(Baothanhhoa.vn) - Nước ta, nhà nào cũng thờ “thổ công ông táo”, nhưng ngoài quan niệm tín ngưỡng chung nhất, cách thức thờ cúng, nhiều nơi, thậm chí từng nhà cũng có những nét khác nhau, do cách hiểu “Hai ông một bà” chỉ theo cửa miệng nhân gian.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tìm hiểu Tục thờ “Thổ công ông táo”

Nước ta, nhà nào cũng thờ “thổ công ông táo”, nhưng ngoài quan niệm tín ngưỡng chung nhất, cách thức thờ cúng, nhiều nơi, thậm chí từng nhà cũng có những nét khác nhau, do cách hiểu “Hai ông một bà” chỉ theo cửa miệng nhân gian.

Tìm hiểu Tục thờ “Thổ công ông táo”

Ban thờ thổ công. Ảnh: Tư liệu

Hằng năm, đến khoảng giữa tháng chạp âm lịch, dân ta, nhà nào cũng mua tranh, tượng giấy, gọi tắt là “ông công” về thờ để thay tranh, tượng cũ, sẽ đốt đi vào chiều 23 tháng chạp. Tranh, tượng nào cũng theo công thức: Một bà ngồi giữa mũ áo chỉnh tề, hai ông ngồi hai bên cũng nghiêm trang áo mũ. Chân bà đi hài, chân ông đi hia, chỉ thiếu cái váy cho bà, cái quần cho ông! Người ta vẫn đặt câu hỏi: Tại sao? Nhưng không thấy ai trả lời! Thực ra, thời phong kiến, theo điển lệ ghi chép các đời chỉ thấy vua ban: Áo, mũ, đai, hốt, thẻ bài, hia... không hề có váy, quần hay cái xiêm phủ ngoài quần đối với đại thần. Có lẽ mấy thứ thông thường ấy các vị phải tự túc, tín chủ không cúng thì cũng chẳng sao đã có cái áo dài, rộng thùng thình che lấp kín...!

Việc thờ cúng nghiêm túc hóa thành “Hai ông một bà” mang vẻ hài hước, tuy hài hước mà vẫn nghiêm túc bởi đã là tục lệ dân gian truyền lại từ ngàn xưa chẳng ai dám bỏ. Nguyên nhân do hiểu sai ý nghĩa tục lệ từ một cổ tích dân gian.

Ngày xưa, chị vợ lấy anh chồng đôi bên đẹp duyên phải lứa. Người chồng nghe lời rủ rê của bạn bè, nay rượu chè, mai cờ bạc phải bán hết nhà cửa, ruộng nương. Hai vợ chồng đành chia tay mỗi người một ngả. Chị vợ đi lấy một anh chàng nghèo, tính tình hiền lành, siêng năng, thức khuya dậy sớm, hà tằn hà tiện. Nhờ vậy, hai vợ chồng làm ăn chẳng mấy chốc nên cửa nên nhà, có ruộng sâu trâu nái. Anh chồng cũ không còn gì để ăn chơi, đói quá đành bị gậy đi ăn mày, trước kiếm ăn xa, sau kiếm ăn gần. Cứ thế, đã qua mấy năm trời, anh không nhớ. Một hôm anh vào một gia đình cửa cao nhà rộng có vẻ giàu có, để xin ăn. Bà chủ nhà nghe tiếng nói quen quen, nhìn kỹ, nhận ra người chồng cũ. Bà lấy mấy bát gạo ra cho, cả quả cà muối và gói mắm. Ăn mày quen ngõ, ít bữa sau ăn hết gạo, người chồng cũ lại mò đến và người vợ xưa thương tình lại đem gạo ra cho. Rồi anh ta cũng nhận ra... ôm mặt khóc hu hu, bây giờ biết hối đã quá muộn!

Hôm ấy người chồng đi cày, bắt được con cầy hương, mừng quá tha trâu về sớm để làm thịt nó cho kịp bữa ăn trưa. Chị vợ sợ lộ, giấu anh ta trong đống rơm. Anh chồng lấy rơm đốt để thui cầy, chẳng may lửa cháy lan ra cả đống rơm. Người ăn mày sợ không dám chui ra. Đống rơm cháy bùng lên rất nhanh. Người vợ thấy anh chồng cũ đang quằn quại trong đống lửa cũng nhảy vào để cứu, nào ngờ bị cháy luôn. Người chống thấy vợ bị nạn lửa, không làm gì nổi, cũng nhảy luôn vào đống lửa, chết theo! Thế là chết cả ba mạng người và con cầy hương!

