(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, tôi đã theo chân các tình nguyện viên Câu lạc bộ (CLB) “Tôi yêu Thanh Hóa” trong nhiều hành trình “Tết ấm vùng cao”. Chương trình “Tết ấm vùng cao” là một trong những hoạt động thường niên do CLB “Tôi yêu Thanh Hóa” thực hiện, nhằm gây quỹ giúp đỡ trẻ em và đồng bào nghèo thuộc vùng cao biên giới. CLB “Tôi yêu Thanh Hóa” là một tổ chức thiện nguyện, hầu hết là các bạn trẻ học sinh, sinh viên, viên chức công sở, người lao động tự do..., được thành lập khoảng gần 10 năm nay, dưới sự bảo trợ pháp lý của Tỉnh đoàn Thanh Hóa và Hội Chữ thập đỏ tỉnh. “Thủ lĩnh” của tổ chức thiện nguyện này là anh Lê Trọng Hùng, công tác tại Ngân hàng Ngoại thương Thanh Hóa (Vietcombank).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những mùa tết ấm

Những năm qua, tôi đã theo chân các tình nguyện viên Câu lạc bộ (CLB) “Tôi yêu Thanh Hóa” trong nhiều hành trình “Tết ấm vùng cao”. Chương trình “Tết ấm vùng cao” là một trong những hoạt động thường niên do CLB “Tôi yêu Thanh Hóa” thực hiện, nhằm gây quỹ giúp đỡ trẻ em và đồng bào nghèo thuộc vùng cao biên giới. CLB “Tôi yêu Thanh Hóa” là một tổ chức thiện nguyện, hầu hết là các bạn trẻ học sinh, sinh viên, viên chức công sở, người lao động tự do..., được thành lập khoảng gần 10 năm nay, dưới sự bảo trợ pháp lý của Tỉnh đoàn Thanh Hóa và Hội Chữ thập đỏ tỉnh. “Thủ lĩnh” của tổ chức thiện nguyện này là anh Lê Trọng Hùng, công tác tại Ngân hàng Ngoại thương Thanh Hóa (Vietcombank).

Những mùa tết ấm

Tặng quà cho trẻ em các bản nghèo vùng cao biên giới.

