(Baothanhhoa.vn) - Từ bờ đê sông Mã đưa mắt ngắm toàn cảnh xã Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa) thấy tựa hồ vuông vức như một cái nghiên mực lớn. Và con đường nối từ làng Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang) xuôi về xã gợi nhiều liên tưởng đến cây bút đang chấm vào nghiên mực ấy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất – người con ưu tú của quê hương Hoằng Lộc

Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất – người con ưu tú của quê hương Hoằng Lộc

Đội nữ quan tế lễ trong lễ kỷ niệm ngày mất của Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất.

Từ bờ đê sông Mã đưa mắt ngắm toàn cảnh xã Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa) thấy tựa hồ vuông vức như một cái nghiên mực lớn. Và con đường nối từ làng Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang) xuôi về xã gợi nhiều liên tưởng đến cây bút đang chấm vào nghiên mực ấy.

Phải chăng chính bởi thế đất thuận mà sản sinh ra nhiều người tài? Chẳng thế mà, làng quê này từ xưa đã “phát” về đường học vấn, công danh. Lịch sử khoa cử Hán học ở đây đã trải qua hơn bốn thế kỷ, từ vị khai khoa là ông Nguyễn Nhân Lễ (1461 – 1522) đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu, Hồng Đức thứ 12 (1481) đến 12 vị đỗ tiến sĩ, trong đó có 7 vị được khắc tên tại Văn Miếu Quốc tử giám, 200 vị đỗ hương cống, cử nhân... Đội ngũ trí thức đông đảo này, nhiều người đã có những cống hiến to lớn được sử sách nước nhà ghi nhận trong việc phò vua, giúp nước, mang lại cuộc sống yên bình, no ấm cho nhân dân. Trong đó, Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất được đánh giá là một trong những nhân vật tiêu biểu nhất. Cả cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với giai đoạn lịch sử nước nhà có nhiều biến động. Tuy nhiên, cũng chính từ những biến động ấy của lịch sử càng làm sáng rõ hơn tài năng, cốt cách, tinh thần thượng tôn pháp luật của vị Thượng thư – Công thần thời Lê Trung hưng.

Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa – lịch sử; được nuôi dưỡng và rèn luyện trong sự giáo dục của gia đình nho học thanh bần nên ngay từ những ngày còn bé, ông đã sớm bộc lộ nhân cách, tài năng hơn người. Năm 33 tuổi, sau khi thi đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân Đệ nhị danh (tương đương Bảng nhãn), cụ Bùi Khắc Nhất nhậm chức Hàn lâm viện hiệu lý chuyên thảo các bài chế của nhà vua, hàm Cẩn sự tá lang, phụng sự triều Lê Trung hưng. Thời điểm này cuộc nội chiến Nam – Bắc triều đang diễn ra quyết liệt, vận nước lao đao. Từ nửa sau thế kỷ XVI trở đi, nhà Mạc – dưới triều Mạc Mậu Hợp đã bước vào giai đoạn suy thoái. Đại Việt thông sử của sử gia Lê Quý Đôn có những dòng ghi chép lại về bối cảnh của nước ta lúc bấy giờ: “Kỷ cương bỏ bê mà không chấn hưng, chính trị thối nát mà không tu sửa, trộm cướp hoành hành, giặc mạnh xâm lược, lòng dân nao núng, thế nước lung lay”. Đây chính là những dấu hiệu báo trước sự diệt vong của nhà Mạc. Lúc này, nhà Lê đang khởi nghiệp trung hưng ở xứ Thanh nên khao khát người tài. Trước những diễn biến của thời cuộc, nho sinh Bùi Khắc Nhất đau đáu một lòng yêu nước thương dân, quyết tâm ứng thí Chế khoa do triều Lê tổ chức, dũng cảm dấn thân vào sự nghiệp phù Lê diệt Mạc với mong muốn được cống hiến tài năng, trí tuệ của mình phò vua giúp nước, chăm lo cho đời sống nhân dân được yên bình, ấm no. Một cuộc đời làm quan trải qua ba triều vua: Vua Lê Anh tông (1557 – 1573), Vua Lê Thế tông (1573 – 1599) và Vua Lê Kính tông (1600 – 1619), cụ Bùi Khắc Nhất đã kinh qua nhiều công việc khác nhau ở cả sáu bộ: Lại (Lại khoa đô cấp sự trung), Lễ (Giám thí các kỳ thi, đi sứ), Hộ (Thượng thư), Binh (Thượng thư), Hình (Hữu thị lang), Công (Tả thị lang). Đối với công việc thuộc bộ nào ông cũng đều có những đóng góp to lớn, được triều đình và quần chúng nhân dân ghi nhận. Đánh giá về vai trò của cụ Bùi Khắc Nhất đối với đất nước, nhân dân thời bấy giờ, trong bài viết Cụ Bùi Khắc Nhất - một tài năng lớn của thế kỷ XVI, Tiến sĩ sử học Nguyễn Đức Nhuệ nhận định: Cụ Bùi Khắc Nhất là người có nhiều đóng góp quan trọng vào thắng lợi của nhà Lê trước nhà Mạc trong công cuộc phục hưng đất nước vào đúng thời điểm mà ý nguyện thống nhất quốc gia đang trở thành vấn đề bức xúc, là nhu cầu cấp thiết khách quan đối với sự phát triển của đất nước.

