(Baothanhhoa.vn) - Tố Hữu là nhà thơ trữ tình - chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Người thanh niên tuổi mười tám Nguyễn Kim Thành đã đến với thơ và đến với cách mạng cùng một lúc. Con đường cách mạng và con đường thơ, sự nghiệp thơ và sự nghiệp cách mạng, với Tố Hữu là không thể tách rời. Trên con đường thiên lí đầy vinh quang và lắm chông gai ấy, Đảng và mùa xuân là hai đề tài luôn gắn liền như chính cách mạng và thơ ông vậy. Đảng là lẽ sống - là niềm tin; mùa xuân là sức sống - là nguồn cảm hứng; Đảng đem lại mùa xuân. Mùa xuân với Đảng đem lại nguồn cảm hứng dạt dào cho hồn thơ Tố Hữu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thơ Tố Hữu với Đảng và mùa xuân

Tố Hữu là nhà thơ trữ tình - chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Người thanh niên tuổi mười tám Nguyễn Kim Thành đã đến với thơ và đến với cách mạng cùng một lúc. Con đường cách mạng và con đường thơ, sự nghiệp thơ và sự nghiệp cách mạng, với Tố Hữu là không thể tách rời. Trên con đường thiên lí đầy vinh quang và lắm chông gai ấy, Đảng và mùa xuân là hai đề tài luôn gắn liền như chính cách mạng và thơ ông vậy. Đảng là lẽ sống - là niềm tin; mùa xuân là sức sống - là nguồn cảm hứng; Đảng đem lại mùa xuân. Mùa xuân với Đảng đem lại nguồn cảm hứng dạt dào cho hồn thơ Tố Hữu.

Thơ Tố Hữu với Đảng và mùa xuân

Bác Hồ nói chuyện với các nhà thơ, nhà văn Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân. Ảnh: Tư liệu

Đảng là lẽ sống - là niềm tin

Đối với Tố Hữu, trong sự nghiệp sáng tác thơ ca của mình, bên cạnh các chủ đề về dân tộc, nhân dân, đất nước, Bác Hồ kính yêu,... chủ đề về Đảng là một phần quan trọng không thể thiếu được. Bởi chỉ có Đảng mới đem lại cho ông một sự nghiệp thơ đồ sộ đến như vậy. Ngay từ những ngày đầu được đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản, Tố Hữu đã cảm nhận được nguồn ánh sáng chói lòa mà Đảng - “mặt trời chân lí” mang lại khiến trái tim và khối óc người thanh niên đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” ấy bỗng “bừng nắng”:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Và Từ ấy cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, Tố Hữu đã trọn đời theo Đảng và trọn đời hiến dâng hồn thơ trữ tình dạt dào của mình cho Đảng. Là người biết làm thơ từ khi mới lên sáu, lên bảy, nhưng có lẽ phải đến tuổi thành niên, thơ ông mới thực sự bộc lộ những nét khác biệt so với các nhà thơ cùng thế hệ. Trong lúc các thi nhân thơ mới mải mê ru mình trong tháp ngà cô đơn và lấy nỗi buồn làm cứu cánh thì Tố Hữu đã trở thành nhà thơ của lí tưởng cộng sản. Nhưng có lẽ, chỉ đến khi đất nước độc lập, miền Bắc hòa bình, cả nước đấu tranh giải phóng miền Nam thì nguồn cảm hứng về Đảng của Tố Hữu mới thực sự dâng trào như suối nguồn vô tận.

Trong rất nhiều những bài thơ viết về Đảng làm lay động lòng người của Tố Hữu, Ba mươi năm đời ta có Đảng có lẽ là bài thơ được nhắc đến nhiều nhất. Đảng là niềm tin, là sức mạnh. Đảng đấu tranh vì lợi quyền dân tộc, mang hạnh phúc, ấm no cho mỗi con người: “Đảng ta, muôn vạn công nông/ Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin/ Đảng ta, Mác - Lênin vĩ đại/ Lại hồi sinh, trả lại cho ta/ Trời cao, đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người”.

Mùa xuân năm 1961, nhà thơ tâm nguyện: “Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ và phần để em yêu...” Trái tim “chia ba” chỉ là một cách nói ước lệ để qua đó nhà thơ tỏ bày tấm lòng, tình yêu, sự son sắt thủy chung của mình dành cho Đảng.

