(Baothanhhoa.vn) - Làng Hoằng Lộc “san sát dấu hầu nền tướng, dòng trâm anh nối gót chen vai. Chan chan cửa Khổng sân Trình, nhà thi lễ liền tường giáp mái” là cái nôi sản sinh, nuôi dưỡng những người con ưu tú, hiền tài cho quốc gia; trong đó, Vĩ Hiên Công Nguyễn Quỳnh là một trong những đại diện tiêu biểu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trạng Quỳnh - từ nhân vật lịch sử đến truyện kể dân gian

Trạng Quỳnh - từ nhân vật lịch sử đến truyện kể dân gian

Nét đẹp cổ kính của nhà thờ Nguyễn Quỳnh (thôn Đông Tiến, xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) – di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia.

Làng Hoằng Lộc “san sát dấu hầu nền tướng, dòng trâm anh nối gót chen vai. Chan chan cửa Khổng sân Trình, nhà thi lễ liền tường giáp mái” là cái nôi sản sinh, nuôi dưỡng những người con ưu tú, hiền tài cho quốc gia; trong đó, Vĩ Hiên Công Nguyễn Quỳnh là một trong những đại diện tiêu biểu.

Vĩ Hiên Công Nguyễn Quỳnh - một danh sĩ Bắc Hà

Vĩ Hiên Công Nguyễn Quỳnh, hiệu Ôn Như, quê làng Bột Thượng, nay thuộc xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh ngày 1 tháng 10 năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 (1677), xuất thân trong một gia đình Nho học. Ông nội đỗ Sinh đồ, chuyên nghề dạy học; cha làm giám sinh. Từ nhỏ, cụ Quỳnh đã theo ông nội học hành, 19 tuổi (có tài liệu là 20 tuổi) đỗ Giải nguyên, thi Hội nhiều lần nhưng đều trượt. Năm 41 tuổi, cụ Quỳnh đỗ Á nguyên khoa Sĩ Vọng. Cụ từng giữ chức Huấn đạo phủ Phụng Thiên, Tri phủ Thái Bình; sau về kinh đô làm Viên ngoại lang bộ Lễ, rồi chuyển sang chức Tu soạn Viện Hàn Lâm. Cụ mất ngày 28 tháng 1 năm Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748), thọ 71 tuổi.

Cuộc đời thực của cụ Cống Quỳnh, thế hệ cháu con hôm nay chỉ biết được qua gia phả do Giáo sư Hà Văn Tấn dịch từ nguyên bản chữ Hán. Từ những chi tiết, sự việc được ghi lại trong gia phả, tài năng, nhân cách cụ Cống Quỳnh được khái quát: Đó là một con người rất thông minh, tài học phát lộ từ sớm. Mười bốn tuổi đã “năng văn”. Chỉ trong một năm, cậu bé Quỳnh đã học thuộc cả ba bộ kinh Dịch, Lễ và Thư. Sau khi đỗ Giải nguyên, Nguyễn Quỳnh lại càng nổi tiếng. Các danh sĩ đương thời đều kết giao với ông. Bởi vậy, cụ Cống Quỳnh là một trong những danh sĩ Bắc Hà ở thế kỷ XVIII được người đời ca tụng: “Tuấn Cung, Tuấn Dị, thiên hạ hữu nghị/ Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô tam” (Tuấn Cung, Tuấn Dị, thiên hạ chỉ có hai người đó thôi; Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ không có người thứ ba như thế). Tài năng là thế nhưng “sinh ra không gặp thời” nên con đường làm quan của cụ Cống Quỳnh luôn đầy rẫy những gập ghềnh, khó khăn. Làm quan, cho dù là huấn đạo ở kinh đô, gia cảnh cụ vẫn thanh bần. Khi được bổ làm tri phủ, gia cảnh có phần khấm khá hơn nhưng đảm nhận chức vụ chưa được bao lâu, cụ Cống Quỳnh đã phải về Bộ Lễ, làm viên Ngoại lang, sau đó chuyển sang làm tu soạn Viện Hàn Lâm. Theo như gia phả thì chức tu soạn là chức quan cuối cùng trong cuộc đời cụ.

