(Baothanhhoa.vn) - Mỗi dịp tết cổ truyền Việt Nam, có rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thanh Hóa được hòa chung với niềm vui của người Việt. Sự thân thiện, hiếu khách của người dân đã giúp họ cảm nhận rõ không khí ấm cúng trong ngày lễ đặc biệt, để mỗi lần đi xa họ lại muốn quay trở lại...

Tết Việt trong lòng bạn bè

Mỗi dịp tết cổ truyền Việt Nam, có rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thanh Hóa được hòa chung với niềm vui của người Việt. Sự thân thiện, hiếu khách của người dân đã giúp họ cảm nhận rõ không khí ấm cúng trong ngày lễ đặc biệt, để mỗi lần đi xa họ lại muốn quay trở lại...

Tết Việt trong lòng bạn bèAnh Jonathan gói bánh chưng cùng gia đình trong dịp tết.

Vào buổi chiều muộn ngày cuối năm, tôi gặp Jonathan, 33 tuổi, đến từ Nam Phi sau giờ dạy tiếng Anh tại Trường Tiểu học, THCS & THPT Nobel school. Với nụ cười thân thiện, cởi mở khi Jonathan kể về cuộc sống hàng ngày của mình và câu chuyện trở nên rôm rả hơn khi nói về tết cổ truyền Việt Nam.

“Tôi đã phải lòng đất nước và con người Việt Nam ngay từ lần đầu tiên đến mảnh đất hình chữ S này. Tôi quyết định ở lại Thanh Hóa vì ở đây tôi có những người bạn thật tuyệt vời, Thanh Hóa giống như quê hương thứ 2 của tôi vậy. 3 năm qua, tôi đều đón tết ở đây, đặc biệt năm 2023, tôi lấy vợ ở Thanh Hóa, đó cũng là lần đầu tiên tôi được cảm nhận trọn vẹn không khí tết của người Việt”.

Jonathan thích cảm giác đi sắm tết, đặc biệt là không khí mọi người quây quần, chuyện trò vui vẻ cùng nhau chuẩn bị gói và nấu bánh chưng. Ngày 30 tết, gia đình thức dậy sớm, cùng các anh em họ hàng đi tảo mộ, vừa đi vừa trò chuyện và nghe người thân kể về phong tục tảo mộ để nhớ về những người đã mất, về ông bà, cội nguồn... “Rồi thời khắc giao thừa đến. Cả nhà ngồi quây quần trò chuyện, trao nhau bao lì xì và lời chúc mừng năm mới. Tuy không hiểu hết tiếng Việt, nhưng nhìn nụ cười hạnh phúc của mọi người, tôi cảm nhận được tình cảm gia đình dành cho mình, phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà mà 3 năm tôi chưa về thăm”, Jonathan chia sẻ.

Đây cũng là năm thứ 2 Stadnyk Elizabeth, được người nhà gọi tên thân mật là Liza, về làm dâu tại thôn 6, xã Nga Tân (Nga Sơn). Thời gian đầu về Việt Nam, bất đồng ngôn ngữ khiến Liza gặp nhiều bỡ ngỡ, cô chỉ nói được vài câu tiếng Việt. Yêu quý con dâu, hàng ngày mẹ chồng đã ân cần dạy Liza tiếng Việt, không những thế còn dạy con dâu đi chợ, nấu những món ăn hàng ngày của người Việt.

Dần dần Liza quen thuộc với cuộc sống ở quê nhà, với tính cách hòa đồng, thân thiện, cởi mở, Liza được mọi người rất yêu quý. Không còn cảm giác bỡ ngỡ năm đầu tiên đón tết tại quê chồng, Liza đã quen với mọi công việc hàng ngày, thậm chí là nấu thành thạo mâm cỗ trong ngày lễ, tết. Liza nói rằng, mới chỉ đón tết một năm, nhưng cô rất thích không khí tết ở đây, đặc biệt là những ngày chuẩn bị tết luôn tấp nập và đông vui.

“Trong những ngày tết, mọi người đến nhà chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, ăn uống sum vầy bên nhau, tôi thích lắm. Bản thân rất háo hức khi nhận được những phong bao lì xì may mắn, được cùng mọi người đi chúc tết, đi chùa cầu may và đặc biệt là diện những tà áo dài rực rỡ dạo bước trên những con đường xuân,” Liza hào hứng chia sẻ. Tết năm nay vợ chồng Liza có rất nhiều dự định để đưa con cái đi chơi, đi lễ chùa đầu năm, giúp bản thân cũng như các con hiểu hơn về lịch sử, những phong tục, tập quán tốt đẹp của người Việt nói chung và người dân Thanh Hóa nói riêng.

Mới gắn bó với vùng đất xứ Thanh được gần 2 năm, thầy giáo trẻ Ariel đến từ Philippin, giáo viên tiếng Anh Trung tâm Anh ngữ Ocean Edu Thanh Hóa, rất háo hức khi chia sẻ việc đón tết ở Việt Nam, bởi đây là năm đầu tiên anh được tận hưởng không khí đón tết cổ truyền Việt Nam. Để hiểu hơn về tết cổ truyền Việt Nam, Ariel đã chủ động tìm hiểu về tết cổ truyền Việt Nam và so sánh sự khác và giống nhau giữa tết cổ truyền Việt Nam với lễ đón năm mới ở phương Tây.

“Người dân Thanh Hóa rất thân thiện, mến khách, tết năm nay tôi có rất nhiều dự định khi được một vài người bạn mời về quê ăn tết. Đây là dịp để tôi tìm hiểu nhiều hơn về nét văn hóa truyền thống quê hương nơi đây và cảm nhận được không khí đầm ấm của gia đình trong dịp tết”, Ariel nói.

Trong thời kỳ hội nhập, Tết Nguyên đán Việt Nam không chỉ là dịp để người Việt đoàn tụ, gắn bó với nhau; mà còn là cầu nối cho những người bạn đến từ mọi nơi trên thế giới được hiểu và gắn kết với nhau trong không khí sum họp, đầm ấm, để càng khiến họ thêm yêu đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa và con người thân thiện, hiếu khách.

Bài và ảnh: Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]