(Baothanhhoa.vn) - Sau đời Lý, bước sang đời Trần và đời Hồ, ở xứ Thanh tiếp tục xuất hiện những nhân kiệt, hiền tài góp phần làm rạng danh quê hương, giữ gìn nền độc lập tự chủ của nước nhà, như Lê Văn Hưu, Trần Khát Chân, Hồ Quý Ly. Dù người đời sau có những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về các nhân vật lịch sử này, nhưng họ chính là những con người tiêu biểu cho một chặng đường lịch sử nhiều cam go của đất nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những nhân kiệt Thanh Hóa thời Trần – Hồ

Sau đời Lý, bước sang đời Trần và đời Hồ, ở xứ Thanh tiếp tục xuất hiện những nhân kiệt, hiền tài góp phần làm rạng danh quê hương, giữ gìn nền độc lập tự chủ của nước nhà, như Lê Văn Hưu, Trần Khát Chân, Hồ Quý Ly. Dù người đời sau có những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về các nhân vật lịch sử này, nhưng họ chính là những con người tiêu biểu cho một chặng đường lịch sử nhiều cam go của đất nước.

Những nhân kiệt Thanh Hóa thời Trần – Hồ

Để tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của những nhân kiệt Thanh Hóa thời Trần Hồ, chúng tôi đã về xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, quê hương của nhà sử học Lê Văn Hưu. Ở xã Thiệu Trung ngày nay có một ngôi đền tuy kiến trúc khiêm nhường, chỉ ba gian tiền đường và một gian hậu cung, nhưng người được thờ là một danh nhân nức tiếng muôn đời. Đó chính là ngôi đền thờ vị Bảng nhãn, người mở đầu biên soạn Quốc sử nước ta – Lê Văn Hưu.

Lê Văn Hưu là cháu bảy đời của Lê Lương, một vị hào trưởng ở đất Ái Châu, đời vua Đinh Tiên Hoàng. Ông đỗ Bảng Nhãn năm 1247, đời vua Trần Thái tông, được giữ chức Học sĩ viện Hàn lâm, kiêm Giám tu quốc sử. Cuối đời được thăng Thượng thư bộ Binh, tước Nhân uyên hầu. Ông đã sống gần trọn một thế kỷ, trực tiếp tham gia chống quân Nguyên Mông lần thứ I năm 1258 và lần thứ II năm 1285. Năm 1272, ông soạn xong bộ Đại Việt sử ký gồm 30 quyển. Bộ sách này ngày nay đã mất, chỉ còn sót lại một số lời bình được Sử gia Ngô Sĩ Liên trích đưa vào bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Qua những lời bình ấy, người đời sau phần nào hiểu được tư tưởng và phong cách của Lê Văn Hưu. Ông là nhà sử học uyên bác, có tinh thần dân tộc cao và phương pháp chép sử vững vàng. Ngoài tài giỏi về lĩnh vực sử học, Lê Văn Hưu cũng có sở trường về những kiến thức địa lý, đã viết sách Địa cảo. Ông có theo dõi và ghi chép về một số vùng, vừa quan sát thiên nhiên, vừa chú ý cả những mạch đất theo cách xem xét địa lý phong thủy ngày xưa. Lê Văn Hưu là thầy giáo, là nhà khoa bảng, nhà văn và nhà sử học đầu tiên của đất nước. Những tấm bia đời sau ghi chép về ông, đều xưng tụng ông là bậc thầy. Lê Văn Hưu mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất (tức ngày 9 tháng 4 năm 1322), thọ 92 tuổi. Ông được an táng ở cánh đồng Mả Giòm, thuộc địa phận xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa. Hiện nay gần bên phần mộ vẫn còn tấm bia được dựng từ thời vua Tự Đức ghi lại tiểu sử và công lao của ông được nhân dân đời đời truyền tụng.

