(Baothanhhoa.vn) - Đến hẹn lại về, trong những ngày nắng chính hạ, từng đoàn khách muôn phương lại nối chân nhau về nơi ngã ba sông trẩy hội, thỏa mãn niềm tin tâm linh. Hội Gai hay lễ hội Ba Bông - Hàn Sơn là lễ hội lớn bậc nhất nơi vùng sông nước xứ Thanh.

Tháng sáu hội Gai

Đến hẹn lại về, trong những ngày nắng chính hạ, từng đoàn khách muôn phương lại nối chân nhau về nơi ngã ba sông trẩy hội, thỏa mãn niềm tin tâm linh. Hội Gai hay lễ hội Ba Bông - Hàn Sơn là lễ hội lớn bậc nhất nơi vùng sông nước xứ Thanh.

Tháng sáu hội GaiDù thời tiết ngày hè nóng bức, nhưng du khách thập phương vẫn tìm về lễ hội Ba Bông - Hàn Sơn để chiêm bái, thỏa mãn nhu cầu tâm linh.

Bước vào tháng sáu (âm lịch) cũng là lúc khai hội Ba Bông - Hàn Sơn (hội Gai). Theo người dân địa phương, sở dĩ có tên gọi hội Gai là bởi lễ hội diễn ra vào tháng sáu - cũng là thời điểm vào mùa thu hoạch quả dứa (còn gọi quả gai), dọc cả vùng lễ hội là bạt ngàn dứa gai thơm ngọt được bày bán. Du khách về với lễ hội không nỡ rời chân đi nếu chưa mua dứa gai về làm quà. Bởi vì lẽ đó mà còn có tên gọi hội Gai.

Có nhiều cung đường để du khách lựa chọn khi về với lễ hội Ba Bông - Hàn Sơn. Trong đó, du thuyền ngược xuôi sông Mã sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho những du khách yêu thích thiên nhiên, muốn một lần khám phá cảnh sắc thơ mộng của làng quê xứ Thanh đôi bờ sông Mã.

Hội Gai hay lễ hội Ba Bông - Hàn Sơn cũng thật đặc biệt. Không diễn ra chỉ ở một địa điểm, ở một địa phương mà rộng khắp một vùng dọc theo sông Lèn. Bắt đầu từ ngã ba sông - nơi sông Mã tách dòng tạo nên sông Lèn, với nhiều di tích mang ý nghĩa tâm linh khác nhau, như: đền Cây Thị, còn gọi là đền Trình nằm trên địa bàn xã Hà Ngọc; đền Đức Ông (hay đền Hàn Sơn - theo cách gọi của người dân địa phương) và đền Bông (đền Ba Bông hay đền Cô Bơ, đền Cô Ba Thoải) nằm trên địa bàn xã Hà Sơn (Hà Trung); và bên đây sông Lèn, đối diện đền Đức Ông là đền Phong Mục (còn gọi đền Mẫu Hàn) và đền Cô Tám thuộc xã Triệu Lộc (Hậu Lộc)... Và, dù các cụm di tích tọa lạc trên những địa bàn khác nhau, song đều nằm trong một không gian văn hóa, tạo thành nét đẹp riêng có của lễ hội sông nước Ba Bông - Hàn Sơn.

Đền Ba Bông nằm ngay ngã ba sông nước mênh mông - nơi giao điểm của “một tiếng gà gáy 6 huyện (5 huyện) cùng nghe”. Theo sách “Địa chí huyện Hà Trung”: “Làng ở ngay ngã ba sông có tên là làng Bông. Vì thế mà ngã ba sông Mã mới có tên là ngã ba Bông và ngôi đền thờ Mẫu Thoải (mẹ nước) ở đó có tên là đền Bông, vùng rốn nước cuộn chảy. Đền Bông càng trở nên linh thiêng đối với cư dân trồng lúa nước trên đất Việt nói chung và xứ Thanh nói riêng. Ở nơi miền sông nước, cái tên Hàn Sơn cũng được cắt nghĩa đơn giản, bởi vì về chữ nghĩa thì “Sơn” là núi, còn “Hàn” là lạnh - có thể hiểu là vực, là thác ngầm ở khúc sông chảy qua. Sông Lèn tách ra từ sông Mã (chỗ ngã ba Bông) khi chảy qua chỗ có đá ngầm, dòng sông trở nên hung dữ, xoáy xiết. Vì vậy mỗi khi đưa khách từ đền Hàn sang đền Phong Mục và đền Cô Tám, những người chở đò ngang thường phải lui xuống phía dưới để tránh đoạn có thác ngầm. Quả núi liền mạch với thác ngầm được gọi là Hàn Sơn”.

