(Baothanhhoa.vn) - Trong nắng xuân, đỉnh Bù Rinh, Bù Gió vẫn một màu xanh thẳm in bóng mặt hồ phẳng lặng. Dòng nước sông Chu, sông Đặt vẫn trong vắt chảy đêm ngày. Những bản, làng với những ngôi nhà sàn truyền thống, đường bê tông uốn lượn tựa vào núi, không chỉ tô vẽ cho cuộc sống nhiều đổi thay của người dân, mà còn làm nên một vùng đất nhiều thi vị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thường Xuân - vùng đất nhiều thi vị

Trong nắng xuân, đỉnh Bù Rinh, Bù Gió vẫn một màu xanh thẳm in bóng mặt hồ phẳng lặng. Dòng nước sông Chu, sông Đặt vẫn trong vắt chảy đêm ngày. Những bản, làng với những ngôi nhà sàn truyền thống, đường bê tông uốn lượn tựa vào núi, không chỉ tô vẽ cho cuộc sống nhiều đổi thay của người dân, mà còn làm nên một vùng đất nhiều thi vị.

Thường Xuân - vùng đất nhiều thi vị

Bản Mạ, thị trấn Thường Xuân, nằm bên dòng sông Chu hiền hòa, cảnh quan thiên nhiên xanh mát quanh năm là điểm đến lý tưởng.

Con đường dọc theo bờ sông Chu đẹp như một dải lụa vắt quanh núi. Theo con đường ấy, tôi trở lại bản Mạ và còn có tên gọi khác là thôn Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân. Nằm bên tả sông Chu, trên một đỉnh núi nhỏ, bản Mạ bây giờ khác xưa thật nhiều. Đường về bản đã có cầu treo nối nhịp, không còn phải kéo mảng, đi đò. Vẫn nhận ra người quen, ông Vi Văn Tiên, bí thư chi bộ, trưởng bản, hồ hởi đón chúng tôi. Bên ngôi nhà sàn mới được sửa chữa khá kiên cố, nhìn ra những thửa ruộng bậc thang trong men say rượu cần, ông Tiên nhớ lại: “Xưa bản ta nghèo, do cách lế với bên ngoài bởi dòng sông Chu. Mỗi lần dân bản muốn qua sông phải đi bằng chiếc mảng luồng kéo dây, sau này là đò sắt kéo bằng dây cáp do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tài trợ”. Tôi tiếp lời ông Tiên: Với điều kiện cách lế của bản Mạ, thì việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất của Nhà nước chắc chắn gặp không ít khó khăn”. Như được mở lời, ông Tiên phấn khởi nói: “Người dân bản Mạ chúng tôi ơn Đảng, Chính phủ nhiều lắm. Giống nhiều thôn, bản ở khu vực miền núi trong tỉnh, chương trình điện, đường, trường, trạm của Chính phủ thực sự đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống người dân trong bản. Năm 2009, từ nguồn vốn của Chương trình 135, bản được đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, cung cấp tưới cho 3 ha lúa nước. Từ năm 2011 đến năm 2014, bản tiếp tục được chương trình đầu tư bê tông hóa gần 2 km đường trục chính. Chương trình 135 đáp ứng đúng và trúng nguyện vọng của dân bản chúng tôi. Đặc biệt, năm 2016, Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư cây cầu treo qua sông Chu mở toang cánh cửa để bà con dân bản phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa với bên ngoài”.

Vốn là vùng đất “ôm” trong mình hệ sinh thái đa dạng, núi non hùng vĩ, các khu di tích lịch sử và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc thiểu số nên huyện Thường Xuân có điều kiện để phát triển du lịch. Nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, từ năm 2017, huyện Thường Xuân đã tập trung xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng tại bản Mạ và thôn Vịn, xã Bát Mọt. Để loại hình du lịch cộng đồng phát triển, cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, huyện đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các địa phương, như: Nhà sàn truyền thống, điệu khua luống, nhảy sạp, nghề dệt thổ cẩm, các món ăn truyền thống. Từ chủ trương của huyện, một hướng làm ăn mới mở ra cho bà con bản Mạ. Để làm quen và biết công việc mới, ông Tiên cùng các hộ dân trong bản đã được huyện đưa đi tham quan, học tập mô hình du lịch cộng đồng tại một số địa phương trong, ngoài tỉnh. Sau đó, tham gia các lớp đào tạo về kỹ năng nấu ăn, tác phong phục vụ đến việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống. Đặc biệt, huyện còn đấu mối với ngân hàng chính sách xã hội nhằm giúp các hộ dân bản Mạ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có vốn đầu tư sửa chữa nhà cửa, cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch. Không chỉ là người giữ vai trò định hướng, ông Tiên còn là người “thắp lửa, truyền lửa” về phát triển du lịch cộng đồng cho dân bản. Ông Tiên hồ hởi nói như muốn khoe: “Làm du lịch cộng đồng phải có những nét riêng, độc đáo thì khách du lịch mới đến. Ở bản Mạ tôi cũng có nhiều cái độc đáo lắm đấy!”. Dừng một hồi, như lục trong trí nhớ, ông Tiên kể: “Từ thuở nhỏ tôi được các cụ kể lại là vùng đất này xưa được chọn để nuôi ngựa của các nghĩa quân, rồi sau này cung cấp cho triều đình. Mà ngựa trong tiếng đồng bào Thái chúng tôi nghĩa là Mạ. Có lẽ, cái tên bản Mạ xuất phát từ đó. Từ năm 1980 đến nay, được chính quyền địa phương đổi thành thôn Thanh Xuân nhưng mọi người vẫn quen với cái tên bản Mạ xưa”. Ngoài cảnh quan thiên nhiên xanh mát quanh năm, bản Mạ vẫn còn lưu giữ được những nếp nhà sàn truyền thống xinh xắn nép mình bên sườn núi, với những sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Chị em, phụ nữ trong bản vẫn lưu truyền nghề dệt thổ cẩm, thêu truyền thống và những điệu khặp, nhịp khua luống mê đắm lòng người. Như lời ông Tiên nói, hóa ra cái thi vị của một vùng đất chính từ những mỹ tục tốt đẹp được hòa quện trong thiên nhiên và sự chân chất của lòng người. Dù cuộc sống của người dân bản Mạ chưa hẳn đã sung túc, nhưng nhiều gia đình ở đây từng bước thoát nghèo bền vững. Hiện số hộ nghèo chỉ còn khoảng 5 hộ trong tổng số 56 hộ của bản.

