(Baothanhhoa.vn) - Nhà văn Lê Ngọc Minh và tập truyện Tết đảo

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà văn Lê Ngọc Minh và tập truyện Tết đảo

Nhà văn Lê Ngọc Minh và tập truyện Tết đảo

Không khí trang trọng, gần gũi trong buổi tọa đàm ra mắt tập truyện ngắn “Tết đảo” của nhà văn Lê Ngọc Minh. Ảnh: H.T

Sáng 3-6-2020, tại trụ sở Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thanh Hóa, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội Phạm Duy Phương đã diễn ra hội thảo văn học về tập truyện Tết đảo của nhà văn Lê Ngọc Minh.

Đông đảo hội viên là các nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn hóa và bạn bè đồng nghiệp đến dự. Hàng chục bài tham luận đã được trình bày và nhiều ý kiến phát biểu chúc mừng, tranh luận đã làm sáng tỏ những vấn đề văn học mà tác giả đã viết trong 13 truyện ngắn ở tập Tết đảo.

1. Nhà văn Lê Ngọc Minh quê ở Quảng Thọ, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa, anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, hội viên Hội VHNT Thanh Hóa. Được đào tạo bài bản ở Liên Xô (nay là nước Nga), về nước anh công tác ở Cục Điện ảnh Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam. Nhà văn Lê Ngọc Minh đã sáng tác nhiều kịch bản phim. Anh cũng xuất bản nhiều cuốn tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn, truyện vừa và các tập chuyên luận. Là một nhà văn có sức sáng tạo không ngừng, bút lực dồi dào, viết nhiều thể loại văn học xuất hiện thường xuyên trên các báo văn nghệ, văn nghệ quân đội và các diễn đàn VHNT khác.

Anh đạt nhiều giải thưởng văn học của nhiều cơ quan khác nhau như Tạp chí Văn nghệ quân đội, Nhà xuất bản Kim Đồng, giải thưởng quả Cầu Vàng, Bông Sen Bạc của Cục Điện ảnh Việt Nam, nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim quốc gia.

2. Về tập truyện ngắn Tết đảo

Tết đảo nối tiếp mạch văn chương của Lê Ngọc Minh với nhiều tập truyện trước đây. Đề tài rộng, đa dạng, cả tính lịch sử và thời đại; tình yêu và thân phận con người. Tập truyện có 13 truyện ngắn với nhiều đề tài khác nhau, truyện nào cũng mang lại cho người đọc nhiều cảm xúc.

Nhà giáo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hỏa Diệu Thúy viết: “Đọc tập truyện ta thấy tác giả lọc ra trong thực tiễn xô bồ những mảng miếng hiện thực có cốt lõi hoặc định hướng khẳng định cái đẹp, cái tốt, cái nhân văn, những giá trị trở thành mục tiêu mà bất cứ xã hội nào, thời đại nào cũng hướng tới, bởi đó là nền tảng cho sự tồn tại của cuộc sống con người. Về văn hóa trong tình tiết, chi tiết, Phó Giáo sư nhận xét: Qua tập truyện, Lê Ngọc Minh bộc lộ sự hiểu biết khá nhiều những tri thức văn hóa về nhiều lĩnh vực. Điều này giúp tác giả xử lý khá nhuyễn, hợp lý các tình tiết, chi tiết liên quan đến kiến thức chuyên sâu khiến đọc tác phẩm của anh, ta không bị thất vọng và tận hưởng đến cùng của mạch văn.

Văn của Lê Ngọc Minh là văn của truyền thống, truyền thống từ cách tiếp cận, phản ánh hiện thực đến cách kể, ngôn ngữ kể. Đó là lối văn trung thành với những chuẩn mực thẩm mỹ quen thuộc mấy chục năm qua, với các chức năng phản ánh, giáo dục thẩm mỹ theo nguyên tắc lấy tính Đảng, tính Nhân dân, tính dân tộc làm kim chỉ nam cho mục đích viết. Vì vậy, có rất nhiều đối tượng độc giả ưa thích lối viết này.

