(Baothanhhoa.vn) - Từ một loại hình diễn xướng dân gian đã bị mai một, đứng trước nguy cơ thất truyền, giờ đây, dân ca, dân vũ Đông Anh đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân làng Viên Khê (xã Đông Anh, Đông Sơn) nói riêng mà cả tỉnh Thanh Hóa nói chung khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trên hành trình nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi nhiêu khê, vất vả ấy có một phần đóng góp quan trọng của 7 Nghệ nhân Ưu tú nơi đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những linh hồn của dân ca, dân vũ Đông Anh

Từ một loại hình diễn xướng dân gian đã bị mai một, đứng trước nguy cơ thất truyền, giờ đây, dân ca, dân vũ Đông Anh đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân làng Viên Khê (xã Đông Anh, Đông Sơn) nói riêng mà cả tỉnh Thanh Hóa nói chung khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trên hành trình nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi nhiêu khê, vất vả ấy có một phần đóng góp quan trọng của 7 Nghệ nhân Ưu tú nơi đây.

Những linh hồn của dân ca, dân vũ Đông Anh

Múa đèn – một trong những trò diễn tiêu biểu, đặc sắc của dân ca, dân vũ Đông Anh - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về làng Viên Khê – nơi được mệnh danh là “cái nôi” hình thành và phát triển dân ca, dân vũ Đông Anh, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Sỹ Lịch - bà Lê Thị Nghi. Được biết, đây là cặp vợ chồng duy nhất của làng Viên Khê vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Nhắc đến niềm vui, niềm vinh dự của gia đình, ông Nguyễn Sỹ Lịch cười hiền, đáp lời: “Làng Viên Khê vốn là cội nguồn hình thành nên Ngũ trò nhưng qua thời gian, trải qua thực tiễn trình diễn, phát triển, nó đã thành điệu múa chung của toàn thể người dân xã Đông Anh. Và chỉ khi nó trở thành tài sản chung của toàn xã thì nó mới đủ sức vươn tầm thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tôi hay bà nhà tôi chỉ là những người đi trước cố gắng mang hết sức mình ra để truyền dạy, nhân rộng thêm tình yêu, sự hiểu biết của các thế hệ con cháu về văn hóa truyền thống cha ông mà thôi”. Đưa tay rót chén trà mời khách, ông Lịch bồi hồi nhớ lại quãng thời gian khắp làng trên, xóm dưới, đâu đâu cũng rộn ràng lời ca, tiếng hát. Ông Lịch kể: Từ hồi tôi còn bé, mới khoảng 9, 10 tuổi đầu đã hăm hở theo đám bạn trong làng í ới gọi nhau đi xem các tiết mục, trò diễn. Ngày ấy, tại lễ hội nghè Sâm, Ngũ trò Viên Khê được tổng duyệt đầy đủ, bài bản, quy mô lắm. Tuy 3 năm mới tổ chức một lần tổng duyệt nhưng từ trước đó, các làng đã phải tự tập luyện, lựa chọn con trò đưa đến các cụm thi trò. Cuộc thi cụm này có các vị chức sắc hàng tổng đến dự và chấm giải để chọn trò nào hay, xuất sắc đưa đi diễn ở nghè Sâm. Với mục đích lễ tế thần linh nên Ngũ trò Viên Khê đặc biệt khắt khe trong việc tuyển chọn “con trò” (diễn viên). Các “con trò” được chọn vào các tiết mục, trò diễn phải là những người con gái chưa chồng, con trai chưa vợ, tuổi từ 12 – 16, nhà không có tang, có cớ. Tùy theo từng hiệp trò mà lựa chọn số lượng “con trò” khác nhau, ví như trò Múa đèn thường lựa chọn từ 2 – 12 người. Dòng ký ức chợt cắt ngang tâm tưởng, ông Lịch khẽ buông tiếng thở dài xen lẫn chút tiếc nuối: “Cùng với sự biến thiên của thời gian, thăng trầm của lịch sử, nghè Sâm không còn, dân ca, dân vũ Đông Anh không còn được đưa đến diễn ở lễ hội thờ thánh thần như trước kia và dần dần bị lãng quên giữa nhịp sống đời thường tất bật, hối hả”.

