(Baothanhhoa.vn) - Không tô son, điểm phấn; coi sự trung thực là nét ấn tượng, đặc sắc của bút pháp; dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự tái hiện lại một cách chân thực, sinh động mà không kém phần hấp dẫn về “cái tôi trong cõi làng tôi”. Thông qua những hoài niệm, hồi ức tuổi thơ trong trẻo, ngọt lành, tác giả đã đưa hồn cốt quê hương đến gần hơn với đông đảo bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ; từ đó lan tỏa thông điệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa làng trên từng trang văn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những hoài niệm đong đầy trách nhiệm, ý thức

Không tô son, điểm phấn; coi sự trung thực là nét ấn tượng, đặc sắc của bút pháp; dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự tái hiện lại một cách chân thực, sinh động mà không kém phần hấp dẫn về “cái tôi trong cõi làng tôi”. Thông qua những hoài niệm, hồi ức tuổi thơ trong trẻo, ngọt lành, tác giả đã đưa hồn cốt quê hương đến gần hơn với đông đảo bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ; từ đó lan tỏa thông điệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa làng trên từng trang văn.

Những hoài niệm đong đầy trách nhiệm, ý thứcBìa sách “Tôi và làng tôi” của nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Tôi và làng tôi” là cuốn sách mà dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự ấp ủ từ hàng chục năm nay và được hiện thực hóa bằng tất cả tình yêu, nỗi nhớ, sự tri ân sâu sắc, lòng biết ơn vô hạn đối với ngôi làng Nguyệt Lãng (xã Thiệu Lý, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) - mảnh đất chôn nhau cắt rốn của ông. Dù là cậu bé Thự thông minh, lanh lợi, học sinh ưu tú Trường Cấp III Lam Sơn, hay chàng du học sinh Khoa trắc địa – bản đồ, Trường Đại học Bách Khoa Warszawa và sau này làm Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, tình yêu, nỗi nhớ, lòng biết ơn ấy vẫn chưa một giây phút nào nguôi ngoai trong lòng đứa con xa quê. Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự thổ lộ: “Tôi xa làng, nhưng ngày nào làng cũng ở trong tôi. Làng ở trong tôi khi tôi thức, làng ở trong tôi ngay cả khi tôi ngủ. Nhiều đêm tôi chiêm bao thấy mình đang ở làng, đang chơi bời nhảy múa với các bạn cùng trang lứa, đang làm xã viên HTX nông nghiệp, đang gánh phân, nhổ mạ, đang bắt cua, bắt ốc, bắt ếch, kiếm cá, đang chăn bò trên cánh đồng làng, đang cắp sách cuốc bộ đến trường, đang xem phim “Bạch Mao Nữ” tại bãi chiếu bóng ngoài trời ngã ba Chè... Những ký ức về làng chất chồng trong tôi năm này qua năm khác. Tôi đã ấp ủ, tôi đã tự nhủ, tự hứa với làng và với cả chính tôi là nhất định tôi sẽ viết về làng, về quê Thanh”.

Văn học Việt Nam hiện đại đã từng ghi đậm dấu ấn của một số tác giả - tác phẩm khai thác thành công mảng đề tài về tuổi thơ, làng quê nông thôn Việt Nam như: “Dòng sông thơ ấu” – Nguyễn Quang Sáng, “Tuổi thơ im lặng” – Duy Khán, “Miền thơ ấu” – Vũ Thư Hiên... Tuy nhiên, khi Lê Bá Thự với cuốn hồi ức mang tên “Tôi và làng tôi” xuất hiện vẫn đủ sức vẽ nên những cạnh khía riêng nhất, hấp dẫn bạn đọc. Lật giở từng trang hồi ức, tác giả không chỉ tái hiện lại diện mạo, làm sống dậy cả một không gian văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần của ngôi làng Nguyệt Lãng (xã Thiệu Lý, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) nói riêng. Hơn hết, khi soi chiếu, ngụp lặn sâu trong không gian ấy, mỗi chúng ta đều như thấy được phần nào tuổi thơ, dáng dấp, luồng sinh khí của quê hương mình. Đó là làng quê Bắc bộ những năm 50 và 60 của thế kỷ trước – tuy nghèo khổ nhưng mà vui. Từ không gian văn hóa làng đậm đặc, tiêu biểu ấy, “tôi” – Lê Bá Thự là một nhân vật xuyên suốt. Nhân vật “tôi” hiểu làng mình đến từng chân tơ kẽ tóc, thuộc làng mình như lòng bàn tay. Tôi ở trong làng và làng ở trong tôi, không có sự phân định, tách biệt rạch ròi mà hòa quyện, gắn kết bền chặt, vấn vít với nhau qua từng thanh âm, mảng màu ký ức, kỷ niệm. Vì vậy, có thể xem cuốn sách “tôi và làng tôi” như “một khế ước văn hóa làng mà ông từng mang theo hai phần ba thế kỷ”, là “bảo tàng nho nhỏ, một bảo tàng riêng của Lê Bá Thự, lưu giữ những vẻ đẹp của người quê, cảnh quê những năm 50, 60”.

