(Baothanhhoa.vn) - Những làng biển tôi đã đi qua, tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ sức níu giữ... Ngoài biển, ngoài cát, ngoài bóng dáng người phụ nữ tảo tần, giàu đức hy sinh, tôi còn được bắt gặp hình ảnh thật đẹp của những chàng trai làng biển...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trai làng biển

Những làng biển tôi đã đi qua, tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ sức níu giữ... Ngoài biển, ngoài cát, ngoài bóng dáng người phụ nữ tảo tần, giàu đức hy sinh, tôi còn được bắt gặp hình ảnh thật đẹp của những chàng trai làng biển...

Anh Lương Viết Dũng, phố Sơn Hải, phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn) chuẩn bị cho một chuyến ra khơi.

Đêm ngày mùng 9-10-2017, anh Lương Viết Dũng, phố Sơn Hải, phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn) điều khiển tàu cá vào đảo Mê neo đậu, khi nghe tin sắp có cơn áp thấp nhiệt đới đi qua. Đài thông tin sức gió không mạnh, nên anh yên tâm cùng các thuyền viên đi ngủ. Nửa đêm, mọi người bàng hoàng tỉnh giấc bởi gió rít liên hồi. Cảnh tượng đầu tiên, 3 chiếc tàu cá đang neo đậu ở đảo Mê cùng lúc bị gió, sóng quật tơi tả. Sóng biển dựng lên như những dãy núi nối tiếp nhau đổ sầm sập, va vào mạn tàu, bọt tung trắng xóa; từng mảng gỗ của tàu bị sóng đánh vỡ. Tàu ngả nghiêng. Gió hắt từng cột nước lớn vào phòng lái. Nước tràn khắp nơi. Hàng chục con người trên những chiếc tàu rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Cảm thấy chuyện chẳng lành, anh Dũng hô hào mọi người cùng lao xuống biển, trước khi tàu chìm. Đêm hôm đó, với anh Dũng, sự sống và cái chết tựa như cánh hoa bồ công anh trước gió. Khoảnh khắc đó, khao khát sống trong anh lại trỗi dậy mạnh mẽ. Anh nghĩ tới gia đình, nơi vợ anh đang chong đèn mong anh trở về. Nghĩ về tương lai của các con khi thiếu vắng đi hơi ấm, tình thương của người cha. Rồi chúng sẽ ra sao? Anh thương vợ, thương các con đến cháy bỏng. Chính khát khao được sống đó đã tiếp thêm động lực cho anh không rời tay khỏi chiếc thùng phi, lênh đênh trên biển suốt 2 ngày để đợi tàu cứu hộ đến. Và rồi, may mắn đã mỉm cười với anh.

Sau lần thoát nạn đó, anh Dũng ốm nặng, nằm li bì suốt 3 tháng ở nhà. Vợ con khóc lóc, khuyên anh chuyển nghề. Biển hào phóng nhưng cũng đầy hiểm nguy. Họ bảo không cầu giàu sang, chỉ cần anh còn sống để trong nhà còn có hơi chồng, tiếng cha. Nhưng, anh nào nghe. Cuộc đời anh, gắn với biển từ năm lên 9 tuổi, 32 năm lênh đênh sóng nước, đâu phải nói bỏ là bỏ được. Ngày đó, gia đình anh Dũng thuộc diện hộ nghèo của làng. Những chuyến đi biển của cha và anh trai trở thành niềm hy vọng sống cho cả gia đình. Anh nhớ như in cái cảm giác cùng mẹ đứng chôn chân ngóng cha trở về vào những ngày biển động. Đời người phụ nữ là vậy, hạnh phúc lớn nhất của họ cũng chỉ gói gọn vào hai chữ “chồng con”. Giây phút đó, cậu bé Dũng khao khát được lớn thật nhanh, sải tay đủ rộng, để ôm chặt mẹ mà chở che.

Mùa biển động. Cái lạnh cắt da thịt, sóng biển xô vào bờ bọt tung mù mịt, lũ con trai trong làng vẫn ngày ngày trầm mình dưới biển. Thói quen đó trở thành thú vui duy nhất của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên nơi đây. Mùa biển lặng. Chờ những con thuyền cá bạc đầy khoang trở về bến sông, Dũng cùng lũ trẻ hàng xóm bơi ra, đu lên mạn thuyền bốc trộm cá đem bán lấy tiền nuôi con heo đất chôn giấu dưới nền nhà toàn cát biển. Tụi bạn thân trong làng vẫn thường kiêng nể gọi Dũng bằng biệt danh “rái cá”. Cậu bơi giỏi, lại theo gien của bố có sải tay dài, nên thường chiến thắng trong tất cả các cuộc cá cược. Ở cái làng biển này, bơi giỏi chính là thước đo đối với một người con trai. Bởi suy nghĩ đó, tối ngày Dũng cởi trần trùng trục lặn ngụp dưới biển, phơi mình trên cát trắng, nắng vàng, có hơi nước mặn mòi từ biển xanh thăm thẳm phả vào da dẻ đen bóng. Một lần, ba cậu gọi về ăn cơm, gọi mãi không thấy đâu, ông tức máu xồng xộc chạy ra biển túm lấy cậu ném ra xa. Hàng xóm trông thấy cảnh ấy hết hồn, rồi mấy thanh niên giỏi nghề bơi lội ra vớt. Họ sửng sốt nhìn thằng bé bơi ào ào vào bờ như vận động viên bơi lội thứ thiệt, cả xóm reo hò inh ỏi. Bố mẹ mắng chửi mãi không làm cậu từ bỏ thú vui với sóng biển nên đành phó mặc.