Nối tiếng “năng văn” nhưng thực sự đáng tiếc bởi cho đến thời điểm hiện tại, di cảo còn được lưu giữ lại của cụ Cống Quỳnh quá ít ỏi. Bằng tất cả tình yêu thương, niềm tự hào, trân trọng; với tất cả nỗ lực tìm tòi, sưu tầm, khảo luận, biên khảo, nhà văn Nguyễn Đức Hiền, Giáo sư Hà Văn Tấn đã giới thiệu đến công chúng một phần nào trang viết của cụ. Đó là sáu bài văn bằng chữ Hán được chép lại trong Gia phả chi Giáp – chi của Nguyễn Quỳnh trong dòng họ Nguyễn. “Hành nghĩa ký”, “Sơ ngu văn”, “Tư mẫu đường ký”, “Văn tế khóc em tên là Cầu”, “Tốt khốc văn”, “Trung nguyên văn”... đều là những bài văn tế, bài ký người thân đã mất của cụ Cống Quỳnh. Bằng những lời giản dị, không chút tô điểm, cụ Cống Quỳnh đã kể về những người thực việc thực, qua đó nói lên nỗi đau của mình khi vĩnh biệt người thân yêu. Ngoài 6 bài văn tế, ký này, GS. Hà Văn Tấn vui mừng giới thiệu hai bài phú của cụ được chép ngay đầu tập sách “Lịch triều danh phú” – tập sách chép các bài phú chữ Hán, phần lớn của các tiến sĩ đời Lê. Bài phú: “Kim bạch tài vật phú” nói về tòa phủ vua Tần xây ở Hàm Dương để chứa vàng lụa của cải. Với giọng văn mạnh mẽ, cụ đã đả kích sự tham lam vơ vét của các vua Tần. Cụ chỉ trích nhà Tần chỉ biết “thu góp của cải mà mê muội không biết cái gốc là thu góp dân” và chính vì vậy, cuối cùng bị thất bại. Bài phú “Tần cung phụ nữ” nói về thân phận những người cung nữ trong cung vua Tần. Đây có thể coi là mở đầu cho các bài văn lấy đề tài “cung oán” có tính chất nhân văn sâu sắc thường gặp ở nửa sau thế kỷ XVIII. Từ những cứ liệu nêu trên, GS. Hà Văn Tấn kết luận: “Tin rằng Nguyễn Quỳnh là một người giỏi văn Nôm, thích hài hước, tôi không hề có ý đồng nhất Hương cống Nguyễn Quỳnh với Trạng Quỳnh dân gian. Không ai ngây thơ làm như vậy. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng Cống Quỳnh hoàn toàn có đủ tư cách để trở thành khởi hình lịch sử của Trạng Quỳnh dân gian”.

“Khởi hình lịch sử” của giai thoại dân gian

“Lịch sử là gì? Là thời gian cộng với dân”. Bởi vậy, “cái giá trị nhất là sự công nhận của nhân dân và bút tích gia phả còn lưu giữ được từ mấy đời nay” – những chia sẻ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với nhà văn Nguyễn Đức Hiền nhân sự kiện xuất bản cuốn sách về Trạng Quỳnh đã xóa nhòa khoảng cách giữa lịch sử và hiện tại, giữa nhân vật lịch sử Nguyễn Quỳnh với giai thoại dân gian Trạng Quỳnh. Thông qua cuộc trò chuyện này, chúng ta mới thấy được sức thu hút, tầm ảnh hưởng của “hiện tượng Trạng Quỳnh”.

Mối liên hệ giữa truyện dân gian và nhân vật Nguyễn Quỳnh đến đâu, không ai có thể khẳng định. Nhưng chính nhà văn Nguyễn Đức Hiền – hậu duệ của Hương cống Nguyễn Quỳnh, đồng tác giả cuốn Trạng Quỳnh trong cuộc nói chuyện với đồng chí Phạm Văn Đồng đã chỉ rõ rằng: “Không thể có nguyên xi sự thật như giai thoại truyền miệng hay sách cũ ghi chép lại. Song cũng có sở cứ”. Trong Hành nghĩa ký (Bài ký làm việc nghĩa) do cụ Nguyễn Quỳnh viết (Hà Văn Tấn dịch) có viết: “Quỳnh tôi từ tấm bé, được ông nuôi dạy nhiều năm, lớn lên theo học kinh đô, chẳng được quạt nồng ấp lạnh để trọn đạo hiếu”. Là người tâm huyết, dày công khảo luận, biên khảo nhiều tài liệu về cụ cống Nguyễn Quỳnh nên Hà Văn Tấn đã chỉ ra cho chúng ta thấy sự gần gũi giữa nhân vật lịch sử Nguyễn Quỳnh với giai thoại dân gian “Trạng Quỳnh” dựa trên nhiều cứ liệu. Gia phả dòng họ Nguyễn ghi: Vào khoảng niên hiệu Bảo Thái, nhà Nguyễn Quỳnh ở ngay trước chùa Bà Đanh tại Thăng Long. Vì vậy, chuyện dân gian cho Trạng Quỳnh ở kinh đô vào đời Bảo Thái, không phải là không phản ánh sự thật. Qua các bài phú của cụ Nguyễn Quỳnh được ghi chép lại trong giả phả, Hà Văn Tấn lập luận: “Sách Nam thiên lịch đại tư lược sử, một quyển sử có lẽ được viết đầu thời Nguyễn, khi nói đến Nguyễn Quỳnh, có một câu đáng chú ý: “Quỳnh, Hoằng Hóa Bột Thái nhân, từ chương minh thế, đàm thuyết kinh nhân, trường quốc âm, thiện ư hí hước” (Quỳnh người Bột Thái, Hoằng Hóa, từ chương nổi tiếng ở đời nói năng bàn luận kinh người, sở trường về văn thơ Nôm và giỏi hài hước)... Những mô tả về tài năng của cụ Nguyễn Quỳnh “không khác với những gì chúng ta đã biết qua truyện Trạng Quỳnh” – một con người tài hoa, dí dỏm, thông minh pha chút khí phách ngang tàng, ngạo nghễ. “Hiển nhiên, tất cả đều chưa phải là chỗ dựa chắc chắn để chúng ta có thể tin hoàn toàn, nhưng hẳn phải có một cái lõi sự thật nào đó mới có một sự quy tụ lớn như thế. Có bao nhiêu ông Trạng trong Văn học dân gian thế mà chỉ có một mình Trạng Quỳnh có thời đại và quê hương được xác định. Rõ ràng không phải là ngẫu nhiên” – GS. Hà Văn Tấn lập luận (Trạng Quỳnh qua gia phả họ Nguyễn ở Thanh Hoa). Từ đó, ông khẳng định niềm tin của mình – niềm tin của một nhà khoa học sau quá trình bền bỉ làm việc, tôn trọng cứ liệu lịch sử: “Tin rằng Nguyễn Quỳnh là một người giỏi văn Nôm, thích hài hước, tôi không hề có ý đồng nhất Hương cống Nguyễn Quỳnh với Trạng Quỳnh dân gian. Không ai ngây thơ làm như vậy. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, Cống Quỳnh hoàn toàn có đủ tư cách đề trở thành khởi hình lịch sử của Trạng Quỳnh dân gian”.

