộng. Đó là dải núi Trường Lệ Sầm Sơn”.

Trường Lệ đẹp. Vẻ đẹp không chỉ ở tên gọi. Nếu đã một lần theo con đường núi Trường Lệ dốc thoải, dạo bộ dưới tán cây rừng, thả lòng mình giữa thiên nhiên trong xanh, nghe tiếng sóng biển dội vào vách núi,... ta bất chợt nhận ra tạo hóa trong những “sắp đặt” thật khéo léo đến nhường nào.

Và trên dải núi thoai thoải ấy còn “ấp ôm” những giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh gắn liền với vùng đất, con người nơi đây từ thuở ban sơ. Là đền Độc Cước thờ vị thần dũng mãnh đã tự xẻ đôi thân mình bảo vệ cư dân biển; hòn Trống Mái bao năm trôi qua vẫn âm thầm kể chuyện tình thủy chung, son sắt của đôi lứa yêu nhau; đền Tô Hiến Thành gắn liền với công lao của vị quan thời Lý giúp ngư dân khai hoang lấn biển; đền Cô Tiên linh thiêng;... Huyền thoại và lịch sử cứ đan xen vấn vít, hấp dẫn quá đỗi.

Theo người dân Sầm Sơn, núi Trường Lệ thuở xa xưa còn được biết đến với tên gọi núi Gầm - Gầm Sơn. Lý giải điều này, nhà nghiên cứu Hoàng Thăng Ngói cho rằng: “Có lẽ những âm thanh của sóng biển va đập vào vách núi, dội âm vào làng. Nhẹ thì gọi là “rung biển”, nặng gọi là “biển gầm”. Biển gầm hay núi gầm là sự giao hoan giữa biển và núi để sinh ra tên gọi nôm núi Gầm”. Cũng theo ông Hoàng Thăng Ngói, ở phía Nam núi Gầm khi xưa có làng Kẻ Trường. Thời Trần thuộc hương Yên Duyên, sang thời Hậu Lê có tên Du Vịnh Sở, đến thời Nguyễn mang tên Trường Lệ. Có lẽ từ đó, mà tên làng cũng được đặt cho tên núi.

Gọi là Trường Lệ song cả dải núi cũng không quá rộng dài, chỉ khoảng hơn 300 ha với 16 ngọn núi nối tiếp nhau. Trong đó: “Hòn Kèo cao nhất - Hòn Ngành thứ hai/ Thứ ba là hòn Phù Thai/ Thứ tư Cổ Giải nằm ngoài Đầu Voi,... Hòn Phù Thai - mà ban đầu ta thấy, như người đàn bà chửa khổng lồ nằm ngửa nhìn trời xanh. Quá trình tạo sơn đã để lại nhiều hòn đá mang dáng hình con vật rất rõ nét: hình con chim (hòn Trống Mái), hình con cóc, hình con rùa biển (Cổ Giải), hình voi (đầu voi, bành voi), hòn cá mực, khe ổ rùa,... còn có những tên gọi đầy ấn tượng như “voi sa lầy, ngựa chết chẹt” gắn với những huyền thoại, truyền thuyết ly kỳ, hấp dẫn” (theo sách Linh tích Sầm Sơn tập 1).

Nằm sát mép nước, núi Trường Lệ “nhoài” mình ra với biển lớn, “gối đầu” lên sóng bạc đầy mộng mơ, để ngàn vạn năm “non xanh - nước biếc” vẫn cứ thì thầm kể chuyện cho nhau nghe. Du khách khi về Sầm Sơn, đứng nơi đền Độc Cước linh thiêng tọa lạc trên hòn Cổ Giải (hay hòn Miết Cảnh) thu vào tầm mắt là thành phố bên bờ biển đang “chuyển mình” phát triển sôi động từng ngày. Rất gần thôi, thuyền của ngư dân sau những ngày “no sóng” đang nằm yên bình “nghỉ ngơi”. Hình ảnh ấy, khiến ta cứ nghĩ, phải chăng đó là một Sầm Sơn hiện đại mà không đánh mất nét đẹp văn hóa vốn có.

Rời hòn Cổ Giải, lên hòn Đầu Voi như dáng hình con voi khổng lồ đang nhào mình uống nước. Ta bất chợt tự hỏi, là ai đã đặt tên cho nơi này mà ấn tượng đến thế! Là người xưa, với những chắt chiu gom nhặt, đã để lại cho đời những tinh hoa văn hóa, gửi gắm trong từng tên gọi.

Đứng trên hòn Đầu Voi, hướng tầm mắt nhìn xuống phía dưới, là biển đang rì rào ru mình thì thầm bên vách đá. Ở đó, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, ta lại thấy nào là Vụng Tiên (bãi tắm tiên), Vụng Ngọc, Hòn Câu,... với những chuyện kể mê đắm, hấp dẫn. Nơi đền Cô Tiên, năm xưa Bác Hồ về với Sầm Sơn xứ Thanh đã chọn nơi đây làm chốn nghỉ ngơi. Chuyện kể rằng, trong thời gian ở tại đây, Bác Hồ đã cùng kéo lưới, tắm biển, trò chuyện, thăm hỏi ngư dân các gia đình ở thôn biển Vinh Sơn. Và đó, mãi vẫn là ký ức đẹp trong các thế hệ người dân Sầm Sơn.

Có ai đó nói, về với Sầm Sơn mà chưa một lần ngắm nhìn bình minh trên biển để biết thế nào là hừng đông sẽ là điều vô cùng đáng tiếc. Cũng như thế, về Sầm Sơn nếu không khám phá núi Trường Lệ, chuyến đi của bạn sẽ thật khó trọn vẹn niềm vui, bởi lẽ Sầm Sơn đâu chỉ có biển. Biển Sầm Sơn và núi Trường Lệ - cùng nhau tạo nên sức hấp dẫn của du lịch thành phố biển xứ Thanh.

Về Sầm Sơn, lên núi Trường Lệ, cùng đắm mình giữa thiên nhiên tươi đẹp và say lòng trong những truyền thuyết, chuyện kể, để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của đất và người Sầm Sơn.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]