Có thể nói, trong 42 năm làm việc quan ở cả 6 bộ trong triều, những năm đảm nhận chức vụ Hữu thị lang bộ Hình, trông coi việc ngục tụng chính là giai đoạn vẻ vang nhất cuộc đời và sự nghiệp của cụ Bùi Khắc Nhất. Tính chất công việc thường xuyên phải tiếp xúc, giải quyết các vụ tranh chấp, kiện tụng nơi bộ Hình dễ khiến lòng người sa ngã. Tuy nhiên, với cụ Bùi Khắc Nhất, đây lại là môi trường tốt nhất để bộc lộ đầy đủ ý chí, bản lĩnh, tư cách của một vị quan thanh liêm, công bằng chính trực nhưng cũng rất đỗi nhân ái, bao dung. Gia phả dòng họ Bùi tại xã Hoằng Lộc đã có những mẩu chuyện được dụng công ghi chép lại trong thời gian cụ trông coi công việc ở bộ Hình đến nay vẫn còn được hậu thế truyền tụng, ngợi ca.

Gia phả ghi: Khi cụ Bùi Khắc Nhất làm việc ở bộ Hình có người bị trọng án đem tiền đến hối lộ, cụ khước từ rồi nghiêm nghị nói: “Mệnh người rất trọng, phép nước không tư vị, ta không can thiệp vào công lý”. Thường ngày, cụ thường nói với mọi người xung quanh mình rằng: “Ta chẳng muốn có những vụ kiện tụng để mọi người phải mang tiền của cho ta, làm cho ta mất lòng trung đối với vua. Tin vào lòng dân và thương xót những người nghèo khổ là điều ta phải theo”. Ý thức được vai trò, trách nhiệm của một người nắm giữ trong tay cán cân công lý, duy trì trật tự xã hội bằng sự thượng tôn pháp luật, cụ luôn tâm niệm: “Ngục vô oan gia, thiên hạ xưng bình”. Ngay cả khi cụ đã là “mệnh quan lớn” được triều đình tin tưởng, giao cho đảm nhiệm nhiều trọng trách, cụ vẫn luôn giữ lối sống thanh bạch, khiêm nhường, quyết không vì vật chất, hư danh mà làm những điều trái với luân thường, trái đạo làm người, trái đạo vua – tôi. Cũng theo gia phả họ Bùi cho biết: Thời cụ Bùi Khắc Nhất làm quan, gia đình ở quê không có ruộng vườn, nơi ở không có trang hoàng của nả xa hoa, lộng lẫy. Có người khuyên cụ nên tậu nhiều ruộng và làm nhà to lớn, sang trọng để lại cho con cháu. Cụ cương quyết lắc đầu, xua tay nói: Nhà chứa điều lành là nhà có phúc. Đời làm quan, vốn để lại cho con cháu lớn nhất là chữ Phúc. Ta làm quan hơn ba mươi năm chưa đem lại của cải gì cho nhân dân, nay lại lấy của dân mang về cho con cháu của mình thì không đang tâm. Huống chi ngày nay, nhờ ơn của thánh hoàng, ta có ngôi cao chức trọng, trai gái hiển vinh thì càng phải thương người khác. Làm người giữ phép nước mà xa hoa, làm điều phi nghĩa để con cháu mình an nhàn, phóng dật, ăn tiêu phè phỡn thì đâu còn chữ phúc để lại. Nói rồi cụ tiếp tục mượn lời người xưa để mà răn dạy: Người làm quan có giữ được thanh bạch thì mới để phúc cho con cháu đời sau mãi mãi.