Mùa Xuân Mậu Thân 1968, nhà thơ nói lời cảm ơn Đảng từ sâu thẳm trái tim mình: “Cảm ơn Đảng của chúng ta, Đảng làm ra ánh sáng/ Người chưa đưa ta lên được sao Kim/ Nhưng đã cho ta một linh hồn và một trái tim/ Biết lẽ phải, biết yêu thương, căm giận/ Biết đi tới và làm nên thắng trận”. Đảng “làm ra ánh sáng” - ánh sáng của “mặt trời chân lí chói qua tim” là nguồn sáng từ “Từ ấy” đến hôm nay và mãi mãi mai sau.

Mùa xuân năm 1977, khi Bắc Nam đã liền một dải, nhìn lại hành trình 40 năm đi theo Đảng, Tố Hữu cảm thấy xúc động vô cùng: “Đảng dạy tôi biết ngẩng đầu, đứng dậy/ Vững hai chân, đứng thẳng, làm người/ Tôi đi tới, với bạn đời, từ ấy/ Đến hôm nay, mới thấy trọn vùng trời”...

Như vậy, rõ ràng nhà thơ đã thuộc về Đảng thân yêu của mình. Và Đảng là một phần máu thịt không thể thiếu trong sự nghiệp sáng tạo thi ca của nhà thơ. Rằng: “Thơ với Đảng nặng duyên tơ”. Đối với Tố Hữu, thực chất thơ với Đảng không chỉ “nặng duyên tơ” mà đã hòa quyện làm một ngay từ khi ông xác định đứng trong hàng ngũ của Đảng để phục vụ nhân dân và để làm thơ. Đấy là mục đích, là lý tưởng và lẽ sống của ông trong suốt cuộc đời - sống cho Đảng và để làm thơ.

Mùa xuân là sức sống - là nguồn cảm hứng bất tận

Hầu hết những tập thơ của Tố Hữu đều có sự hiện diện của mùa xuân. Có nhiều bài thơ mà tiêu đề trực tiếp nói về mùa xuân: Tập Từ ấy có 3 bài: Ý Xuân, Xuân đến, Xuân nhân loại. Tập Gió lộng có 3 bài: Trên miền Bắc mùa Xuân, Bài ca mùa Xuân 1961, Giữa ngày Xuân. Tập Máu và Hoa có 2 bài: Với Đảng mùa Xuân, Một khúc ca Xuân. Đặc biệt hơn cả là tập thơ Ra trận với 7 bài thơ trực tiếp nói về mùa xuân: Tiếng hát sang Xuân, Xuân sớm, Chào Xuân 67, Bài ca Xuân 68, Xuân 69, Bài ca Xuân 71, Xtalingrat - một ngày Xuân. Và không ít những bài thơ tuy không trực tiếp nói đến xuân nhưng cảm xúc xuân luôn dâng tràn trong đó: Việt Bắc, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Trên đường thiên lý, Đêm giao thừa, Đêm đầu năm....

Mùa xuân trong thơ Tố Hữu là sức sống - là nguồn cảm hứng bất tận. Mùa xuân gắn liền với khúc ca ra trận, là mệnh lệnh tiến công, là lời kêu gọi, cổ vũ hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến đấu trên cả hai miền Nam - Bắc: “Anh chị em ơi! Hãy giương súng lên cao chào Xuân 68/ Xuân Việt Nam, xuân của lòng dũng cảm” (Bài ca Xuân 68).

Nặng lòng với mùa xuân, duyên nợ với mùa xuân, với Tố Hữu, mùa xuân luôn mang ý nghĩa biểu trưng, biểu trưng cho cái đẹp, cho sức mạnh của tuổi trẻ, cho tương lai tươi sáng của dân tộc, của đất nước, cho những con người đẹp đẽ, kiên trung, cho niềm vui ngập tràn, niềm hạnh phúc lớn lao: “Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai/ Khói những nhà máy mới ban mai...” (Bài ca mùa Xuân 1961); “71 đến nghiêm trang như người lính/ Có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng...”, “Đất nước vào xuân gọi những cánh đồng/ Giống mới rộn ràng năm tấn” (Bài ca Xuân 71).