Nếu như ông Lịch cũng như biết bao người khác mải mê cuốn theo vòng xoáy mưu sinh nhọc nhằn, lam lũ, không ai định hướng, bảo ban thì có lẽ, những ký ức về một thời sôi nổi, rộn ràng của nghệ thuật trình diễn dân ca, dân vũ Đông Anh cũng dần theo đó mà phai nhạt. Nhưng cuộc sống dường như luôn có sự an bài, nghề chọn mình chứ đôi khi mình hoàn toàn không có quyền lựa chọn. Những năm tháng ông Lịch sống và gắn bó với dân ca, dân vũ Đông Anh cũng vậy. Cuộc sống khéo léo “xe duyên kết tóc” cho ông với người con gái của “cái trò” nổi tiếng trong làng lúc bấy giờ là bà Lê Thị Nghi. Thấy ông Lịch cũng có “khiếu”, lại là người tâm huyết, say mê với văn hóa truyền thống của làng nên bố vợ ông Lịch – cụ Lê Bá Nhữ đã truyền dạy cho con rể và con gái mình các trò diễn của dân ca, dân vũ Đông Anh. Ông Lịch bảo: “Nào có sách, có vở bài bản gì đâu. Thông qua các buổi gia đình hội họp, quây quần nói chuyện, cụ giảng dạy, chỉ bảo đến đâu chúng tôi ghi nhớ, tiếp thu vào đầu rồi sau đó hai vợ chồng tập lại với nhau, cùng chỉnh sửa cho nhau theo những gì mình lưu giữ được”. Từ những kiến thức về các trò diễn dân ca, dân vũ Đông Anh mà cụ Nhữ trao truyền, bà Lê Thị Nghi cũng cẩn thận ghi chép lại vào những tập vở với mong mỏi sau này có thể lưu truyền lại cho cháu con. Và cuối cùng, sau bao nhiêu năm chờ đợi, điều mong mỏi ấy cũng trở thành sự thật. Năm 2002 ghi dấu mốc thời gian quan trọng của việc khôi phục lại các trò diễn dân ca, dân vũ Đông Anh với dự án do Viện Âm nhạc Việt Nam chủ trì, cùng phối hợp với chính quyền và nhân dân xã Đông Anh.

Nhớ lại những ngày tháng cả làng Viên Khê nói riêng và cán bộ, nhân dân xã Đông Anh nói chung cùng chung sức đồng lòng, quyết tâm khôi phục lại toàn bộ các trò diễn dân ca, dân vũ Đông Anh, ông Lịch không giấu nổi niềm xúc động, tự hào: “Khi có chủ trương của xã về việc giao nhiệm vụ cho 7 thôn, mỗi thôn phải khôi phục được một tích trò cũ và sáng tạo, xây dựng một tiết mục văn nghệ với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, người dân hưởng ứng nhiệt tình, không khí làng xã lúc bấy giờ sôi nổi như chuẩn bị bắt đầu hội diễn lớn, đâu đâu cũng tập tành hăng say”. Lúc đó, ông Lịch là ủy viên ban chấp hành hội người cao tuổi của xã và chi hội trưởng hội người cao tuổi thôn 7 (thôn 4 bây giờ); với vốn kiến thức, hiểu biết sâu rộng được truyền dạy từ bố vợ và tiếp tục dày công sưu tầm, nghiên cứu, ông Lịch đã đứng ra hướng dẫn, tổ chức cho câu lạc bộ văn nghệ của xã các trò diễn: Tiên cuội, Đội đèn, Trống mõ, Hà lan, trò Thủy (thủy phường và thủy không)... Đây cũng là đội hình nòng cốt tham gia trình diễn cho Viện Âm nhạc Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa lấy tư liệu, hình ảnh phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật dân ca, dân vũ Đông Anh. Cũng trong thời gian đó, ông Lịch còn tổ chức hướng dẫn cho các cụ cao tuổi trong câu lạc bộ người cao tuổi xóm Thọ một số trò diễn như: Đội đèn, Tiên cuội, Trống mõ, Hà lan... Ông Lịch chia sẻ: “Những ngày mới bắt tay vào khôi phục lại các trò diễn quả thực trăm bề khó khăn. Tư liệu, con người, trang phục biểu diễn... cái gì cũng thiếu thốn cả”. Giờ đây, khi dân ca, dân vũ Đông Anh đã tìm được vị trí xứng đáng, cá nhân ông Lịch đã được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú, ông vẫn không thôi trăn trở trong lòng: “Danh hiệu ấy vừa là động lực vừa thêm phần trách nhiệm của ông với công việc tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản, để thế hệ cháu con hôm nay và mai sau biết về cội nguồn, những nét đẹp văn hóa làng xã được chắt chiu, nuôi dưỡng tự bao đời”.