Trong quan niệm tín ngưỡng dân gian, đền Ba Bông gắn liền với cô Ba Bông thuộc Thoải cung. Tương truyền, cô Ba Bông là con gái Long Vương. Vốn người nết na, xinh đẹp, được Đức Vương Mẫu yêu mến cho theo hầu cận. Cô đứng hàng thứ ba trong Tứ phủ Thánh cô. Và người dân cũng tin rằng, khi xưa chính cô Ba Bông đã giáng trần nơi ngã ba sông để giúp đỡ thủ lĩnh Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Đến hạn, cô được xe loan đến rước về thủy cung. Dẫu vậy, vì vấn vương cuộc sống trần gian nên cô thường xuyên linh ứng giúp dân chúng qua vùng ngã ba sông, độ cho thuyền bè qua lại được thuận buồm xuôi gió. Nhớ ơn cô, cha ông xưa đã lập dựng đền thờ nơi ngã ba sông nhằm bày tỏ sự tôn kính và cả gửi gắm ước vọng được cô Ba Bông linh ứng phù trợ.

Xưa kia, giao thương đi lại của Nhân dân chủ yếu là đường thủy, vì thế tàu thuyền qua ngã ba sông, mấy ai không muốn dừng chân lên đền Ba Bông thắp hương mong cô giúp đỡ. Ngày nay, dù giao thông đường sông không còn giữ vai trò chính trong đời sống người dân, song cảnh đẹp mê đắm và sự linh thiêng của đền Ba Bông như tiếng lành đồn xa, hấp dẫn mời gọi du khách xa gần.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, cô Ba Bông thuộc Thoải cung nên hình ảnh cô thường gắn liền với màu trắng. Khi “ngự đồng”, cô thường mặc áo trắng, đầu đội khăn màu trắng, cầm đôi mái chèo, dạo chơi khắp nơi như thuở xa xưa vẫn vậy. Cô “giáng” vào ai thì sắc mặt đều trở nên hồng hào, tươi đẹp lạ thường.

Mỗi dịp tháng 6 về, cả khu vực ngã ba sông nước xuôi theo sông Lèn trở nên sôi động, náo nhiệt bởi bước chân người hành hương trở về lễ hội. Dù chưa có tài liệu nào khẳng định chắc chắn lễ hội có từ bao giờ và vì sao lại diễn ra vào tháng 6. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, ý nghĩa tâm linh của lễ hội Ba Bông - Hàn Sơn thì đã ăn sâu vào tiềm thức dân gian. Trở về nơi đây vào dịp chính hội, dưới bóng nắng chói chang ngày chính hạ, chứng kiến từng đoàn người khắp các vùng miền chẳng quản mệt nhọc đang ngược xuôi về với lễ hội Ba Bông - Hàn Sơn. Thả lòng mình trong không gian thiêng của lễ hội nơi vùng sông nước, ta mới cảm nhận hết sự linh thiêng và sức hấp dẫn kỳ lạ của tín ngưỡng tâm linh - di sản văn hóa được cha ông xưa sáng tạo, bồi đắp và trao truyền.

Lại nói, vì là lễ hội nơi vùng sông nước nên dễ hiểu vì sao người dân khi trở về dự hội Ba Bông - Hàn Sơn vẫn thường chọn những lễ vật có màu trắng để dâng lên thần linh. Trong đó, các loại hoa màu trắng (hoa hồng trắng, sen trắng...) được đặc biệt yêu thích. Lễ hội Ba Bông - Hàn Sơn diễn ra trong cả tháng 6 âm lịch và chính hội vào ngày 12-6. Trong ngày chính hội, diễn ra các nghi lễ rước nước - rước kiệu chứa đựng ý nghĩa tâm linh, gửi gắm trong đó những mong ước, nguyện cầu tốt đẹp của người dân và du khách.

Ông Nguyễn Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Sơn, cho biết: Lễ hội truyền thống Ba Bông - Hàn Sơn được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân, du khách về dâng hương, chiêm bái. Bên cạnh việc duy trì tổ chức lễ hội theo phong tục truyền thống của cha ông xưa, thì công tác đảm bảo an ninh trật tự được đặc biệt chú trọng nhằm tạo nên không khí lễ hội vui tươi, lành mạnh và an toàn.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]