Nhà lý luận phê bình văn học Lê xuân Soan nhận xét: Trong số 13 truyện, có 3 truyện Lê Ngọc Minh viết về đề tài chiến tranh là: Nữ tính, Tết đảo, Người yêu ở Huế. Viết về chiến tranh và những người lính nhưng anh không miêu tả nhiều về sự khốc liệt của bom đạn, mà tác giả mô tả sự nghiệt ngã trong các mối quan hệ mà cuộc chiến đặt ra.

Nhà văn Viên Lan Anh cảm nhận về truyện ký Tết đảo: Với giọng văn kể thong thả, nhấn nhá, Lê Ngọc Minh đã có một câu chuyện hay, ấn tượng về một cái tết đầu tiên của anh lính trẻ ra đảo canh gác biển trời quê hương. Nhà văn đã lấy cảnh tả tình, đưa loài chim cu gù thành “nhân vật”, thành bạn của người lính đảo. Và khi các cô gái trong đoàn văn công xuất hiện trên đảo, họ đã trở thành những “Cô tiên” được ưu ái những chậu nước ít ỏi hiếm hoi, những tình cảm trân trọng và biết ơn. Tết đảo là một bài ca về sự hy sinh thầm lặng của những trái tim bao chàng trai trẻ lần đầu trải nghiệm cái tết xa nhà, xa quê hương. Họ sẽ dần quen với sóng nước mây trời, với những thiếu thốn trăm bề mà luôn hướng về đất mẹ thân yêu, chắc tay súng bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

Nhà văn Nguyễn Thu Hằng viết: Các truyện ngắn của Lê Ngọc Minh trong Tết đảo thêm một lần nữa cho ta thấy đây thực sự là những truyện ngắn chuyên nghiệp dù Lê Ngọc Minh vẫn xoay quanh khai thác đề tài thường nhật ở nông thôn: Truyện ngắn Cá he đã lên, viết về cô gái xinh đẹp, khát khao yêu thương hạnh phúc gia đình mà không dám giành lấy vì có gò má cao. Truyện ngắn Nữ tính kể về tình yêu say đắm của anh pháo thủ khẩu đội 4 tên là Mạnh, chàng trai gốc Hà Nội (sau thành nhà thơ An Hoạch) với cô giáo dạy văn Cẩm Đài, người dân tộc Mường xứ Thanh nhưng chỉ vì nghi kỵ người yêu hỏi câu ngớ ngẩn: “Anh là thứ mấy của em?” trong lúc đang đắm đuối hôn nhau để rồi sau đó hai người phải xa nhau mãi.

Trong cuộc hội thảo, luận đàm về nhà văn Lê Ngọc Minh còn có các bài viết của các nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học: Cẩm Hương, Đoàn Hữu Nam, Trang Quỳnh, Trần Đức Tĩnh, Đỗ Lệnh Hùng Tú và nhiều ý kiến chúc mừng, gợi mở của bạn văn, bạn đồng nghiệp, những ý kiến, bài viết ấy, không những đánh giá về sự đam mê, vốn kiến thức sâu, rộng về nhiều lĩnh vực của nhà văn Lê Ngọc Minh mà còn ca ngợi tình cảm, lòng chân thành và tình yêu quê hương, bạn bè của nhà văn.

3. Tôi đọc truyện ngắn, thơ Lê Ngọc Minh rất nhiều trên các báo, có nhiều cảm tình với nhà văn trong những chuyến cùng đi thực tế sáng tác, ở các vùng miền với anh. Cái bề ngoài củ mỉ, cù mỳ của anh thật không phản ánh được cái trí tuệ bên trong con người anh, trái tim và khối óc của anh phải được nhìn nhận qua các tác phẩm văn học. Một khối lượng tác phẩm đồ sộ của anh đã khẳng định cây bút còn sung sức, sự cống hiến cho nền văn học nước nhà còn nhiều tiềm lực, cái quý hơn, làm tôi trân trọng anh hơn chính là những tác phẩm, thi phẩm của anh đều có dáng dấp quê nhà Thanh Hóa. Đó là người văn ra đi, trưởng thành, luôn trả nghĩa cho nơi chôn rau cắt rốn của mình. Anh là một trong những nhà văn yêu quý xứ Thanh bằng tác phẩm văn học.

Trần Đàm


Trần Đàm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]