(Baothanhhoa.vn) - Không biết tự bao giờ, Tết Nguyên đán đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt, bởi đó là thời điểm linh thiêng, đánh dấu sự khởi đầu cho một mùa xuân mới tràn trề nhựa sống, vạn vật sinh sôi. Tết xưa thân thương và ấm áp với bao kỷ niệm dường như còn vẹn nguyên trong ký ức mỗi người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tết xưa

Tết xưa

Tết xưa của người Việt. Ảnh: Tư liệu

Không biết tự bao giờ, Tết Nguyên đán đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt, bởi đó là thời điểm linh thiêng, đánh dấu sự khởi đầu cho một mùa xuân mới tràn trề nhựa sống, vạn vật sinh sôi. Tết xưa thân thương và ấm áp với bao kỷ niệm dường như còn vẹn nguyên trong ký ức mỗi người.

Ký ức sâu sắc và rõ nét nhất về tết xưa có lẽ là những hình ảnh cả nhà quây quần bên bếp lửa nấu bánh chưng. Trong không khí se lạnh những ngày giáp tết ở một góc sân nhỏ trước nhà là không gian ấm áp nhất. Cả gia đình sum vầy, háo hức ngồi trông nồi bánh chưng. Đó là thời khắc mà đất trời và con người giao hòa với nhau để tình yêu gia đình, tình yêu con người, tình yêu quê hương, làng xóm, tình yêu đất nước bao trùm và lan tỏa. Và những câu chuyện bên nồi bánh chưng tưởng như không bao giờ dứt.

Mặc dù cuộc sống hiện đại bận rộn nhưng năm nào cũng vậy, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở Thiệu Thịnh (Thiệu Hóa) vẫn thu xếp thời gian tự gói bánh chưng để mang không khí tết xưa về cho con cháu. Ông Hùng năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Bên nồi bánh chưng sôi âm ỉ, ông Hùng rút bớt lửa cho đỡ khói và kể lại cho những đứa cháu của ông nghe về tết xưa. Ngày xưa khi ông bằng tuổi chúng bây giờ thì tết quả thật là một niềm háo hức mong chờ. Trẻ con ngày ấy cả năm mới được ăn bánh chưng nên bao giờ ông bà cũng gói vài chiếc bánh chưng nhỏ cho trẻ con ăn trước. Hương vị của chiếc bánh chưng con đầu tiên được vớt lên đó chính là hương vị của tết và trở thành một ký ức không thể phai mờ đối với tuổi thơ của ông.

Ký ức tết xưa trong ông Hùng và mỗi người còn là niềm vui, háo hức được manh áo mới của trẻ thơ. Cả năm mới được manh áo mới, sáng mùng một, những đứa trẻ thơ mặc áo mới rồi tung tăng chạy ra đường gặp bạn bè đánh đáo, đánh khẳng. Những bài đồng dao ngày tết, những trò chơi dân gian luôn mang lại những niềm vui hồn nhiên, trong sáng như mạch nguồn tươi mát bồi đắp bao tâm hồn thơ trẻ.

Náo nức tết về: Đó không chỉ sự trông đợi trong vòng quay 365 ngày của trời đất mà đó còn là sự mong ngóng của bao người bởi ngày xưa tết đến mới có áo mới, bánh chưng, hoa đào... Đó là cảm xúc của bao thế hệ đã đi qua những năm tháng đẹp đẽ của tuổi thơ được hưởng cái tết trọn vẹn theo đúng ý nghĩa của tết cổ truyền.

Và tết xưa cũng thật bồi hồi, sâu lắng trong nỗi niềm của người lớn. Tết xưa tuy giản dị nhưng thật ấm cúng, ấm lòng. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, xã Tân Ninh (Triệu Sơn) vẫn nhớ như in những cái tết của thời bao cấp, những năm cuối của thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thời kỳ đất nước bắt đầu đổi mới. Xe đạp hồi đó có lẽ là phương tiện thuận tiện nhất để một gia đình nhỏ cùng nhau về quê ăn tết. Trong ký ức của bà thời đó, gia đình bà sống ở thị xã Thanh Hóa. Cứ tết đến, gia đình nhỏ của bà lại cùng nhau về quê ăn tết. Chồng bà đạp xe chở vợ con, trên ghi đông xe treo lủng lẳng các túi đồ của cả nhà và những gói bánh, hạt dưa rất hiếm hoi thời bao cấp mang về dâng lên bàn thờ gia tiên. Với gia đình bà, về quê ăn tết không chỉ đơn giản là một quá trình đi - về mà đó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. Tết đoàn viên, tết sum họp đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, mỗi khi năm hết, tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm của gia đình trong ba ngày tết, để được sống với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời.

Ý nghĩa của Tết Nguyên đán là sự hội tụ. Hội tụ gia đình, hội tụ thế giới tâm linh. Không chỉ gia đình hội tụ mà nhìn rộng hơn là trong dòng họ, làng xã và cộng đồng người Việt ở khắp nơi hội tụ. Vì vậy mà tết xưa bao giờ cũng có nhiều trò chơi, trò diễn, hội làng mang tính cộng đồng.

