(Baothanhhoa.vn) - Bao năm qua, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, giếng làng... đã ăn sâu vào tiềm thức, ký ức của mỗi người dân xứ Thanh. Trong nhịp sống hiện đại, tất cả những hình ảnh thân thương, quen thuộc ấy càng được người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn và phát huy hơn bao giờ hết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nơi neo giữ... “hồn quê”

Nơi neo giữ... “hồn quê”

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Lương Trọng Duệ (làng cổ Đông Sơn, TP Thanh Hóa) khoảng hơn 200 năm tuổi có kiến trúc điển hình ở thế kỷ XIX vẫn còn tương đối nguyên vẹn.

Bao năm qua, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, giếng làng... đã ăn sâu vào tiềm thức, ký ức của mỗi người dân xứ Thanh. Trong nhịp sống hiện đại, tất cả những hình ảnh thân thương, quen thuộc ấy càng được người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn và phát huy hơn bao giờ hết.

Theo lẽ tự nhiên, đô thị hóa sẽ dần lan tỏa, tất cả các vùng quê trên mảnh đất xứ Thanh cũng không nằm ngoài dòng chảy phát triển đó. Những khu đất xưa kia là vườn tược, ao đầm, đồng ruộng sẽ được thay thế bằng những khu đô thị mới...; con đường nhựa rộng rãi, bề thế cũng thay thế dần hình ảnh những con đường lầy lội bùn đất xưa kia. Dù cuộc sống có thay đổi thế nào nhưng ở mỗi ngôi làng, mỗi góc phố vẫn neo giữ những hình ảnh thân thương một thuở.

Được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 1.500 di tích văn hóa lịch sử, danh thắng, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ học..., trong đó di sản đình làng chiếm số lượng tương đối lớn. Theo đó, tính đến nay đã có 100 di tích đình làng đã được xếp hạng (cấp quốc gia, cấp tỉnh), bên cạnh đó còn một số di tích đình làng đã được kiểm kê. Thanh Hóa có nhiều ngôi đình nổi tiếng như: Gia Miêu, Động Bồng, Quan Chiêm, Đình Trung... Đình làng không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của mỗi cộng đồng làng mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, là một “chứng nhân” của lịch sử.

Nơi neo giữ... “hồn quê”

Giếng làng là nơi chứa đựng những thông điệp văn hóa của cả một miền quê, là nơi neo giữ hồn quê trong tâm thức mỗi người.

Là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của người dân địa phương, đình làng Đình Trung, xã Yên Dương, huyện Hà Trung được xây dựng vào thế kỷ XVII, là một trong những di tích còn khá nguyên vẹn những nét kiến trúc độc đáo cổ xưa.

Theo các cụ cao niên trong làng, đình làng có thể được xem là “địa chỉ đỏ” của mỗi người, đặc biệt trong những dịp hội làng, hay mỗi khi có việc làng. Lúc đầu, đình chỉ có chức năng như ngôi nhà lớn của cộng đồng, là nơi hội họp, nộp sưu thuế và nơi nghỉ cho khách lỡ đường. Về sau, triều đình phong kiến mới sắc phong cho những vị có công với nước làm Thành Hoàng làng (sống làm tướng, thác làm thần). Vì vậy đình kiêm chức năng nữa là thờ vị Thành Hoàng - người có công khẩn đất, lập làng.

Việc vinh danh, tôn thờ những người có công to lớn đối với làng cùng với vị trí của nơi đặt đình làng và cách thức bày biện nội thất ngôi đình đã làm toát lên vai trò đây là nơi quan trọng bảo vệ, che chở cho mỗi làng trước các biến cố của tự nhiên và đời sống xã hội... Cũng có thời kỳ, đình làng là trụ sở hành chính của chính quyền tựu trung đủ mọi lề thói từ rước xách hội hè, khao vọng quan trên, đón người đỗ đạt...

Đình làng gần như đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng xã. Bên cạnh đó, đình làng cũng là nơi tụ họp mọi người trong các sinh hoạt chung, vốn rất cần cho cuộc sống nông thôn. Chính vì vậy, đình làng trở thành một nơi thân quen gần gũi, là nơi che chở, là nơi ở, là cuộc sống của những người nông dân Việt Nam. Bởi vậy, dù cuộc sống có đổi thay, những người con sinh ra từ làng vẫn muốn giữ gìn hồn cốt quê hương.