Niềm tin về một “khởi hình lịch sử” của giai thoại dân gian Trạng Quỳnh cũng được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chân thành thổ lộ: “Cứ cho là vài ba thế kỷ đi, từ ngày cụ Quỳnh mất đến nay, người ta vẫn nhắc đến con người ấy, đến Trạng Quỳnh và kể truyện Trạng Quỳnh, đâu phải là điều ngẫu nhiên... Song, đó là phần truyện. Còn con người, phải có một con người có thật, phải từ một con người thật và ta đã tìm được con người đó. Đọc sách, đọc những bài phú và gia phả, tôi đủ tin, rất tin...”. Và có lẽ, giờ đây, bên cạnh các tư liệu lịch sử thì sự tồn tại, nét đẹp, sức sống lâu bền của di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia – nhà thờ Nguyễn Quỳnh trên quê hương Hoằng Lộc như càng khẳng định thêm niềm tự hào của các thế hệ con cháu hôm nay. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Những con người ở quê hương đồng chí – từ ngàn xưa đến nay – vốn là những con người Việt Nam rất đẹp, hiếu học, hóm hỉnh. Đất nước Việt Nam đã sản sinh ra những nhân vật như Hồ Xuân Hương, như Trạng Quỳnh còn sống được đến bây giờ tức là sẽ còn sống mãi thứ Văn học mà già, trẻ, cao, thấp, Nam, Bắc đọc đều thấy thú vị”.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

4 bình luận

 sang - 16:40 20/02/22

 Trả lời

Nguyễn Quỳnh (1677–1748) là một danh sĩ thời Lê – Trịnh (vua Lê Hiển Tông), từng thi đỗ Hương cống nên còn gọi là Cống Quỳnh. Ông nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại nên trong dân gian vẫn thường gọi ông là Trạng Quỳnh dù ông không đỗ Trạng nguyên.

 sang - 16:39 20/02/22

 Trả lời

Cụ từng giữ chức Huấn đạo phủ Phụng Thiên, Tri phủ Thái Bình; sau về kinh đô làm Viên ngoại lang bộ Lễ, rồi chuyển sang chức Tu soạn Viện Hàn Lâm. Cụ mất ngày 28 tháng 1 năm Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748), thọ 71 tuổi.

 sang - 16:36 20/02/22

 Trả lời

Vĩ Hiên Công Nguyễn Quỳnh, hiệu Ôn Như, quê làng Bột Thượng, nay thuộc xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh ngày 1 tháng 10 năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 (1677), xuất thân trong một gia đình Nho học. Ông nội đỗ Sinh đồ, chuyên nghề dạy học; cha làm giám sinh. Từ nhỏ, cụ Quỳnh đã theo ông nội học hành, 19 tuổi (có tài liệu là 20 tuổi) đỗ Giải nguyên, thi Hội nhiều lần nhưng đều trượt. Năm 41 tuổi, cụ Quỳnh đỗ Á nguyên khoa Sĩ Vọng. Cụ từng giữ chức Huấn đạo phủ Phụng Thiên, Tri phủ Thái Bình; sau về kinh đô làm Viên ngoại lang bộ Lễ, rồi chuyển sang chức Tu soạn Viện Hàn Lâm. Cụ mất ngày 28 tháng 1 năm Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748), thọ 71 tuổi. Cuộc đời thực của cụ Cống Quỳnh, thế hệ cháu con hôm nay chỉ biết được qua gia phả do Giáo sư Hà Văn Tấn dịch từ nguyên bản chữ Hán. Từ những chi tiết, sự việc được ghi lại trong gia phả, tài năng, nhân cách cụ Cống Quỳnh được khái quát: Đó là một con người rất thông minh, tài học phát lộ từ sớm. Mười bốn tuổi đã “năng văn”. ...

 Nguyễn Trà My - 07:47 13/05/21

 Trả lời

Tìm hiểu về Trạng Quỳnh

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]