(Baothanhhoa.vn) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn danh hiệu làng văn hóa, bao gồm một hệ thống các tiêu chí (5 nội dung), mà nếu thực hiện đúng, đủ sẽ cho ra đời những làng văn hóa toàn diện, làm cơ sở cho việc xây dựng nên những làng văn hóa nông thôn mới. Tuy nhiên, quá trình triển khai tại cơ sở lại đang gặp phải không ít khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sau cánh cổng làng...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn danh hiệu làng văn hóa, bao gồm một hệ thống các tiêu chí (5 nội dung), mà nếu thực hiện đúng, đủ sẽ cho ra đời những làng văn hóa toàn diện, làm cơ sở cho việc xây dựng nên những làng văn hóa nông thôn mới. Tuy nhiên, quá trình triển khai tại cơ sở lại đang gặp phải không ít khó khăn.

Cổng làng văn hóa Đông Cao, xã Trung Chính (Nông Cống).

Dưới bóng Ngàn Nưa, từ bao đời nay, người dân các làng Bi Kiều, Tống Công, Thanh Hà Đông, Mao Giáp, Đông Bàng, Ty, Sở và Đông Cao (xã Trung Chính, huyện Nông Cống) đã cùng vun đắp nên một “tiểu vùng văn hoá Nưa” đặc sắc và giàu giá trị. Những giai thoại, truyền thuyết về ông Tu Nưa khổng lồ, người đã khai sáng văn minh nông nghiệp cho cả một vùng rộng lớn, cho đến tận ngày nay vẫn còn hằn dấu vết trong đời sống sinh hoạt của cư dân nông nghiệp lúa nước nơi này. Song, sự hưng thịnh và phát triển của các làng cổ nơi đây còn gắn liền với tốc độ khai phá lộc điền của các công thần nhà Hậu Lê, mà làng Đống Cải (nay là làng Đông Cao) là một điển hình. Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt là những khai quốc công thần thời Lê Thái tổ. Riêng Đinh Liệt còn có công dẹp loạn Nghi Dân, phò Lê Thánh tông lên ngôi nên được vua ban lộc điền tại làng Đống Cải. Tộc ca họ Đinh còn ghi lại việc gây dựng dòng họ trên đất lộc điền năm xưa: “Tìm nơi năm mẫu Đông Cao/ Bõ công lặn lội ước ao bấy chày/ Thuận nhìn hướng núi rừng cây/ Tìm đâu cho được nơi đây hữu tình/ Tiền sơn hậu thuỷ đẹp xinh/ Đất đai ăn ở kinh dinh tốt lành”.

Được gây dựng từ sớm, làng cổ Đông Cao nằm sát chân núi Nưa có ruộng đồng màu mỡ bằng phẳng, song phải đến thời Hồng Đức với chính sách khuyến nông của triều đình lúc bấy giờ, mà sản xuất nông nghiệp mới được thúc đẩy mạnh mẽ. Khi họ Đinh đến cắm lộc điền đã dựa vào làng cổ để vừa cộng canh, cộng cư và du nhập các tục lệ, lề thói làm ăn nơi quê gốc, vừa khai thác và gìn giữ nét hay cái đẹp của vùng đất mới. Nhờ vậy, không riêng làng Đông Cao mà các làng lộc điền trong xã Trung Chính ngày nay vẫn còn lưu giữ được nhiều kinh nghiệm làm ăn và những nét văn hóa riêng vùng Nưa Cầu Quan. Thái sư Đinh Liệt được tôn xưng là Thành Hoàng Làng Đông Cao và được thờ ở đình làng cùng với Đinh Lễ và Đinh Bồ. Suốt mấy thế kỷ nay, cứ theo lệ vào 13 tháng Giêng (ngày giỗ Đinh Liệt), người dân Đông Cao lại mở hội làng để tưởng nhớ công lao các vị khai quốc đã có công phò vua giúp nước, khai lập và phát triển xóm làng trở nên trù phú. Hội làng Đông Cao nức tiếng trong vùng không chỉ bởi công đức của vị Thành Hoàng được nhân dân ngưỡng vọng, thờ phụng; mà còn bởi lễ hội dân gian này còn lưu giữ nhiều nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống, bên cạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hiện đại.

