(Baothanhhoa.vn) - Chúng tôi gọi họ là “những người giữ hồn dân tộc”, bởi họ đã dành cả cuộc đời cho việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân gian của dân tộc mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người giữ hồn dân tộc

Chúng tôi gọi họ là “những người giữ hồn dân tộc”, bởi họ đã dành cả cuộc đời cho việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân gian của dân tộc mình.

Những người giữ hồn dân tộcChị Lê Thị Hương thôn Minh Nguyên, xã Minh Sơn (Ngọc Lặc) biểu diễn hát xường.

Phục dựng điệu hát múa cổ

Chúng tôi tìm về xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) - nơi được xem là cái nôi của điệu hát múa chèo chải để tìm gặp nghệ nhân Vũ Ngọc Cương, thôn Phúc Tiên (Hoằng Quỳ). Luôn yêu đời và say sưa hát ca, nên ông Cương có vẻ ngoài trẻ trung hơn nhiều so với cái tuổi 74. Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười dí dỏm luôn nở trên môi, ông Cương còn khiến chúng tôi ngạc nhiên với tài hát chèo của mình:

... “Hỡi vậy...

rằng sao?...

Ngày xuân vui vẻ

Tiệc mở xuân kỳ

Lừng lẫy xướng ca.

Chải chúng tôi giáo mặt trình qua”...

Cái chất giọng ấm áp pha chút khàn khàn, cùng với kỹ thuật luyến láy của người nghệ nhân già cứ đưa đẩy cảm xúc của chúng tôi bay bổng mãi. Cảm giác như được nằm trên một chiếc thuyền nan lững lờ trôi trong đêm trăng đầy gió. Nhẹ nhàng mà an yên. Thêm một điều đặc biệt nữa, ông Cương chia sẻ bản thân có thể vừa hát, vừa sử dụng kết hợp các loại nhạc cụ dân tộc như: đàn tranh, sáo, nhị, trống... Tùy vào tâm trạng vui hay buồn, hài hay bi tráng... của mỗi nhân vật trong vở diễn mà ông nhập vai và có thể hát cả bài dài hay hát trích đoạn.

Sau màn chào hỏi đầy ấn tượng đó, ông Cương “kéo” chúng tôi lại gần hơn với nét đẹp văn hóa của địa phương mình bằng việc giới thiệu về nguồn gốc, nét đẹp của điệu hát múa chèo chải. Theo đó, tục diễn xướng chèo chải ở Hoằng Quỳ gắn liền với tục thờ Thánh Tến, tức ông Bưng hay Lê Phụng Hiểu (1006 - 1083), một danh tướng thời Lý, quê ở Băng Sơn, Châu Ái sau này đổi thành làng Xuân Sơn thuộc xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa... Ông có công bảo vệ ngôi vua giúp Lý Thái tông dẹp yên những hoàng tử gây loạn và đánh giặc Chiêm Thành gây hấn. Sau khi mất, ông được thờ ở quê hương Băng Sơn và những vùng đất ông đã đi qua trong đó có nghè Tến (đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh). Hằng năm, làng mở hội từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 2 âm lịch, chèo chải được sử dụng để ca ngợi và mừng công đức Thánh Tến Lê Phụng Hiểu do các đội chèo chải ở ba làng Ích Hạ, Phúc Tiên, Trọng Hậu biểu diễn. Chèo chải Hoằng Quỳ gắn liền với sự sùng bái tín ngưỡng Thánh Tến nên lời hát và điệu bộ, trang phục đều rất trang nghiêm, không chấp nhận sự ứng tác tùy tiện và những yếu tố bông đùa như chèo chải các nơi khác. Khi bên trong nghè Tến hay ở đình làng tế nam quan, thì bên ngoài thuyền hoa để hát chèo chải được đặt ngay ngắn ở gần sát chiếu bồi tế.

