(Baothanhhoa.vn) - Với phần bờ trải dài lên tới 102 km, có thể nói, sự hiện diện của yếu tố biển đậm đà là một đặc trưng riêng có trong đời sống vật chất và tinh thần cư dân ven biển. Từ nhiều đời nay, con người nơi đây đã dựa vào biển, bám biển mà mưu sinh. Để rồi, biển không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn là không gian phản chiếu của lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghệ thuật trình diễn..., mà điển hình trong đó phải kể đến tín ngưỡng thờ Cá Ông.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tín ngưỡng thờ Cá Ông: Những giá trị nhân văn...

Với phần bờ trải dài lên tới 102 km, có thể nói, sự hiện diện của yếu tố biển đậm đà là một đặc trưng riêng có trong đời sống vật chất và tinh thần cư dân ven biển. Từ nhiều đời nay, con người nơi đây đã dựa vào biển, bám biển mà mưu sinh. Để rồi, biển không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn là không gian phản chiếu của lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghệ thuật trình diễn..., mà điển hình trong đó phải kể đến tín ngưỡng thờ Cá Ông.

Di tích đền Phúc và bia Tây Sơn - nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cư dân vùng biển Quảng Nham (Quảng Xương).

Tín ngưỡng thờ Cá Ông gắn với lễ hội Cầu Ngư là sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân miền Trung, trong đó, Thanh Hóa là một bộ phận quan trọng, đang góp phần gìn giữ và nâng cao giá trị của tín ngưỡng, lễ hội truyền thống này trong kho tàng văn hóa dân tộc. Giữa biển khơi mênh mông, nơi đầu sóng ngọn gió, con người càng trở nên nhỏ bé. Để rồi, cái giúp họ kiên trì bám biển không chỉ là sức mạnh thể chất mà còn là niềm xác tín tâm linh – tin vào vị thần bảo hộ, che chở cho những chuyến ra khơi vào lộng, tôm cá đầy thuyền, cuộc sống bình yên. Cá Voi trong đời sống ngư dân có vị thế đặc biệt, vừa có khả năng cứu nguy vừa báo hiệu cho họ những nơi nhiều cá. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra đặc tính của loài vật này những khi biển động, để tránh sóng, theo bản năng cá Voi sẽ tìm những vật nổi trên mặt biển nép vào và cùng với vật ấy trôi vào bờ. Điều đó đã khiến cho ngư dân tin rằng cá Voi đã cứu người, cứu thuyền khi gặp bão tố giữa biển khơi. Đồng thời, nơi loài cá này xuất hiện cũng là nơi có nhiều cá và những ngư dân giàu kinh nghiệm sẽ dựa vào đó mà tìm được luồng cá lớn.

Câu chuyện về loài động vật biển to lớn và hiền lành ấy là cơ sở thực tiễn để con người dần thiêng hóa nó trở thành vị phúc thần che chở, bảo vệ người đi biển. Có nhiều câu chuyện ly kỳ lưu truyền về loài cá này, rằng xa xưa, Phật Bà Quan Thế Âm bồ tát trong một lần tuần du Đại Hải đã chứng kiến cảnh người trần bị chết chìm giữa biển khơi. Đau xót cho thân phận con người, Phật Bà đã xé pháp y thành muôn mảnh thả trên mặt biển, hóa phép cho chúng thành cá Voi và lấy xương voi ban cho loài cá này, giúp chúng có sức mạnh để có thể cứu dân. Từ đó, hễ có thuyền gặp nạn là cá Voi lại xuất hiện để cứu người, dìu ghe thuyền vào bờ. Vậy nên, mỗi khi gặp sóng to gió lớn hay va chạm trên biển, ngư dân sẽ cầu cứu cá Voi giúp họ thoát nạn. Sự tích cá Voi và sự thiêng hóa của nó còn được ghi chép trong các thư tịch cổ. Sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn: “Cá Voi được gọi là Đức Ngư, tánh từ thiện hay cứu giúp người đi qua biển do mắc nạn. Đầu niên hiệu Minh Mạng, vua đặt tên cho là Nhân ngư, đầu niên hiệu Tự Đức gọi là Đức Ngư. Loài cá này có ở Nam Hải thì linh, còn ở biển khác thì không linh”.