Trong không gian văn hóa làng đặc quánh, bản sắc, tính cách xứ Thanh hiện diện như một nét hấp dẫn, đặc sắc riêng trong tác phẩm “Tôi và làng tôi” của nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự. Tất cả được biểu đạt rất rõ nét, nhất là hệ thống phương ngữ, thổ ngữ được bảo tồn nguyên vẹn trong lời ăn, tiếng nói, thói quen sinh hoạt, lao động sản xuất của nhân vật tôi và bà con, cô bác làng Nguyệt Lãng là một minh chứng. Thực tình, tiếng địa phương nghe ra thì có vẻ quê mùa, cục mịch vậy thôi nhưng có đi xa, lạc lõng, cô đơn giữa phố thị, nơi đất khách quê người lạ lẫm mới thấm thía hết được cái ân tình, gần gũi, gợi thương gợi nhớ của cái phương ngữ diệu kỳ ấy: “Vẫn đó thôi, phương ngữ của miền Trung khó nghèo, gai góc, riết nóng và thô mộc: Chi (gì), mô (đâu), răng (sao), ri (thế này), rứa (thế), mi (mày), tau (tao), hấn (hắn), nhà va (nhà họ), đau bộng (đau bụng), cấy chi (cái gì), trốc (đầu), cẳng (chân), viền (về)... Ai đi xa về gần, ai phiêu bạt đằng đẵng, chỉ cần nghe giọng là biết người quê mình. Lắm khi, cái giọng quê không đổi ấy đã gắn kết những kẻ đồng hương xa lạ nơi đất khách quê người (“Ký ức làng của Lê Bá Thự” - Nguyễn Thanh Tâm).

Đọc “Tôi và làng tôi”, người đọc được tiếp cận với nguồn tri thức lao động, văn hóa dân gian phong phú, đa dạng. Này đây là “đám cưới thời kháng chiến chống Pháp ở làng tôi” để thấy rằng tình làng, nghĩa xóm nơi làng quê tự bao đời nay vẫn chân thành, giản dị nhất mực: “Rạp cưới do đoàn thanh niên phụ trách, thường dựng ngay trên sân nhà chú rể. Cót, nong, nia, luồng, nứa, bàn ghế của các gia đình trong làng được huy động để làm rạp cưới. Nhà nào cũng sẵn sàng cung cấp, hoặc cho vay, cho mượn những thứ cần thiết phục vụ đám cưới, như nồi niêu, xoong chảo, cốc chén, thậm chí cả gạo nếp, gạo tẻ, củi đun còn nhân lực thì ai cũng sẵn sàng giúp một tay”. Này đây hội làng náo nhiệt, “tháng hữu nghị Việt – Trung – Xô” khắp nơi “rộn ràng lời ca, tiếng hát, chỗ nào cũng thấy người ta tập múa, tập nhảy cho cảm giác, làng tôi là một “sân khấu đại cỡ”. Này đây những đêm cả làng hào hứng hò nhau đi xem diễn tuồng, xem phim “Bạch Mao nữ”... Chẳng đâu xa lạ, ngay như việc chỉ cần chịu khó theo chân nhân vật tôi – cậu nhóc Lê Bá Thự - “con rái cá làng Nguyệt Lãng” cũng đủ ghi chép mỏi tay về công việc đồng áng, nhà nông như: Chăn bò cắt cỏ, nuôi lợn ỉ, xay thóc giã gạo, bắt cá, bắt cua, bắt ốc... Hay những trò chơi dân gian một thời đã làm nên tuổi thơ của biết bao thế hệ: Thả diều, chơi khẳng, trốn tìm, súng đình đuột, chơi u, đèn đom đóm, “pháo hoa làng choa”... Trong không gian của “Tôi và làng tôi” không thể không kể đến phong vị ẩm thực đậm chất làng quê: Cốm, bánh đúc, kẹo lạc, nước vối, nước chè...

