(Baothanhhoa.vn) - Xuân Canh Tý – 2020 này, Đảng và nhân dân ta long trọng tổ chức Kỷ niệm 90 năm Ngày Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh ra đời.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tập thơ Non nước – tấm lòng của người chiến sĩ cách mạng kiên trung

Xuân Canh Tý – 2020 này, Đảng và nhân dân ta long trọng tổ chức Kỷ niệm 90 năm Ngày Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh ra đời.

Nhân dịp này chúng tôi muốn giới thiệu sơ bộ với bạn đọc tập thơ Non nước (1) của đồng chí Ngô Đức Mậu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ 1930-1931 khi Đảng ta mới ra đời, Tỉnh ủy Thanh Hóa mới được thành lập.

Qua lời giới thiệu tập thơ Non nước của nhà xuất bản, tự thuật của tác giả và tham khảo các tập lịch sử Thanh Hóa(2), địa chí Thanh Hóa(3), Ngô Đức Mậu sinh năm 1908 trong một gia đình nghèo, nhưng có truyền thống học hành ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi thôi học đi làm giáo viên ở Thanh Hóa, từng dạy ở các trường Hoằng Hóa, Nga Sơn, Tĩnh Gia.

Ở Thanh Hóa cuối những năm 20 nhất là đầu những năm 30 của thế kỷ XX phong trào yêu nước và cách mạng nhằm đánh đổ ách thống trị thực dân phong kiến lên cao. Các tổ chức yêu nước và cách mạng ra đời, nhất là từ khi thành lập tổ chức Đảng Cộng sản. Hoảng hốt trước phong trào đấu tranh của quần chúng do Đảng lãnh đạo, thực dân, phong kiến đàn áp khốc liệt. Nhiều cán bộ của Đảng và quần chúng bị bắt bớ tù đây. Đồng chí Ngô Đức Mậu đã cùng với các đảng viên, quần chúng yêu nước tiếp tục gây dựng lại phong trào. Ngày 1-1-1931, trong cuộc họp của Tỉnh ủy tại Tĩnh Gia, đồng chí Ngô Đức Mậu được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy khi mới 23 tuổi. Giữa lúc phong trào cách mạng của quần chúng do Đảng lãnh đạo mà Bí thư Tỉnh ủy là người cầm lái đang lên cao thì đồng chí bị bắt vào nhà lao Thanh Hóa rồi bị đày đi nhà tù Lao Bảo. Ra tù, đồng chí đi tìm đầu mối cơ sở đảng và tiếp tục hoạt động. Từ đây đến Cách mạng Tháng Tám 1945 đồng chí hoạt động trên các địa bàn Huế, Vinh, chủ yếu trên lĩnh vực báo chí tuyên truyền của Đảng để giác ngộ quần chúng đấu tranh với địch. Cách mạng Tháng Tám đồng chí tham gia Ủy ban khởi nghĩa ở Hà Tĩnh, rồi làm chủ nhiệm báo Cứu quốc liên khu 4. Năm 1954, đồng chí về Hà Nội hoạt động chủ yếu trên mặt trận báo chí, quản lý báo chí. Đồng chí đã làm Phó tổng Biên tập Báo Nhân dân, chủ nhiệm Báo Ảnh Việt Nam, đồng chí là một nhà báo có tên tuổi. Ngoài sự nghiệp báo chí, đồng chí còn viết nhiều thơ, nhiều bài được đăng trên báo nước ngoài. Các bài thơ của đồng chí được gom lại trong tập Non nước. Tập thơ có nhiều đề tài, ở đây chúng tôi chỉ đi sâu vào các đề tài người cộng sản trước ngục tù và tấm lòng của người Bí thư xưa đối Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa.

Với nhiều nhà yêu nước và cách mạng ở nước ta, thơ không chỉ là vũ khí chiến đấu. Người chiến sĩ cách mạng - tác giả tập thơ Non nước đã đi vào cõi vĩnh hằng (1986), thơ để lại trở thành những “thỏi vàng” còn lóng lánh mãi trên đời. Viết đến đây chúng tôi bỗng nhớ một câu thơ của một nhà thơ đời Trần rằng:

Cổ lai hà vật bất thành thổ

Tử hậu duy thi khả thắng kim.

Tạm dịch:

Xưa nay có cái gì không thành cát bụi

Duy có thơ mới thành vàng.