Trong đời sống cư dân ngư nghiệp, lễ tế Cá Ông là nghi lễ quan trọng nhất, cũng đồng thời là ngày hội lớn nhất của làng, thậm chí của một vùng. Đối với cư dân ven biển Thanh Hóa, lễ nghi này đã hình thành từ xa xưa, được gìn giữ và phát triển cho đến tận ngày nay mà trở thành những lễ hội lớn, linh thiêng bậc nhất. Lễ hội Cầu Ngư phát triển thành một “vệt” dài từ các xã Nga Bạch (Nga Sơn), Ngư Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Trường (Hoằng Hóa), Quảng Cư và Quảng Tiến (Sầm Sơn), Quảng Nham (Quảng Xương) vào đến Hải Thanh, Hải Bình (Tĩnh Gia)... Song, lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố (xã Ngư Lộc) là tiêu biểu hơn cả. Một điểm nhấn của lễ hội này là Long Châu hay thuyền rồng – lễ vật không thể thiếu được người dân kỳ công tạo ra, biểu tượng cho chức năng, quyền lực của các vị thần vùng sông biển và gửi gắm trong đó nhiều ước muốn, tâm nguyện của con người. Đây cũng là vật thiêng, được dùng để cúng tế trong suốt quá trình diễn ra lễ hội và lễ hội chỉ kết thúc sau khi Long Châu được hóa về biển. Vì vậy, những người được chọn làm Long Châu không chỉ giỏi tay nghề, đức hạnh tốt mà còn phải nhận được sự đồng ý của thần linh. Cùng với các nghi thức quan trọng của phần lễ, thì phần hội trong lễ hội Cầu Ngư được ví như sân khấu thu nhỏ, nơi trình diễn nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như hò đối, kéo co, đua thuyền... và tái hiện nếp sinh hoạt truyền thống đặc trưng của cư dân ven biển Ngư Lộc như tróc quại, câu mực, đan lưới...

Lễ hội Cầu Ngư ở nhiều nơi hiện nay có thể “tích hợp” trong đó nhiều nhân vật được thờ phụng. Song, tín ngưỡng thờ Cá Ông vẫn luôn là tín ngưỡng gốc và là linh hồn của lễ hội. Có nhà nghiên cứu cho rằng, sự linh hóa, thiêng hóa loài động vật này của cư dân ven biển xuất phát từ 2 nguyên cớ: Sự xác tín của ngư dân và sự ủng hộ của triều đình. Người dân đã xác nhận vai trò của cá Voi trong đời sống vật chất và tâm linh của họ, từ đó mà tin tưởng, thành kính thờ phụng. Với cư dân ngư nghiệp, cá Voi được xưng tụng bằng nhiều tên gọi khác nhau, có thể dựa trên sắc phong của triều đình, cũng có thể do dân gian dựa trên thể trạng và công lao to lớn của loài vật này mà đặt danh xưng. Song, tên phổ biến và gần gũi nhất vẫn là Cá Ông. Cá Ông không chỉ là vị thần của biển cả, mà còn là thần bản mệnh, mang đến sự bình yên, ấm no cho vạn chài. Đồng thời, lăng - miếu Cá Ông được xem là biểu tượng của vạn chài, bởi đây không chỉ là nơi thờ phụng vị thần bảo hộ hay nơi trú ngụ của thần linh, mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa chung của làng, đặc biệt là những khi mở hội.

Thờ phụng Cá Ông và tổ chức lễ hội Cầu Ngư được xem là một hiện tượng văn hóa – tín ngưỡng đặc trưng, phản ánh sự đặc sắc văn hóa miền biển xứ Thanh; đồng thời, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó là tư tưởng tôn trọng và sống hài hòa với tự nhiên – nơi mà từ bao đời nay, con người vừa phải chống chọi, vừa phải nương tựa để tìm kế sinh tồn, phát triển bền vững. Tín ngưỡng ấy còn phản ánh một đạo lý sống rất phổ biến và tốt đẹp của dân tộc Việt là “uống nước nhớ nguồn”, khi con người luôn ghi nhớ và biết ơn người giúp đỡ mình. Chính sự thiêng hóa một loài vật trong thực tế để thờ phụng từ thế hệ này sang thế hệ khác, không chỉ phản ánh khát vọng về cuộc sống bình yên, mà còn cho thấy mong mỏi hướng thiện của cư dân ven biển. Tính cố kết cộng đồng từ tín ngưỡng thờ Cá Ông và lễ hội Cầu Ngư là một đặc trưng nổi bật. Và cũng chính những cư dân ngư nghiệp là những chủ thể văn hóa đã gây dựng nên và đang hằng ngày bảo tồn, gìn giữ tinh hoa văn hóa ấy cho dân tộc.


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]