Tài năng, nhân cách cùng với những công lao to lớn của cụ Bùi Khắc Nhất được bách dân trăm họ và triều đình Lê Trung hưng công nhận từ những ngày cụ còn tham gia chính sự. Bản Chế ngày 10 tháng 5 năm Thuận Đức thứ nhất (1599) dành những lời lẽ ngợi ca, kính trọng khi sắc phong cho cụ: “Trẫm nghĩ: Trời cho nước được phúc, phúc là người quân tử đem tài năng ra giúp nước”. Bản chế nhận định về cụ: “Gia thế dòng nho, khoa trường cao lớn, là cái vốn quý giá, tài ba; đặng làm cho nước văn minh, giúp vận nước trung hưng.

Họ Bùi đứng vững, lấy danh vọng, lấy công lao giúp đắp xây nền móng. Khi ở miếu đường thì khoan hậu, nghiêm chỉnh luận bàn. Lúc ở hộ tào thì ngay thẳng, phải lẽ, không vì tiền tài. Làm việc phục vụ ba triều vua thì nghĩa khí trung thành, kính cẩn (...) là một đại thần cáng đáng công việc lớn lao không mệt mỏi, là bậc đại thần nghĩa khí vững bền, công lao to lớn”.

Ngay cả khi cụ đã nhắm mắt xuôi tay, về với cát bụi thì những công lao, đóng góp của cụ khi còn tại thế vẫn được triều đình Lê Trung hưng và các triều đại phong kiến sau này ghi nhớ mà ban thưởng, sắc phong. Nhân dân hai làng Bột Thái, Bột Thượng (nay là xã Hoằng Lộc) suy tôn cụ là “nhị vị thành hoàng làng”, được thờ tự tại đền thờ của dòng họ Bùi. Năm 2000, cụm đền thờ, lăng mộ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất – một nhân cách lớn, một tài năng lớn đã làm rạng danh dòng họ, quê hương. Bắt đầu làm quan từ những ngày thời cuộc nhiễu nhương, kinh qua 6 bộ, trải suốt 3 đời vua mà vẫn giữ được sự thanh sạch, hết lòng tận tụy vì nước, vì dân, lập được biết bao công trạng như ông quả xứng đáng là tấm gương sáng cho con cháu đời đời noi theo. Để giờ đây, trên mỗi bước đường lập thân, lập nghiệp với lý tưởng kiến tạo quê hương, đất nước ngày một phát triển, tươi đẹp hơn, những người con của mảnh đất Hoằng Lộc luôn cảm thấy tự hào bởi truyền thống quý báu cha ông đã để lại mà không ngừng cố gắng, nỗ lực vươn lên.

Thảo Nguyên


Thảo Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]