(Baothanhhoa.vn) - Nếu biết nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Đàm trước khi cầm máy là một Trưởng phòng văn hóa, Thư ký tòa soạn báo, rồi Giám đốc nhà in Báo, thì những tước hiệu: APIAP (thành viên của tổ chức Nhiếp ảnh quốc tế); ES.VAPA (EspecialArtistofVietnamAssociationofPhotographicArtist: NSNA có cống hiến xuất sắc) sẽ thấy chính năng khiếu và sự tài hoa đã dẫn ông đến với nghề cầm ống kính, với ông, quả đúng là “nghề chọn người”.

“Nơi chim hạc cất cánh” - Chứng nhân văn hóa về một vùng đất

Nếu biết nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Đàm trước khi cầm máy là một Trưởng phòng văn hóa, Thư ký tòa soạn báo, rồi Giám đốc nhà in Báo, thì những tước hiệu: APIAP (thành viên của tổ chức Nhiếp ảnh quốc tế); ES.VAPA (EspecialArtistofVietnamAssociationofPhotographicArtist: NSNA có cống hiến xuất sắc) sẽ thấy chính năng khiếu và sự tài hoa đã dẫn ông đến với nghề cầm ống kính, với ông, quả đúng là “nghề chọn người”.

“Nơi chim hạc cất cánh” - Chứng nhân văn hóa về một vùng đất

Đến nay, với hơn hai chục năm trong nghề bấm máy, NSNA Trần Đàm đã xuất bản 15 cuốn sách ảnh, trong đó có 4 cuốn giành giải xuất sắc của hội NSNA Việt Nam. Từ năm 2001 đến nay, ông đã tổ chức thành công 5 cuộc triển lãm ảnh cá nhân mà mỗi cuộc gắn với một chủ đề với hàng trăm bức ảnh ấn tượng. Đồng hành với từng ấy năm gắn bó với nghề nhiếp ảnh là các giải thưởng danh giá khó mà điểm hết. Sự cống hiến và thành tích ấy đã làm nên tên tuổi bậc lão thành trong nghề nhiếp ảnh ở Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung.

“Nơi chim hạc cất cánh” – một triển lãm ảnh bằng sách đầy ấn tượng

Có thể gọi đây là cuộc triển lãm ảnh trên giấy đầy công phu của NSNA lão thành Trần Đàm. Hạc Thành tức thành phố Thanh Hóa bây giờ - trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh Thanh Hóa qua ống kính Trần Đàm hiện ra sống động, phong phú, đúng là vùng đất linh khí núi sông hội tụ và đang thăng hoa cất cánh trong kỷ nguyên mới.

“Nơi chim hạc cất cánh” - Chứng nhân văn hóa về một vùng đất

Tập ảnh có bố cục đầy ngụ ý: Nơi non nước hữu tình; Diện mạo mới, thành tựu mới và chân dung cuộc sống. “Nơi non nước hữu tình” là nền tảng hữu lý để Chim Hạc cất cánh, theo tôi, đây cũng là phần thành công nhất của tập ảnh. Để chụp được những bức ảnh về phong cảnh cần rất nhiều yếu tố phụ trợ bên cạnh tài năng của nhiếp ảnh gia, như: Chọn tiêu điểm, góc chụp, ánh sáng, giờ vàng… Phong cảnh Hạc thành Hạc phố vốn nổi tiếng từ xưa. Ở phía Bắc và đông Bắc là Thập cảnh Bàn A, Ngũ hoa phong, Ngã ba Bông, Ngã ba Đầu, Hàm Rồng – Núi Ngọc v.v…; phía Tây là dãy An Hoạch kỳ thú với tích nàng Vọng Phu, núi Rồng, núi Hổ chầu phục về trung tâm Hạc thành; phía Đông là dòng sông Mã về đến hạ lưu bỗng trở nên mênh mang, dịu dàng, yểu điệu như thục nữ. Vẫn còn đây thành Tư Phố: Làng Giàng – Dương Xá trên bến dưới thuyền sầm uất một thời; vẫn còn đây làng Hạc Oa nổi tiếng với nghề làm hương; vẫn còn đây làng cổ Đông Sơn đi qua một thời đạn bom vẫn vẹn nguyên những căn nhà, đường xóm, cổng ngõ hàng trăm tuổi; Bến Ngự khi xưa vẫn đón thuyền rồng về thăm quê… Trong khá nhiều những cảnh quan non nước cẩm tú, hữu tình của Hạc Thành xưa đã lọt vào ống kính của nghệ sỹ gạo cội. Một Làng Giàng – Dương Xá dưới thung lũng Ngũ Hoa Phong sầm uất, đô hội thời hiện đại; một không gian Hàm Rồng hào hùng và thơ mộng. Bức ảnh Hàm Rồng một góc nhìnCầu Nguyệt Viên, theo tôi là hai bức ảnh đẹp về nghệ thuật cùng với chiều sâu ý nghĩa. Bức Hàm Rồng một góc nhìn đẹp ở bố cục chặt chẽ với điểm nhấn là cây cầu huyền thoại bên núi Ngọc với cờ tổ quốc hiên ngang. Bức ảnh còn có chiều sâu với ánh sáng xa xa sáng rực ở bờ bên kia của cây cầu cho thấy sức sống mạnh mẽ của vùng đất thép. Màu lửa cũng rất hợp với cây cầu bất khuất này. Chọn chụp cầu Hàm Rồng lúc hoàng hôn có lẽ là lựa chọn sắc sảo của một tay máy kỳ cựu lại hiểu văn hóa quê nhà.