Trong tiềm thức của người dân nông thôn, từ xa xưa, cùng với đình, giếng cũng là biểu tượng mang giá trị tinh thần của nhiều làng, xã. Theo quan niệm, giếng làng không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sạch cho đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, mà còn là nguồn tụ “thủy - phúc” của cả làng. Hàng trăm năm trước, mỗi làng khi xây dựng hương ước đều có quy định phải coi trọng, giữ gìn, bảo vệ giếng làng.

Lịch sử hàng nghìn năm phát triển cùng với chiều sâu văn hóa của các làng quê Việt Nam đã cho thấy, ở đâu có giếng làng, ở đó có thiết chế văn hóa làng xã ổn định từ đời này sang đời khác. Trong tổng thể cấu trúc các công trình văn hóa tâm linh ở các làng quê, nếu cây đa có thần, đình chùa có Phật thì giếng nước có thủy thần, chính là thần mẹ nước. Giếng nước tượng trưng cho sự dồi dào, cho sức sống của làng quê.

Giếng thường có hình tròn hoặc hình vuông. Xung quanh giếng và thành giếng được xây bằng gạch hoặc đá ong, có nơi xây bằng đá hộc và thường được đào ở đầu làng. Tại đây, người dân có thể đến lấy nước cho sinh hoạt hoặc ghé lại sau buổi làm đồng, rồi cùng ngồi chuyện trò, tâm sự.

Trong tâm thức của người Việt, giếng không chỉ là con mắt của đất mà còn là trái tim, hồn cốt của làng, của xóm. Trong cuộc sống hiện đại, giếng làng vẫn là công trình mang giá trị văn hóa tâm linh, phản ánh đời sống xã hội của làng quê. Tuy nhiên, trong dòng chảy của đô thị hóa, ở nhiều nơi, giếng làng đã bị lấp đi nhường chỗ cho những công trình mới. Tùy vào chất lượng nguồn nước, vị trí được đào mà mỗi giếng lại được dùng cho một mục đích sinh hoạt khác nhau. Trong cơn bão đô thị hóa hiện nay, liệu có thể giữ được giếng làng?

Mỗi một cái giếng làng đều chứa đựng những thông điệp văn hóa của cả một miền quê. Đó còn là chiếc gương soi rõ những giá trị truyền thống của ngày hôm qua và cả sự phát triển đi lên của ngày mai. Gìn giữ, quý trọng giếng làng... cũng là cách thể hiện sự tôn trọng trước những tài sản quý giá mà cha ông để lại, là nơi neo giữ “hồn quê” trong tâm thức mỗi người.

Hay ngay chính giữa lòng TP Thanh Hóa, ít ai nghĩ rằng có một làng cổ Đông Sơn hàng trăm năm tuổi mang đậm nét cổ kính của một làng quê Việt truyền thống. Từ kết cấu xóm làng, kiến trúc nhà cửa, cổng làng... vẫn mang đậm dấu ấn của một làng quê xưa với những lối đi nhỏ được lát gạch hoặc đá, kết nối các cụm dân cư kiểu xương cá, thuận lợi cho việc đi lại. Các con ngõ như: Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng vẫn còn lưu giữ lại những vết tích của một ngôi làng truyền thống. Nhiều bức tường rêu phong bao phủ, ghi lại dấu ấn của thời gian. Đặc biệt, trong ngôi làng này còn có hơn chục ngôi nhà cổ, trong đó, ngôi nhà cổ của gia đình ông Lương Trọng Duệ khoảng hơn 200 năm tuổi, là ngôi nhà gỗ có kiến trúc điển hình ở thế kỷ XIX còn tương đối nguyên vẹn, có giá trị về mọi phương diện, được gia đình ông Duệ gìn giữ qua nhiều thế hệ và đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh...

Qua bao thăng trầm của thời gian, các công trình, vật thể... vẫn đang được các thế hệ người dân xứ Thanh gìn giữ và bảo tồn. Những thiết chế văn hóa cổ đó không chỉ phục vụ đời sống dân sinh, nuôi dưỡng, hình thành nên những cảm xúc với quê hương của mỗi người mà còn góp phần tạo nên sức mạnh nội lực thắt chặt tình làng, nghĩa xóm!.

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]