Một điều rất xúc động là khi viết về mùa xuân, nhà thơ Tố Hữu thường liên tưởng, nhớ đến Bác Hồ - người sáng lập Đảng ta. Tố Hữu luôn dành cho Bác tình yêu thương chân thành nhất, nồng ấm nhất, với sự biết ơn sâu sắc nhất. Nhà thơ luôn đặt Bác bên mùa xuân, Bác là mùa xuân của dân tộc:“Bác ơi Tết đến giao thừa đó/ Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần”... “Bảy mươi chín tuổi Xuân trong sáng” (Theo chân Bác); “Bác Hồ gọi ấy là mùa Xuân đến” (Bài ca Xuân 68)...

Một điều cũng rất đặc biệt là mùa xuân trong thơ Tố Hữu không chỉ được lồng trong hình tượng Bác Hồ mà còn được lồng trong hình tượng Đảng: Đảng - Bác - Mùa xuân!

Với Đảng, mùa xuân

Với Đảng, mùa xuân là nhan đề một bài thơ dài và hay viết về Đảng của Tố Hữu mà ở đó nhà thơ đã đồng nhất mùa xuân với Đảng. Hình tượng Đảng và hình tượng mùa xuân luôn đồng hiện trong suốt bài thơ. Và đây cũng là điểm chung thường thấy trong rất nhiều bài thơ xuân của ông. Bằng cách này, nhà thơ như muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng: Chỉ có Đảng soi đường chỉ lối mới đem lại mùa xuân cho đất nước và cho mỗi con người. Tố Hữu như nói hộ mối ân tình với Đảng của mỗi người Việt Nam:

Xứ sở mình có đủ nắng quanh năm

Cuộc sống ấm ân tình của Đảng

Với Tố Hữu, Đảng rất nặng ân tình. Từ ngày đi theo Đảng cho đến trọn cuộc đời, chưa phút giây nào nhà thơ quên mối ân tình sâu nặng ấy. Người chiến sĩ cộng sản kiên trung ấy đã lấy bầu máu nóng trong tim hòa với lí tưởng để viết nên những vần thơ chan chứa ân tình rồi truyền cho các thế hệ độc giả niềm tin tuyệt đối vào Đảng.

Với Đảng, mùa xuân, tác giả đã đồng nhất hình tượng Đảng với hình tượng mùa xuân bởi Đảng với mùa xuân - mùa xuân với Đảng đã trở thành một thực thể thống nhất.

Cách đây bốn mươi ba mùa xuân, khi Tố Hữu viết Với Đảng, mùa xuân, Đại hội Đảng toàn quốc lần đầu tiên sau khi đất nước thống nhất đã mở ra một sức xuân mới trong lịch sử dân tộc: “Lịch sử sang trang/ Đại hội Đảng mở mùa vui. Phơi phới/ Từ chiến trường ra, ta xốc tới công trường/ Người chiến thắng là người xây dựng mới/ Anh em ơi/ Tất cả lên đường!”.

Một mùa xuân mới đang về! Chúng ta vẫn vẹn nguyên niềm tin như nhà thơ Tố Hữu năm xưa: “Cả trời đất vào Xuân, cùng ta đồng khởi/ Cho những mùa gặt lớn mai sau/ Phải nhanh chân từ những bước đầu/ Tổ quốc ta phải giàu, phải mạnh”.

Một mùa xuân mới đang về! Một kỳ Đại hội mới của Đảng sắp diễn ra. Một trang mới của cách mạng, của nhân dân, đất nước đang mở ra đón vận hội mới. Với bản lĩnh chính trị được rèn luyện qua 90 mùa xuân, với sức sáng tạo luôn tươi mới như “chồi non, lộc biếc”, chúng ta tin tưởng rằng Đảng ta sẽ lãnh đạo đất nước vượt qua thử thách, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang. Nhà thơ Tố Hữu thân yêu của chúng ta, nhà thơ trung thành trọn đời theo Đảng, người chiến sĩ cách mạng trọn đời hiến dâng cho lí tưởng, người thơ của sông Hương xứ Huế ngọt ngào... đã ngừng làm thơ gần hai thập kỷ qua... Nhưng những vần thơ của ông về Đảng và mùa xuân vẫn luôn hiện hữu trong đời sống tâm hồn dân tộc và chắc chắn đã và sẽ tiếp lửa cho rất nhiều thế hệ các nhà thơ Việt Nam say sưa với những khúc ca mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước.

Th.sĩ Lê Hồng Chính



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]