Nhà nghèo, cậu học lớp 3 rồi nghỉ hẳn. Tụi bạn con trai cùng xóm cố gắng lắm cũng học hơn cậu 1, 2 lớp rồi nằng nặc đòi nghỉ, để theo chân cha đi biển. Cậu thực hiện chặng hành trình ra khơi đầu đời khi mới 9 tuổi. Con thuyền chưa kịp xa bờ, cậu đã chóng mặt, nôn ọe đủ kiểu. Cha cậu chỉ cười, ông bảo đó là thử thách đầu tiên của mọi chàng trai làng biển nếu muốn cưỡi sóng làm chủ biển cả. Cũng giống như trẻ con sinh ra phải khóc vậy. Rồi những chuyến đi biển trở nên đều đặn. Cậu thuộc làu những động tác căn bản mỗi khi lên thuyền, từ buông lưới, thả cần câu đến chèo thuyền... Tháng ngày trôi đi như cái chớp mắt, Dũng nhổ giò cao phổng như pho tượng đồng đen trũi, lồng ngực vạm vỡ, cơ bắp cuồn cuộn, sức sống hừng hực như ngọn lửa bùng lên giữa cơn gió thốc. Cậu nghe thân thể có sự chuyển mình đầy phấn khích, các mao mạch rần rật chảy một thứ năng lượng như sóng ngầm cồn cào, bất tận. Dũng muốn bay nhảy cho thỏa chí nam nhi. Đó cũng là lúc cha cậu già đi. Ánh mắt của ông đã không còn tinh tường sau bao đêm thức trắng chạy bão. Đôi chân, cánh tay săn chắc, nhanh nhẹn ngày nào có thể vật lộn với sóng dữ giờ trở nên chậm chạp. Dũng thay cha nối tiếp chặng hành trình dài tưởng chừng vô tận như biết bao lớp trai trẻ làng biển khác. Nhà cậu đã 3 đời đi biển. Chào đời, trong vị ngọt của sữa mẹ, cậu còn thấy cả vị mặn mòi của biển cả. Nghiệp cha ông, những người con trai trong gia đình đời nọ nối tiếp đời kia.

Vũ Hữu Linh, khu phố Sơn Thủy, phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn) 16 tuổi, trẻ nhất trong những người đi biển ở Sầm Sơn mà tôi từng gặp. Học chưa hết lớp 10, không còn cảm hứng với bài giảng, những buổi lên lớp với cậu cứ thưa dần rồi vắng hẳn. Cha cậu dùng đủ mọi cách, để đưa đứa con trai duy nhất quay lại trường học. Chửi mắng, dọa nạt, đòn roi... đủ cả. Nhưng, mọi cố gắng đều thất bại. Cuối cùng, ông bực bội tuyên bố: “Từ mai theo tau đi biển. Phải cho mi khổ mới sáng mắt ra”. Linh lầm lì gật đầu. Lựa chọn này với cậu dường như quá dễ dàng. Và rồi, cuộc đời của cậu thay đổi từ đó. Tương lai, cậu không còn tìm trong những trang sách, bài giảng nữa, mà mò nó dưới biển sâu. Cá, tôm đầy khoang bỗng trở thành niềm hạnh phúc. Những thay đổi bắt đầu, buộc lòng cậu phải học cách làm quen và chấp nhận. Đầu tiên là thời gian. Mọi sinh hoạt đều bị đảo ngược... Tôi thấy lạ. Sao con trai làng biển ai cũng có thói quen nói to? Linh cười giải thích: Bởi lênh đênh trên biển họ phải nói thật to để còn át tiếng sóng. Từ suy nghĩ, tác phong, ăn nói, hành động... đều dứt khoát, mau lẹ. Chỉ cần một chút bất cẩn, một giây chần chừ đều có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Dần dần, môi trường làm thay đổi con người, biến họ thành một khuôn mẫu chung: Mạnh mẽ, rắn rỏi...

Tôi đứng dõi theo cha con Linh lặng lẽ trở về nhà sau một đêm dài lênh đênh trên biển. Người cha đi trước, Linh bước theo sau. Dấu chân họ hằn in trên cát. Những cảm mến nghẹn ngào chợt dâng lên trong tôi. Anh Dũng, Linh,... cũng như biết bao người con trai làng biển khác sinh ra và lớn lên tựa như hàng thông trước gió. Mạnh mẽ và can trường. Dù phong ba, bão táp vẫn thi gan cùng sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Dẫu vậy, đằng sau sự mạnh mẽ đó, trong họ, đó là một tâm hồn sâu sắc, khát khao yêu thương và luôn mưu cầu hai chữ “bình yên”.


Bài và ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]