(Baothanhhoa.vn) - Trong diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang  của dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa hầu như chưa hề chia tách kể từ bộ Cửu Chân, một trong mười lăm bộ thời các Vua Hùng. Ngay trong thời kỳ phong kiến tự chủ, phủ Thanh Hóa thời Lý, năm  1029 (Thiên Thành thứ hai) được định danh, trải qua các triều đại có lúc Thanh Hóa thời Lý được đổi thành Thanh Đô, Tây Đô, Thanh Hoa, rồi lại trở về với cái tên tỉnh Thanh Hóa (năm Thiệu Trị - 1843) và tồn tại đến ngày nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sắc thái văn hóa tỉnh Thanh trong dòng chảy văn hóa Việt

Trong diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa hầu như chưa hề chia tách kể từ bộ Cửu Chân, một trong mười lăm bộ thời các Vua Hùng. Ngay trong thời kỳ phong kiến tự chủ, phủ Thanh Hóa thời Lý, năm 1029 (Thiên Thành thứ hai) được định danh, trải qua các triều đại có lúc Thanh Hóa thời Lý được đổi thành Thanh Đô, Tây Đô, Thanh Hoa, rồi lại trở về với cái tên tỉnh Thanh Hóa (năm Thiệu Trị - 1843) và tồn tại đến ngày nay.

Sắc thái văn hóa tỉnh Thanh trong dòng chảy văn hóa Việt

Lễ hội Lam Kinh 2018. Ảnh: Lê Công Bình

Xứ Thanh là một vùng địa lý, tự nhiên - văn hóa có tính tương đối khu biệt nằm giữa Bắc bộ và Bắc Trung bộ, qua giao lưu, tiếp biến miền đất này từng in dấu về đời sống vật chất, tinh thần của người dân Việt, đồng thời vẫn lưu giữ được những yếu tố văn hóa đặc sắc riêng có.

Thanh Hóa được ví như hình ảnh của đất nước Việt Nam thu nhỏ. Miền đất có truyền thống lịch sử lâu đời, xuyên suốt từ đồ đá cũ sơ kỳ (núi Đọ), thời kỳ đá cũ (hang Con Moong), đá mới (Đa Bút), tiền kim khí (Hoa Lộc), đồng thau (Đông Sơn); thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ xứ Thanh luôn là “sân khấu chính trị” của các thời đại. Những anh hùng hào kiệt như: Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi...; Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Lê Thánh Tông, Lương Đắc Bằng, Đào Duy Từ... không chỉ làm rạng danh xứ Thanh mà còn là niềm tự hào của dân tộc, biểu hiện cho những giá trị văn hóa Việt và sắc thái văn hóa xứ Thanh.

Cùng sông Hồng, sông Mã xứ Thanh cũng góp phần làm cho văn minh Việt phát triển rực rỡ với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Với vị trí mở, nơi giao lưu của các luồng văn hóa, Thanh Hóa từ xa xưa là nơi gặp gỡ và thông thương với nhiều nền văn hóa. Miền quê xứ Thanh là đất “thang mộc”, đất “quân vương” của các đời vua, chúa suốt từ Tiền Lê, Hồ, Hậu Lê, Trịnh, Nguyễn... Xứ Thanh là kinh đô của các triều Hồ (Tây Đô), Lê Trung hưng (Vạn Lại, Yên Trường), đất kinh kỳ ấy đã đem đến cho xứ Thanh sự ảnh hưởng văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của các thời đại phong kiến, thể hiện sắc thái văn hóa xứ Thanh lan tỏa và hòa quyện vào văn hóa Việt. Từ nhiều thế kỷ trước, những lưu dân xứ Thanh đã theo vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn... ra Bắc, vào Nam tiên phong giữ vững cương vực đất nước, mở mang bờ cõi, mang theo những sắc thái văn hóa tỉnh Thanh đến vùng đất mới.