Làng cổ Đông Cao không chỉ là “trái tim” của vùng văn hóa Nông Cống, mà còn là niềm tự hào của Thanh Hóa, khi đây là một trong những làng đầu tiên của cả nước được chọn thí điểm xây dựng làng văn hóa. Tròn 2 thập kỷ kể từ khi được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh (năm 1997), làng Đông Cao vẫn giữ được “vóc dáng” và “hơi hướng” của một làng cổ nằm cạnh dòng Lãng Giang hiền hòa. Dẫu cách thị tứ Cầu Quan náo nhiệt không bao xa, song, dường như có tấm lưới vô hình nào đó đã che chắn cho làng khỏi mọi sự xô bồ, để vẫn giữ được nếp sống an nhiên, bình thản trong nhịp chảy trôi của mùa màng, hội hè, đình đám. Và hồn cốt của một làng Việt truyền thống phần nào còn được níu giữ trong những “tín hiệu” văn hóa lấp lánh của giếng nước, cổng làng, của đình chùa miếu mạo và những thuần phong mỹ tục.

Có dịp trò chuyện với ông Lê Xuân Phùng, Chủ tịch UBND xã Trung Chính, cũng là người con làng Đông Cao, chúng tôi được ông chia sẻ: Sở dĩ làng Đông Cao được chọn là điểm xây dựng làng văn hóa cũng bởi sức mạnh từ sự cố kết cộng đồng và một bề dày văn hóa giàu giá trị, đã giúp văn hóa làng Đông Cao không bị “biến dạng” giữa thời mở cửa. Cho đến ngày nay, dẫu nếp sống đô thị có ít nhiều ảnh hưởng, thế nhưng, làng Đông Cao nói riêng và các làng trong xã vẫn tự hào vì đã gìn giữ được nhiều lệ tục chung bên cạnh những lệ tục riêng cho từng làng. Trong đó, điển hình là tục thờ Thành Hoàng làng, thờ Thánh Lưỡng, tục kết nghĩa, tục toàn dân tham gia công việc làng, tục bảo đảm đạo đức và an ninh, tục cỗ bàn trong các ngày giỗ chạp, lễ tết, tang ma, hôn lễ...

Có thể nói, những ngôi làng như “làng văn hóa Đông Cao” đang tồn tại và phát triển ở nhiều huyện, xã; song con số chắc chắn không thể chiếm phần đa trong hàng nghìn làng, bản trên địa bàn tỉnh. Bởi, không phải làng nào cũng có khả năng “miễn dịch” trước những nhộn nhạo thời mở cửa trước đây và ngày nay là xu thế “phố hóa làng” diễn ra nhiều nơi. Không ít làng quê đã không thể chống đỡ nổi trước sức mạnh từ bên ngoài, mà dần “đổ vỡ”, “biến dạng” trong lề lối, ý thức cộng đồng, cách sống, phong tục tập quán; hay “bó tay” trong việc gìn giữ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể do ông cha để lại. Trong khi, lịch sử hình thành một vùng đất, mà đơn vị đầu tiên là làng, vốn được dựa trên sự đan kết xoắn xuýt từ chính những giá trị - vốn đang ít nhiều bị vụn vỡ ấy. Vậy nên mới có cảnh, không ít di tích xuống cấp nghiêm trọng vẫn chưa thể được bảo tồn, tôn tạo; những toan tính dựa trên lợi ích nhiều hơn khiến cho tình cảm xóm giềng “tối lửa tắt đèn” co lại và sự thấu hiểu, cảm thông cũng phai nhạt dần; vấn nạn thực phẩm bẩn trở nên nhức nhối khi người nông dân thản nhiên kiếm lời trên sức khoẻ đồng loại, dựa trên các loại chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, sản xuất; môi trường ngày càng ô nhiễm do rác thải ứ đọng và không được xử lý đúng phương pháp. Rồi thì tệ nạn xã hội, bạo hành, bạo lực gia đình hay thực trạng sinh con thứ 3 trở lên; các hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội; kết quả xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững... Tất cả đang là những nan đề nhức nhối đằng sau các cánh cổng làng, kể cả những làng văn hóa đã được công nhận và công nhận lại.

