(Baothanhhoa.vn) - Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những người thợ xảm vẫn đam mê, thủy chung với nghề truyền thống của cha ông để lại, góp phần hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi niềm người thợ xảm

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những người thợ xảm vẫn đam mê, thủy chung với nghề truyền thống của cha ông để lại, góp phần hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thợ xảm xã Ngư Lộc (Hậu Lộc).

Nghề của sự tận tâm

Về quê, tôi theo bố đến xưởng đóng thuyền của anh Bùi Văn Khanh, ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc. Anh Khanh và bố tôi đều là thợ xảm, xảm chiếc thuyền cao trên 5m, dài 30m đang nằm trên ụ. Chiếc thuyền đã qua hai tháng đóng, giờ đây còn khoảng hơn một tháng để hoàn thiện.

Bố cho tôi biết về cấu tạo và các bước để đóng một con thuyền, trong đó có công việc của những người thợ xảm (sửa tàu, thuyền). Bố kể, nghề xảm luôn lệ thuộc vào một thứ nguyên liệu là ruột tre già cạo mỏng, còn gọi là xơ hoặc xảm. Muốn có xảm, người ta cưa tre già thành từng ống rồi dùng dao bén cạo trên ống tre lấy ra từng lớp xơ mỏng. Công việc này kéo dài nhiều ngày, gần như quanh năm, nếu có tre. Khi được một lượng xảm nhất định rồi, người ta phơi xảm trong nắng tốt, thường xuyên canh chừng mưa. Chỉ cần xảm thấm phải một ít nước mưa, xảm sẽ đen và mục ra. Phơi xảm qua hai nắng thì người ta dùng chân đạp, đạp đến khi tơi như bông vải. “Bây giờ nguời ta dùng máy cán, chẳng còn ai đạp chân nữa. Chỉ cần qua hai lượt cán, xảm đã tơi nhuyễn. Xảm thường được nhập từ nơi khác về chứ thợ mình không làm được xảm chuẩn”, bố tôi cho biết.

Xảm khi về đến nơi, được thợ dùng con chạm mỏng lưỡi, nhét vào khe hở trên thân con thuyền, trước khi quét lên đó một thứ keo đặc pha trộn giữa dầu trẩu (dầu của cây trẩu) và vôi hàu. Vôi hàu, là thứ bột được xay nhuyễn từ vỏ hàu khô. Vôi hàu xay nhỏ trộn dầu trẩu rất bền, khó có thứ keo nào bền hơn. Keo bám vào vỏ gỗ, giữ cho lớp xảm bên trong khe hở không bong ra để nước không len được vào thuyền.

Vừa trò chuyện với bố, tôi vừa quan sát thấy anh Khanh lấy mẫu xảm, dùng con chạm nhét xảm vào khe hở của hai tấm ván thuyền. Công việc lặp đi lặp lại đến hết ngày, nhưng đó mới chỉ là một phần của công việc xảm. Việc xảm chỉ hoàn thành khi mà toàn bộ khe hở của chiếc thuyền đã được trét keo, giống như khi ta vá xong chiếc áo... Công việc không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ càng, để cho chiếc thuyền ra khơi không bị nước vào.

Được biết, gia đình anh Khanh có tới ba đời “kiếm cơm” từ nghề xảm và riêng anh Khanh tuy còn trẻ nhưng cũng đã có thâm niên gần 20 năm gắn bó với nghề. Nói về “lý lịch nghề” của riêng mình, anh Khanh cho biết, ngay từ khi còn nhỏ, anh đã được chứng kiến ông nội và cha làm nghề, những đường vân gỗ, chiếc rìu, chiếc búa, cây đinh và hình dáng những con tàu, thuyền đã ăn sâu vào máu thịt lúc nào không biết, để rồi “cơ duyên” của nghề gắn bó với anh cho tới bây giờ.

Tương lai nghề xảm

Theo lời giới thiệu của những thợ xảm, tôi tìm đến nhà ông Tô Tiến Dũng (sinh năm 1960), một thợ xảm lão luyện ở xã Ngư Lộc. Dù lúc đó đã tối muộn, nhưng ông Dũng vẫn đang làm việc bên chiếc thuyền. Nếu không được giới thiệu từ trước thì tôi không nghĩ rằng người đàn ông với làn da nâu rắn rỏi, tay cầm chiếc búa đục, gõ điêu luyện vào chiếc tàu gỗ đã gần tuổi 60. Ông Dũng mở đầu câu chuyện: “Gần 50 năm qua, tôi vẫn luôn gắn bó với nghề xảm tàu. Khi đã sống gần hết cuộc đời với nghề thì ngày nào không đi làm là tôi lại nhớ nghề. Nó như bữa ăn hằng ngày vậy, cứ đến buổi là phải cầm lấy đồ nghề để làm. Từ lúc tôi còn bé xíu đã đi theo cha làm nghề, đến nay, tôi lại truyền cho đứa con trai, coi như giữ một nghề truyền thống không chỉ của gia đình mà là của cả làng, của xã”.

