(Baothanhhoa.vn) - Với những người yêu mến nước Pháp và văn hóa Pháp, những ngày này, hẳn vẫn còn bàng hoàng trước sự việc Nhà thờ Đức Bà Pari bị ngọn lửa thiêu đốt. Nhiều người đã không khỏi tiếc nuối cho một tuyệt tác kiến trúc nghệ thuật có tuổi đời trên 800 năm và là một trong những biểu tượng của văn hóa Pháp. Nhưng hẳn nhiều người sẽ càng ngạc nhiên khi biết, tuyệt tác kiến trúc ấy có được tầm phổ quát rộng khắp trên thế giới, không thể không nhắc đến công lớn của các tác phẩm nghệ thuật, văn chương liên quan đến nó. Điều này hẳn đủ để lý giải cho một sự việc khá hy hữu, xảy ra ngay sau vụ hỏa hoạn, đó là kiệt tác “Nhà thờ Đức Bà Pari” bỗng trở thành tác phẩm bán chạy nhất thời điểm hiện tại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sách với cuộc sống

Với những người yêu mến nước Pháp và văn hóa Pháp, những ngày này, hẳn vẫn còn bàng hoàng trước sự việc Nhà thờ Đức Bà Pari bị ngọn lửa thiêu đốt. Nhiều người đã không khỏi tiếc nuối cho một tuyệt tác kiến trúc nghệ thuật có tuổi đời trên 800 năm và là một trong những biểu tượng của văn hóa Pháp. Nhưng hẳn nhiều người sẽ càng ngạc nhiên khi biết, tuyệt tác kiến trúc ấy có được tầm phổ quát rộng khắp trên thế giới, không thể không nhắc đến công lớn của các tác phẩm nghệ thuật, văn chương liên quan đến nó. Điều này hẳn đủ để lý giải cho một sự việc khá hy hữu, xảy ra ngay sau vụ hỏa hoạn, đó là kiệt tác “Nhà thờ Đức Bà Pari” bỗng trở thành tác phẩm bán chạy nhất thời điểm hiện tại.

Sách với cuộc sống

Luôn đề cao vai trò của sách và văn hóa đọc trong nhà trường cũng như cộng đồng.

Ai đã từng đọc qua những trang văn thấm đẫm tình yêu, cái đẹp và tinh thần nhân đạo của đại văn hào Victo Huygô, cũng sẽ nảy sinh tình cảm yêu mến đặc biệt dành cho công trình kiến trúc cổ kính và tráng lệ bậc nhất Pari, như dành cho những số phận, những con người vốn gắn chặt với tòa nhà. Có thể nói, tác phẩm kinh điển đã góp phần đưa Nhà thờ Đức Bà đến với công chúng toàn thế giới. Tuy văn học bắt nguồn từ những vấn đề của hiện thực đời sống, song, tính chân thực và giá trị của một tác phẩm văn học lại nằm ở chiều sâu tư tưởng và đặc biệt là khả năng kiếm tìm cho con người những điểm tựa trong cuộc sống. Bởi vậy, những đỉnh cao văn chương nghệ thuật có sức mạnh kỳ diệu trong việc khơi dậy trong mỗi người những cảm nhận trước cái đẹp, sự cao cả, tinh thần trách nhiệm và thậm chí là những khát vọng lớn lao vượt ra ngoài nghịch cảnh.

Có lẽ là chủ quan khi nói rằng, cảm xúc mà ta bộc lộ hàng ngày vốn là hệ quả từ những va đập của đời sống và hình như phần đa là nỗi lo sợ. Ta lo khi công việc không hoàn thành, lo các mối quan hệ bị tổn thương, lo cả quá khứ ám ảnh... Và rồi, từ nỗi lo sợ có lúc hiện hữu, có khi mơ hồ ấy mà có nhiều khi ta trở nên căng thẳng, mệt mỏi, cáu giận, buồn chán, ích kỷ, vô cảm, thậm chí trở nên tuyệt vọng khi không tìm được niềm vui sống. Bởi cuộc sống thường nhật không cho ta quá nhiều khoảng không để bộc lộ những cảm xúc tốt đẹp, tươi mới; hay để nắm bắt từng cảm xúc mong manh, tinh tế và phức tạp, đang nảy nở trong tâm hồn. Và, sách mà cụ thể là văn chương, có thể mang lại cho ta tất cả những cung bậc của cảm xúc, của tình cảm bằng sự thăng hoa và đơn giản hóa của nghệ thuật.

Đương nhiên, sách không phải là giải pháp vạn năng cho mọi vấn đề của đời sống. Song, cái “phát minh vĩ đại” của con người này chưa bao giờ khiến ta thất vọng trên hành trình tìm kiếm cái đẹp, sự cao cả, lẽ công bằng, lòng vị tha, tinh thần bác ái, đề cao các giá trị con người và ngợi ca vẻ đẹp cuộc sống. Như lời cha đẻ của tuyệt phẩm “Nhà thờ Đức Bà Pari”, thì cũng bởi “Nhờ có sách mà người khôn ngoan tìm thấy niềm an ủi lớn trong vũng nước cuộc đời”. Đời người là một cuốn sách và trong cuốn sách cuộc đời mà ta đang lật giở từng ngày ấy, có bao nhiêu phần được dành cho niềm khao khát vỗ về và dưỡng nuôi tâm hồn? Nếu có, thì thật may mắn làm sao. Vậy hãy để cho sự may mắn ấy được thỏa mãn bằng những cuốn sách hay, những câu chuyện đẹp đã được nghệ thuật hóa. Ví như câu chuyện tình yêu đau đớn mà chàng gù xấu xí Quasimodo dành cho nàng Esméralda xinh đẹp. Dẫu đã cách ngày nay nhiều thế kỷ, song nó vẫn có thể đánh thức trong tâm hồn ta những tình cảm ấm áp và dịu dàng; vẫn khiến ta căm giận thế lực bóng tối xấu xa núp bóng các giá trị thời đại; vẫn khiến ta có niềm tin về cuộc sống, về tình yêu, về tình người và những chân giá trị tốt đẹp của cuộc đời này.