Cũng chính sự “biến dạng” ấy mà nhiều người đang băn khoăn tự hỏi, liệu văn hóa làng có còn là cốt cách, là hồn vía của văn hoá dân tộc? Và nếu phải thì nó đang tồn tại, vận động, biến đổi và phát triển như thế nào trong xã hội hiện đại? Khi xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới, hẳn là không phải ngẫu nhiên mà văn hóa được “ưu ái” hơn khi có tới 2 tiêu chí số 6 và 16. Điều này có lẽ xuất phát từ vai trò, ý nghĩa và giá trị của văn hóa nói chung – “nền tảng tinh thần của xã hội” và văn hóa làng nói riêng – với tư cách là cơ sở của văn hóa dân tộc, thậm chí là sự phản chiếu của chiều sâu về trình độ phát triển của văn hóa dân tộc. Cũng vì lẽ đó mà không quá khi nói rằng, một “cái lõi” của nông thôn mới phải là văn hóa. Mục 5, Thông tư 12/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn danh hiệu làng văn hóa, bao gồm một hệ thống các tiêu chí (5 nội dung), mà nếu thực hiện đúng, đủ sẽ cho ra đời những làng văn hóa toàn diện, làm cơ sở cho việc xây dựng nên những làng văn hóa nông thôn mới. Tuy nhiên, quá trình triển khai tại cơ sở lại đang gặp phải không ít khó khăn. Ví như, việc không đưa ra các quy định riêng cho khu vực miền núi đối với các tiêu chí như “tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh”, “thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của tỉnh”, hay “ứng dụng khoa học kỹ thuật, hợp tác và liên kết phát triển sản xuất”... không chỉ là những tiêu chí khó đối với các huyện nghèo, huyện miền núi; mà còn khiến cho việc xây dựng làng, bản văn hóa chưa thể đi vào thực chất và hiệu quả.

Là người đã bỏ nhiều thời gian kỳ công tìm hiểu, nghiên cứu sự hình thành các làng và văn hóa làng xứ Thanh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Anh Nhân cho rằng, để hiểu và xây dựng làng văn hóa một cách khoa học, có bài bản thì việc nghiên cứu văn hóa làng là một nhu cầu tất yếu. Đồng thời, việc lấy làng làm đơn vị để nghiên cứu văn hóa dân tộc cũng là thể hiện quan điểm kế thừa, phát huy vốn văn hóa truyền thống, lấy đó làm điểm tựa chính để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhằm xây dựng văn hóa nông thôn Việt Nam theo định hướng dân tộc – khoa học – đại chúng. Cũng theo tác giả này, “có một văn hóa làng xứ Thanh” được thể hiện trong cuộc sống tinh thần sôi động, bền bỉ trong các làng xứ Thanh trải từ thời tiền sử tới nay, tích tụ, bồi đắp và sáng tạo để trở thành những biểu hiện cụ thể mang màu sắc văn hóa nông nghiệp, với đặc tính vừa giản dị vừa đa dạng, bởi nó chính là sự tổng hòa giữa cái chung và cái riêng của từng đơn vị văn hóa làng.

Bởi, cơ sở kinh tế - xã hội có sự biến đổi, cho nên, cùng với sự xuất hiện các nhân tố mới, khó tránh khỏi việc kéo theo các nhân tố tiêu cực cùng nảy sinh. Song, cũng bởi có sự tồn tại của “một văn hóa làng xứ Thanh”, nên tin tưởng rằng, văn hóa cổ truyền với những nét đẹp trong phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, tập tục lễ nghi, lối giao tiếp ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội, khả năng sáng tạo văn học nghệ thuật, tính cách tâm lý cộng đồng... vẫn đang được bảo lưu trong xã hội hiện đại, dưới nhiều hình thức. Vấn đề là làm thế nào khơi dậy các giá trị đẹp, để nó hoàn toàn lấn át và dần loại bỏ đi những tiêu cực đang tồn tại sau cánh cổng làng?


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]