Theo lời ông Dũng, nghề đóng thuyền ở Ngư Lộc từng có một thời cực thịnh. Đó là cách đây gần 2 thế kỷ, một chi của họ Vũ từ Nghệ An ra Diêm Phố làm ăn sinh sống đem theo cả nghề đóng sửa thuyền phục vụ cho nghề cá địa phương và một số làng lân cận. Ngày đó, dọc triền đê biển Ngư Lộc lúc nào cũng âm vang tiếng búa, tiếng cưa, tiếng gỗ dọc và nhộn nhịp cảnh đi lại của hàng trăm thợ thuyền. Nghề đóng thuyền bắt đầu thu hẹp từ năm 2000 trở đi, khi rừng Thanh Hóa không còn cây gỗ lớn. Các xưởng thiếu gỗ, rồi thiếu việc làm, dần dần chủ xưởng bán tài sản để chuyển sang nghề khác. Nhưng vẫn còn nhiều chủ xưởng quyết tâm giữ nghề, họ sang các tỉnh lân cận mua gỗ nhưng không phải lúc nào cũng được gỗ tốt và đủ như khi Thanh Hóa còn rừng. Và đó cũng là thời điểm bố tôi thường xuyên hết việc, phải ở nhà. Nhiều lúc nhớ nghề, bố lại thơ thẩn ra đê ngồi ngắm những thân tàu hỏng nằm bất động trên đê, lũ trẻ con trèo lên đùa nghịch bên dưới. Ông Dũng thường phải động viên cánh thợ xảm kiên trì theo nghề bằng câu nói: “Ai bỏ việc, tìm việc mới thì tìm, nhưng mấy chú phải kiên trì giữ lấy nghề, bởi nghề xảm rất cần cho việc đóng, sửa tàu. Nếu không có người làm xảm thì những con thuyền của ngư dân bị hư hỏng biết lấy ai “vá” lại”.

Ông Dũng cho biết thêm, không chiếc thuyền đi biển nào mà không làm nước (sửa chữa), mà đã làm nước thì cần đến xảm. Thường thì sau 5 năm hạ thủy, thuyền vỏ gỗ mới bắt đầu được chủ thuyền cho “nghỉ ngơi”, tu sửa lại. Tùy theo tuổi thọ, mức độ hư hỏng của tàu thuyền mà có các phương án cải tạo khác nhau. Nếu qua 5 năm sử dụng thì tiểu tu, 10 năm thì trung tu và nhiều hơn thế thì đại tu. Thế nhưng, cũng có khi vì những bất trắc như va vào tàu khác hay chịu ảnh hưởng của gió bão mà tàu thuyền hư hỏng sớm hơn. Lúc đó, để tàu thuyền ra khơi an toàn, chủ thuyền sẽ phải nhờ tới những người thợ “vá” tàu “tân trang” lại cho “ngôi nhà di động” của mình.

Ông Dũng nhận định: “Mặc dù nghề xảm hiện tại đang có việc làm nhưng tương lai lâu dài chắc khó giữ được nghề”. Nguyên nhân, gỗ đóng thuyền phải đi rất xa mới mua được nên giá thành đội lên cao, làm con thuyền đóng mới tại Ngư Lộc cao hơn các tỉnh lân cận rất nhiều... Có thời điểm hầu như những xưởng đóng thuyền còn lại của Ngư Lộc đều phải mua gỗ giá cao từ Mi-an-ma khi mà gỗ bên Lào trục trặc. Giá gỗ vì vậy cao ngất ngưởng, chiếm hơn 1/3 giá trị con thuyền mới đóng.

Cây săng lẻ, táu, sến làm khung thuyền trước đây sẵn có trong rừng nay phải tìm cách thay thế bằng các loại cây khác mà độ chắc không bằng trước, kể cả khi phải “lộng” (cưa theo hình vẽ, kích thước, quy cách) từ gỗ thành phẩm ra. Các trại thuyền vì thế ít mối hàng đi. Không có trại nào mà không có ụ thuyền bỏ trống. Nhiều chủ trại bây giờ phải xoay qua làm nhiều nghề phụ. “Nghề xảm đi cùng nghề đóng thuyền. Khi thuyền đóng tại Ngư Lộc ngày một ít đi thì xảm chỉ còn dựa vào số thuyền sửa chữa. Mới đây, nghe nói, ở một vài nơi áp dụng khoa học kỹ thuật, thay xảm bằng loại xơ hóa học, cũng như chuyển sang đóng vỏ tàu sắt thay dần tàu vỏ gỗ. Nghề xảm không biết tồn tại được bao nhiêu lâu” - ông Dũng mắt đượm buồn, nhìn xa xăm.

Khi hỏi về việc truyền nghề cho lớp trẻ, ông Dũng nói: “Bọn trẻ bây giờ thấy nghề này suốt ngày nhớp nháp, bụi bặm, lom khom dưới mấy thân tàu nên có đứa nào chịu theo đâu! Chỉ có mấy ông già như chúng tôi làm thôi. E rằng chúng tôi mất đi thì nghề này cũng mất theo luôn”. Ông nói chiếc tàu đang xảm đây, đợi khô nắng là vài bữa lại hạ thủy ra khơi. Người thợ sửa tàu chỉ ở trên bờ nhưng mỗi khi thấy chiếc tàu mình “chữa thương” lại ra khơi thì lòng phơi phới.

Hiện nay, lớp thanh niên thường chọn cho mình những nghề có thu nhập cao và nhẹ nhàng hơn nên người làm nghề xảm tàu tại Ngư Lộc không còn nhiều. Nhưng ở đâu đó, những người như bố tôi, ông Dũng, anh Khanh và những thợ thuyền lão luyện khác vẫn đang miệt mài với công việc của mình và đang cố gắng truyền nghề lại cho những lứa con cháu có đam mê với nghề. Những tiếng búa, tiếng gõ vẫn vang lên đều đều. Trong từng tiếng đập ấy có những suy nghĩ, ánh nhìn, đôi tay cần cù của người thợ và một điều quan trọng hơn cả, đó là cái tâm mà họ đặt vào theo từng đường xảm trên thân tàu. Dẫu ở trên bờ, nhưng họ luôn nghĩ đến sự an toàn của ngư dân khi lênh đênh cùng những con thuyền nơi khơi xa.


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]