Trong đống lửa bùng bùng có mùi khói xạ hương thơm ngào ngạt bay xông lên tận thiên đình. Ngọc hoàng ngó xuống trần gian biết chuyện chết thê thảm, oan ức cũng thương tâm, cho ba người được làm thổ công ông bếp, soi xét công việc hay dở, thiện ác trong gia đình, đến ngày 23 tháng chạp lên trời tâu bày với Ngọc hoàng để ngài trị tội. Bởi thế, nhà nào cũng phải lập bàn thờ hai ông một bà... cúng vái chu đáo. Chiều 23 tháng chạp, lễ tiễn các vị lên thiên đình chầu Ngọc hoàng, lễ vật càng phải trọng thể, cúng cả ba con cá chép làm “ngựa” cưỡi để ba ngài nói toàn điều tốt cho chủ nhà. Lễ tục này rất trọng, nên người ta thường gọi “tết ông táo”, “tết ông công”.

Chung quanh lễ “tết ông táo”, “tết ông công” người ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi: 1. Các vị lên trời bao giờ mới trở về? 2. Trong thời gian các vị vắng mặt, ai ở nhà để giám sát mọi việc, bảo vệ đất đai cho gia chủ? 3. Các ngài sẽ trở về chỗ cũ hay Ngọc hoàng thay vị mới? 4. Ngày nào sẽ có các vị mới thay? 5. Có lễ tiễn, tại sao không có lễ đón? 6. Do sự tích gì, cá chép lại thành ngựa cưỡi của thổ công ông bếp?... Tục lệ từ dân gian mà ra tất nhiên câu hỏi, lời đáp cũng từ dân gian mà có.

Không có ngày đón “ông công ông táo” riêng. Các vị từ trên trời xuống hạ giới nhận nhiệm vụ mới vào đêm giao thừa. Còn thời gian các vị vắng mặt ở hạ giới từ chiều 23 đến chiều 30 thì không biết! Người này nói năm mới sẽ có thổ công ông bếp mới, người kia bảo vẫn hai ông một bà cũ, nếu họ ăn ở không bị Ngọc hoàng khiển trách. Phương tiện giao thông kỳ diệu của ba vị là cá chép thì lại mượn chuyện “cá chép hóa long”. Trời cho phép các loài cá thi nhảy, nếu loài cá nào bay nhảy cao qua được 9 bậc “Vũ môn” thì hóa rồng, chỉ có cá chép bay tài nhất nhưng chưa đủ 9 bậc, mới hóa được hai cái râu bị đuối sức rơi tõm xuống nước! Cá rô cũng hăng hái thi tài. Nó không bay, không nhảy được thì gằn ngược, nhưng ăn thua gì so với 9 bậc Vũ môn cao vòi vọi. Vì thế có câu ca chế giễu:

Năm nay mưa gió dồi dào

Cá rô rạch ngược lên đầu Vũ môn!

Nói về tín ngưỡng dân gian rất phức tạp, càng đi sâu vào các vùng miền càng thấy vô cùng phong phú. Quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá” xưa nay ở đâu cũng lập bàn thờ, đắp nền, đặt bát hương. Nhân dân miền Bắc phổ biến cách thờ thổ công ông táo chỉ cần cái bàn nhỏ nhưng phải treo cao, vừa tỏ ý tôn kính vừa gọn gàng. Nhưng treo bàn thấp không đẹp, treo cao quá dễ bị ngã. Nhà văn hóa tài năng họ Trần quê Nam Định, ngụ Hà Nội, bắc ghế đứng thắp hương bàn “ông công”, chẳng may bị ngã què chân! Đừng oán thổ công ông bếp. Hãy kiến thiết lại bàn thờ cho vừa tầm. Gần đây, một số người Thanh Hóa đi làm ăn xa (miền Nam) về lập bát hương ở góc nhà. Họ thờ ai? Không ai biết! Hoặc người này nói thờ thần tài, người kia bảo thờ ông địa. Đã thờ “ông Địa”, “ông Tài” (Tài, Lộc) thôi không thờ “thổ công ông bếp”, vì “thổ” là đất, đất là địa mà bếp cũng nặn từ đất, tất cả đều ở đất, do đất, thì phải thờ dưới đất. Cái lô-gíc dân gian ấy cũng có lý. Còn thần tài, thì tài hay lộc đều cũng sinh ra từ đất, do đất cả! Có người giải thích với tôi như vậy. Đa số do bắt chước nhau mà thờ!