Trong giai đoạn cuối của nhà Trần, triều chính suy yếu, đất nước rối loạn, nhân dân cực khổ muôn phần. Lúc bấy giờ, Trần Khát Chân nổi lên là một vị tướng tài ba cứu dân tộc khỏi họa xâm lăng, bảo vệ bình yên cho đất nước. Trần Khát Chân là người Hà Lãng, phủ Vĩnh Ninh (nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước có loạn lạc, Trần Khát Chân chăm lo rèn văn luyện võ, hăng hái gia nhập quân đội và sớm nổi tiếng là người giỏi võ, lắm cơ mưu. Sau khi lập được công lớn, giết chết vua Chiêm là Chế Bồng Nga, đánh tan quân Chiêm Thành, Trần Khát Chân được phong làm Long Tiệp Phụng Thần Nội vệ Thượng tướng quân, tước Vũ Tiết Quan Nội Hầu. Ông cùng các vị quan công thần nhà Trần âm mưu giết Hồ Quý Ly nhưng chẳng may việc bị bại lộ, Hồ Quý Ly đã xử tử ông cùng với 370 tướng lĩnh, tôn thần nhà Trần. Sử chép rằng khi Trần Khát Chân sắp bị hành hình, gào lên ba tiếng. Chết qua ba ngày mà sắc mặt vẫn như lúc còn sống, ruồi nhặng không dám đậu vào. Sau này, nếu vùng ấy gặp đại hạn mà khấn ngài cầu mưa thì linh ứng ngay. Trần Khát Chân mất khi ông mới 29 tuổi. Nhân dân thương tiếc ông, đã lập đền thờ ngay tại nơi ông bị xử tử là chân núi Đốn Sơn, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc ngày nay. Theo các cụ truyền lại, đền được xây dựng từ cuối thế kỷ XV bao gồm Nghinh môn, Tiền đường, Trung đường và Hậu cung. Trong đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị và sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ca ngợi công đức của ông đóng góp cho lịch sử dân tộc. Câu chuyện về Trần Khát Chân vẫn còn nhiều điều bí ẩn đến ngày nay chưa giải mã được nhưng nhân dân vẫn biết ơn ông và lưu truyền tiếng thơm về một người anh hùng đã anh dũng xả thân vì nghĩa lớn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Ngô Ngọc Long, thủ từ đền thờ Trần Khát Chân đã bày tỏ một sự ngưỡng vọng về Đức Thánh Lưỡng Trần Khát Chân. Trong tâm linh của người dân vùng này, Trần Khát Chân là một vị Thánh. ngày rằm, ngày tết và ngày giỗ của ông, nhân dân thập phương đều đến dâng hương và cầu nguyện cho quốc thái dân an.

Cuộc đấu tranh giành ngôi đoạt vị trong giai đoạn cuối đời Trần, đầu đời Hồ là những trang lịch sử đau thương, nhưng từ đó cũng xuất hiện một vị vua mà hậu thế vẫn còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, đó là Hồ Quý Ly. Ông làm quan cuối đời Trần, có vai trò thống lĩnh quân Đại Việt để chống lại quân Chiêm Thành, được phong làm Tể tướng. Thời điểm nhà Trần suy yếu không thể gánh vác vận mệnh giang sơn, Hồ Quý Ly đã ép vua nhà Trần nhường ngôi. Giai đoạn cầm quyền, Hồ Quý Ly đã thực hiện nhiều cải cách mang tính đột phá, mà hậu thế không thể phủ nhận. Mặc dù đã qua hơn 6 thế kỷ nhưng vẫn còn rất nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp về sự nghiệp, nhân cách của Hồ Quý Ly. Điều này cũng cần được nhìn nhận lại thật khách quan, công bằng trên một tư duy mới. Theo nhà nghiên cứu lịch sử, tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, những cải cách của Hồ Quý Ly nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa: Ông đã cho đổi tiền đồng thành tiền giấy, ban hành chính sách hạn điền và mở các khoa thi tuyển hiền tài trong cả nước.

Cũng theo các nhà sử học, tuy nhà Hồ chỉ tồn tại 7 năm (từ năm 1400 đến năm 1407) nhưng Hồ Quý Ly là vị vua đã có rất nhiều cải cách tiến bộ, vượt tầm thời đại, với mong muốn đất nước trở nên hùng cường hơn. Tuy nhiên, do soán ngôi nhà Trần, không được lòng dân ủng hộ, nên khi quân Minh kéo sang xâm lược, cha con Hồ Quý Ly đã nhanh chóng thất bại. Đó là bài học lớn dành cho hậu thế.

Vai trò lịch sử của Hồ Quý Ly khép lại, đất nước rơi vào tay quân phong kiến Phương Bắc, bị nhà Minh đô hộ, nhân dân phải sống trong cảnh lầm than, khổ cực. Từ trong khó khăn, loạn lạc, những nhân tài, hào kiệt xứ Thanh lại tiếp tục xuất hiện, mang sứ mệnh cứu nước, giúp dân. Đó là những vị vua sáng thời Hậu Lê.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]