Sau những giờ học, giờ làm, các bạn trẻ trong CLB lại cùng nhau tổ chức những hoạt động gây quỹ thiện nguyện cho chương trình “Tết ấm vùng cao”. Các bạn làm bất cứ việc gì, chỉ cần công việc ấy được pháp luật cho phép và không vi phạm đạo đức xã hội, như gom nhặt phế liệu, bán hoa ngày lễ, bán cà phê dạo, tổ chức dịch vụ chuyển quà Noel, bán lịch tết, bán áo cờ đỏ sao vàng, đóng phim, đan len, hiến máu tình nguyện... Dù bận rộn, vất vả hơn, nhưng chỉ cần công việc gây được quỹ giúp đỡ người nghèo hoặc làm lợi cho cộng đồng, các tình nguyện viên Tôi yêu Thanh Hóa đều tích cực tham gia. Với phương thức nhiều người cùng làm, làm nhiều việc khác nhau, bền bỉ trong suốt thời gian dài, tích tiểu thành đại, các bạn đã có được một nguồn kinh phí không nhỏ để mang Tết ấm đến vùng cao. Luôn vui vẻ và nhiệt huyết, các bạn trẻ thực hiện công việc thiện nguyện dường như không biết mệt, say sưa và không kể ngày đêm. Tôi chứng kiến những “ông già” Nô en và Công chúa Tuyết cứ đi xe máy như con thoi trong cái rét cắt da cắt thịt, len lỏi vào từng khu phố để tặng quà cho trẻ nhỏ ở các gia đình, từ đó dùng tiền phí dịch vụ để mua quà cho trẻ em vùng cao. Hạnh phúc của trẻ em được nhân đôi bởi với mỗi phần quà được chuyển đi, những ông già Noel của nhóm thiện nguyện “Tôi yêu Thanh Hóa” không chỉ mang đến niềm vui cho các bạn nhỏ nơi phố thị, mà còn chia sẻ tình yêu thương đến những em nhỏ ở các bản nghèo biên giới xa xôi. Rồi những buổi chiều tan học, các bạn trẻ lại đi bộ dọc các tuyến phố để xin phế liệu về bán góp tiền cho quỹ thiện nguyện. Nhìn cách các bạn cần mẫn làm việc, tôi chợt so sánh: Ở đâu đó, có những cậu bé, cô bé đang vùi đầu vào những trò game online vô bổ, sa đà vào chuyện tình cảm nông nổi, hay tham gia những cuộc ẩu đả bạo lực học đường, lãng phí tuổi thanh xuân...; thì những bạn trẻ thuộc CLB Tôi yêu Thanh Hóa luôn toàn tâm, toàn ý dành sức lực, trí tuệ, tình cảm của mình để làm những việc hữu ích, giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Mỗi người một công việc, hoàn cảnh sống khác nhau, thậm chí không hề quen biết nhau nhưng các thành viên của CLB Tôi yêu Thanh Hóa đã xích lại gần nhau và trở thành bạn bè thân thiết thông qua hoạt động thiện nguyện của mình. Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn, như những chú kiến tha lâu đầy tổ, như những bầy ong cần mẫn gom mật ngọt cho đời, mỗi người góp một ý tưởng, góp một cánh tay, với bầu nhiệt huyết tràn đầy của tuổi trẻ, với trái tim nóng bỏng yêu thương... Tổ chức thiện nguyện Tôi yêu Thanh Hóa đang góp phần nhân lên lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước và làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Nhớ nhất chuyến đi “Tết ấm vùng cao” cùng CLB Tôi yêu Thanh Hóa vào dịp cận Tết Nguyên đán 2016. Mưa phùn và rét đậm, nhưng đúng 2h30 sáng, 30 tình nguyện viên tham gia chương trình “Tết ấm vùng cao” đã có mặt đông đủ, tập trung trước Tượng đài anh hùng dân tộc Lê Lợi để làm lễ dâng hương trước khi xuất phát. Chuyến đi ấy, chúng tôi lên hai bản Chai – Lách, thuộc xã biên giới Quang Chiểu, huyện Mường Lát. Những cung đường đèo núi ngoằn ngoèo bị khuất lấp trong đêm tối và sương mù, lái xe phải căng mắt để vượt qua từng khúc cua tay áo nối tiếp nhau. Sau 12 tiếng đồng hồ vượt hơn 300 km đường khúc khuỷu, dằn xóc, chúng tôi mới có mặt ở điểm đến. Đồng bào nơi đây chủ yếu là dân tộc Thái và Khơ Mú, đời sống rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%. Rất đông phụ huynh và các thầy, cô giáo đã dắt con em đến chào đón đoàn tình nguyện “Tết ấm vùng cao”. Mặc dù khá mệt sau chặng đường dài và một số bạn nữ còn say xe, nhưng các tình nguyện viên không một phút ngơi nghỉ mà bắt tay ngay vào công việc dựng cổng trường, lắp đặt cầu trượt, tổ chức trao quà tặng cho các em nhỏ và bà con dân bản. Buổi tối, tại sân nhà văn hóa bản, một chương trình giao lưu văn nghệ nhanh chóng được tổ chức, các tình nguyện viên đã cùng dân bản biểu diễn nhiều tiết mục sôi nổi và đầy cảm hứng. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi trở dậy rất sớm, đã thấy những cô bé, cậu bé đứng ở cầu thang nhà sàn, trên mình khoác bộ trang phục ấm áp được tặng chiều qua, nhìn các anh chị tình nguyện viên cười bẽn lẽn. Hình ảnh ấy khiến chúng tôi cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Sáng hôm ấy trước khi chia tay Mường Lát về xuôi, được sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Quang Chiểu và Trạm Biên phòng Cang, đoàn tình nguyện đã sang thăm, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ trạm biên phòng bản Pó nước bạn Lào, thăm cột mốc đôi 294 tại địa danh Hồ Hai Nước, bên dòng suối Sim, một nhánh nguồn của sông Mã. Một cách đầy cảm hứng, các tình nguyện viên đã thể hiện tình hữu nghị quốc tế cao cả và tình yêu Tổ quốc thiêng liêng ngay tại cột mốc theo phong cách rất riêng của mình. Đứng ngay chân cột mốc đường biên, chúng tôi làm lễ chào cờ và hát vang bài ca “Việt Nam ơi” với giai điệu sôi động, sau đó hướng về phía đất nước Lào anh em cùng đồng thanh chào “Sabaiđi” và múa điệu Lăm vông. Thấy cuộc đời thật tươi đẹp, tuổi trẻ của mình thật ý nghĩa và lồng ngực căng tràn tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước.