Cũng giống như vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Lịch, bà Nguyễn Thị Cốc (83 tuổi, thôn 3, xã Đông Anh) vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” vì có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – dân ca, dân vũ Đông Anh. Tuổi tác đã cao, đôi tay, đôi chân đã không còn được linh hoạt, mềm dẻo như trước nhưng mỗi khi nhắc đến Múa đèn, bà Cốc vẫn không giấu nổi niềm vui trong ánh mắt, nụ cười. Sinh ra và lớn lên trong cái nôi hình thành Ngũ trò Viên Khê, bà Cốc bắt đầu đi tập hát, tập múa từ những năm 12 – 13 tuổi. Bà bảo: “Người tập trước có trách nhiệm tập lại cho người đến sau, cứ thế mà nhân rộng ra thôi”. Bà tìm đến và gắn bó với dân ca, dân vũ Đông Anh một cách tự nhiên như hơi thở đời thường. Ngày ấy, bà Cốc học thuộc bài rất nhanh, múa đèn rất đẹp nên luôn là một trong những “con trò” tiêu biểu ở làng Viên Khê được lựa chọn để đi trình diễn nhiều nơi, trong một số sự kiện lớn của đất nước. Chính những câu hát, điệu múa của dân ca, dân vũ Đông Anh đã đưa lối dẫn đường, dệt nên mối duyên cho bà Cốc với ông Lê Công Nông. Bà Cốc tủm tỉm cười, kể lại: “Hai vợ chồng tôi khi ấy đều là “con trò”, thường xuyên diễn cặp với nhau trong trò Tiên cuội. Ông nhà tôi đóng cuội, tôi đóng tiên. Thấy vậy, cha mẹ hai bên ưng thuận, mai mối, “gả bán” cho nhau”. Trước đây, những lúc nông nhàn, tối nào các thành viên trong gia đình bà Cốc cũng quây quần bên nhau cùng học diễn ngũ trò. Bà Cốc và chồng cũng đã bắt đầu truyền dạy dân ca, dân vũ Đông Anh cho nhiều lớp thế hệ trẻ trong làng. Nhưng bà Cốc bảo: “Hồi ấy, tập hợp con trò rất khó, chủ yếu là bố mẹ, anh chị em trong gia đình vì yêu thích mà tập tành với nhau thôi”. Với kinh nghiệm đi diễn ở nhiều nơi, tích lũy qua việc học tập, sưu tầm, “nhớ đến đâu dạy đến đó”, 3 thế hệ trong gia đình đều do bà Cốc truyền dạy, “tiếp lửa” tình yêu. Bà Cốc nói như khoe với chúng tôi: “Nhà tôi bây giờ, con dâu, cháu, chắt đều có thể tham gia trình diễn dân ca, dân vũ Đông Anh. Con trai tôi đánh trống, con dâu và đứa cháu nội múa đèn, thằng cháu đầu thì chơi nhạc”. Hỏi bà Cốc đã bắt đầu tâm huyết với công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật từ bao giờ? Bà khẳng khái trả lời: “Từ lâu lắm rồi! Có tâm huyết thì mới dụng công lưu giữ, nhọc công lưu truyền cho con cái và các thế hệ trẻ trong làng biết mà gìn giữ chứ”.

7 Nghệ nhân Ưu tú của làng Viên Khê tựa hồ như những linh hồn của dân ca, dân vũ Đông Anh. Trên hành trình đưa dân ca, dân vũ Đông Anh đến với danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, họ là những người mang trên mình sứ mệnh “trao truyền” và “tiếp lửa”. Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, người còn người mất, họ đặt hết tâm huyết đời mình, niềm tin, niềm hy vọng vào thế hệ trẻ hôm nay. Và hơn tất thảy, họ đều có chung một tâm nguyện: “Mong các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để dân ca, dân vũ Đông Anh mãi là khúc ca, điệu múa tiêu biểu của cư dân nông nghiệp xứ Thanh, xứng tầm di sản”.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]