Người chiến sĩ cách mạng - tác giả thơ Ngô Đức Mậu, trong thơ cho ta thấy trước khi đến với Đảng, tác giả sớm có tinh thần yêu nước, nhưng chưa tìm được đường đi. Trước cuộc đời bế tắc, thương nước, thương dân trước cảnh nô lệ lầm than, căm thù bọn áp bức, gây bất công mà chỉ mới “rát cổ đau lòng trải mấy thu”. Bài Hội Á - Âu cho ta thấy cháy bừng lên lòng yêu nước, muốn tìm một con đường mới của chàng trai mới 20 tuổi đầu. Tại Thanh Hóa, bài này ông viết:

Bên bờ học bể đen như mực/ Máu lạnh thân trai trắng mái đầu/ Vật chất đua chen phần xác thịt/ công danh luồn lỏi kiếp đồng xu/ Ngồi buồn nghĩ lại thương hồn “cuốc”/ Rát cổ đau lòng trải mấy thu.

Đến bài thơ Chơi bể Hội trào ở Hoằng Hóa, tác giả - người chiến sĩ như có một chuyển biến mới. Thơ như bật dậy – cái bật dậy của chàng trai như đang tìm thấy con đường ra: Chơi bể Hội trào sướng biết bao/ Con thuyền đủng đỉnh giữa phong trào/... Ngắm biển vẫn còn lo sợ nước/ Phen này quyết dạn với ba đào. Đi tắm biển, tác giả thấy mình được bơi trong “phong trào”. Chính từ phong trào của cách mạng tác giả như tìm được lối ra và từ đây “quyết dạn với ba đào” của phong ba bão táp cách mạng. Bài thơ dùng nghệ thuật hoán dụ ý tứ và tế nhị trong các từ “phong trào”, “phong ba”, “ba đào” làm cho bài thơ vừa kín đáo giàu chất thơ dễ đi vào lòng người. Cũng tại Thanh Hóa, tác giả viết bài thơ Gửi bạn Ngọc San. Bài thơ này tác giả viết nhằm khuyên bạn và cũng là khuyên mình không làm việc cho Pháp, giữ vững tinh thần yêu nước: Nào có, ra chi kiếp cúi luồn/ Khuyên ai phải giữ tấm lòng son/ Mê mùi đỉnh chung tâm mờ ám/ Ham bả vinh hoa dạ héo hon/ Đã định dùi mài thân tuyết trắng/ Càng nên lo tính cuộc vuông tròn/ Xưa nay trinh liệt bao là kẻ/ Để tiếng về sau với nước non.

Khi phong trào cách mạng bị đàn áp giữa lúc đang làm Bí thư Tỉnh ủy thì bị bắt giam ở nhà lao Thanh Hóa. Vào tù mà đồng chí vẫn ung dung, không hề nao núng, coi nhà tù là trường học và tin rằng có một ngày ra tù sẽ tiếp tục “vùng vẫy vẫy vùng”. Bài thơ Khuyến khích viết ở nhà lao Thanh Hóa có những câu: Tù đừng kể tháng ngày dằng dặc/ Một ngày tù trí thức một tăng/ Khi ra tù sẽ thung thăng/ Kết luận bài Khuyến khích, tác giả để lại câu thơ đầy khí phách và lạc quan cách mạng: Nay mai thoát ách lao lung/ Tù ra vùng vẫy vẫy vùng khắp nơi.

Ở nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) nơi xưa kia rừng thiêng nước độc. Đến đây do chế độ sinh hoạt của tù nhân khắc nghiệt, Ngô Đức Mậu bị ốm một trận “Liên miên suốt ba tháng trời, ban ngày mê mẩn, ban đêm mới tỉnh”. Và cũng kỳ lạ thay con người tù ấy vẫn lạc quan. Bài Cùng chị Hằng trong lúc đau, tác giả vẽ lên như một màn kịch nhỏ cuộc nói chuyện giữa mình với trăng (chị Hằng) đầy chất lãng mạn. Người tù hứa với trăng: Tôi khỏe rồi tôi sẽ có lời/ Duyên nợ trần hoàn tôi chưa trả/ Cảnh tình hạ giới chị còn soi. Trong tù, ốm nặng vẫn ung dung tự tại, vẫn nghĩ đến “nợ trần hoàn”. Đó là một trong những phẩm chất của người cách mạng. Trong bao nhiêu năm ngồi tù khổ sai, có biết bao cảnh huống diễn ra, khi thì đồng chí, bạn tù bị chết, khi có người hết hạn tù ra về. Thời gian xuân đến, thu qua và biết bao điều cơ cực mà người tù phải chịu. Nhưng qua các bài thơ viết trong nhà tù Lao Bảo, ta chỉ thấy một tinh thần bất khuất, một tinh thần lạc quan tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Có những bài buồn như bài Khóc chú Ngô Đức Diễm, bài Khóc anh Huy. Ở các bài này có buồn nhưng là cái buồn của người đang chiến đấu, không có bị lụy và vẫn thấy: Cách mạng còn dài còn vận hội/ Đồng bào rửa hận để anh vui. Sống lạc quan hy vọng tin tưởng như là một triết lý sống của chiến sĩ cách mạng. Khi đi làm rẫy tác giả thấy bao cây lá, cỏ bị đốt. Nhưng sau cái bị thiêu đốt đó là: Trông cảnh vật tuy ngao ngán/ Mai mốt mầm non lại mọc đầy (Vịnh đám rẫy).