Là đất phát vương của các triều đại Tiền Lê, Hồ, Hậu Lê, Trịnh, Nguyễn, chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa cung đình và du nhập kiểu cách, lối sống của kinh đô, thế nhưng xứ Thanh còn lưu giữ lại nhiều yếu tố văn hóa Việt cổ của cha ông suốt chiều dày lịch sử dựng nước và giữ nước.

Nếu như châu thổ Bắc bộ là cái nôi hình thành dân tộc Việt thì đồng bằng sông Mã cũng lưu giữ những câu chuyện cổ về ông khổng lồ đào sông cõng núi, mở xóm dựng làng, làm nên non sông đất Việt với truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh của Bắc bộ còn in ở đất này với tục thờ thần núi Tản; thờ Thánh Gióng ở núi Sóc –Vĩnh Lộc, ở làng Ngô Thạch Lập, Ngọc Lặc; truyền thuyết và đền thờ An Dương Vương và Trọng Thủy ở Quảng Xương - Tĩnh Gia; truyền thuyết Vọng Phu (núi Nhồi - Đông Sơn )... theo dòng chảy của văn hóa Việt đến xứ Thanh, in đậm trong tâm thức người dân nơi này.

Thanh Hóa là cái nôi của làng xã cổ truyền, những tên gọi về làng: Kẻ Rị, kẻ Chè, kẻ Lào, kẻ Trường, kẻ Mom..., Ngô xá, Mao xá, Mai xá, Lê xá... và trang, hương, phường, vạn... tên gọi cổ xưa đến nay vẫn được người dân sử dụng.

Tìm về ngôn ngữ Việt cổ, giới nghiên cứu bao giờ cũng lưu tâm tới Thanh Hóa. Cố GS Trần Quốc Vượng từng nhận xét: “Người xứ Thanh có một cách phát âm tiếng Việt khó lẫn, không nhẹ lướt như tiếng Hà Nội xứ Bắc, không nặng - lặng trầm như tiếng Nghệ - xứ Trung. Xứ Thanh là sự mở đầu của “mô - tê - răng - rứa”, của miền Trung, dân Hà Nội phải nghe lâu và phải học thì mới biết được”.

Trên đất nước ta có bao nhiêu tôn giáo, tín ngưỡng thì xứ Thanh đều hội đủ. Tín ngưỡng thờ Mẫu rất đa dạng như thờ mẹ Âu Cơ, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thiên, Mẫu Thoải... Nơi đây nổi tiếng với “đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”, ngoài ra trên đất Thanh còn có 48 điểm thờ Liễu Hạnh - Mẫu nghi thiên hạ.

Đặc biệt, Thanh Hóa là địa phương duy nhất phát tích Nội Đạo Tràng (Đạo Đông). Đó là hình thức tín ngưỡng khá độc đáo có từ thời Lê Trung hưng. Thần Độc Cước - vị thần một chân. Cả nước có 300 điểm thờ Thần Độc Cước thì riêng Thanh Hóa đã có 53 điểm thờ thần. Sầm Sơn là nơi phát tích và đền thờ có vết chân thần. Vùng núi và đồng bằng thờ Cao Sơn - Thần núi với 414 làng thờ; vùng biển thờ Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục có 72 đền, thờ Tứ vị Thánh Nương có 94 đền. Dù giao thoa, tiếp biến về văn hóa, tín ngưỡng với cả nước và khu vực, song tín ngưỡng, tâm linh của người dân đất này mang đậm sắc thái xứ Thanh.

Sắc thái văn hóa tỉnh Thanh trong dòng chảy văn hóa Việt

Trò Xuân Phả.

Xứ Thanh là cái nôi của trò diễn. Trò Xuân Phả với các vương triều Hậu Lê và đã được dân gian hóa. Các trò: Ngũ Bôn, trò Chiềng, trò Rủn, múa Đèn...; Poồn poông, Kin chiêng boọc mạy, múa rùa, múa bát, múa chuông... phản ánh lịch sử, phong tục tập quán của người dân nơi đây trong diễn trình lịch sử dân tộc.