Không chỉ gắn bó với chương trình “Tết ấm vùng cao” của CLB Tôi yêu Thanh Hóa, tôi còn may mắn được nhiều lần tham gia với CLB Otofun Thanh Hóa trên những cung đường phượt mùa xuân. Đó không chỉ là chuyến du xuân khám phá cảnh đẹp, mà còn là những chuyến đi chia sẻ tình yêu thương. Nhớ nhất cái lần chúng tôi đến với bản Cặt, xã Nhi Sơn (Mường Lát), một bản vùng biên của xứ Thanh, đồng bào ở đây là dân tộc Mông “toàn tòng”, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Nhà nào cũng chon von trên núi cao. Chúng tôi nhìn thấy có những cậu bé có mái tóc bạc trắng rất lạ, hỏi cán bộ cơ sở thì được biết đó là những đứa con có bố mẹ hôn nhân cận huyết, nên sinh ra mắc chứng bệnh bạch tạng và dị tật bẩm sinh. Có những cô bé mới mười tuổi đã phải bỏ học để ở nhà bế em cho bố mẹ đi nương, vì gia đình quá đông con. Đêm ấy, ngay trên sân trường trong tiết trời lạnh giá, chúng tôi ăn bữa cơm đoàn kết và đốt lửa, nắm tay những đứa trẻ nhảy múa nhiệt tình. Trong màn đêm hun hút của núi rừng, tôi nghĩ có lẽ rất hiếm những dịp các em được vui như thế, được tặng nhiều quà như thế. Và nhất là các em đã được học trong ngôi trường mới ấm áp, thay thế những phòng học tranh tre tuềnh toàng trước đó. Đây chính là món quà tặng giá trị và ý nghĩa nhất của CLB Otofun dành cho các em. Giữa đêm đông, ngọn lửa tình người được thắp sáng, mang tiếng cười, niềm vui đến với bản làng để cuộc sống ở vùng cao biên giới này trở nên tươi sáng hơn.

Sau chương trình “Nụ cười bản Cặt”, chúng tôi rời xã Nhi Sơn (Mường Lát), tiếp tục hành trình cùng đội thiện nguyện trẻ đến với ba bản xa nhất của xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, đó là Na Hồ, Na Phường và bản Sủa. Từ Quốc lộ 217 đi sâu vào một đường mòn dài khoảng 8 cây số, với nhiều “ổ voi, ổ trâu” gập ghềnh, thì đến hai bản Na Hồ, Na Phường. Nhưng để sang bản Sủa phải vượt qua một chiếc cầu tre lắt lẻo. Bản Sủa nằm bên kia sông, thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn Nam Động. Mùa khô thì người dân bắc cầu tạm vượt sông, nhưng mùa mưa tới, đặc biệt là khi có những đợt lũ kéo về, cây cầu bị lũ cuốn đi, thì bản Sủa hoàn toàn cô lập với bên ngoài, đồng nghĩa với việc trẻ em không thể đến trường. Bản Sủa là một thung lũng nhỏ nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi cao mây phủ. Đồng bào ở đây chủ yếu là người Thái, một số ít là người Mường. Những món quà thấm đẫm nghĩa tình được đoàn thiện nguyện trao tận tay các em nhỏ, các gia đình nghèo. Đêm ở bản Sủa rất tối do núi rừng bao bọc, mưa phùn dày hạt, nhưng bà con vẫn kéo đến đứng quanh nhà văn hóa để tham dự đêm giao lưu văn nghệ. Ánh lửa bừng lên, những chóe rượu cần được khui ra làm cho già trẻ gái trai thêm say sưa trong tiếng hát lời ca, trong hương rừng núi nồng nàn, trong tình người ấm áp...

Và cũng từ ba năm nay, tôi được đồng hành cùng bạn Lê Trọng Hùng, Lê Bá Mai là những “thủ lĩnh” của Dự án “Xây trường vùng cao”. Ba ngôi trường đã mọc lên ở những bản làng nghèo khó, mang đến nụ cười, niềm hạnh phúc cho thầy, cô giáo và trẻ em vào mỗi mùa tựu trường.

Kể từ khi tham gia hoạt động thiện nguyện và tham gia các chuyến đi vào những mùa tết ấm, tôi thấy mình như được trẻ lại ở tuổi đôi mươi. Thậm chí, tôi đã nuối tiếc khi tuổi đôi mươi của mình trước kia trôi qua tẻ nhạt biết nhường nào, không thể nào sánh được với tuổi đôi mươi của các bạn trẻ mà tôi đã gặp trên những cung đường “phượt mùa xuân”, có lẽ cũng bởi thời ấy chưa có phong trào thiện nguyện phát triển rộng rãi như bây giờ. Dẫu sao cũng còn chưa muộn, khi vẫn đủ sức khỏe và thời gian để tham gia các chuyến thiện nguyện. Tôi tự nhủ, mình sẽ sống thật nhiệt tình, thật xứng đáng với tuổi đôi mươi “nhiệm kỳ hai” của mình, để mùa xuân của đời tôi sẽ được kéo dài và thực sự ý nghĩa.

Một mùa xuân mới lại đến, xuân của đất trời, xuân của lòng người. Và tuổi trẻ là mùa xuân của cuộc đời. Yêu thương, cống hiến và sống hết mình, đó là những gì mà các bạn trẻ trong cộng đồng hoạt động thiện nguyện đã, đang và sẽ làm để có một tuổi thanh xuân đầy ý nghĩa, vì tình yêu đất nước, quê hương!

Mai Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]