Bức ảnh Cầu Nguyệt Viên cũng là bức có bố cục đẹp. Đôi bờ sông Mã tràn đầy nhựa sống hiện ra vừa cận cảnh vừa toàn cảnh. Những vườn cây xanh mát xen những ngôi nhà cao tầng đầy màu sắc rực rỡ, dòng sông Mã giữa trung tâm bức tranh như dòng sữa trắng ngọt ngào nuôi dưỡng hai triền bờ tươi tốt. Cây cầu được bố cục nghiêng tạo nên một tiêu điểm trung tâm khác, tạo nên cấu trúc hình tam giác với ấn tượng sôi động. Bàn tay, khối óc con người đang cùng với tạo hóa đan dệt nên bản tình ca cuộc sống ở nơi đây. Tôi cũng ấn tượng với hai bức ảnh chụp ngã Ba Bông và Ngã Ba Đầu. Góc ảnh rộng khiến hình ảnh hai nhánh sông giống như đôi cánh chú hạc trắng khổng lồ. Hạc Thành, đó là nơi đất lành chim làm tổ (Hạc Oa). Cách đây hơn hai trăm năm, Hạc Thành chắc chắn còn nhiều đầm nước mênh mông (dấu tích của những đồng sác cổ xưa) và đó là nơi lý tưởng cho loài chim ăn nước sinh tồn. Ngày nay giữa thành phố Thanh Hóa vẫn còn nơi cho cò về trú ngụ và đó chính là đầm Quai Vạc xưa. Đầm này giờ chỉ còn là đầm nước nhỏ được một gia đình có tên là Hiền Hoa thầu để kinh doanh nhà hàng. Rặng tre ở một góc đầm vẫn được cò chọn làm nơi trú ngụ. Bức ảnh “Đất lành” theo tôi cũng là bức ảnh đặc sắc. Kỹ thuật đối xứng kết hợp với điểm nhìn cận cảnh nhân lên độ sum suê, phong phú của đất lành. Tôi cũng rất thán phục khi tác giả chọn “Đất lành” làm ảnh mở đầu và kết thúc cho tập ảnh. Đây không chỉ là bức ảnh thể hiện đầy đủ nhất trình độ và kỹ thuật cao tay của người bấm máy mà còn mang ẩn dụ kín đáo: Vùng đất lành này đã sinh ra và chắp cánh cho bao nhiêu cánh hạc bay lên!

“Nơi chim hạc cất cánh” - Chứng nhân văn hóa về một vùng đất

Phần “Diện mạo mới, thành tựu mới” của tập ảnh cho thấy một Hạc Thành đang cất cánh về phía tương lai. Những thành quả lao động và sáng tạo của con người đã được những cú bấm máy tài tình ghi lại. Tôi ấn tượng nhất với hai píc: Trung tâm thương mại dịch vụ KS VincomĐại lộ Nguyễn Hoàng. Bức Trung tâm thương mại dịch vụ KS Vincom đẹp về bố cục cùng với ý nghĩa biểu tượng. Tòa nhà sừng sững kiêu hãnh với không gian bao quanh là một đô thị hiện đại, xa xa là dãy núi rồng hùng vĩ trấn giữ cho thành phố. Đó là hình ảnh của một đô thị thông minh và hiện đại. Sự tập trung cao trên nền tảng vững chắc là thông điệp của một thành phố trẻ. Đặt cạnh bức Đại lộ Nguyễn Hoàng sẽ thấy rõ hơn ý tưởng trên. Đại lộ chính là đường chỉ dẫn, cũng là tiêu điểm để độc giả ngắm toàn cảnh một khu vực của thành phố. Chiều sâu của bức ảnh cho người xem ấn tượng về sự bề thế, hiện đại của thành phố này. Nhìn chung, tay máy Trần Đàm khá mạnh ở những bức phong cảnh, nhất là những bức cần một sự bao quát rộng lớn.

Phần ba của cuốn sách mô tả một thành phố yên bình với những chân dung con người thân thiện. Một thành phố tươi đẹp là thành phố có nhiều gương mặt tươi vui, thân thiện với chân dung của nhiều người cao tuổi phấn trấn, mãn nguyện, chân dung các học giả, trí thức, người làm vườn, người buôn bản, những nụ cười tươi rói của nam thanh nữ tú, cứ nhìn vào những bức chân dung ấy ta thấy tác giả Trần Đàm đã dùng ngôn ngữ hình ảnh để nói lên một thành phố tươi đẹp, một thành phố đang vươn cao, vươn xa như những cánh chim hạc đang bay về đỉnh cao của nhân loại vậy.

Vĩ thanh

Xem xong tập ảnh, cảm giác thòm thèm, chưa “đã” níu kéo độc giả. Tác giả dường như còn “để dành” để làm thêm tập hai, tập ba cho nơi Chim Hạc cất cánh nữa thì phải. Danh thắng và thành công của Hạc Thành còn nhiều lắm, sự dẻo dai của tay máy gạo cội này cũng còn bền bỉ đã theo sự lớn mạnh của thành phố Thanh Hóa mà ghi lại những khoảnh khắc kỳ diệu ấy. Hy vọng độc giả sẽ còn được chứng kiến những tập ảnh, những triển lãm ảnh mới mẻ của một NSNA giàu sức sáng tạo: Trần Đàm!

GS. TS Hỏa Diệu Thúy


GS. TS Hỏa Diệu Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]