Trong đời mỗi người, có mấy ai lại chưa một lần đọc một, một vài, vài chục, vài trăm, thậm chí là vài nghìn cuốn sách. Trong số đó, có những cuốn chẳng đọng lại điều gì sau khi ta đóng sách lại. Nhưng cũng có những cuốn ta tìm thấy được điều gì đó ý nghĩa, để vá víu, để sửa sang lại những lệch lạc của tâm trí, thậm chí có thể cho ta một sức mạnh để sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Để trả lời cho câu hỏi, thế nào là một cuốn sách hay, hẳn người ta sẽ liệt kê ra vô số điều kiện đủ sức thuyết phục. Đương nhiên, không phải cứ được đánh giá là hay thì tất yếu sẽ phù hợp và có ý nghĩa với số đông độc giả. Bởi, với mỗi người, cái hay của một cuốn sách có đôi khi lại phụ thuộc vào cách họ cảm nhận, vào năng lực thẩm mỹ, hay bản thân cuốn sách ấy có phù hợp với sở thích, yêu cầu hay mục đích họ kiếm tìm hay không.

Song, một cuốn sách hay đương nhiên phải là những tác phẩm nghệ thuật – văn chương, hay những công trình nghiên cứu, khảo cứu chuyên sâu trên mọi lĩnh vực, được đánh giá cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật hay có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học. Những tác phẩm ấy khác hoàn toàn với những cuốn truyện ngôn tình kiểu mì ăn liền, hay huyền huyễn vô thưởng vô phạt. Vài năm gần đây, khái niệm “văn học mạng” bỗng trở nên rất hot, thậm chí trở thành một trào lưu hay một kiểu “văn hóa đọc” của một bộ phận độc giả, nhất là giới trẻ. Không phủ nhận những ích lợi mà sách điện tử mang lại, song, chất lượng của cái gọi là tác phẩm văn học mạng đang nhan nhản hiện nay, cũng khiến không ít người băn khoăn, lo lắng. Bởi ở đó, văn chương cũng có mà rác rưởi cũng không hề hiếm.

Trở lại với những cuốn sách được xuất bản theo kiểu truyền thống, mà giá trị của nó là tri thức, kinh nghiệm, là trải nghiệm, là bài học, thậm chí là chân lý có khả năng bồi đắp trí tuệ, định hướng nhân cách, dẫn dắt suy nghĩ và hành động của con người. Vấn đề là, liệu chúng ta có mong muốn, có khát vọng được nắm bắt, lĩnh hội và chuyển hóa cái kho tri thức ấy trở thành tài sản riêng cho mỗi người hay không? Điều này vừa phụ thuộc vào cá nhân mỗi người, cũng đồng thời phụ thuộc vào môi trường ta đang sống. Nước Nhật được xem là một trong những quốc gia có văn hóa đọc vô cùng phát triển bậc nhất hiện nay. Đọc sách trở thành một thói quen, một nhu cầu, thậm chí là thú vui hay một liệu pháp tinh thần của người Nhật. Song, tất cả không bỗng dưng mà có. Văn hóa đọc của người Nhật xuất phát từ truyền thống trọng sách vở, cũng chính là đề cao văn hóa của nước Nhật từ xa xưa. Cũng từ truyền thống ấy mà nước Nhật đã sớm đề ra những đạo luật, chính sách, tổ chức, phong trào cụ thể, nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong mỗi người – bắt đầu từ đứa trẻ, ra toàn xã hội. Từ đó, mỗi người dân của đất nước mặt trời mọc được xây dựng ý thức đọc sách từ tấm bé, cũng như được nuôi dưỡng niềm đam mê với sách trong môi trường xã hội luôn đề cao, coi trọng sách. Câu chuyện của nước Nhật hẳn đã cho Việt Nam không ít bài học quý. Vấn đề là kinh nghiệm ấy được vận dụng ra sao, để một nước Việt Nam có nền văn hiến lâu đời, sẽ trở thành một quốc gia trọng sách và có nền văn hóa đọc thấm sâu vào đời sống nhân dân.

Còn với mỗi người, sao không thử một lần thỏa hiệp với smartphone và cầm lấy một cuốn sách, ít nhất là cuốn đáp ứng mục đích trước mắt, để thấy, cạnh thế giới thực ta đang sống và cả thế giới ảo ta say sưa mỗi ngày, vẫn còn một thế giới tinh thần sống động, thú vị và tràn đầy hứng khởi chờ đợi được ta khám phá và trải nghiệm.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]