Rời bản Mạ, Công trình Thủy điện - Thủy lợi Cửa Đạt hiện ra trước mắt tôi như muốn ôm lấy dòng sông Chu. Dòng sông Chu đổ vào xứ Thanh qua địa phận Cửa Đạt được người dân nơi đây gọi với cái tên rất thân mật - dòng sông Cái. Hồ Cửa Đạt có diện tích lưu vực tính đến tuyến công trình rộng tới 5.703 km2, với sức chứa khoảng 1 tỷ 500 m3 nước, chẳng khác nào một chiếc gương soi khổng lồ in nền trời xanh thẳm, lơ lửng vầng mây trắng bay. Cảnh sắc non sơn hấp dẫn du khách không kém gì hồ Ba Bể ở tỉnh Bắc Cạn và hồ Đại Lải của tỉnh Vĩnh Phúc. Dạo bước trên con đập, nhìn về phía thượng nguồn dòng sông Chu, anh Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Xuân cho hay, nước nơi đây không bao giờ cạn, cũng nhờ rừng xanh mang lại. Chỉ về những cánh rừng xanh thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, anh Huyến nói: “Rừng vẫn còn nguyên vẹn. Có nhiều cây to với đường kính vài người ôm. Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có từ 3.000 đến 5.000 ha rừng nguyên sinh, hơn 1.000 loại động thực vật. Với kiểu rừng đa dạng kết hợp địa hình của Thường Xuân là nơi có nhiều ngọn núi cao như ngọn Bù Rinh, Bù Gió, Bù Ta Leo, Bù Dộc, Bù Kha... đã tạo nên cho Xuân Liên một vùng sinh thái trong lành chẳng khác nào Đà Lạt, Cúc Phương. Nằm kề bên Công trình Thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt là đền thờ Cầm Bá Thước - vị anh hùng người Thái, trong Phong trào Cần vương chống thực dân Pháp đầu thế kỷ XX. Đền thờ là một cụm di tích lịch sử, văn hóa nhìn ra sông Đặt và sông Chu”.

Trên hành trình về lại Thường Xuân, tôi đã bị cuốn hút bởi những thắng tích lịch sử gắn liền với đất và người nơi đây. Câu chuyện về hòn Mài Mực, nằm giữa dòng sông Chu là điều cuốn hút nhất. Vốn là người am hiểu văn hóa, lịch sử của quê hương, anh Huyến kể: Tương truyền rằng, hòn Mài Mực là chỗ ngồi của Nguyễn Trãi. Cứ mỗi lần nghĩa quân Lam Sơn lui về vùng đất này ông lại ngồi trên phiến đá ấy. Nguyễn Trãi đã ngồi đây dùng nước sông Chu để mài son, rửa bút. Cái tên Mài Mực cũng xuất phát từ đây. Cách hòn Mài Mực không xa là dòng sông Khao. Năm xưa Lê Lợi chạy giặc về sông Khao, dân bản đã đem rượu đến dâng vua và tướng sĩ. Quân nhiều rượu ít, Lê Lợi đã đem rượu hòa với nước sông, rồi cùng quân sĩ uống. Vì thế, trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi không quên kỷ niệm xưa: “... Múa đầu gậy, ngọn cờ phấp phới, ngóng vân nghê bốn cõi đan hồ/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sĩ một lòng phu tử...”.

Với lịch sử và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc thiểu số, hòa cùng cảnh sắc núi non hùng vĩ, các công trình thủy điện, thủy lợi đồ sộ đã biến Xuân Thường - Thường Xuân thành vùng đất nhiều thi vị của miền Tây xứ Thanh. Đồng thời, mở ra cho địa phương hướng phát triển kinh tế du lịch với sức hấp dẫn riêng có.

Bài và ảnh: Trần Thanh


Bài Và Ảnh: Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]