Là hoạt động văn hóa truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc nhưng trải qua biến thiên của thời gian, thăng trầm lịch sử, trong suốt một quãng thời gian dài, chèo chải bị mai một, gần như thất truyền ngay trên chính mảnh đất đã từng sinh ra và nuôi dưỡng nó. Mãi đến năm 1997, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ban, ngành và đảng ủy, chính quyền địa phương cùng với sự tâm huyết, nhiệt tình của những người nặng lòng với các giá trị văn hóa truyền thống do cha ông để lại như vợ chồng ông Vũ Ngọc Cương - bà Lê Thị Phương, chèo chải mới có thể khôi phục lại và tiếp tục bảo tồn đến ngày hôm nay.

Ngồi nhớ lại quãng thời gian gian nan, vất vả ấy, ông Cương ngậm ngùi chia sẻ: “Theo tục lệ của làng, trước đây, hát múa chèo chải chỉ được truyền miệng khi tập, khi diễn chứ không được ghi chép thành văn bản nên khi bắt tay vào khôi phục lại, tôi rất vất vả mới có thể thu thập được tài liệu”. Ngày ấy, ông Cương bỏ công bỏ sức tìm gặp, trò chuyện, ghi chép lại lời các cụ cao niên trong làng đã từng biểu diễn chèo chải. Sau đó, ông lượm lặt thông tin, so sánh từng chi tiết và cố gắng sắp xếp chúng một cách bài bản, hệ thống, chuẩn xác nhất. Tài liệu đã có, ông lại cất công ra tận Hà Nội để mua sắm trang phục biểu diễn vì tìm khắp tỉnh Thanh Hóa chẳng nơi nào có. Lần theo mô tả của các cụ, ông Cương tự mình thiết kế mô hình thuyền rồng - một trong những đạo cụ đặc sắc, tiêu biểu nhất của chèo chải. Luôn ủng hộ, đồng hành với chồng trên hành trình khôi phục lại nét văn hóa truyền thống quê hương, bà Lê Thị Phương vốn là “mẹ chải” có tiếng trong làng. Bằng tình yêu, kinh nghiệm có được sau nhiều năm đam mê, sống trọn với từng lời ca, điệu múa chèo chải, bà Phương nhiệt tình đi từng nhà động viên, mời gọi những người đủ điều kiện tham gia đội chèo chải. Bà dành thời gian, tâm huyết hướng dẫn các thành viên trong đội hăng say luyện tập. Từ chỗ chỉ có một vài thành viên tham gia, đến nay đội chèo chải do bà Phương hướng dẫn đã phát triển, trở thành “hạt nhân văn nghệ” trong các phong trào, lễ hội, hội diễn của làng, xã. Tình yêu, niềm đam mê của vợ chồng ông Cương - bà Phương đã nhen nhóm và thổi bừng lên ngọn lửa cho thế hệ con cháu của xã Hoằng Quỳ tiếp tục bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Truyền dạy các làn điệu dân ca

Tiếp tục tìm về với các hoạt động bảo tồn vốn cổ của những nghệ nhân dân gian, chúng tôi đến thôn Minh Nguyên, xã Minh Sơn (Ngọc Lặc). May mắn được tham gia một buổi sinh hoạt cùng câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ hát xường của đồng bào dân tộc Mường nơi đây. Dưới căn nhà sàn đặc trưng của đồng bào Mường, hơn 10 thành viên xúng xính trang phục truyền thống ngồi ngay ngắn bên dãy bàn, say sưa hát; dù cho thời tiết oi bức khiến gương mặt các bạn nhỏ lấm tấm những giọt mồ hôi. Em Phạm Thị Huyền (17 tuổi) chia sẻ: “Em rất thích giai điệu xường của đồng bào em. Được tham gia lớp học của cô Hương không chỉ giúp chúng em biết hát các làn điệu xường mà chúng em còn biết thêm nhiều từ ngữ của dân tộc Mường hơn”. Cô Hương mà cô bé Huyền nhắc đến chính là chị Lê Thị Hương, 43 tuổi, thôn Minh Nguyên, xã Minh Sơn - người đi đầu trong công tác giữ gìn, lan tỏa sức sống của điệu hát xường ra khắp các bản Mường ở Ngọc Lặc.