Nhìn chung lĩnh vực tín ngưỡng dân gian đã nói là khá rắc rối, phức tạp. Riêng việc thờ thần linh ở góc xó nhà dưới nền đất hay nền lát, khó chấp nhận, vì đi lại bụi bặm, quét lau trở ngại, mất sự tôn kính và vệ sinh tối thiểu. Phong tục người Việt, ban thờ thổ công ông táo tuy nhỏ nhưng phải treo cao, còn cao hơn cả ban thờ gia tiên, chứng tỏ vị trí quan trọng của ba vị, nhất là Táo quân.

Táo quân, Thổ công, Long mạch là ba vị thần trong gia đình mỗi nhà, mỗi vị phụ trách một việc: Bếp lửa, đất cát, long mạch. Tam vị hợp nhất, cùng thờ chung một chỗ, bởi ba việc do 3 vị phụ trách. Ba việc khác nhau nhưng đều có quan hệ với nhau trong một gia đình: Bếp núc, thổ cư, long mạch. Long mạch là mạch nước ngầm chảy dưới mặt đất. Đất ta ở phải có mạch nước ngầm cây cối mới tươi tốt, nhà cửa mới mát mẻ. Long mạch nói ở đây là thủy mạch không phải sơn mạch, cũng không phải địa mạch của địa lý phong thủy.

“Hai ông một bà” theo cách hiểu của dân gian có hàm ý hài hước, mặc dù theo tục lệ, họ rất được tôn kính, thờ cúng chu đáo.

Thời nay, người ta khấn vái linh tinh, quên cả bài văn khấn, tuyệt nhiên không có chuyện cổ tích dân gian thế sự đáng thương của hai người chồng và một người vợ, cũng như chuyện cưỡi cá chép lên thiên đình.

Tôn hiệu ba vị thần ấy là gì? Là “Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân”, “Thổ công”, “Long mạch”. Ba vị này tôn hiệu Táo quân dài nhất đứng thứ nhất, Thổ công thứ hai, Long mạch thứ ba.

Quy định một ngôi nhà ở, nhà bếp phải đặt phía Đông (Đông trù) để thần hướng về mặt trời lặn mọc. Nơi đó là tòa phủ riêng của thần (Táo phủ) được tôn gọi là “vua bếp” (Táo phủ thần quân). Vai trò tối ư quan trọng của thần bếp có nguồn gốc do tục thờ thần lửa từ thượng cổ, nếu không phải từ tối cổ. Vấn đề phát minh ra LỬA vô cùng quan trọng, nó là nguồn gốc của văn minh. Do đó, vai trò người giữ lửa cũng vô cùng quan trọng. Đánh mất lửa là đánh mất mạng sống. Nhân vật Viếng Ku linh trong sử thi Đẻ đất đẻ nước đánh mất lửa bị Nhà Lang bắt phải chết hóa làm con bọ hung. Gần đây người Việt còn có tục đêm ba mươi tết phải giữ lửa để sáng mùng một không được xin lửa và dẫu có xin lửa hàng xóm cũng không ai cho, vì cho lửa sẽ bị mất vận đỏ, vận may. Tháng một, chạp nhà nào cũng lấy đất sét nhào luyện với một ít trấu pha lẫn chút tro bếp nặn ba ông núc đội nồi, nặn cả một ông ne để đè tro than giữ lửa. Sau thời gian phơi nắng, ông núc, ông ne khô xếp cất vào trong góc nhà, đến 23 tháng chạp đem ra thay ông núc, ông ne mới, còn hai ông cũ đem bỏ ngoài bụi tre.

Ngày 23 tháng chạp, ngày tết ông Táo, tiễn ông Táo cũ, đón ông Táo mới, nên phải thay ông núc mới. Ông Táo cũ về trời để Ngọc hoàng sai đi nơi khác, cho ông Táo mới xuống thay. Tết ông Táo là tết tiễn Táo cũ, đón Táo mới, các thần đi mây về gió, không cần cá chép làm ngựa, vì chuyện cá chép vượt Vũ môn có vượt nổi đâu, dĩ nhiên nó không thể hóa rồng để bay lên trời.

Trước kia, người ta vẽ tranh 3 con cá chép dưới chân ba vị thổ công, ông bếp. Ngày nay, người ta cúng cá chép thật, có con chỉ to bằng ngón tay cái, lẫn cả cá giếc. Cá chép thật có năm giá đắt quá không mua được, vì hiếm hoi phải thay bằng cá vàng, không biết các ngài có cưỡi nổi hay đành cuốc bộ vậy! Chuyện tín ngưỡng nghiêm túc hóa ra hài hước, chữ tục đi liền chữ lệ, cái lệ hóa thành cái tệ!

Hoàng Tuấn Phổ


Hoàng Tuấn Phổ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]