Một trong những trò chơi thu hút được đông người tham gia nhất là trò đu xuân. Đẹp nhất là đu đôi, đu tiên. Các đôi trai gái ưng ý lựa chọn nhau lên đu, người nhún người đẩy. Tài năng và lòng dũng cảm của các chàng trai, cô gái được dịp phô bày trong trò chơi này. Không chỉ các đôi trai gái, nhiều cụ ông, cụ bà cũng được sống lại những phút giây của một thời tuổi trẻ cùng nhau đu xuân trong tiếng reo hò, cổ vũ của mọi người.

Cùng với trò đu xuân, ngày tết không thể thiếu nhiều trò chơi như: Đánh cờ người, nấu cơm thi, cá giải, đấu vật... Những trò chơi này vô cùng phong phú và mang đậm bản sắc riêng ở từng địa phương. Các trò chơi ngày tết ngoài việc thể hiện nét đặc trưng trong văn hóa tín ngưỡng ở mỗi nơi, còn giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai trong đời sống sinh hoạt, tinh thần. Đó là phong tục dân gian đặc sắc mang lại không khí tưng bừng, náo nhiệt của nhân dân ta trong những ngày tết đến, xuân về trên khắp mọi miền đất nước. “Tết chẳng riêng ai, tết mọi nhà” - đó chính là ý nghĩa của văn hóa tết vừa mang tính cộng đồng, vừa lắng đọng hồn dân tộc. Đó là tất cả sự kỳ diệu của tết. Tết đã kéo mọi người lại gần với nhau để mang đến cho nhau những giây phút ấm áp, thiêng liêng, đó là giây phút đoàn viên, sum họp. Những câu chuyện tết xưa kể mãi vẫn chưa hết... vẫn còn trong ký ức của bao người và còn hiện hữu trong cuộc sống đương đại. Nhiều nét đẹp văn hóa tết xưa vẫn còn được lưu giữ đến ngày hôm nay. Đâu đó ở những sân đình xưa vẫn còn nghe vang vọng tiếng trống chầu, những tiếng ca trù dặt dìu làm tươi mới ngày xuân.

Người Việt Nam từ xa xưa đã có tục khai bút và cho chữ đầu năm. Tục xin chữ và cho chữ đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Ngày nay, nét đẹp ấy vẫn còn. Mỗi độ tết đến, xuân về, từ Bắc chí Nam, hễ nơi đâu có thầy đồ là có những người xin chữ thành tâm. Thư pháp ngày nay ngoài chữ nho còn có thêm chữ quốc ngữ nên khách du xuân tha hồ lựa chọn những câu chữ hay nhất để treo trong nhà. Ngày tết Việt cũng vì thế mà thêm phần linh thiêng, đậm đà bản sắc. Tuy ông đồ ngày nay có khác ông đồ xưa và người đến xin chữ cũng khác xưa nhưng tinh thần trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt thì vẫn vậy. Dù là xưa hay nay thì xin chữ ông đồ mỗi dịp xuân về vẫn là một nét văn hóa được nhiều người ghi nhớ.

Thời hiện đại, phong tục đón tết cũng có nhiều thay đổi nhưng điều đáng quý là chúng ta vẫn giữ lại được nhiều phong tục đẹp mà cha ông đã lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trong mâm cỗ đón xuân, những chiếc bánh chưng vuông vắn khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày, tượng trưng cho ý niệm về vũ trụ của người Việt xưa. “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Câu ca xưa đã đồng hành với biết bao thế hệ người Việt Nam ta mỗi độ tết đến, xuân về.

Dù sống ở quê hương hay ở khắp năm châu, Tết Nguyên đán luôn là dịp để hậu thế thể hiện lòng thành kính, tri ân và nhớ về tổ tiên cùng chung ước vọng về một năm mới bình an, vạn sự như ý. Những nét đẹp của tết xưa được giữ lại đã giúp cho con trẻ trong nhà có được cái tết trọn vẹn và học được bao điều hay. Đó là phải sống tốt, hướng thiện. Đó còn là lòng tôn kính với tổ tiên, là phải chăm ngoan, học giỏi theo truyền thống hiếu học khai bút đầu xuân của dân tộc...

Ngày nay, khi nhiều người hoài niệm, thắc thỏm tiếc nuối, so sánh cái bây giờ với cái ngày xưa cũng là một đặc trưng của tết dù cái ngày xưa ấy với một cụ già có thể tính bằng vài thập kỷ, còn với một người trẻ thì có thể chỉ là mươi năm. Ắt hẳn với những người mà tâm trí đã đầy ắp những hoài niệm thì tết xưa đúng là vui hơn tết nay!

Một mùa xuân mới lại đang về cùng những ước vọng thật đẹp của người dân Việt Nam. Có thể nói rằng, dù bao nhiêu cái tết trôi qua, nhưng những nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt vào dịp tết cổ truyền sẽ còn tươi thắm mãi. Đó là cả một kho tàng ký ức đẹp muôn màu, là điểm tựa tinh thần vô giá để mỗi người nâng niu, trân trọng và gìn giữ.

Minh Thúy


Minh Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]