Thuộc khu vực Bắc Trung bộ không phải với những cánh đồng quanh năm ăm ắp nước như đồng bằng sông Hồng, song nơi đây vẫn có rối nước, rối cạn. Trò Chuộc, xã Thiệu Tiến, Thiệu Hóa; rối Nam Ngạn diễn các tích truyện đặc sắc.

Thanh Hóa miền đất của dân ca, dân vũ phong phú đa sắc màu. Dân ca xứ Thanh là điểm hội tụ và giao thoa của văn hóa Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Sông Mã chảy qua nhiều tỉnh rồi đổ về biển cả, nhưng chỉ có ở xứ Thanh mới có điệu hò sông Mã, chở “câu hò ướt đẫm mồ hôi/ bao đời vẫn đẩy trăng trôi với thuyền” loại dân ca sông nước độc đáo. Dân ca Đông Anh với lời ca đắm say “lên chùa bẻ một cành sen/ ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” kết hợp hát - múa, phản ánh cuộc sống, lao động vất vả nhưng phơi phới lạc quan yêu đời, yêu người.

Hát tuồng là hình thức sân khấu cổ độc đáo ở Thanh Hóa. Hát tuồng đã theo Đào Duy Từ vào miền Trung, sáng tạo ra tuồng Huế và hát bội vùng xứ Quảng. Xứ Thanh là một trong những cái nôi của ca trù, còn gọi là hát ca công, hát cửa đình. Những làng hát ca công nổi tiếng đến nay vẫn phát huy như: Ngọc Trung (Thọ Xuân), Bái Thủy (Yên Định), Hoa Trai (Tĩnh Gia)... Xứ Thanh có các hình thức hát chèo: Chèo cạn Hoằng Phượng, Phú Khê, Quỳ Chử (Hoằng Hóa); chèo Chải ở Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa; chèo thờ làng Mưng (Nông Cống); diễn Chèo trong đám ma ở miền núi Cẩm Thủy, Bá Thước... Nơi đây còn có hát khúc Tĩnh Gia mang sắc thái riêng, lại vừa phảng phất hát ví Nghệ Tĩnh và hát xoan Phú Thọ.

Xứ Thanh từ xưa đã nổi tiếng với nghề đúc đồng với nghệ thuật trống đồng đạt tới đỉnh cao của văn hóa Đông Sơn. Đến nay, thợ đúc đồng Trà Đông (Thiệu Trung, Thiệu Hóa) vẫn phát huy nghệ thuật cổ truyền đặc sắc của ông cha. Nghề chế tác, chạm khắc đá được thợ đá An Hoạch (làng Nhồi, Đông Sơn) từng xây dựng thành đá Tây Đô, nhà thờ đá Phát Diệm, hệ thống tượng,... kết tinh những nét tinh tế của nghệ thuật đá Việt, Chăm, Ấn Độ... ngày nay vẫn được phát huy.

Miền núi với địa bàn rộng lớn, tạo cho xứ Thanh sự đa dạng về văn hóa. Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường và “Khăm Panh” của người Thái khá nổi tiếng. Các dân tộc ở Thanh Hóa vẫn duy trì dấu ấn của Văn hóa Đông Sơn với nghệ thuật thêu dệt hoa văn thổ cẩm, sử dụng âm nhạc cồng chiêng, văn hóa ẩm thực...

Cùng với di sản văn hóa dân gian, di sản văn hóa bác học với những tên tuổi như: Ngô Chân Lưu, Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ..., các nhà văn hiện đại và tác phẩm của họ đã góp phần làm cho văn hóa Việt phát triển và lan tỏa.

Thanh Hóa miền đất mở, hội nhập giao lưu, tiếp biến văn hóa tái tạo nên những giá trị mới, làm nên sắc thái văn hóa tỉnh Thanh. Sắc thái văn hoa xứ Thanh ấy vừa hòa vào dòng chảy văn hóa Việt nhưng vẫn lưu giữ được những dấu ấn bản địa, góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam đa dạng mà thống nhất.

TS Hoàng Minh Tường

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]