Trong thời gian ở nhà lao Lao Bảo, Ngô Đức Mậu đã làm nhiều bài thơ, phần lớn các bài thơ đều ngắn. Riêng có bài Một đêm tâm sự dài tới 126 câu. Bài thơ này tác giả làm theo thể thơ song thất lục bát, với thể thơ này rất phù hợp cho “tâm trạng” thể hiện nỗi lòng của mình. Đây là tâm sự với mình trước cuộc đời trẻ trai 26 tuổi của mình đang trong nhà tù với cái án chung thân. Trong đêm nơi nhà tù tác giả có nghĩ đến cái riêng, sự nghiệp, nghĩ đến gia đình, bạn bè, nghĩ đến Đảng, đến đất nước. Bài thơ giàu tư duy và cũng giàu chất thơ. Có được nó, ấy là nhờ sự thể hiện cái chân, cái chất nhân văn, nhưng trên hết đó lòng trung thành của chiến sĩ cộng sản với Đảng, với sự nghiệp cách mạng. Miên man trong đêm tác giả nhớ đến những ngày sống, chiến đấu ở Thanh Hóa: Thêng thang chí rộng đường dài/ Tha hồ múa nhảy chẳng ai lụy phiền/ Khi sông Mã con thuyền đủng đỉnh/ Khi động Hồ (4) ngắm cảnh thiên thai/ Hải trào cùng bạn đua bơi/ Ngọc sơn, mỹ hóa mấy nơi cảm tình.

Nhiều trắc ẩn như xô đến. Tác giả như tự nhủ mình: Cuộc đời bãi bể cồn dâu/ Đời người như bóng bạch câu sá gì. Và hay chi giọt lệ vắn dài/ Chờ thời ta sẽ liệu bài ngâm thơ.

Nhưng bao bề bộn dồn đến, cuối cùng tác giả như sực tỉnh trở lại với phận sự của mình: Xích xiềng bận bịu thân mòn mỏi/ Non nước trông chờ dạ ngẩn ngơ. Cách thể hiện bài thơ giàu chất nhân văn. Nó rất người, là một cán bộ của Đảng sống trong ngục tù, thơ lại rất đời, rất uyển chuyển và mềm mại dễ đi vào lòng người. Đó cũng là một sự thành công của bài thơ. Và đó cũng là cái chất người cộng sản chân chính. Đó là viên ngọc quý, là phẩm giá, đạo đức của người cộng sản như tác giả đã viết trong bài Non nước: Ngọc Tùng vẫn giữ giá thanh tao.

Sau khi được ra tù, người chiến sĩ ấy tiếp tục hoạt động cho Đảng, cho cách mạng và tác giả ấy vẫn sáng tác nhiều bài thơ có giá trị như các bài trở lại Bắc Kinh, Ô đét xa, Bu-đa-pét, Khóc anh Nguyễn Chí Thanh, Nhớ Bác...

Đến khi về hưu, tác giả, người chiến sĩ cộng sản có một bài thơ như tự nói với mình, nhưng cũng có thể là một bài học quý cho người khác tham khảo: Chân lý cần gì bậc thấp cao/ Có thủy có chung đời trọn vẹn/ Không ân không nghĩa tiếng xôn xao.

Đúng quá, làm cách mạng đâu để lấy cấp bậc, chức quyền thấp cao mà chân lý là hoàn thành công việc Đảng giao cho, thực hiện trọn vẹn. Sống có ân có nghĩa, “Có thủy có chung” với Đảng, với đồng chí, với nhân dân, đừng để “tiếng xôn xao” về sau.