Một trong những nét đặc sắc, tiêu biểu làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm “Tôi và làng tôi” chính là ở giọng điệu trần thuật. Bạn đọc không khó nhận ra giọng điệu Lê Bá Thự, “cái tôi” Lê Bá Thự trong cuốn sách này. Đó là giọng trần thuật thủ thỉ, tâm tình như cách bà con thôn quê làng Nguyệt Lãng vẫn thường tụ họp với nhau chuyện trò rôm rả bên ấm nước chè xanh trong khoảng sân nhỏ nhà cậu bé Thự năm nao. Chân thật, dung dị là thế nhưng từng mẩu chuyện, từng ký ức được tác giả thuật lại trong “tôi và làng tôi” vẫn chứa đựng ma lực, sức hấp dẫn riêng nhất. Bởi lẽ, tác giả biết cách đa dạng, linh hoạt trong giọng kể của mình: Khi thì hồ hởi, vui tươi; lúc sâu lắng, khoan thai; lại thêm chút trào lộng thông minh, hóm hỉnh, duyên dáng... “Trung thực là bút pháp của tôi. Không tô son, không trát phấn. Lẽ dĩ nhiên trung thực nhưng phải sinh động và hấp dẫn. Tất cả những gì tôi viết trong cuốn sách này đều là những sự thật mà tôi là người trong cuộc, tôi là người trải nghiệm, tôi là người chứng kiến” – dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự thân tình chia sẻ. Sự trung thực, đa dạng, linh hoạt ấy đã phát huy hiệu quả, giúp nhà văn chuyển tải thông điệp của mình một cách hữu hiệu, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Là một cuốn “hồi ức tuổi thơ” nhưng nó không tạo nên sự phô bày, diễn giải khiên cưỡng, gượng gạo. Độc giả thoải mái, vui vẻ nương theo từng ký ức, bằng lòng để chủ nhân của ký ức dẫn dắt thực hiện cuộc du ngoạn qua từng trang sách.

30 mẩu chuyện mà nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự dành trọn tâm huyết để giãi bày cùng độc giả trong gần 300 trang sách chính là những hoài niệm đong đầy ý thức, trách nhiệm với hiện tại và tương lai, truyền tải thông điệp sâu sắc, nhân văn rằng: Hãy cùng chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa làng. Do đó, ngay cả khi kể chuyện ngày xưa nhưng tác giả luôn có sự so sánh, liên hệ với những chuyện bây giờ, chuyện ngày nay. Cho nên lắm khi cái cũ và cái mới hòa quện, đan xen với nhau, bổ sung cho nhau, làm cho câu chuyện thêm súc tích, thú vị, chuyện cũ mà không cũ. Với tác phẩm này, những người lớn tuổi rất dễ tìm thấy hình ảnh của quê mình, làng mình và của bản thân mình trong đó. Còn các bạn đọc trẻ tuổi, mỗi người sẽ có thêm những hiểu biết, từ đó nhân lên tình yêu, gắn bó với hồn cốt quê hương, giá trị văn hóa Việt Nam, đúng như nhà văn Hữu Thỉnh từng nhận định: “Tôi và làng tôi là một tác phẩm văn chương tư liệu, cũng là một dòng văn học chính thống. Cuốn sách đã chứa đựng và chuyển tải được hồn quê Việt Nam đến với bạn đọc. Cuốn sách đã cho ta cảm nhận, chỉ có hồn quê mới lưu giữ và bảo tồn được cốt lõi, giá trị văn hóa Việt một cách bền vững và sâu sắc nhất. Đánh mất hồn quê ta sẽ mất tất cả”.

Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]