Chia sẻ về cơ duyên đến với điệu xường, chị Hương cởi mở: “Tôi bắt đầu hát xường từ những năm 12 - 13 tuổi. Lúc còn nhỏ thì đi theo ông bà, bố mẹ nghe hát, chẳng rõ âm luật, cung bậc xường ra sao nhưng cứ say mê nghe như nuốt lấy từng lời, miệng lẩm nhẩm hát theo”.

Cứ thế, cả tuổi thơ của chị Hương được vun vén nên bởi những làn điệu xường. Và cũng chính cả tuổi thơ say mê ấy đã trở thành nhịp cầu đưa giọng hát xường của chị Hương vượt ra khỏi không gian hội làng cùng những “áng xường” bập bùng ánh lửa để đến với sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp. Chị Hương cho biết: Năm 2000, chị đã bắt đầu tham gia các đoàn hát xường của xã, huyện tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa, chính trị. Năm 2002, lần đầu tiên chị được cùng đoàn tham gia biểu diễn hát xường trong Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Nói về cảm xúc của cái lần đầu tiên ấy, chị Hương hồ hởi chia sẻ: “Khi được mang lời ca, tiếng hát của dân tộc mình đến biểu diễn trong một không gian văn hóa hội tụ đa sắc màu như thế, chị cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Bởi đối với mỗi một người con của bản Mường, hát xường giao duyên dường như đã trở thành sinh hoạt văn hóa không thể thiếu, gắn bó như hơi thở cuộc sống thường ngày”. Nhận thức được điều đó, với cương vị là một người hoạt động đoàn năng nổ, tích cực của xã, vào các dịp hè hay các ngày lễ, tết, chị Hương phối hợp cùng đoàn thanh niên xã tổ chức nhiều buổi tập hát các làn điệu xường. Bên cạnh đó, chị Hương cũng tham gia CLB liên thế hệ của xã, cùng các thành viên trong CLB thường xuyên lồng ghép các chương trình biểu diễn hát xường và dạy hát xường nhằm bồi dưỡng, lan tỏa tình yêu với nghệ thuật hát xường đến đông đảo quần chúng Nhân dân.

Tôi hỏi chị Hương về động lực để chị dành bao thời gian, tâm huyết, sức lực cho hành trình lưu giữ, lan tỏa điệu hát xường truyền thống của quê hương. Chị cười, nhẹ nhàng đáp lời với đôi mắt bừng sáng: “Tôi quyết tâm gìn giữ, lan tỏa tình yêu với nghệ thuật hát xường không phải vì tiền bạc, danh vọng lại càng không, mà chỉ có một động lực duy nhất thôi thúc, là tình yêu lớn lao dành cho điệu xường quê hương. Mà khi yêu rồi con người ta còn tiếc, hay sân si gì nữa. Tôi chỉ biết cố gắng mỗi ngày để mỗi thế hệ cháu con bản Mường lớn lên hiểu được nguồn cội văn hóa của biết bao thế hệ cha ông đi trước đã dày công gây dựng. Đó vừa là niềm tin, là cái đích, là hạnh phúc sau cùng để tôi hướng tới!”.

Với những người đang miệt mài giữ hồn dân tộc như ông Cương, chị Hương,... và còn thật nhiều cái tên đáng trân trọng khác nữa, họ không đơn thuần chỉ đang sống với niềm đam mê của mình. Hơn tất thảy, giờ đây, suy nghĩ, hành động của họ đã, đang lan tỏa niềm tự hào, trách nhiệm cho lớp hậu thế về việc phục dựng, bảo tồn những giá trị vô giá của văn hóa dân tộc.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường


Bài Và Ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]