Con người cựu Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đức Mậu là như vậy. Những năm cuối đời, đồng chí Ngô Đức Mậu đã để dành thời gian thăm lại Thanh Hóa đầy ân tình thủy chung và tiếp tục để lại một số bài thơ về Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Sầm Sơn, Vĩnh Lộc, Tĩnh Gia. Các bài thơ trên đây nổi lên lòng bâng khuâng cảnh cũ, người xưa, sự nhung nhớ một vùng đất, những người còn, người đã đi xa. Lâu năm trở lại Hà đồ/ Nhìn xem phong cảnh bây giờ khác xưa. Đến Phú Khê, tác giả thấy ở Kẻ Đầng: Kẻ Đầng thuở trước ân tình nặng/ Hoằng Quý ngày nay sức sống đầy. Bâng khuâng, nhung nhớ mảnh đất xưa từng ở nay trở lại, tác giả mừng và dự cảm tương lai ở nơi đây: Hàng ngàn sức trẻ đang vươn cánh/ Nhớ cụ Đỗ Duy sống ngày nay. Đến Thọ Xuân, tác giả thăm vườn trầu Phong Cốc. Bài thơ như làm sống lại không khí hào hùng, hừng hực cách mạng sau 45 năm. Đến Tĩnh Gia, nơi đồng chí Ngô Đức Mậu trực tiếp tham gia phong trào cách mạng và được Đảng bộ tỉnh giao nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy. Bài Nhớ Tĩnh Gia, cùng với cảnh nhớ người, nhưng mừng nhiều hơn: Về đây thăm cảnh thăm người/ Cảnh nay tươi đẹp hơn mình lần xưa. Tác giả ngẩn ngơ nhớ người đồng chí xưa cùng nhau đã đồng tâm phất cao ngọn cờ đỏ mà nay không gặp lại: Người xưa khuất bóng bao giờ/ Càng trông thấy cảnh càng ngơ ngẩn lòng/ Đã nguyền kết một chữ đồng/ Cùng nhau phất ngọn cờ hồng đứng lên.

Nhớ ngẩn ngơ người đã mất, nhưng cũng vui vì thấy sự nghiệp cách mạng đã hiển hiện nơi đây: Bây giờ sự đã hiển nhiên/ Trăm hoa đua nở vẹn tuyền tiết danh. Về thăm Huyện ủy Tĩnh Gia, tác giả viết bài: Kính tặng Huyện ủy Tĩnh Gia. Đến đây tác giả như được về quê, vui và tự hào khi thấy mảnh đất đẹp, viên ngọc núi (Ngọc Sơn) đẹp vươn lên tự mảnh đất cằn: Trở lại quê xưa dễ tự hào/ Rằng mình đã góp chút công lao/ Đất xưa cằn cỗi nay màu mỡ/ Người trước cơ hàn nay bảnh bao. Tác giả vui mừng và lãng mạn tin tưởng: Ngọc Sơn xứng đáng là viên ngọc/ Càng dũa càng trau ánh đủ màu. Tứ thơ này rất hay. Nếu như tác giả còn sống đến Ngọc Sơn (Tĩnh Gia nay) bây giờ còn thấy Tĩnh Gia càng ngày càng đẹp lung linh, giàu có bởi khu kinh tế hiện đại Nghi Sơn.

Đọc tập thơ Non nước của tác giả Ngô Đức Mậu ta thấy hiện lên một hình tượng người chiến sĩ cách mạng kiên trung bất khuất, một cán bộ lãnh đạo lăn lội với phong trào, hoàn thành những công việc được Đảng và nhân dân giao phó. Người cán bộ ấy luôn biết giữ gìn phẩm chất, đạo đức thanh cao, sống ân tình thủy chung, tâm hồn trong sáng, cao đẹp. Hồn thơ phong phú, thanh sảng. Đó là một tài sản qúy giá đáng được trân trọng giữ gìn và phát huy.

Cao Sơn Hải

1 . Nhà Xuất bản Văn hóa – Thông tin – Hà Nội – 1995.

2. Tập V- Nxb Khoa học xã hội -1996.

3. Tập I – Nxb Văn hóa Thông tin – 2000.

4. Động Hồ Công Vĩnh Lộc – Thanh Hóa.


Cao Sơn Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]